ZingTruyen.Info

Vùng đất vô hình

Làng Me thở ấy

HydrargyrumTrng

  Trở về phủ lộ Bình An khiến Minh Khánh cực kỳ vui sướng. Với những người đa cảm như hắn, chỉ cần ngửi thấy mùi gió, mùi nắng của đất mẹ thôi cũng cảm thấy hạnh phúc rồi. Minh Khánh che mũ đứng chờ đò bên bãi sông vắng. Trời mùa hè như đổ lửa, thỉnh thoảng còn có những cơn hừng hực mang theo cả cát thổi rát mặt.Con sông mùa này cũng cạn nước, lộ ra bãi sông thoai thoải đầy cát mịn.

Ông lái đò sau khi chở một chuyến khách qua sông vẫn vui vẻ quay lại đón một mình Minh Khánh. Cái giọng đặc sệt của ông lái đò làm Minh Khánh thấy thân thuộc thế. Lên đò rồi, hắn vừa vui vẻ trò chuyện với ông lái vừa nhìn ngắm con sông. So với những mùa khác, nước sông đục hơn, thẫm màu hơn. Minh Khánh khẽ khoát tay. Nước sông vẫn lành lạnh. Làn nước cố gắng tràn qua các bãi cạn lộ rõ bên dưới, chầm chậm chảy về phía biển, cuốn trôi theo đám lá tre già khô úa. Con sông làm hắn nhớ tới chuyến đi bắt ma ở làng Me thưở nào.

*************************

Làng Me là một ngôi làng nằm bên sông Lục Bình. Gọi là thế vì mặt sông lúc nào cũng có đôi khóm lục bình, một loài bèo có hoa tím lớn trôi trên sông mà người ta hay vớt về băm nuôi lợn. Chả hiểu sao cái ngôi làng yên bình ấy lại gặp ma. Mà cũng không phải ma trong làng, mà là ma trên cái sông bên cạnh làng. Lạ nữa là con ma dưới nước đó không trừ bất cứ ai. Già trẻ lớn bé những ai qua sông vào ban đêm đều một đi không trở lại.

Sau khi chết hơn chục người, làng Me cũng cố đi khắp vùng để mời những thầy trừ ma cứng cựa nhất đến bắt. Thế nhưng đến khi ba bốn ông thầy cũng ra đi nốt, làng Me mới phát hoảng lên rằng con ma còn cao tay hơn rất nhiều "thầy". Lúc này bọn họ mới bắt đầu tìm hiểu về nghề trừ tà và biết rằng trong tất cả những kẻ mang danh thầy trừ tà ấy, chỉ có ba phái là mang nghề trừ tà chính tông. Đó là phái Phổ Linh trên Hoàng Lĩnh Sơn, gia tộc họ Phạm ở đất Nam Lan và Quang Minh đạo tràng trên núi Bình Tử.

Quang Minh đạo tràng thì ở tận ngoài Bắc quá xa, nên các cụ trong làng Me chỉ đồng ý đi mời phái Phổ Linh hoặc gia tộc họ Phạm đến . Cuối cùng, sau những tranh luận nảy lửa xem bên nào hơn thì mấy nhà giàu sợ chết trong làng góp thêm tiền cho làng đi mời cả hai nơi. Có lẽ vì đất Nam Lan gần hơn mà người nhà họ Phạm đến trước. Khi đến làng Me ông ta một mình xuống sông điều tra suốt cả ngày. Rồi ngay trong đêm hôm sau, ông ta tổ chức bắt ma. Cả làng đèn đuốc sáng trưng theo dõi ông thầy leo lên con thuyền dán đầy bùa chú và đồ cúng, ung dung chèo ra giữa dòng. Mùa nóng nên nước sông cũng cạn, chỉ một lát con thuyền đã chui ra đến giữa giòng. Ông thầy lúc này bỏ chèo chui vào trong khoang. Kỳ lạ thay, chỉ trong chốc lát con thuyền bỗng xoay tròn trên sông. Rồi mọi người mới nhận ra dưới chân con thuyền đã hiện ra một xoáy nước khổng lồ tự bao giờ. Càng đáng kinh ngạc khi con thuyền vẫn chỉ xoay tròn bên trên xoáy nước to như cái ao đó mà không chìm. Rồi những bùa chú trên thuyền bắt đầu bóc ra và rơi lả tả. Có người làng Me còn khẳng định họ thậm chí nghe thấy tiếng hò hét và gươm đao chạm nhau trên thuyền.

Cứ thế suốt nửa canh giờ, cái xoáy nước bắt đầu bé lại, vòng xoáy cũng yếu dần, rồi biến mất. Con thuyền cũng dừng xoay. Mọi người thấy ông thầy họ Phạm chui ra khỏi khoang thuyền liền hoan hô. "Thầy cứu cả làng rồi" Nào ngờ, vừa hoan hô chưa được bao lâu thì cả con thuyền đột nhiên lật úp, hất luôn ông thầy xuống nước. Vì giữa đêm nên chả ai dám bơi ra cứu thầy. Mãi tới khi mặt trời lên vào sáng hôm sau, mọi người mới dám chèo thuyền ra sông đi mò. Đến gần chiều, có người tìm thấy xác thầy mắc vào một cái rễ cây bên sông cách làng khoảng hai dặm. Mang thầy về, ai cũng bịt mũi vì cái xác đã thối rữa như đã chết từ tháng trước.

