ZingTruyen.Info

[TỔNG HỢP] TRUYỆN MA CÓ THẬT - Thế Giới Tâm Linh Xung Quanh Chúng Ta

BÍ MẬT XỨ HOA VÀNG 3

pinkluv92

Hồi thứ 8: Lần theo dấu vết

Tối hôm đó tôi về trại với nhiều suy nghĩ miên man. Tất cả những sự kiện đã xảy ra liệu có gì liên quan đến nhau? Xác chết, hồ ly, rắn hổ mang, bóng ma bên bờ suối … đó chỉ là những điều thần bí nơi âm u của rừng thiêng nước độc? hay đây là âm mưu được sắp xếp sẵn của một thế lực ma quỷ huyền bí? Nếu đó là những âm mưu thì chúng nhằm vào đội chúng tôi? hay chúng tôi cũng chỉ là những kẻ tình cờ được trông thấy? Đội chúng tôi liệu đã làm phải điều gì mạo phạm đến lũ ma quỷ nơi rừng thẳm này chăng? …

Buổi sáng hôm sau thức dậy, công việc của cả đội vẫn tiến hành như mọi hôm. Đội nam tiếp tục hoàn thiện nốt đường mương nước, còn đội nữ vẫn lên lớp dạy cho các em thiếu nhi bản ôn tập văn hóa. Chiều hôm đó cả đội nghỉ sớm. Thống rủ cả hai đội nam và nữ cùng đi ra suối chơi. Bận túi bụi cả tuần, chúng tôi chưa có dịp để thưởng ngoạn phong cảnh núi rừng. Đi tắm suối là một cái thú không thể bỏ qua trong mỗi dịp mùa hè xanh.

Tôi biết ý của Thống. Cậu ta nói riêng với đội nam rằng: cho cả đội đi chơi suối thực ra chỉ là cái cớ. Thực chất là để tìm hiểu kỹ về con suối bí hiểm đó. Các bạn nữ trong đội của tôi vẫn chưa biết về những câu chuyện rùng rợn liên quan đến con suối đó. Vì thế mà nghe đến suối là họ hồ hởi lắm. Từ hôm lên đây là tình nguyện đến giờ họ chỉ quanh quẩn khu nhà Rông, khu trường lớp với mấy em nhỏ. Ngay đến rừng họ cũng chưa được bước chân vào lần nào.

4h chiều, trời vẫn còn nắng gắt. Cả đội chúng tôi đã kết thúc công việc và đang chuẩn bị lên suối chơi. Đội nữ đã tập trung đầy đủ, hai cô giáo và năm bạn gái. Chỉ riêng đội nam tối thấy thiếu Bằng và Hiệp. Tôi hơi ngạc nhiên và hỏi Thống:

- Bằng và Hiệp đâu rồi ?
- Hai cậu đó qua đội 1 có chút việc thầy ạ! Chúng ta đợi chút sẽ về ngày thôi. Chúng ta cứ đi từ từ ra suối là sẽ gặp họ – Thống đáp.

Quả thật khi chúng tôi ra khỏi nhà Rông hướng về phía rừng thì thấy thấp thoáng hai bóng người đi từng con đường mòn trong rừng ra. Đây chính là con đường tắt qua đội một mà Kèo đã chỉ cho chúng tôi. Tôi đã nhận ra ngay một cái bóng quen thuộc. Đó là Bằng. Còn người kia không phải là Hiệp. Nhưng tôi cũng lập tức nhớ ra ngay. Chính là Thắng, đội trưởng đội 1 của chúng tôi. Không hiểu sao Thắng lại đi cùng với Bằng qua đây. Chắc là Thống có ý nhờ Thắng tham gia hộ trợ công việc này.

Thấy hai người tôi liền hỏi luôn:
- Còn Hiệp đâu rồi? Sao lại chỉ có hai em đi về thế này?
Thắng chào tôi, rồi trả lời:
- Chúng ta cứ đi ra suối thôi thầy! giờ có thể Hiệp đã ở suối trước và đang đợi chúng ta rồi.

Cả đội cùng tiến sâu vào con đường cũ hôm Ba Nha đưa chúng tôi về. Chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã nghe thấy tiếng róc rách của con suối. Nước suối ở đây lạnh ngắt nhưng không trong. Có lẽ ở dưới lòng suối nhiều bùn cát nên nước ở đây cũng đục đục một màu nâu vàng. Các bạn nữ tỏ ra thích thú với việc đi suối. Họ xắn quần lội ngay xuống suối, té nước đùa dỡn với nhau. Vài bạn nữ còn trách chúng tôi rằng sao không sớm nói cho họ về con suối này. Nếu biết từ trước thì họ có thể sẽ lên đây giặt đồ hay thậm chí còn tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Từ hội lên ở nhà Rông phải tắm bằng nước do các bạn nam hàng ngày xách về làm họ cũng thấy áy náy. Tôi thầm nghĩ bụng: Nếu biết ở con suối này có một nữ quỷ vẫn hay hiện về thì chắc họ không bao giờ dám bén mảng đến nơi đây.

