ZingTruyen.Info

Thị Mầu

Chương 32: Thị Kính

Camyen1484

Rút cục mặt nạ Tiểu Kính Tâm đang mang cũng rớt xuống, vụn vỡ tan tành.

Không còn mỗn vẻ tái nhợt, Thị Kính bất thần hức lên một tiếng nghẹn ngào, làm chính bản thân Thị cũng giật thót, vội vã bịt chặt lấy khuôn miệng. Nơi đáy mắt vốn luôn phẳng lặng kia, bỗng ầm ào sóng cả. Toàn thân Thị bắt đầu run lên như cây non bấn bão.

Mầu xem cái bộ dạng kia, lòng nổi lên một chút cảm giác hả hê.

Ra là Thị vẫn còn trần ai lắm. Mầu lại đã lo, Thị sẽ cố sống cố chết mà tránh né, khước từ mọi liên quan đến cái tên cha sinh mẹ đẻ cơ đấy. Nhưng rồi Mầu dần bình tâm lại, vốn cô vạch ra sự thật này đâu phải để chê cười, vùi dập người ta.

- Tôi biết thầy là Thị Kính, cũng biết rõ thầy vì nguyên do gì mà lưu lạc đến đây - Mầu nhắm chặt đôi mắt, kiên quyết đem thân cùng bồi vào canh bạc này - Thầy đừng ngạc nhiên, bởi tôi vốn là kẻ đã kinh qua ải tử một lần.

Vốn giữa Mầu và Thị, ai cũng đương khốn đốn gò cổ cõng cái gông xiềng của số phận, nào có ai hơn ai mà bày vẻ trên chốc, hơn thua.

- Để giữ cho thầy, tôi vẫn sẽ gọi thầy là thầy tiểu. Tôi cần thầy xác nhận, thầy có nghe rõ lời tôi hay chăng?

Thị Kính chỉ biết máy móc gật, ánh mắt mờ mịt ghim chặt hướng mái tam quan. Chút thân bèo tấm này, còn biết trôi dạt về đâu nữa!

- Thầy đừng sợ! - Mầu càng nhu giọng - Chuyện này, ngoài tôi ra, không một ai biết, tôi xin thề trên danh dự cha tôi rằng, có thế nào tôi cũng sẽ không mảy may tiết lộ, trừ phi thầy là người tự mình nói ra trước.

Mầu nhìn chăm chăm vẻ vô hồn kia cho đến lúc nhận được cái gật đầu xác nhận đã hiểu ý mới tiếp lời:

- Tôi cũng đã sòng phẳng trao vào tay thầy yếu điểm của mình. Tôi tin thầy sẽ giữ gìn cho tôi cũng như tôi tin vào sự giữ gìn của tôi dành cho thầy vậy. Nếu thầy đã hiểu, cũng nên hiểu rằng tôi sẽ không thể nào còn có thể tiếp tục theo đuổi thầy sau khi đã hay toàn bộ về thân thế thầy. Bởi vậy, xin thầy hãy giữ cái sự đề phòng ấy lại cho những kẻ khác.

Mầu chững lại đợi cái cụp mắt chấp thuận của Thị Kính, đoạn xoay người bước tiếp:

- Thầy theo tôi đi, chúng ta không thể nói hết đầu đuôi chuyện này ở đây được. Tôi hẹn thầy đêm nay giờ tý canh ba ngoài mái Tam quan, thầy thu xếp đến để chúng ta nói chuyện.

Nói rốt Mầu rảo chân nhanh hơn, mặc kệ là Thị Kính có còn bước theo hay không. Mục đích đã đạt, kéo dài thời gian đi lại sẽ khiến các vãi già sinh nghi.

Đến chỗ ao chùa, Mầu thấy Thơ đang thảnh thơi ngắt cỏ quăng cho mấy con chép ăn, liền nén nhịp tim đang muốn dâng lên cổ họng, đổi dung nhan tươi tỉnh, làm vẻ hoạt náo thuật lại ý tứ rủ Thơ đi giúp các vãi già việc dọn dẹp. Ngoái lại sau, không còn thấy Tiểu Kính Tâm đâu, chỉ thấp thoáng một góc vạt áo nâu khẽ chớm ra đằng sau gốc đại già.

Mầu cố ý lớn tiếng:

- Vàng hương mày cứ để cả ở đây, tao đánh tiếng nhờ người qua lấy hộ rồi - Xong dắt Thơ, vừa đi vừa chạy, tiếng chân khua động khiến góc áo nâu sồng kia thoắt biến mất khỏi tầm nhìn.