Minh Khánh và sư phụ đến làng Me vào buổi trưa, lúc đấy dân làng đang tập trung ma chay cho thầy họ Phạm. Dẫu gì thì thầy cũng đã chiến đấu hết mình cho làng nên mọi người đều biết ơn. Minh Khánh và sư phụ được mọi người trong làng dẫn vào ăn cơm, nghỉ ngơi. Đến đầu giờ chiều thì một cụ già mới gặp hai người, bắt đầu kể đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, sư phụ Lê Văn Sơn bắt đầu suy nghĩ rồi xin cụ già gặp ông Tư Thồn, người đầu tiên và cũng là người duy nhất đã thấy con ma mà còn sống trong làng.

Ông cụ đồng ý, sai cháu dẫn hai người ra đầu làng. Nhà ông Tư Thồn nằm gần bến sông. Vừa bước tới cửa, Minh Khánh đã ngửi thấy mùi hương. Ấn tượng đầu tiên của hắn là nhà ông Tư Thồn cũng không giàu có gì nhưng thắp rất nhiều hương. Trong nhà ông phải có đến năm sáu lọ hương, lúc nào cũng khói nghi ngút. Lúc này mọi người đi làm đồng hoặc ra chỗ đám ma thầy họ Phạm hết, chỉ có mỗi ông Tư Thồn đang ngồi tụng kinh trên giường.

Gọi là đọc thì đúng hơn là tụng vì ông vừa nhìn sách vừa tụng, giọng còn ngắc ngứ chưa thuộc. Chắc ông vừa mới học đoạn kinh này không lâu. Thằng bé dẫn đường có vẻ vội, định lên gọi ông Tư Thồn báo có thầy đến nhưng bị sư phụ Lê Văn Sơn nắm tay kéo lại, ra hiệu không nên làm phiền. Ba người chờ đến lúc ông Tư Thồn đọc hết đoạn kinh thì mới tiến lên. Sư phụ Lê Văn Sơn chào ông: "Chào bác, bần đạo là thầy trừ tà trên chùa Phổ Linh. Hôm nay đến nghe chuyện làng, thấy mọi người bảo bác là người duy nhất gặp con ma, bần đạo mới xin gặp bác để hỏi chuyện."

Ông Tư Thồn cúi lạy: "Dạ chào đạo trưởng, xin mời ngài ngồi để tôi đi rót nước."

Sư phụ cười, nắm lấy tay ông, nói một cách rất thân thiết: "Không cần đâu, cơm nước bần đạo đã ăn uống no nê cả rồi. Giờ chỉ xin ông hãy thuật lại việc gặp ma đêm đó thật kỹ càng cho bần đạo có được không?"

Ông Tư Thồn đồng ý, bắt đầu ngồi nhớ lại. Giọng ông kể cứ như là từ một cõi xa xăm nào đó khiến Minh Khánh thấy rùng mình.

Đêm hôm ấy chiếc đồ ngang của ông lão Tư Thồn vẫn cố gắng chở khách qua sông. Ông đang gom tiền mua một mảnh ruộng, cho con có đất cắm dùi, không phải lận đận trên sông nước như ông. Tối nay, chỉ có bốn vị khách nhỡ đường, muốn đến làng Me trước giờ Hợi. Ông Tư Thồn năm nay đã gần năm mươi nhưng mắt mũi còn tinh lắm. Ông nhìn rõ khuôn mặt từng người khách dù chỉ bằng ánh đèn leo lét treo trên hông thuyền. Một bà đi chùa tuổi sồn sồn, bôi son trát phấn khá dày. Một cậu trai trẻ cắp tráp đi theo giống người hầu. Một người đàn ông có vẻ là sai dịch, mặc quần áo của nha môn, cái cằm lúc nào cũng hất lên, đầy vẻ khệnh khạng. Cuối cùng là một chàng thanh niên trẻ tuổi mặc đạo bào màu xám, lưng còn đeo kiếm gỗ. Cả bốn người đều có vẻ mệt mỏi, dựa lưng vào thuyền ngủ thiếp đi.

Lúc thuyền ra đến giữa sông thì ông Tư Thồn bỗng ngửi thấy một mùi ngai ngái hơi khó chịu, lại quen thuộc với ông. Ông Tư nghĩ mãi không ra đó là gì. Ông cố vươn cổ ra giữa trời hít một hơi, hi vọng không khí trong lành buổi đêm xua đi mùi khó chịu. Chỉ có điều khắp nơi tràn ngập cái mùi ngai ngái đó. Ông Tư nhìn vào trong khoang thuyền, nhìn xem có vị khách nào mang theo đồ vật thối rữa không?

Ông Tư bước vào khoang thuyền. Năm người vẫn ngủ say như chết. Cái mùi ngai ngái đó càng đậm đặc. Ông Tư định đánh thức bọn họ dậy để hỏi xem. Từ từ đã nào, từ lúc nào mà lại có thêm một người. Ông Tư nhớ lúc lên thuyền chỉ có bốn người khách thôi.

