ZingTruyen.Info

Tình Nghĩa Đồng Đạo (Văn Ruộng, Trọng Sinh, Gia Đấu, Xuyên Không)

23. Một Phút Sẩy Chân, Chôn Thân Hố Tình (01/07/2018)

VanVo55

Tỉnh lại lần này, trời đã sập tối.

Cảm thấy toàn thân khỏe lên nhiều, Vũ vươn vai ngồi dậy, đập vào mắt liền là cảnh cậu Dương ngồi trên sập lau đàn.

"Anh biết kéo nhị ư?"

Dương ngẩng đầu nhìn nàng, có hơi giật mình đặt đàn xuống, lại ngã người đẩy cửa sổ ra gọi thằng Tín chạy xuống bếp lấy cháo và thuốc cho mợ Hai.

Tỉnh táo nghĩ lại, Vũ mới tự nhủ mình vô tâm. Cậu Hai Dương từ nhỏ đã mê hát chèo, dĩ nhiên có hứng thú với đàn cầm. Chỉ là thầy cậu thường nói xướng ca vô loài, vì thế trong nhà này không cho phép cậu động đến đàn phách gì cả. Đó cũng là chuyện rất cũ, rất xưa... Còn cậu Hai họ Nguyễn Hoài ngày nay đắm chìm vào phường chèo tổ kịch, nói đến ai cũng lập tức nghĩ ra ả đào lưng ong, ca cơ ngực nở, đố có kẻ còn nghĩ cậu thật sự si nhạc đến cuồng.

Nghĩ đến đây thì thằng Tín cũng đem khay cháo vào để lên giường. Vũ vừa ăn vừa nhìn nó ú ớ múa may chỉ trời chỉ đất, mãi một lúc sau nàng mới hiểu ý nó muốn nhắc cậu nó đã đến giờ kịch mở.

Nàng mỉm cười nhìn chồng. "Cũng sắp đến giờ hát cửa đình bắt đầu rồi nhỉ?"

Dương đáp lại ánh mắt của nàng bằng cái lườm sắc cạnh, tựa như muốn nói, còn phải hỏi!

Nàng vẫy vẫy gọi thằng Tín đến gần, đoạn mò đến bên dải yếm lôi ra một xâu mười tiền đặt lên tay nó.

Thằng Tín gãi đầu khó xử nhìn nàng, lại quay sang nhìn cậu chủ nó.

"Em đưa nó có bấy nhiêu, định là mua mè hay mua muối? Đến mua bát nước mát trước cửa đình còn không biết có đủ không," Dương hạ giọng châm chích, ngoài mặt lại không có vẻ gì hối hả muốn đi.

Vũ nhìn cái kiểu khoan thai uống chè của chồng mình mà cảm thấy ngạc nhiên thầm nghĩ, bị chơi khăm mà vẫn thản nhiên như vậy, không biết là cậu Hai nhà ta đang giở trò gì...? Vốn chỉ định đùa cậu tý cho vui, ai ngờ cậu lại cứ trơ trơ ra đấy, nàng đâm hụt hẫng, quyết định tiếp tục trêu.

"Em bảo sẽ đưa tiền xem hát, chứ có phải đưa tiền để xem hát đâu ạ. Này thì tiền em đã đưa, còn xem hát thì anh với thằng Tín cứ việc đi thôi ạ."

"Được thôi," cậu thoải mái đáp, lại ra hiệu cho thằng Tín kéo ghế ngồi, bản thân để đàn qua một bên, ngẩng mặt nhìn nàng đầy mong đợi.

Ai đó tròn mắt.

"Này là thế nào?"

Cậu nhún vai. "Em bảo tôi xem hát. Giờ thì hát đi, tôi đang xem đây."

Mợ Hai Dương lập tức nghẹn họng.

"Em cũng chỉ bảo tôi đi xem hát, có nói là xem ở đâu đâu. Giờ thì tiền này không đủ đi xem hát cửa đình, đành ngồi đây xem em hát vậy."

