ZingTruyen.Info

TRUNG QUỐC XA XƯA

SỰ THẬT VỀ CUNG NỮ ĐƯỜNG TRIỀU.

riri_pipi

Tục ngữ có câu "Hậu cung phấn đại tam thiên" (ý nói trong cung có tới ba nghìn cung tần mỹ nữ). Nhưng trên thực tế, lượng cung nữ của một số triều đại thậm chí còn vượt xa con số này.

Theo các tài liệu lịch sử, vào thời Đường Thái Tông, cung nữ trong hậu cung lên tới hàng vạn. Đến khi Đường Huyền Tông tại vị, tầng lớp này còn chạm mốc 6 vạn người.

Dựa vào sự bất đồng về địa vị, ta có thể phân chia cung nữ Đường triều thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những nữ quan có phẩm cấp. Nhóm còn lại chiếm đại đa số trong hậu cung, phần lớn bao gồm các cung nữ thông thường.

Dưới triều nhà Đường, nữ quan được gọi là "cung quan". Bên cạnh Hoàng hậu và các phi tần, những người này cũng thuộc tầng lớp cao cấp trong hậu cung, đứng trên hàng ngàn hàng vạn cung nữ khác. Với số lượng cung nữ khổng lồ như vậy, để duy trì được cung quy, tầng lớp cai trị đặt ra hệ thống luật lệ nghiêm ngặt và chặt chẽ về thứ bậc. Phẩm cấp của hậu cung được gọi là "hậu đình", mô phỏng theo "Tiền đình" (phẩm cấp của quan viên trên triều).

Theo đó, hậu cung có 9 cấp bậc từ nhất phẩm cho tới cửu phẩm. Trong số này, địa vị từ nhất phẩm đến ngũ phẩm hầu hết là các phi tần của Hoàng đế. Một số nữ quan có phẩm giá và lai lịch đặc biệt sẽ được phong lên hàng ngũ phẩm, lục phẩm cho tới cửu phẩm.

Số còn lại là những cung nữ thông thường, không có phẩm cấp. Những người này sau khi qua đời, bia mộ không được phép khắc danh tính. Bởi vậy, cuộc đời của họ càng được ít người biết đến.

Đẳng cấp trong hậu cung thường đi liền với xuất thân. Cách thức nhập cung của cung nữ sẽ quyết định địa vị của họ sau này. Tầng lớp cung nữ phần lớn đều phải trải qua tuyển chọn để được tiến cung. Theo đó, những người đức hạnh, tài hoa, xuất thân đàng hoàng sẽ có cơ hội được phong làm nữ quan.

Bên cạnh đó, có một bộ phận những cung nữ bị ép phải nhập cung do phạm tội hoặc có người nhà, gia tộc là tội nhân. Trong hậu cung, họ có địa vị thấp kém nhất, phải làm những công việc hạ đẳng nhất.

Còn có một số ít cung nữ là cống phẩm của chư hầu, quan viên hoặc hoàng thân dâng tặng cho nhà vua. Những người này thường rất tài hoa, xinh đẹp, nhờ vậy mà được Hoàng đế để mắt, sau đó tấn phong làm phi tần. Trong số này cũng có một số kẻ trở thành gian tế bên cạnh Hoàng đế. Năm xưa, Thái Bình công chúa từng cử tay sai vào hậu cung làm cung nữ để thám thính hành động và mưu hại Đường Huyền Tông nhưng bất thành.

Chức trách của cung nữ là hầu hạ Hoàng đế và các phi tần. Để thỏa mãn lối sống an nhàn, xa xỉ của chủ nhân, họ phải gánh vác những công việc rất khó khăn, vất vả. Trách nhiệm của họ bao quát trong phạm vi hậu cung, từ lo liệu y phục, thức ăn, đi lại, cho đến gánh vác nhiệm vụ mua vui như biểu diễn, ca múa, tấu hài...

Bất luận là công việc nào, cuộc sống của các cung nhân đều rất khó khăn, khổ cực. Điều này từng được phản ánh trong không ít thi phẩm của các thi nhân đương thời.

Nhà thơ Vương Kiến trong tập "Cung từ nhất bách thủ" từng viết:

"Vũ lai hãn thấp la y triệt

Lâu thượng nhân phù hạ ngọc thê."

Câu thơ trên miêu tả lại cảnh người cung nữ múa đến mức y phục thấm đẫm mồ hôi, trong khi đó chủ nhân ngồi xem ở lầu trên ngay cả bước xuống thang cũng cần người đỡ.

Phạm vi sinh hoạt của cung nữ trong thành Trường An năm xưa chỉ giới hạn đến Dịch Đình. Ngoại trừ những người có thân phận hoặc nhiệm vụ đặc biệt, số còn lại đều không được bước chân ra ngoài nửa bước.

Phần lớn các cung nữ đều chịu cảnh "lúc vào mười sáu, nay đã sáu mươi". Tuổi xuân của họ ngày ngày trôi qua sau bức tường thành, lúc cuối đời chỉ có thể ở am ni cô mà đèn sách tụng kinh, hoặc về lăng tẩm thờ phụng tiên vương cho tới khi chết.

Thời nhà Đường từng có chế độ "xuất cung" dành cho cung nữ. Lệnh ân xá này thường được ban bố khi có thiên tai hoặc lúc tân đế kế vị. Việc thả cung nữ tùy theo sở thích của Hoàng đế mà chọn lựa. Nếu quân vương cảm thông với thân phận của những người này thì sẽ cho thả nhiều. Ví dụ như Đường Cao Tổ và Đường Cao Tông mỗi lần đều cho rất nhiều cung nữ xuất cung. Trong khi đó, Đường Huyền Tông lại thả ít hơn.