Ông Tư nhìn vào vị khách thứ năm. Không rõ y lên thuyền lúc nào. Người y ướt sũng như bị rơi vào nước, bụng phềnh như cái trống. Da thịt y bong tróc ra từng mảng lớn.

Y bỗng mở mắt nhìn ông Tư một cái, nhe một hàm răng chỉ còn răng và xương cười với ông. Ông Tư ớn lạnh trong người, sợ hãi kêu lên một tiếng. Y liền biến mất.

Tiếng kêu của ông Tư làm ba người khách tỉnh dậy, nhốn nháo hỏi ông chuyện gì. Ông Tư kể lại, bọn họ cũng đều sợ hãi mong ông mau chèo thuyền khỏi đây. Nhưng ông vừa cầm lấy mái chèo thì bà sồn sồn hét lên sợ hãi, ôm chầm lấy cậu trai trẻ. Ông Tư bước vào, thấy đạo sĩ mang kiếm đã chết tự bao giờ, cả người y ướt sũng nước như vừa ở dưới sông lên. Ông Tư sợ quá, vội vã chèo thuyền vào bến. Nhưng còn cách bến ba mươi thước thì cậu trai trẻ lại kêu lên. Ông Tư nhìn thấy cậu đẩy bà sồn sồn ra, bà ta cũng ướt sũng nước, có vẻ không còn thở nữa.

Cậu trai trẻ và gã sai dịch vừa bò ra khoang thuyền vừa hoảng hốt kêu cứu mạng. Ông Tư chèo càng nhanh, thuyền cập bến, hai người khách nhảy vội lên. Nhưng hai cánh tay trắng hếu từ dưới sông vươn ra, túm lấy chân bọn họ kéo ngược trở lại trong sông. Ông Tư mặc kệ tiếng kêu la của bọn họ, cắm đầu chạy thục mạng. Ngày hôm sau lúc ông trở ra thì con thuyền vẫn còn nguyên. Ông liền kéo thuyền về nhà, rồi đi thông báo với lý trưởng. Lúc đầu lý trưởng không tin ông, thậm chí biết ông không chèo đò nữa còn mua rẻ lại chiếc đò cũ. Bán chiếc đò rồi, ông Tư về nhà ốm một trận nặng tưởng chết. Thế nhưng mấy ngày hôm sau, khi tỉnh dậy ông nghe đồn lại có người bị ma bắt. Lần này đến người chèo đò là cháu họ xa nhà lý trưởng cũng không may mắn được như ông.  

  Hồi đó Minh Khánh còn bé lắm, mới học bắt ma được hơn một năm thôi. Nghe chuyện của ông Tư Thồn, Minh Khánh đâm ra sợ. Hắn nép hẳn vào bên người sư phụ. Bên cạnh Minh Khánh, mặt thằng bé dẫn đường đã xanh mét như tàu lá chuối, xem chừng sắp tè ra quần đến nơi. Thấy cu cậu sợ run lên, sư phụ Văn Sơn cho thằng bé một đồng tiền, bảo nó đi về. Rồi ông mở tay nải, lấy giấy bút ra. Minh Khánh liền xung phong mài mực.

Mực là một trong bốn bảo bối của văn phòng, gọi là "văn phòng tứ bảo" bao gồm mực giấy, bút, nghiên. Bốn thứ này khá đắt giá vì nó là công cụ để học tập, truyền đạt và thi cử của tầng lớp "có học", từ những ông đồ đến quan tể tướng. Mực có hai loại, mực thỏi và mực nước. Thường thì ở nhà, sư phụ thường dùng mực nước sau đó mới mài một ít mực thỏi để tăng độ sánh thôi. Thế nhưng đi xa thì ông thường mang nguyên cả thỏi. Viên mực này hẳn là vị quan nào biếu ông, lúc Minh Khánh mài còn ngửi thấy hương thơm. Giống như các nhà Nho, bút mực giấy cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thầy trừ tà. Đơn giản bởi vì đó là một công cụ tiện lợi để luyện vẽ bùa. Không ai mới bắt đầu học vẽ bùa đã dùng kim sa và giấy vàng cả.

Như Minh Khánh , để vẽ được cái bùa đầu tiên đã phải học viết chữ, vẽ tranh ròng rã ba năm. Đó là khoảng thời gian khổ cực nhất trong cuộc đời đi bắt ma của hắn. Sau này sư phụ mới giải thích rằng đó là để rèn luyện tâm tính và khiếu thẩm mỹ cho thầy trừ tà trước khi vẽ bùa. So với những người tu đạo khác, việc vẽ bùa chưa bao giờ là chuyện đơn giản với thầy trừ tà. Đơn giản bởi lẽ đó là vũ khí của thầy trừ tà để chiến đấu và bảo vệ mạng sống. Với người khác, vẽ bùa có thể lỡ vẽ xiên xẹo một nét, uy lực giảm đi một hai thành vẫn không sao. Còn với thầy trừ tà, một hai thành uy lực thiếu đi đó có thể biến lá bùa đó thành lá bùa đòi mạng . Giống như binh sĩ lên chiến trường, gươm đao phải sắc bén, lá bùa của thầy trừ ta luôn phải phát huy đầy đủ một trăm phần công lực. Đó là do kinh nghiệm của xương và máu trong suốt cuộc chiến đấu dai dẳng hàng trăm năm trước truyền lại và hun đúc thành.