Chúng tôi men theo dòng suối ngược lên phía thượng nguồn. Được một quãng, tôi đã thấy thấp thoáng cái phiến đá hồi nọ đã nhìn thấy cái bóng nữ quỷ áo trắng ngồi khóc trong đêm trăng. Ngay lúc này đây trên phiến đá đó cũng có một cái bóng to lù lù ngồi. Cái bóng đen thui lủi, xoay lưng lại phía chúng tôi. Vừa ngồi chễm chệ, cái bóng đó vừa lấy mấy viên đá nhỏ ném vào lòng suối. Thứ này hẳn cón đáng sợ hơn cả ma, vì nó không hề sợ ma. Đó là Hiệp. Đúng như Thắng nói, Hiệp đã đợi sẵn chúng tôi ở đây từ trước.

Cậu ta cười rồi bước xuống đón cả đội. Chúng tôi vượt qua cái mỏn đá đó và đến nơi có cái hõm nước rộng. Chính tại cái hõm này là nơi cô gái đã gieo mình tự vẫn và cũng là nơi đêm trăng nọ chúng tôi nghe thấy tiếng con quỷ nữ đã nhảy xuống đó. Mấy bạn nữ không hề biết chuyện đó nên họ vẫn xuống sát mép hõm nước để nô đùa. Thống ra hiệu cho đội nam tập trung lại trên bờ để họp bàn chuyện.

Thống ta quay sang nói với tôi:

- Chiều nay em có nói với Bằng và Hiệp lần theo dấu vết con đường cũ mòn để quan đội 1. Vì chúng ta gặp nhiều việc lạ lùng quá nên em nhờ cả Thắng qua đây trợ giúp. Lúc về vẫn theo con đường đó.

Tôi gật đầu với Thống rồi mới quay sang hỏi Bằng:

- Con đường đó thế nào? Có gì đặc biệt không thế?

Bằng đáp lời tôi với vẻ đăm chiêu:

- Em và Hiệp lúc đi không phát hiện thấy gì đặc biệt. Lúc về có cả Thắng đi cùng. Đến đúng chỗ ngã rẽ thì thật bất ngờ vẫn thấy viên đá đánh dấu tối hôm nọ nằm giữa một nhánh đường. Em và Thắng đi theo nhánh này thì quả nhiên về được đến nhà Rông. Còn Hiệp đi theo nhánh kia thì lên đến đúng bờ suối hôm nọ. Không hiểu sao tối hôm đấy rõ ràng là đi theo dấu viên đá mà lại lạc lên suối. Thật chỉ có thể là Ma dẫn lối, quỷ đưa đường.

Hiệp gật đầu đồng ý với Bằng rồi nói:

- Từ đoạn nhánh rẽ đó đi lên bờ suối cũng không hề xa, chỉ một thoáng là em đã đến chỗ hõm nước này. Xung quanh bờ suối phía dưới thì rộng nhưng ở trên phía thượng nguồn lại thu hẹp lại. Càng lên cao lại càng nhiều tảng đá to lởm chởm.  Nhiều đoạn suối nước cắt ngang qua những khe núi đá nên nước chảy xiết rất xiết. Em cũng không dám tiến vào sâu vì phía trên một đoạn nữa là con suối đâm thẳng vào núi, xuyên qua khu rừng rậm rạp. Không biết nó sẽ dẫn đi đâu nữa.

Dừng lại đôi chút như để ngẫm nghĩ và phán đoán, Hiệp lại tiếp tục nói:

- Nhưng theo phán đoán của em thì phía trên đỉnh núi nhất định sẽ có thác nước to. Con suối cũng có thể chảy theo những mạch ngầm đi xuyên vào lòng núi. Nên nước ở suối rất lạnh, càng lên cao càng lạnh. Thầy lội chân xuống suối có thể cảm thấy được ngay. Hơn nữa ở đây không có nhiều cá. Lạnh thế này không phải là điều kiện tốt cho các loài cá sinh sống. Còn cái hõm nước này tuy không rộng nhưng khá sâu.

Nói rồi cậu ta dẫn chúng tôi ra đứng trước hõm nước. Ở đây nước đục ngàu nên không thể nhìn thấy đáy của con suối. Hiệp lấy một viên đá nhỏ, quẳng xuống giữa hõm nước, chỉ nghe một tiếng “chủm” nhỏ giữa làn nước.

- Căn cứ vào tiếng hòn đá phát ra thì hõm nước này cũng sâu phải cỡ 4m – 5m. Mực nước này bất kỳ ai không biết bơi rơi xuống cũng đều có thể bị chết đuối.

Quan sát mặt hồ một lúc, Thống nói với đội đi quanh bờ suối chặt một vài cây tre nhỏ về để thăm dò dòng suối. Chỉ loáng một lạt đã thấy Bằng và Thắng mỗi người ôm theo một cây tre nhỏ, đã vót đi phần lá chỉ để trơ lại thân. Thống lấy một đoạn dây thừng buộc chặt hay thân tre lại để tạo thành một cái cọc dài. Cứ thế cái cọc được lần lần đưa xuống lòng hõm nước. Đúng là quả thật hõm nước rất sâu cái cọc được nối từ hai thân tre dài thế mà cũng chỉ nhô lên mặt nước chút ít phía đầu cọc.