Vũ chớp mắt vài cái, đoạn bật cười. Cười một lúc cũng thấy đối phương không phản ứng gì, khóe môi cũng dần dần trễ xuống. "Anh... nói thật ạ?"

"Thế tôi ngồi đây nhìn em cười chắc?"

Nàng bĩu môi, tay lại luồn vào dải yếm lôi ra năm xâu tiền khác đặt lên cạnh giường ra dấu cho thằng Tín lại lấy, ngờ đâu cái gã chồng tai quái kia của nàng thế nào mà lại giở chứng, lắc đầu không chịu để thằng hầu đứng dậy.

"Giờ cũng trễ mất rồi, tôi không muốn xem lỡ khúc đầu. Thà không xem."

"Ơ, thế..."

"Nên em hát đi, tôi xem."

"Em cũng có biết cái vở Từ Thức gì đó đâu mà hát...!"

Đùa hoài! Hát ru hoặc giao duyên giúp vui thì còn được, bảo nàng hát cả tuồng chèo, không lẽ phải ngồi cả đêm?

"Hát cái đoạn tiều ngư canh mục bốn năm trước hát vui trong hội đình là được rồi."

Bốn năm trước? Cái gã này... trí nhớ đột nhiên trở tốt thế?

"Làm người phải giữ lời, mợ Vũ à. Nếu không sau này mấy cái chuyện gánh nước giúp em nở nang mặt mày gì đó thì cũng... thôi đi."

Lời này được thốt ra cùng vẻ mặt vô cùng mang tính khiêu khích. Nàng Vũ làng ta thế là đành phải nhượng bộ, với lấy bát chè nghệ uống cạn, đoạn tằng hắng vài cái.

Trước khi hát còn không quên dùng mắt đưa tình nhìn chồng mình đầy trêu chọc.

"Trai làng Bưởi năm ấy nghe em hát xong đều đổ thành dòng. Anh cũng liệu cái thần hồn, đừng để phải yêu em đấy."

Đáp lại lời này là nụ cười rất tươi của cậu Hai Dương.

Lúc ấy, mợ Hai bị mù hay sao ấy, còn ngỡ đấy là nụ cười mỉa mai châm chọc...

***

Vài hôm sau, mợ Hai nhà cả Trị đột nhiên được ông Cả gọi lên, lúc trở về bọn con hầu thằng ở thấy nàng tủm tỉm cười mà trong lòng tò mò không dứt. Chẳng phải để mắng chuyện nàng bắt chồng gánh nước sao?

Thêm vài ngày nữa, khi mợ Hai đường hoàng bước đến phường đúc cùng cậu Cả Phát, cả làng mới kẻ ồ người à thì ra là vậy, con trai không nhờ được thì nhờ con dâu. Cậu Hai này xem chừng cũng có số hưởng thật, trước là anh trai, nay là vợ nuôi.

Vào đến Tình Nghĩa Đồng Đạo, Phát giới thiệu qua loa nàng mới một số chủ sự nơi đó, đoạn lại để thị Ly dẫn nàng đi khắp nơi tham quan, trước khi đi còn nói. "Đàn bà Nguyễn Hoài nhà ta trước giờ đều quản khâu sổ sách, giống như u và... cái Ly vậy, lẽ ra cũng nên để thím Hai đi theo u học những chuyện này. Ngặt nỗi dạo này bà mang nhiều việc, cái Ly cũng bận chuẩn bị lễ cưới, đành để thím tự quan sát một thời gian, thấy bản thân thích hợp ở khâu nào thì bắt đầu từ khâu ấy vậy."

Biết là gã anh chồng đang cố tình cô lập, Vũ cũng chẳng nói nhiều, chỉ gật đầu mỉm cười. Hắn mà nhiệt tình giúp đỡ, nàng mới hoảng hốt ấy.