Thế nhưng hôm đó, Minh Khánh biết sư phụ Lê Văn Sơn chắc là không định vẽ bùa. Bởi vì hắn thấy ông dùng giấy Tuyên "thục chỉ". Giấy Tuyên có hai loại. Loại "sinh chỉ" là giấy sống, chưa nhúng phèn, chuyên dùng trong thư pháp. Loại "thục chỉ" là giấy đã nhúng phèn, dùng trong hội họa. Sư phụ bắt đầu yêu cầu ông Tư Thồn nhớ lại con ma, cố gắng miêu tả hình dạng của nó để sư phụ vẽ lên giấy. Từ ánh mắt, đến cái miệng cười của nó, tất cả đều được sư phụ vẽ thật sống động. Sau hơn chục tờ giấy vứt đi vì ông Tư Thồn bảo không giống, cuối cùng sư phụ cũng vẽ được một bức mà được ông Tư gật đầu.

Trong khi sư vụ yên lặng ngắm bức tranh, Minh Khánh cũng giả đò nhìn theo, mặc dù hắn cũng không hiểu sư phụ làm thế có mục đích gì. Sau nửa canh giờ, hai thầy trò chào từ biệt ông Tư để đi bắt ma. Trước khi đi, sư phụ Lê Văn Sơn có nói với ông Tư rằng trong chuyến đò hôm ấy, ông Tư đã lây dính khí âm của con ma nên có thể mở ra Âm nhãn. Hiện tại nếu ông muốn làm thầy trừ tà thì có thể đi lên núi Hoàng Lĩnh hoặc sang đất Nam Lan để học cách bắt ma. Rồi sư phụ cho ông Tư Thồn một lá bùa để phòng thân vì những người có dính khí âm như ông hay bị ma làm hại. Ông Tư cảm ơn sư phụ rối rít, lễ phép tiễn thầy trò ra khỏi nhà.

Sau khi gặp ông Tư rồi, Minh Khánh tưởng sư phụ Lê Văn Sơn sẽ dẫn hắn ra bờ sông xem con ma, thế nhưng ông lại đi ngược vào trong làng. Minh Khánh thấy sư phụ hỏi nhà lý trưởng. Lý trưởng chắc mới ở đám tang thầy họ Phạm về, hơi thở vẫn còn mùi rượu nồng nặc. Sư phụ đưa bức vẽ con ma cho lý trưởng, nhờ hắn lên huyện xã xem trong vùng có ai mất tích mà mặt mũi giống thế này không. Lý trưởng thấy hình vẽ con ma thì sợ lắm, không dám cầm, chỉ sai một đứa cháu cầm rồi cùng đi lên huyện. Hai thầy trò ở nhà lý trưởng. Nhà y rộng và thoáng mát lắm. Từ nhà ra sân đều lát gạch đỏ sạch sẽ. Mới chiều tối, bà lý đã vội mổ gà làm cơm chiêu đãi hai thầy trò. Minh Khánh được nguyên cái đùi gà to thơm phưc phức. Thịt gà săn, càng nhai càng thấy thơm chấm với muối tiêu lá chanh thì ngon quên trời đất. Ngoài ra Minh Khánh còn nhớ món đậu xào lòng mề. Chắc là xào bằng mỡ gà hay sao mà thơm thế. Đậu đũa giòn giòn, mề gà sật sật, gan gà béo béo làm hắn say mê. Hôm đấy mình Minh Khánh chén hết bốn bát cơm, bằng hai bữa bình thường.

Ăn xong hai thầy trò ngồi uống nước trên cái chõng trong vườn. Gió từ vườn thổi mát quá, lại còn mùi hoa bưởi dịu dịu làm Minh Khánh ngủ thiếp đi. Đến gần đêm thì sư phụ Lê Văn Sơn đánh thức Minh Khánh dậy. Hóa ra là lý trưởng đã về. Lý trưởng cầm cái quạt mo quạt lấy quạt để vừa kể chuyện lên huyện. Mặc dù rất dong dài, nhưng Minh Khánh cũng hiểu được rằng huyện nha cho rằng không có ai phù hợp với hình ảnh mà sư phụ đã vẽ. Sư phụ Lê Văn Sơn cười, khách khách khí khí cảm tạ lý trưởng đã giúp đỡ. Lý trưởng có vẻ hài lòng, vui vẻ sai người dọn cơm ra rồi mời hai thầy trò cùng ngồi mâm. Thì ra từ chiều đến giờ y vẫn chưa ăn. Minh Khánh đến lúc này cũng hơi đoi đói rồi, lại muốn ngồi xuống nhưng sư phụ từ chối lời mời của lý trưởng. Ông bảo phải ra sông xem.