Thấy đã tới đáy của hõm nước, Thống quay sang hỏi đội nam:

- Có ai muốn xuống thăm dò lòng suối không?
- Để em xuống anh ạ! – Hiệp trả lời ngay không chút đắn đo. Tôi vốn biết cậu ta bơi lội rất giỏi, hầu hết các môn thể thao Hiệp đều chơi tốt.

Thống gật đầu rồi căn dặn Hiệp:

- Cứ bám chặt vào cái cọc tre này rồi lặn xuống. Ở trên này bọn anh sẽ giữ chắc cọc để em có chỗ bám khi ở dưới nước. Nếu gì quan trọng thì anh cũng sẽ kéo cọc tre lên ngay.

Hiệp gật đầu rồi cởi phăng cái áo đang khoác trên người. Cậu ta chỉ mặc một chiếc quần đùi rồi nhảy tùm xuống nước. Hiệp lấy một hơi sâu rồi hai tay bám vào cọc tre vít người lặn sâu xuống dưới nước. Toàn đội chúng tôi đứng trên bờ đều tập trung quan sát mọi cử động của Hiệp. Ai cũng tỏ ra hết sức căng thẳng. Không hiểu ở dưới sâu kia có cái gì đang chờ đón chúng tôi? Một con nữ quỷ chăng? Hay chỉ là một cái xác chết? một bộ xương trắng hếu ?

Chứng hơn 2 phút sau Hiệp lại trồi lên mặt nước để lấy hơi. Rồi cậu ta lại tiếp tục hụp lăn xuống đáy hõm nước. Cứ như thế 5 – 6 lần cậu ta mới bước lên bờ. Hiệp vừa bước lên vừa khệ nệ bê một hòn đá to như cái chậu nhỏ. Vứt bịch hòn đá đó xuống bờ suối, Hiệp vừa vuốt nước trên mặt vừa lắc đầu tỏ ra ngao ngán. Cả đội chúng tôi xúm lại vây quanh cậu ta. Mọi người đều rất tò mò những không ai hỏi. Trong hoàn cảnh này có lẽ nên để cậu ta nghỉ ngơi đôi chút sẽ hay hơn rất nhiều. Rốt cuộc thì cậu ta cũng sẽ tự nói ra.

- Dưới đó cơ bản là không có gì. Nước rất đục nên em không thể quan sát kỹ hết mọi thứ. Em vừa sờ mò vừa nhìn để phán đoán. Dưới đáy hõm nước cũng toàn là đá to, nhưng rất bằng phẳng như là một khối. Tuy nhiên chính giữa hõm nước em nhặt được một hòn đá khá lạ.

Rồi Hiệp chỉ tay vào hòn đá mà cậu ta vừa mang lên:

- Hòn đá này không giống loại đá dưới suối, đá dưới suối thuộc loại đá vôi, giống với đá núi nên có màu đen xám, trơn nhẵn. Còn viên đá này có màu trắng vàng, bề mặt lại khá sần sùi, nhìn giống những viên đá cuội to hay thấy ở bên bờ suối hơn. Thấy lạ em đem lên thôi. Giờ nhìn kỹ lại nó thì thấy cũng không có gì đặc biệt.

Dừng lại đôi chút để thở, Hiệp lại tiếp tục nói:

- À! Còn điều nữa. Dưới đáy lòng suối hình như có một hang nước ngầm. Lúc em mò xung quanh vách của hõm nước thì có hình như có thấy một hốc lõm vào giống như một cửa hang ngầm dưới mặt nước. Nó khá to, có thể chui vào được. Nhưng em không dám chắc liệu đó là hang ngầm hay chỉ là một cái hốc. Cần phải có dụng cụ lặn và kính bơi thì mới có thể tiến vào sâu hơn bên trong. Hơn nữa ở các suối, hồ hay thác trên núi thì việc có những đường suối ngầm cũng không có gì là lạ. Địa hình núi đá vôi thường hay xuất hiện những hang, hốc, động trong lòng núi. Như là cái dãy núi đá vôi ở Quảng Bình bên trong toàn là các hang động lớn nhỏ, có cả thủy động Phong và động Sơn Đoòng mới tìm thấy cũng có sông ngầm chảy bên trong.

Vậy là chúng tôi cũng tìm hiểu được gì có giá trị từ chuyến đi suối này. Nhưng ít nhất tôi cũng rất tò mò về cái hốc mà Hiệp tìm được. Liệu nó có phải là một cửa hang động ngầm không? Nếu có thì hang đó sẽ dẫn đến đâu? Hay đó là cái hang mà con Quỷ nước ẩn nấp, chỉ đợi đêm tối là chui ra rồi leo lên tảng đá mà ngồi cất tiếng khóc ngậm ngùi, ai oán ?

(Còn tiếp)

Xin mời các bạn tiếp tục theo dõi Hồi thứ 9: Quỷ Nước

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info