ZingTruyen.Info

Thiên hạ kỳ duyên [Cảm hứng lịch sử, cung đấu, báo thù] -Ánh Tuyết Triều Dương

Chương 16: Nguyễn sung nghi (2)

AnhTuyetTrieuDuong

Điện Kính Thiên.

Bản báo cáo của quan khâm sai gửi về bị ném trên mặt đất. Quỳ phục ở bên dưới, đám đại thần cũng thầm nghiến răng nghiến lợi, trách lão tri phủ họ Phạm không biết trời cao đất dày, số tiền tu sửa đê điều có bốn vạn quan tiền mà hắn cũng dám đút túi hơn một nửa!

Một viên quan trẻ tuổi bức xúc lên tiếng:

"Bẩm bệ hạ, Phạm Nghĩa thân là quan phụ mẫu mà không biết chăm lo cho con dân, bỏ mặc trăm họ lầm than nheo nhóc, lại dám lừa trên dối dưới, nhăm nhe vơ vét cho đầy túi riêng. Một kẻ không trung với vua, không tận tụy với dân như thế, cần lập tức lăng trì để an ủi lòng dân, giữ yên phép nước."

Tư Thành gật đầu rồi quay sang hỏi một lão thần khác:

"Đinh Liệt, khanh thấy thế nào?"

Lân quận công Đinh Liệt là người có thanh danh rất lớn trong triều. Thấy hoàng thượng hỏi đến ông ta ôm quyền rồi cung kính nói:

"Bẩm bệ hạ, Phạm Nghĩa chắc chắn không thoát tội, nhưng thần trộm nghĩ giờ chưa phải lúc giết hắn. Hai vạn quan tiền không phải là nhỏ, vậy mà Phạm Nghĩa có thể che giấu đến tận bây giờ, chứng tỏ trong việc này không phải chỉ có mình hắn tham dự. Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, phải nghiêm trị cả bọn mới mong tận diệt mối họa đục khoét, răn đe cho đời sau, đồng thời thu hồi lại số tiền đã thất thoát nữa ạ."

Đây cũng chính là điều Tư Thành đang nghĩ tới. Một tri phủ nhỏ nhoi như Phạm Nghĩa không thể đơn độc mà tham ô số tiền lớn như vậy. Phía sau lưng hắn chắc chắn còn có những kẻ cùng hội cùng thuyền khác.

"Được, vậy trẫm cử Nguyễn Văn Khanh làm quan khâm sai, ngay lập tức đến Tĩnh Gia để điều tra chuyện Phạm Nghĩa, bằng mọi cách phải tìm ra những kẻ có tội, kể cả quan trên biết chuyện mà dung túng cũng tuyệt đối không tha. Đồng thời phối hợp với bộ phận quan viên địa phương còn lại, lo công tác ngăn lũ và cứu tế cho người dân."

Viên quan trẻ tuổi tên Nguyễn Văn Khanh vâng dạ nhận lệnh.

"Còn vấn đề trị thủy sông Lỗi Giang." Tư Thành tiếp tục. "Các khanh ai có ý kiến gì không?"

Một người tuổi ngoại tứ tuần lập tức bước ra. Ông ta là người đứng đầu Thái sử viện, cơ quan chuyên trông coi việc thiên văn, lịch pháp và thủy văn trong triều.

"Thừa lệnh bệ hạ, vi thần đã phái người đi tìm hiểu dọc thượng nguồn sông Lỗi Giang." Viên thái sử lệnh vừa nói vừa dâng lên một tấm bản đồ. "Quả đúng như bệ hạ liệu tính, ở khúc giao nhau giữa thượng nguồn và hạ nguồn Lỗi Giang có một đoạn đê khá kì lạ. Đoạn đê ấy dài chừng năm dặm, được xây dựng bằng đá rất kiên cố, đặc biệt, nó lấn chiếm ra lòng sông một đoạn khá dài, khiến khúc sông chỗ đó bị thu hẹp lại quá ba phần. Vi thần đã cho người dò hỏi xung quanh nhưng không ai biết đoạn đê ấy xuất hiện từ lúc nào, càng không biết ai là người đã xây dựng ra nó."

Trong lòng Nguyễn Đức Trung thầm thở phào nhẹ nhõm. Thì ra hoàng thượng cũng đã nghĩ tới giả thiết này. Trong khi đó, Tư Thành vẫn chăm chú quan sát tấm bản đồ. Nhận ra vị trí của điểm được khoanh tròn, ngài nhíu mày nghi hoặc:

"Khanh có dám chắc căn nguyên nằm ở đó?"

Viên thái sử lệnh quả quyết đáp:

"Vi thần dám lấy đầu của mình ra đảm bảo. Đoạn đê ấy thu hẹp lòng sông khiến sức nước bị kìm lại đột ngột, khi thoát ra khỏi đó ắt sẽ chảy ồ ạt như thác lũ, trong khi đê điều ở vùng thấp hơn đã bị mục ruỗng từ bên trong, không thể chịu sức nước quá mạnh, vỡ đê là một điều tất yếu."

Hầu hết những người đang có mặt ở điện Kính Thiên đều thảng thốt giật mình. Từ khi nào ở thượng nguồn Lỗi Giang lại xuất hiện một đoạn đê oái oăm như vậy? Lấn chiếm lòng sông đến mức ấy thì là đê tạo lũ chứ không phải đê ngăn lũ nữa rồi!