Thế là lý trưởng sai người cho hai thầy trò mỗi người một cái đuốc to, đủ cháy cả hai đêm rồi tiễn hai thầy trò. Minh Khánh và sư phụ đi dọc con đường làng ra sông. Đêm cuối tháng tối lắm. Mặc dù có đuốc nhưng Minh Khánh vấp liên tục. Gió cứ thổi liên tục làm cây đuốc của Minh Khánh cứ bập bùng bập bùng. Ra đến bên sông, Minh Khánh vừa đi vừa nhìn xung quanh, lúc đấy hắn vẫn chưa có âm nhãn nên cảm thấy con ma có thể ở bất kỳ đâu. Đột nhiên hắn húc đầu vào lưng sư phụ. Thì ra ông dừng lại mà hắn chẳng biết. Cơn đau ở sống mũi khiến hắn chực khóc. Sư phụ vội lấy tay xoa xoa cho Minh Khánh rồi đỡ hắn ngồi xuống bãi cỏ. Một mình ông bước xuống gần mép sông. Minh Khánh thấy ông bắt đầu mở ra âm nhãn. Trên mặt sông âm khí bắt đầu tụ lại nhưng con ma vẫn không hiện hình. Gió bắt đầu thổi ào ạt. Sương lạnh bắt đầu lan tràn làm Minh Khánh thấy lạnh. Hắn rùng mình nhìn xung quanh. Gió thổi cỏ lay đều khiến hắn giật mình thon thót.

Đột nhiên một cái gì đó chạy qua phía sau làm Minh Khánh ngoảnh lại. Đó là cả một khoảng không thênh thang cùng với con đường vào làng vừa tối vừa sâu hun hút. Nhìn kỹ một lúc Minh Khánh thở phào tiếp tục quan sát sư phụ. Hắn cảm thấy lúc này âm khí trên sông đã mở rộng ra, tạo thành một cái vòng xoáy ngay trên mặt sông. Lúc này trong lòng Minh Khánh chia làm hai nửa, một bên vừa hi vọng con ma hiện ra cho sư phụ bắt, một bên lại mong nó đừng chui ra.

Phía sau Minh Khánh lại có cái gì đó chạy qua làm hắn giật thót. Lần này Minh Khánh cảm thấy mình không nghe lầm. Hắn đứng dậy giơ cao cây đuốc lên, thò b àn tay nhỏ mũm mĩm móc một lá bùa mà sư phụ cho từ trong ngực ra, run run tiến về phía có tiếng động hồi nãy. Lúc này hắn vẫn chưa thuộc nổi Tịnh Tâm chú chả biết đọc gì, chỉ lẩm bẩm: "Đừng bắt ta, đừng bắt ta" cho đỡ sợ. Sương càng lúc càng dày đặc. Chỉ vài bước chân thôi mà sao Minh Khánh thấy vừa mệt mỏi vừa lạnh run đến thế.

Lại có tiếng sột soạt, lần này không phải ở chỗ cũ mà bên trái hắn tầm ba thước. Minh Khánh lập tức quay người về phía đó, giơ đuốc lên soi. Vẫn không có cái gì cả. Minh Khánh thở phào nhẹ nhõm. Hắn không muốn đối mặt với con ma bây giờ đâu. "Hẹn mày hôm nào tao học xong phép bắt mày đã nhé ma!" Hắn tự nhủ trong lòng như thế. Đột nhiên từ phía sau có một bàn tay nắm lấy vai hắn. Minh Khánh sợ quá thét lên "Á...Á ...Á..."  

  Minh Khánh cố giẫy dụa, vùng vẫy bằng tất cả sức lực mà mình có. Hắn vung cả hai tay, cố nắm chặt lấy lấy bàn tay trên vai, rồi giằng ra thật mạnh. Bàn tay đó sao mà thô ráp, lại cứng cáp như rễ cây cổ thụ. Vì dùng lực quá mạnh, Minh Khánh ngã ngửa ra đất. Đột nhiên, ánh mặt trời chói chang hiện lên làm tất cả như tan biến. Minh Khánh vừa thở hồng hộc, vừa che đôi mắt khỏi bị ánh nắng rọi vào. Mồ hôi trên người hắn vã ra như tắm, từng giọt từng giọt từ trên trán chảy vào mắt cay xè, làm bóng người trước mặt cứ mờ mờ ảo ảo. Người đó xoa xoa tay trước mặt hắn làm hắn càng không thể nhận ra là ai.

Mãi đến khi người đó đỡ Minh Khánh vào dưới một gốc cây, Minh Khánh mới nhận ra là ông lái đò. Ông lái đò vừa lấy cái khăn vừa tẩm nước sông lên còn lành lạnh trùm lên trán cho Minh Khánh vừa than thở: "Tôi đã bảo rồi. Cậu đừng ngồi một chỗ dưới trời nắng như thế dễ bị cảm lắm. Thế mà cậu lại cứ ngồi ỳ ra, lại còn hò hét như đang mơ ngủ nữa." Minh Khánh khẽ nhếch đôi môi khô nẻ, mỉm cười nhận lỗi với ông. Đầu hắn bắt đầu lên cơn sốt. Mắt hắn vẫn còn hoa, hơi thở cứ như được hơ qua lửa, nóng hừng hực. Ông lái đò bảo Minh Khánh ngồi nghỉ một lúc rồi chạy đi đâu đó.