Thị Ly dẫn nàng đến khu luyện kim, khu đúc đồng, khu làm khuôn và cuối cùng là phòng sổ sách, ở từng nơi giới thiệu nàng với những người chủ quản và thợ cả phụ trách. Hầu hết đểu là đàn ông trai tráng nàng quen biết trong làng, duy chỉ có những người thợ cả ở khu làm khuôn và đúc đồng là những lão ông lớn tuổi trước đây nàng không mấy chú ý tên tuổi. Tại mỗi phòng, thị còn giải thích quy trình chế tác và đúc đồng, từ khâu khai thác đến nung luyện, tô khuôn nặn tượng đến đổ đồng thành phẩm... vô cùng tỉ mỉ, cứ như thị sinh ra là để làm nghề này ấy, khiến cho bọn trai tráng và các lão thợ đều gật gù tán thưởng. Thậm chí, lão quản sự khu làm khuôn còn lớn tiếng khen thị tài hoa đầy mình, đáng tiếc lại không có tâm theo nghề tô đúc, nếu không mai này chắc chắn sẽ trở thành nghệ nhân đúc vang danh, sau đó còn hào hứng lôi một bản vẽ chuông đồng ra để thị nhìn thử...

Vũ ngầm bĩu môi, dẫu gì tài năng hội họa của Ly nàng cũng đã rõ từ lâu. Hình ảnh gì thị vẽ ra cũng đều rất thật, rất sinh động, khác hẳn với những danh họa hiện thời dù thị chỉ dùng than củi. Song vẽ được là một chuyện, làm ra được lại là chuyện khác, người đàn bà ngay cả nắm cơm vắt cũng không xong có thể tô khuôn nặn tượng sao?

Hoặc có lẽ... nàng đang ganh tỵ nên mới cảm thấy tài hoa của Ly không có gì đáng kể?

Khóe môi hơi nhếch, Vũ âm thầm lẻn thoát ra khỏi đám người đương vây xem tài nữ trổ tài, vừa ngâm nga vừa thong thả đi dọc khu nhà làm khuôn ngắm nhìn vô vàn tượng cốt đủ mọi dáng hình.

Ganh càng tốt, như thế sẽ khiến nàng càng có thêm quyết tâm vươn lên.

Trải qua một kiếp thua kém người đời về mọi mặt, Vũ hiểu quá rõ cái sự đố kỵ kia chua như thế nào, đắng ra sao. Ban đầu nàng vô cùng ghét nó, vì nó đi ngược lại giáo huấn nhà nho, càng khiến con người ta cảm thấy bản thân hèn mọn. Nhưng rồi khi lửa thiện lụi tàn, ác tâm trỗi dậy, đố kỵ lại trở thành nguồn sức mạnh vô cùng to lớn. Không biết bao lần nàng đã chào đón nó, ôm nó vào lòng, để rồi nhờ thế mà vượt qua bản thân làm được những điều không ai nghĩ nàng có thể.

Tựa như sống sót gần mười năm trời trong dáng hình của một con quỷ vậy.

Lúc đi sắp đến cuối gian làm khuôn, Vũ mới chợt nhìn thấy một bóng người lúi húi nặn sáp giữa vô vàn tượng lư hương và bát đĩa ngổn ngang. Đấy là một cụ thợ già ngồi trên chiếc chiếu cạnh lò sưởi, một nửa thân lão bị phỏng nặng, mắt phải mất hẳn, đến cả nguyên bàn tay phải cũng cụt đi chỉ còn một mẩu thịt sần sùi nhẵn bóng. Điểm nổi bật ở cụ là cánh tay cụt kia lại được quấn vào một cây dao khắc sáp, bên tay còn lại cũng được nối vào hai ngón tay bằng đồng, có lẽ để thay cho chỗ thịt xương bị đứt. Cụ vừa chăm chú vào cái tượng cốt lư hương mình đang làm, vừa lầm bầm mắng mỏ cái lũ ồn ào kia đúng là nông cạn.