Sắc mặt của Tư Thành càng u ám gấp bội. Tấm bản đồ gần như sắp bị ngài vò nát trong tay.

"Đinh Liệt, khanh cử người cùng thái sử viện đi khảo sát vùng thượng nguồn Lỗi Giang, một mặt cơi nới đoạn đê ấy, nếu cần phá dỡ thì phải phá dỡ để điều hòa dòng chảy, một mặt điều tra xem đoạn đê ấy có từ khi nào, do ai xây dựng. Việc này không được chậm trễ! Các khanh có thể lên đường ngay khi buổi nghị triều này kết thúc."

"Chúng thần tuân lệnh."

Cả Lân Quận công Đinh Liệt và viên thái sử lệnh đồng thanh đáp.

Buổi nghị triều hôm ấy kéo dài đến quá giờ tị mà vẫn chưa vãn cuộc. Ban đầu các quan còn ngần ngại không dám thể hiện quan điểm của mình, nhưng sau thấy hoàng thượng cho phép thì tâm trạng của họ dần thoái mái hơn, rồi lần lượt chẳng ai bảo ai, người nào có chủ ý trong lòng đều tấu trình lên hết, từ việc điều tra quan tham ra sao đến việc tu sửa đê điều như thế nào... Mỗi người một ý, kẻ khuyết sót sẽ có người bổ sung, sau hơn hai canh giờ bàn bạc, vấn đề thiên tai ở Thanh Hoa gần như đã được giải quyết trên phương diện lý thuyết.

Lạc lõng giữa đám quan lại đang bàn tán sôi nổi ấy, có một người từ đầu đến cuối đều im lặng, nhưng cái kiểu im lặng của ông ta cũng khá lạ lùng, lúc nào cũng nhấp nhổm không yên, giống như có gì đó muốn nói rồi lại thôi.

Mọi biểu hiện của Nguyễn Đức Trung đều không qua mắt được Tư Thành. Đợi cho tiếng ồn ào lắng dần, ngài mới hắng giọng hỏi:

"Đức Trung, khanh có gì muốn nói phải không?"

Nguyễn Đức Trung lơ đãng giật nảy mình. Thấy Đinh Liệt nháy mắt ra hiệu, ông ta mới vội vàng bước ra:

"Bẩm bệ hạ, những chủ ý của mọi người hôm nay quả thực rất hay, nhưng trị thủy cần kế lâu dài, trong khi nạn dân tha phương lại là nỗi lo trước mắt. Thần trộm nghĩ nếu chúng ta chỉ tập trung gia cố đê điều ở Thanh Hoa thôi thì chưa đủ..."

Đám đại thần khó hiểu nhìn nhau. Ai cũng biết Nguyễn Đức Trung là quan võ. Ông ta tham gia buổi nghị triều này đã lạ rồi, giờ lại có vẻ muốn hiến kế?

Thực ra Nguyễn Đức Trung tham gia thương nghị là để tấu trình lại lời thiếu nữ hôm nọ, nào ngờ cứ mỗi lần Nguyễn Đức Trung định bước ra thì y như rằng vấn đề ấy lại được người ta nhắc đến. Nguyễn Đức Trung tấu hụt mấy lần, cuối cùng đành ngoan ngoãn đứng nghe, không can dự vào cuộc thảo luận nữa. Nhưng bàn tới bàn lui mà vẫn không có ai bàn tới chuyện ổn định nạn dân, Nguyễn Đức Trung đành bạo gan hiến nốt ý này.

Dùng danh mua lợi, để người giàu cùng san sẻ nỗi lo với triều đình!

Nguyễn Đức Trung vừa dứt lời, trên dưới bá quan đều tấm tắc khen hay. Thậm chí người luôn trầm tư như Tư Thành cũng không giấu được nụ cười ưng ý:

"Quốc khố dồi dào cũng không bằng lòng dân cộng lại. Nguyễn Đức Trung, chủ ý này của khanh mới nghe thì khá viển vông, nhưng cũng rất nên thử một lần!"

Không vui sướng khi được hoàng thượng khen ngợi, Nguyễn Đức Trung chỉ lặng lẽ cúi đầu tạ ơn. Đinh Liệt là người duy nhất nhận ra vẻ áy náy trong mắt Nguyễn Đức Trung, nhưng ông ta đủ tế nhị để coi như không thấy.

Buổi nghị triều vừa tan, các quan lục tục kéo nhau ra về.

"Nguyễn Đức Trung, sao khanh còn chưa đi?"

Thấy Nguyễn Đức Trung vẫn đứng tần ngần ở sân Đan Trì, Tư Thành tò mò lại gần hỏi. Biểu hiện của Nguyễn Đức Trung hôm nay rất lạ. Đến kẻ ngốc cũng nhận ra ông ta đang có khúc mắc trong lòng.

"Chuyện cứu tế nạn dân mà thần vừa nói..." Nguyễn Đức Trung bần thần nói.

Sẵn tâm trạng vui vẻ, Tư Thành ngắt lời ông ta:

"Việc này trẫm sẽ ghi nhớ. Khanh đã làm rất tốt."

"Bẩm bệ hạ, biện pháp đó không phải do thần nghĩ ra đâu ạ."

"Khanh cứ khiêm..."

Tư Thành đang đà nói chợt khựng lại. Hình như ngài vừa cảm thấy có gì đó không đúng lắm.

"Khanh vừa nói gì?"

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info