Sau khi xuất cung, có người trở thành "biệt trạch phụ" của những kẻ có tiền. Họ được người giàu bao nuôi, trở thành tình nhân, bị quy vào tội "thông dâm" thời bấy giờ, nếu bắt được ắt phải chịu phạt.

Dù vậy, nhiều người vẫn mong muốn có cơ hội được xuất cung. Bởi việc ở lại hậu cung đồng nghĩa với việc họ phải chết già tại đây, thậm chí bia mộ cũng không được đề tên, chỉ có mấy chữ như "cung nhân tà" hay "dã hồ lạc".

Vào cung năm 16 tuổi, đúng độ xuân thì, "mặt tựa phù dung, người tựa ngọc", nhưng các cung nữ lại phải chịu cảnh cô độc, chứng kiến bản thân nhan sắc phai tàn, chôn vùi cả đời sau bức tường thành. Đó chính là cái xót xa, đau đớn của "phận cung nữ".

Đối với thân phận cung nữ mà nói, không chiếm được sủng hạnh của Hoàng đế là điều đáng buồn, vậy nhưng được nhà vua để mắt lại chưa hẳn đáng mừng. Sử cũ từng ghi lại: Tùy Văn Đế Dương Kiên có 5 Hoàng tử, 2 công chúa. Tất cả đều là con của vợ cả - tức Hoàng hậu Độc Cô thị. Đây là một điều xưa nay hiếm, nhưng cũng là việc dễ hiểu, bởi Độc Cô Hoàng hậu là một nữ nhân tàn độc.

Vị Hoàng hậu này chưa bao giờ để cho Dương Kiên có cơ hội để mắt nữ nhân khác. Có lần, nàng phát hiện ra Hoàng đế vừa mắt một cung nữ, liền ngay lập tức đem cô gái này bức tử bằng cực hình.

Một Hoàng hậu khác có "máu ghen" không kém chính là Lý Phượng Nương – vợ của Quang Tông Hoàng đế triều Nam Tống. Khi xưa, vua Quang Tông từng vô tình khen đôi tay của cung nữ hầu hạ mình tắm rửa. Lời khen này nhanh chóng đến tai Lý Hoàng hậu. Ngay sau đó, Phượng Nương đã sai người chặt tay cung nữ nọ, bỏ vào hộp đồ ăn, đưa tới cho Quang Tông. Hoàng đế sau khi mở ra đã hoảng hồn đến nỗi suýt nữa bất tỉnh.

"Đường ngữ lâm" có viết: Đường Tuyên Tông từng vô cùng sủng ái một cung nữ, nhưng nhớ tới vua Huyền Tông trước kia chung tình với Dương Quý phi, bản thân vô cùng bứt dứt.

Hạ thần khuyên ông thả cung nữ kia, Tuyên Tông lại nói: "Thả nàng về ta sẽ nhớ nhung, chi bằng ban cho nàng một chén rượu độc."  Sau đó, vị cung nữ xấu số bị ép phải tự vẫn.

Khi nhập cung, các cung nữ phải đánh mất tự do, chấp nhận thân phận hèn mọn, từ bỏ phụ mẫu, sống cảnh không người chăm sóc, có người chọn kết duyên cùng thái giám. Trong hoàn cảnh như vậy, việc họ nương tựa vào hoạn quan – tầng lớp có địa vị và hoàn cảnh tương tự - cũng là điều dễ hiểu. Có hoạn quan làm chỗ dựa, cung nữ sẽ không phải chịu cảnh áp bức, chỉ trích, thậm chí các cung phi còn phải nể mặt vài phần. Bởi lẽ, hoạn quan chính là người thân cận bên cạnh Hoàng đế. Phi tần có được sủng hạnh hay không đều phải qua tay của những người này.

Mối quan hệ giữa hoạn quan và cung nữ được gọi là "đối thực". Hình thức này xuất hiện sớm nhất vào thời nhà Hán. Lý giải theo lối chiết tự, "đối thực" chỉ đơn giản là hoạn quan và cung nữ cùng nhau ăn cơm chứ không ngủ chung, cũng không bao gồm chuyện giường chiếu.

Kiểu quan hệ này từng được ghi lại trong cuốn "Cung từ" thời Tùy – Đường. Tới Minh triều, "đối thực" càng trở nên phổ biến.

Tới thời nhà Minh, "thái hộ" là từ dùng để chỉ sự thân mật như vợ chồng giữ cung nữ và thái giám. Những năm đầu triều, Chu Nguyên Chương vô cùng căm ghét hành vi này, từng ban lệnh cấm hai đối tượng trên kết đôi, nếu bắt được sẽ bị lột da. Tới năm Vĩnh Lạc đế tại vị, lệnh cấm này mới được bác bỏ.

Trở thành "thái hộ" của nhau đồng nghĩa với việc thái giám và cung nữ phải thề nguyện chung thủy với nhau suốt đời. Nếu một người chết trước, người còn lại sẽ không "đi bước nữa".

Cuốn "Vạn Lịch dã hoạch biên" từng ghi chép: năm xưa, có người học trò từng tò mò tìm đến một ngôi miếu kỳ lạ ở ngoại thành. Khi bước vào bên trong, người nọ mới phát hiện ra nơi này đều thờ bài vị của các cung nữ.

Người thủ từ ở đây kể lại, mỗi khi tới ngày giỗ của các cung nữ, "thái hộ" của họ là những hoạn quan đều tới đây thắp hương, tưởng niệm, cảnh tượng vô cùng bi thương, tình cảm còn thắm thiết hơn cả những cặp phu thê bình thường.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info