"Con bé đó họa ra được mẫu đẹp thì thế nào, nó làm ra được chắc... hừ hừ...? Còn cái thằng Tô kia... hừ, mới làm được vài cái chuông đồng Đại Khánh thì đã ra vẻ thầy nghề thợ cả, bày đặt ngợi khen đánh giá ra vẻ ta đây biết nhìn ra nhân tài. Hừ.. toàn cái lũ sống trên mây mà chẳng nhận ra mình vốn không có cánh...!"

Vũ cảm thấy hứng thú, bỗng nhiên mở miệng.

"Cụ bảo thế nghiệt quá cụ ạ. Chị Ly tuy chưa từng đúc ra thành phẩm nào, nhưng cũng là một người am hiểu sâu rộng về nghề đúc. Vả lại cháu thấy họa ra được một vật phẩm đẹp cũng đã tài lắm rồi, nghệ nhân đúc chẳng phải ai cũng tạo được tuyệt phẩm từ bản vẽ sao ạ...?"

"Vớ vẩn!" không thiết nàng là ai, lão quay ngoắt sang quát, giọng khàn khàn khó lòng nghe rõ. "Am hiểu sâu rộng gì cái ngữ như nó? Chăm chỉ đọc sách vài ngày là tưởng đã nắm hết thứ gọi là 'nghề'? Đi đến đâu cũng cười mỉm chi rồi chen miệng vào những điều bản thân không nắm chắc thì được xem là tài cao bắc đẩu? Một nghệ nhân đúc chân chính không cần đến bản vẽ, vung tay lên là có thể dùng cái tâm họa được cả thế gian trên mảnh sáp miếng đồng! Cái phường chẳng có tâm thì đừng nên nhúng tay cho nhờ! Chỉ tổ làm dơ bẩn tổ nghiệp!"

Vũ chớp chớp mắt nhìn lão già vừa mới mắng mình đây, chớp mắt đã quay về làm việc như không có ai tồn tại xung quanh, trong lòng đột nhiên dâng lên loại thôi thúc muốn quỳ xuống làm lễ bái.

Nàng thích ông cụ này!

Sự đố kỵ nhỏ nhen đó, sự kiêu ngạo hống hách đó, sự ngang tàng bất chấp đó... hệt như nàng đang nhìn vào gương vậy.

Tấm gương của suốt mười năm trời.

Vũ quay đầu, vừa lúc trông thấy thị Ly mặt xám như tro đứng sau lưng, những người khác cũng đang nhìn về phía này, gò má của lão quản sự Tô còn đỏ lên như bên trong trứng muối.

"Đừng buồn nhé cô Ly, cụ Thường tính tình từ lúc bị phỏng đến nay đều bẩn như thế, cứ gặp người trẻ có tài là kiếm chuyện chê bai phê phán. Bình thường khi làm việc với thầy Tô lão lại càng ra sức châm chọc, trăm phương ngàn kế làm cho thầy Tô bẽ mặt với học trò," một gã trai đinh đã nhỏ giọng nói khi đưa Vũ và Ly ra khỏi khu làm khuôn.

"Anh Chí này, cụ Thường sao mà bị phỏng thế ạ?" Vũ lân la dò hỏi.

"À, là do khi đổ đồng gặp tai nạn, cụ vì không chịu buông khuôn mà bị đồng xối trúng, tay phải bị kẹt giữa lớp khuôn , cuối cùng bán thân bất toại."

"Thành ra như vậy... sao ông Cả vẫn còn để cụ đi làm?"