Minh Khánh ngồi dưới gốc cây, nhắm mắt lại. Cơn đau đớn bắt đầu bùng lên hai bên thái dương khiến Minh Khánh biết hắn bị bệnh thật rồi. Theo kinh nghiệm từ ngày xưa, bình thường người tu đạo rất ít khi bị bệnh tật. Bởi vì người tu đạo, bất kể là thầy trừ tà, thầy phong thủy, hay luyện trường sinh ... đều phải rèn luyện cơ thể. Tùy theo từng môn phái, từng hệ thống truyền thừa mà bọn họ có thể có cách tập luyện khác nhau, Sau một thời gian rèn đúc cơ thể, những thứ bệnh tật ốm đau thông thường rất khó xâm nhập. Ngoài ra, việc thường xuyên tiếp xúc với các lực lượng siêu nhiên khiến cơ thể người tu đạo trở nên có sức kháng cự rất mạnh với dị vật từ bên ngoài.

Người tu đạo chỉ bị bệnh khi bọn họ tiêu hao quá nhiều sinh mệnh, hoặc khi có một thứ gì đó "bẩn thỉu" xâm nhập khiến cơ thể bọn họ bị suy yếu khả năng tự bảo vệ. Minh Khánh nghĩ ngay đến khả năng hắn đã "bị" từ lúc ở trong chùa Khánh Lương. Vì thế trên đường trở về, hắn đã cảm thấy sự khó chịu nơi cơ thể và đến đây thì đổ bệnh. Minh Khánh cũng không hoảng hốt. Hắn cũng đã có khá nhiều kinh nghiệm với trường hợp như thế. Chỉ cần người bệnh an dưỡng một thời gian, không đánh đấm, không tiêu hao sinh mệnh thì sẽ tự khỏi. Minh Khánh duỗi người, dựa lưng vào cái cây.

Có tiếng bước chân vọng lại. Ông lái đò đã trở về, trên tay cầm một cái gáo dừa. Nhận lấy gáo nước mát từ tay người lái đò tốt bụng, Minh Khánh lễ phép cảm ơn ông, đưa gáo nước lên uống từng ngụm nhỏ. Hắn cảm thấy đỡ đỡ hơn nhiều.

Hắn gửi ông lái đò một khoản tiền nhưng ông cứ từ chối, chỉ nhận bằng đúng giá tiền chở khách hàng ngày. Minh Khánh đành cảm ơn người lái đò tốt bụng, rồi lảo đảo đi vào làng. Minh Khánh kiếm được một nhà cho ở trọ. Giá cũng rẻ. Trong nhà chỉ có hai ông bà lớn tuổi ở với vợ chồng đứa con trai út mới cưới. Ông bà đưa Minh Khánh vào một căn nhà đang xây dở phía sau hồi, dưới gốc cây mít. Chắc là xây cho đứa con ra ở riêng. Nơi này chỉ còn thiếu mỗi gian bếp, cửa chính cửa sổ đều đã lắp cẩn thận. Minh Khánh gửi tiền cọc cho chủ nhà xong liền nằm vật ra giường. Sự mệt mỏi và cơn sốt làm mắt hắn cứ ríu lại.

Mãi đến gần nửa đêm Minh Khánh mới tỉnh dậy. Bát cháo hành tía tô nhờ nhà chủ nấu giờ đã nguội ngắt. Hắn vẫn cố gắng với tay lấy bát, húp mấy miếng. Cổ họng hắn trở nên đau và sưng, khiến hắn cứ phải rướn cổ lên mỗi khi nuốt xuống. Húp hết bát cháo, uống ngụm nước trong ống tre mà chủ nhà treo bên vách tường, Minh Khánh lại nằm xuống, bắt đầu lịm đi. Bóng tối, tiếng lá xào xạc bên cửa sổ và những cơn gió nóng hừng hực lại đưa hắn về những ký ức năm nào.

********************* Bờ sông làng Me vẫn tối mịt. Minh Khánh lẽo đẽo theo sư phụ đi về. Lúc nãy, sư phụ nắm vào vai làm hắn sợ đến đứng tim. Con đường vào làng vẫn sâu hun hút. Thỉnh thoảng lại có tiếng chó nhà ai sủa gâu gâu khi Minh Khánh và sư phụ đi qua. Hai người quay trở lại nhà lý trưởng để ngủ đêm. Sáng hôm sau, sư phụ đánh thức Minh Khánh dậy sớm lắm. Hai người ăn tạm ít xôi rồi lên đường. Lần này, sư phụ dẫn hắn đi ngược con sông về phía thượng nguồn.