"Chịu thôi, cụ từng là người thợ cả giỏi nhất nơi này, làm sao có thể chấp nhận việc mất hết tài nghệ, phải lui về nhà sống như phế nhân? Ông Cả cảm thấy xưởng đúc nợ cụ nên đã cho cụ tiếp tục ở lại tạo khuôn, đa phần là những vật đơn giản như lư hương hay chén bát. Nhưng tính tình cụ từ dạo đó trở nên cáu bẳn, nhỏ nhen, hay ganh với người tài và thường hạch sách thầy Tô - người đã từng một thời là học trò mình. Ngoài phường trong xưởng tuy không ai thích cụ, song cũng vì cả nể ông cả mà đối đãi cung kính với cụ, dù công việc hiện tại cụ làm còn kém thằng thợ mới non tay nhất! Xem như chúng ta thờ thêm cái tượng trong xưởng vậy...!"

Nói đến đây thì thằng Chí lặng lẽ thở dài, thị Ly cũng lắc đầu ngán ngẩm, trong mắt toát vẻ đồng tình, Vũ xem chừng thị cũng là một trong những "người tài" thường bị cụ Thường hạch sách.

Thỏa mãn trí tò mò, Vũ chào thằng Chí rồi cùng thị Ly đến phòng sổ sách. Nếu nói ở khu làm khuôn người ta xem Ly như tài nữ, thì phòng sổ sách lại ví thị như tiên nữ giáng trần. Thằng Nhiễm và bọn người làm khi giới thiệu qua công việc của mình luôn mồm khen ngợi thị Ly lên đến trời. Nào là thị thông minh bản lĩnh ra sao khi một tay đã hệ thống lại hết sổ sách của xưởng đúc, một phen giúp ông bà Cả dọn sạch tiêu cực trong nhà. Rồi thị còn sáng tạo ra cái gọi là cân đối sản xuất và tồn kho gì đó, khiến cho phần lợi nhuận năm nay của Tình Nghĩa Đồng Đạo tăng lên không ít. Vũ chăm chú nghe rồi nhìn ngắm những ghi chép của Ly trên sổ, cảm thấy cũng không có gì lạ. Thuở nàng dạy thị học chữ, thị đã rất thông thạo với số liệu và tính toán rồi, có lần thị bảo nàng vì thị từng làm kế toán hết gần chục năm gì đó.

Nghĩ cũng lạ, lúc ấy thị chỉ mới tám, chín tuổi, học nghề chục năm thì hóa ra thầy đến dạy học lúc còn trong bụng mẹ à?

Nói cho cùng, đây cũng là một loại tài năng vô cùng có lợi cho nhà buôn, Vũ có phần hơi nuối tiếc vì năm xưa đã không chịu theo người chị em của mình học hỏi kỹ lưỡng. Không phải ngẫu nhiên mà Phát sắp xếp cho Ly ở phòng sổ sách, hay bà Cả ngay từ thuở mới vào cửa đã xin ông Cả cho học quản kho, cái mớ giấy tờ chằng chịt chữ ngỡ buồn chán này đây, lại chính là đầu não của cả xưởng đúc, nếu không muốn nói là cả phường. Kẻ nắm trong tay sổ sách tất có quyền sinh sát, làm ở phòng sổ sách vì thế có tương lai vô cùng rộng mở, hoặc là tổng quản sự, hoặc chủ mẫu đương gia.

Xem ra, Cả Phát có lòng nâng đỡ đàn bà của mình thật.

Đêm đó về đến phòng, Vũ bèn cho gọi thằng Tín vẫn đứng chờ bên ngoài vào. Nó kính cẩn dâng cho nàng mấy gói thuốc bổ thân mà thầy Cầm bên chiềng Khoi đã hốt sẵn gửi qua. Thân thể Vũ từ nhỏ đã yếu ớt, lớn lên kinh nguyệt thường không đều, vì xấu hổ nên không dám chữa chạy nơi thầy thuốc trong làng, sợ người ta tiếng ra tiếng vào dè bỉu, vậy là đến tận chiềng của người Thái để hốt thuốc. Vừa hay kiếp này nàng cũng có việc không tiện cậy nhờ người trong làng, bèn viết một lá thư đầy ẩn ý sai thằng Tín đem qua cho lão mo thuốc chiềng Khoi, bên trong gói kèm bã thuốc bổ của cậu Hai nàng đã lén lút đào lên ở phía sau bếp.