Hai người đầu tiên là đi xe ngựa, sau đó đổi sang đi thuyền, cuối cùng là đi bộ hai ngày, mới tới được đầu nguồn của con sông. Đó là một cái hồ nước rộng mênh mông tên là hồ Kinh Dạ. Mặt hồ phẳng lặng, nước trong veo. Thế nhưng lạ lùng nhất là quanh hồ không hề có lấy một cái làng nào. Sư phụ dường như cũng biết rõ vùng này, dẫn hắn đi ngược khỏi hồ về phía Tây mười dặm. Nơi đó có một cái thôn nho nhỏ.

Hai người vào ở tạm trong nhà một người thợ săn trẻ tuổi tên Miên. Chú Miên có vẻ quen với sư phụ. Đêm đó chú đãi hai người món thịt gà rừng nướng mà chú săn vừa được. Con gà được chú làm long rồi mổ cẩn thận. Chú moi hết bên trong ra rồi bắt đầu nhét một đống rau thơm vào. Sau đó chú trộn một ít bột hạt mắc khén, ớt nướng, củ sả băm nhỏ, hạt dổi nướng giã ra thành một đống, rồi bắt đầu bôi bôi trét trét lên con gà. Sau đó chú xiên con gà qua một khúc giang non còn tươi. Sau đó chú gác con gà trên bếp lửa, rồi xoay đều cho gà chín. Trong lúc chờ đồ ăn, sư phụ và chú Miên chuyện trò rất rôm rả. Minh Khánh chỉ chăm chăm vào con gà thơm phưc phức trên bếp lửa. Mỗi khi nhìn mỡ béo trong con gà xèo xèo, nước dãi lại trều ra bên mép.

Gà chín rồi, chú Miên bắt đầu trút ra lá chuối. Thấy Minh Khánh nhỏ cả nước dãi vì thèm, chú bật cười, cầm con dao chặt luôn một miếng đùi to. đưa cho hắn. Gà vừa mới trên bếp xuống nên còn nóng, Minh Khánh vừa cầm xuýt xoa, vừa đổi tay liên tục. Khi gà hơi nguội, hắn đưa lên miệng, cắn một miếng. Trời ơi, sao mà ngon thế. Da gà săn lại, nhai giòn giòn. Thịt gà vàng rộm ở bên ngoài và ngọt mềm ở bên trong, thơm ngậy mùi của hạt mắc khén, của sả. Thịt gà rất chắc, từng thớ thịt trắng phau, ăn đến đâu biết đến đấy.

Chú Miên và sư phụ không vội vàng ăn như Minh Khánh. Chú Miên thì lấy trong chiếc gùi đi rừng ra một lá ghém. Thứ lá này hơi chát, ăn vào lại có vị ngòn ngọt thơm thơm nơi cổ họng. Sư phụ thì lôi đâu ra một bầu rượu gạo. Hai người bắt đầu chén tạc chén thù đến tận khuya. Đêm trong thôn tĩnh lặng vô cùng. Minh Khánh chén đẫy bụng liền leo lên giường đánh một giấc tới tận sáng.

Sáng hôm sau, hai người lớn dậy rất sớm, bắt đầu chuẩn bị đồ đạc. Chú Miên không biết mượn đâu được một chiếc xe trâu to. Sau đó chú bắt đầu chất đồ lên xe, bao gồm một con thuyền cùng với đó là ít gạo rang, thịt gác bếp, một ít hương để đuổi muỗi. Sư phụ cũng mua đâu trong làng được một tấm chăn, một cái màn vải, và một số đồ cúng. Sau đó ba người đánh xe ra hồ.

Minh Khánh lại một lần nữa gặp lại làn nước mênh mang của hồ Kinh Dạ. Chú Miên và sư phụ bắt đầu vác thuyền xuống nước, chất đồ lên. Rồi không biết chú kiếm đâu được hai khúc tre dài, một cái chú cầm, một cái sư phụ cầm, hai người bắt đầu chèo ra giữa hồ. Trên đường đi, chú Miên giải thích cho Minh Khánh tại sao hồ này lại mang cái tên Kinh Dạ.

Đó là từ thời rất lâu rồi khi con người mới về đây làm ăn khai phá. Cuộc sống ban đầu khá vất vả nhưng vì trong hồ có nhiều cá, xung quanh lại có nhiều sản vật, đất đai cũng phì nhiêu nên chỉ vài chục năm, xung quanh hồ bắt đầu trở nên nhộn nhịp. Thời đỉnh cao ven hồ có không dưới mười làng, thậm chí còn có một bến tàu bằng đá. Cuộc sống sung túc trong vùng đưa tới không ít người từ phương xa, có thương nhân, có quan phủ, có người chạy nạn và cả người tu đạo. Cuộc sống trong vùng trở nên ồn ào náo nhiệt hơn. Đáng lẽ cuộc sống ở hồ Kinh Dạ sẽ tiếp tục giàu có và yên bình nếu như không có thêm một đám người xa lạ. Đó là một đám tù vượt ngục từ phủ Thanh Đô trốn vào.