Kết quả hồi âm, lại khiến mồ hôi vã ướt sau gáy.

Thuốc tuy là thuốc bổ, song liều lượng chỉ cần điều chỉnh đáng kể, có thể sinh ra biếng ăn và khiến bao tử yếu dần, liên tiếp khoảng ba, bốn mươi năm có thể dẫn đến suy kiệt gan thận mà chết. Thầy Cầm  còn nói, loại thuốc này nhà giàu dân Nam lúc xưa hay dùng tẩm bổ, cứ ngỡ là tốt, chẳng ngờ tuổi già mới phát hiện ra tai hại, cuối cùng vẫn là vong vì dược. Lý do nàng uống vào liền nôn ra có lẽ vì thân thể không quen với liều lượng thuốc, nhưng người dùng thuốc lâu dài sẽ không còn xảy ra hiện tượng này. Thầy Cầm khuyên nàng nếu có ý tẩm bổ thân thể thì cứ ra chiềng gặp thầy kê cho một phương thuốc khác lành tính hơn, thuốc này tuy có thể dùng nhưng tốt nhất chỉ đôi ba lần một tháng.

Vũ lặng lẽ đốt đi lá thư, sau đó thẫn người nhìn chăm chăm đống tàn tro đen kịt, được một lúc bèn chống tay lên bàn nhìn ra cửa sổ nghĩ ngợi, nghĩ đến đau cả đầu.

Hổ nào lại đi ăn thịt con? Trừ khi nó đã phát hiện ra thứ nằm trong ổ vốn là mèo, không phải con nó.

Xem ra, cái bí mật tưởng chừng sâu thẳm của bà Tích, đã bị lộ từ lâu.

Nhưng người đàn bà đó, vì sao lại thâm độc nhường này? Dù không phải con ruột thì sao? Cũng cùng chung dòng máu với chồng con mình mà? Lẽ nào đến cả cậu Tư, cô Năm, cô Sáu, cậu Bảy... cũng đều "được" bà tặng cho liều thuốc bổ mỗi tháng?

Vũ khịt cười trào phúng, còn phải tự hỏi? Tất cả đều là lòng dạ đàn bà! Không phải nàng đã quá hiểu?

Nếu ngày đó ông Cả cứ đường hoàng lấy thị Hằng về làm vợ lẽ, đường hoàng sinh ra cậu Hai Dương, có lẽ bà Cả đã không ra tay độc ác như vậy. Đằng này, ông lại đem con riêng của mình về dối gạt cả bà đó là con ruột của bà, lại đặt lên vị trí ngang bằng đứa con đích trưởng, tránh làm sao người đàn bà thâm trầm đó lại không lo nghĩ ông có ý đỡ nâng đứa con riêng yêu quý?

Một gã Phát mưu mô thâm trầm, một thị Ly tài hoa hơn người đã khiến nàng vô cùng nhức óc, nay lại sinh ra một bà Cả tâm sâu kế độc, con đường báo oán của nàng phút chốc bỗng sao thấy quá đỗi chông gai...! Vũ nói cho cùng cũng chỉ là người trần mắt thịt, không phài tiên thần giáng thế, làm sao có loại tài năng người gặp người thua, quỷ nhìn quỷ phục? Những điều nàng trải qua kiếp trước tuy gian nan, kinh khủng, song chung quy chỉ là đấu tranh sống còn. Nó không làm cho nàng trở thành thiên tài sổ sách hay tài nữ hội họa, nó chỉ khiến cho sự chai lì trong nàng lớn mạnh hơn thôi. Nói dễ nghe là kiên cường bền bỉ, khó nghe là cứng đầu gan lì.

Chính sự gan lì này hiện tại đang khiến nàng siết chặt nắm tay. Bà Cả, bà Cả...

Ngày hôm sau, Vũ ra lệnh cho nhà bếp sẵn nấu thuốc bổ cho cậu Hai thì ninh thuốc điều kinh cho nàng. Vốn mợ Hai mắc bệnh đàn bà thì trước giờ bọn con hầu đều hay nên cũng không ai lấy làm lạ. Chờ đến lúc cả hai bát thuốc đều được bưng lên, nàng nhân lúc con hầu bếp quay đầu liền thay mận đổi đào, đoạn vẫy tay gọi cậu Dương đến uống.

Dương vừa nhấp môi thì bỗng khựng lại, nàng nín thở lo sợ. Vốn đã thử qua cả hai và cảm thấy ngoài đắng ra cũng có phần tương tự, kẻ không sành thuốc hẳn sẽ chẳng ngộ ra, cớ gì cậu lại nhíu mày thế kia?

Nhưng rồi, cậu lại uống hết.

Vũ thở phào nhẹ nhõm.

Đoạn lại thản nhiên cầm bát thuốc kia bịt mũi dốc xuống. Dẫu không biết con hầu kia có liên quan đến bà Cả hay không, môt vài lần đầu nàng vẫn không nên lộ ra sơ hở.

"Nóng, nóng quá!" nàng ném cái bát không vào lại trong khay, mặt nhăn nhó nhìn thị Họa đầy trách móc.

Thị Họa ngược lại không hề có vẻ hốt hoảng, rất quy củ khoanh tay lại nói. "Thuốc nóng mới hiệu nghiệm ạ."

"Còn nói! Lưỡi cậu mày có bọc nhung thì thôi đi, mợ lại không có trâu bò như hắn! Sau này đặt vào âu nước lạnh rồi hẵng đem lên!"

"Vâng ạ."

"Giờ thì xuống bếp lấy cho mợ vài miếng mứt đào nào. Đúng là chị Ly đi rồi thì nhà này chẳng ai biết hầu hạ mình cả...!"

Con hầu tên Họa lại vâng dạ rồi cúi người cầm khay lui ra. Vũ nghĩ thầm sau này cứ thỉnh thoảng uống thật vài ba lần cũng không hại, còn lại đã có cớ sợ nóng đuổi nó đi rồi tìm nơi đổ bỏ thuốc sau. Cái cấp thiết hiện tại là viết cho lão Cầm một lá thư khác, hỏi xem thuốc điều kinh của mình đàn ông uống vào liệu có chết không.

Lúc quay đầu, lại bắt gặp cái nhìn khó hiểu của gã chồng.

Quá chăm chú, quá chuyên tâm.

"Này!" nàng phe phẩy tay trước mặt cậu. "Anh sao thế? Uống thuốc xong rồi còn không mau gánh nước tiếp đi? Dạo này lạnh quá, ra khỏi xưởng đúc rồi thì cứ như lội trong mưa đá ấy..."

Than thở chưa hết câu, bàn tay đã bất chợt bị đối phương nắm chặt.

"Này...?"

Vũ hết nhìn bàn tay siết chặt tay mình, lại nhìn đến chủ nhân của nó. Còn cái ánh mắt kia, tự dưng sao lại như diễn chèo thế? Trông cứ như cậu đang tiễn nàng ra trận ấy...!

"Này, này, này...!" nàng vừa nói vừa giãy tay ra. Lạ, sao cái tên này hôm nay mạnh bất chợt vậy? Lên cơn điên gì đây?

Bất thình lình, cái kẻ điên kia buông tay nàng ra thật, sau đó đứng lên phóng ào ra khỏi cửa.

Vũ chẳng hiểu gì cả, giời ạ!

(tác giả và độc giả hiểu được rùi :))))

Chẳng qua chỉ là có kẻ một phút sẩy chân, chôn thân hố tình mà thôi, mợ ạ. 



Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info