Người cầm đầu là một tên cướp có biệt hiệu Thủy Quỷ. Y là một tên cướp cực kỳ tàn độc và gian ác. Y từng cùng đàn em tổ chức hơn một trăm vụ cướp, không vụ nào không có người chết. Sở thích của y là bỏ người sống vào trong lồng rồi dìm nước. Chờ người sống dở chết dở y lại lôi lên, rồi lại dìm. Nghe đồn khi còn bé y từng bị mẹ kế dìm nước sống đi chết lại, nhưng vì trên người không có một vết thương nên chả ai tin y bị hành hạ. Lớn lên y học được một thân võ nghệ quay về trả thù thì mẹ kế đã chết từ lúc nào rồi. Thế là y mang cái tâm trạng thù đời, thù người ấy đi trả cho thiên hạ.

Thủy Quỷ từng tung hoành khắp một vùng trấn Thanh Đô. Quan phủ từng nhiều lần lùng bắt y nhưng không thành bởi y bơi lội quá giỏi. Y thường chọn chỗ ngủ là ở trên thuyền hoặc nơi nào đó bên cạnh song hồ. Có động là y nhảy ngay xuống nước. Sự táo tợn và xảo quyệt của y chỉ kết thúc khi y vô tình nhúng nước "em gái" của một cao thủ luyện võ trên núi Tiều. Đau lòng trước cái chết của em gái, người này đã hợp tác với quan phủ truy lùng y và đồng bọn suốt một năm, thêm nữa không tiếc tiền thu mua tin tức của y trên giang hồ. Vì có chỉ điểm rõ ràng, có thêm cao thủ hợp tác, quan phủ lại huy động mấy ngàn lính thủy bộ vây quét, Thủy Quỷ và đồng bọn đành phải sa lưới. Riêng Thủy Quỷ mặc dù nấp dưới hồ mấy ngày trời, nhưng vừa bò lên bờ kiếm ăn đã bị một đám cao thủ vây lại. Bụng đói, lại mệt mỏi, y đành đầu hàng.

Thế nhưng có vẻ như được ông trời ưu ái, Thủy Quỷ và đồng bọn không bị bêu đầu ngay ở Thanh Đô do thượng thư bộ Hình muốn mang hắn về kinh thành xét xử. Trên đường ra kinh thành, đoàn áp giải Thủy Quỷ gặp phải lốc xoáy giữa đêm. Mười thuyền có đến bảy cái bị đắm trên sông. Nhờ khả năng của mình, y không những phá được cửa trốn thoát mà còn giải cứu không ít đàn em. Thế rồi y mang tám tên còn sống sót trốn đi. Trở về quê cũ, chán cuộc sống trộm cướp, y đào hết tiền của phi nghĩa chôn dưới đất rồi bỏ xứ mà đi. Lần này y rời trấn Thanh Đô tiến vào phủ lộ Bình An.

Vào đến nơi này, Thủy Quỷ và bọn đàn em dựa vào tiền bạc dư dả liền thay tên đổi họ, mua đất mua ruộng, cưới vợ sinh con. Vì không để ai phát hiện, bọn họ tạo thành một cái làng nho nhỏ ven hồ. Người dân trong vùng cũng nhiệt tình đối đãi những người mới tới trông có vẻ hung dữ, thực ra lại tốt bụng và hào phóng này. Thời gian cứ thế âm thầm trôi, cho đến một ngày Thủy Quỷ phát hiện ra hòn đảo nhỏ giữa hồ trong một lần đi đánh cá. Đó là một cái hòn đảo lạnh thấu xương, xung quanh mờ mịt sương mù.

Trở về từ hòn đảo đó, Thủy Quỷ như người mất hồn. Hôm sau khi hắn tỉnh lại thì hắn đã dìm chêt vợ và đứa con trai của hắn. Một phần vì không hiểu, một phần vì đau đớn và sợ hãi người phát hiện. Thủy Quỷ gói xác vợ con vào trong một cái túi lớn rồi mang lên đảo. Chôn vợ con rồi y khóc mãi tới tận trời tối mới trở về. Đêm hôm đó Thủy Quỷ lại như người mất hồn. Hôm sau khi hắn tỉnh dậy mới phát hiện mình đã ở trong nhà hàng xóm. Cả nhà đàn em hắn đều bị hắn lôi ra lu nước dìm chết. Thủy Quỷ sợ hãi vô cùng. Hắn vội trốn về nhà. Thế nhưng trong cái xóm nhỏ này, trừ khi làm việc gì mà giấu kín trong nhà, còn không làm sao có thể không bị phát hiện. Có người nhìn thấy hắn đi ra, có người phát hiện án mạng, thế là cả xóm vác dao tới nhà tìm hắn.

Trong cơn cùng quẫn, Thủy Quỷ lại nhảy xuống hồ bỏ trốn. Y cướp được một chiếc thuyền rồi bơi ra hòn đảo giữa hồ. Thế nhưng có người nhìn thấy y. Thế là cả xóm lại cùng bơi thuyền ra đảo tìm tên sát nhân. Một cuộc chiến đẫm máu xảy ra giữa những người từng là huynh đệ. Thủy Quỷ bị bắt được và bị đàn em phanh thây. Nhưng trước đó, y cũng kịp phá hết thuyền bè trên đảo. Đám đàn em của y đành ở lại trên đảo qua đêm. Nhưng sáng hôm sau, khi mọi người tìm tới nơi thì tất cả đều chết hết.  

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info