Có mấy rổ bát đĩa, với lại phụ các vãi già sắp xếp, quét dọn khu vực nhà bếp, mỗi người chung tay một chút, nửa canh giờ là đã đâu vào đấy. Tiểu Kính Tâm không quay lại. Cũng biết Thị cần thời gian để thông tỏ, Mầu liền liên tục chuyện trò, hoạt náo để các vãi với lại Thơ khỏi nhớ mà nhắc tới. Xong công việc, các vãi khách sáo mời cơm, Mầu với Thơ lễ độ từ chối xin phép đi về. Ngày tết ăn uống muộn, quá ngọ vẫn chưa có cảm giác gì là đói bụng.

Hồi đêm ngủ không đủ làm mắt Mầu mỏi rũ. Chia tay Thơ, Mầu thay ra áo xống đẹp đẽ, xoã tóc, co tròn trong góc giường, ngủ lịm đến tận xế chiều.

- Cái Mầu đâu rồi? - Phú Ông về là bắt đầu rũ chân bèn bẹt, lên phản xếp bằng, cái điếu gõ cồm cộp, cao giọng gọi. Mầu ngái ngủ, tụt xuống giường, cứ thế chân trần vịn cửa, tay dụi mắt ngáp tràn nhìn cha.

- Thầy về sớm thế ạ?

- Sớm gì, sắp tối đến nơi rồi - Giọng Phú Ông tỉnh queo, không nhựa hơi rượu, xem ra hôm nay ngoan nết, không quá chén.

Mầu cười hì hì, nhón chân ra chỗ cha ngồi. Đôi gót hồng hào nhỏ nhắn theo nhịp đi cứ dâng lên, hạ xuống, quẹt vào làn váy man mát. Ngồi xuống cạnh Phú Ông, Mầu vén mớ tóc nghiêng sang bên, nhón tay bốc ít hạt đỗ xanh rang chín, thư thả tựa vào lưng thầy:

- Đêm qua người làng đi lễ ầm ầm, con ngủ không đủ, lễ chùa về là đánh một mạch thầy ạ. Mà thầy đói chưa, con dọn cơm thầy ăn nhé.

- Ăn uống gì! - Phú ông vùng vằng đẩy khẽ lưng con gái - Ơ hay con này, nặng tao.

- Úi, nặng cơ - Mầu bật cười rinh rích, móng tay khẽ gại cùi trỏ Phú Ông - Thôi thầy cứ nói con xem nào, giấu con làm gì, lại có đứa nào nó gở miệng đầu năm ra đã quở con gái vàng ngọc của thầy chăng?

- Tao thì cứ huỵch toẹt đấy, có gì mà giấu - Phú ông gân cổ vẻ bực bội - Thế chị nói tôi xem, hôm kia chị gặp cậu Cẩn lại nói những gì?

- Ớ - Mầu tròn mắt, buông cánh tay đang nắm vốc hạt xuống, nhíu mày suy nghĩ - Mấy hôm nay thầy con ta bận túi bụi, con gặp cậu ấy bao giờ ý nhỉ, sao con chẳng nhớ?

- Để tôi nhắc chị ạ! - Phú Ông ngoa ngoắt, quay qua lườm Mầu muốn cháy má - Cái buổi hôm kia chị đi chợ về ấy, túm tụm với hội cái con Thơ ấy, gặp cậu Cẩn, các chị trêu gì người ta.

- Ối giồi - Mầu bất giác ré lên như phường chèo nhập vai Xuý Vân, cười đến đỏ cả mặt - Con nhớ rồi, là cái chuyện cậu Cẩn ngã xuống mương ấy ạ, thầy không nói con tý quên, buồn cười chết mất.

- Còn buồn cười - Phú Ông gằn giọng, nhổm người xích ra một khoảng nạt con gái - Có nhớn mà chẳng có khôn. Ít lâu nay tôi dễ quá chị không biết đúng sai nữa phỏng? Tôi hỏi chị, chị tự trát trấu bôi gio lên mặt như thế rồi chị lấy chồng làm thế nào? Con gái con đứa vô duyên vô dáng, sao lại có thể hành xử như vậy?

- Ớ - Mầu ngẩn ra - Thầy nói sao cơ, con có trêu đùa gì quá trớn đâu mà thầy nỡ nói con thế - Mầu nghĩ nghĩ chút, tay vỗ bẹt trên đùi - Thôi rồi, nhất định là đứa nào nó lại ăn không nói có rồi, chứ có giăng sao trên trời làm chứng, con mà lại ăn nói hỗn hào với lại cậu Cẩn kia, con xin chịu thầy phạt nặng.

Chuyện có mỗn thế này, hôm ấy con với cái Thơ đi chợ về, gặp cái Hoa con thầy Xã giữa đường, con cũng chả ưa gì nó đâu ạ, nó thì cũng khác gì thầy nó đâu, rặt một phường trí trá... mà nó cứ mặt trơ theo bọn con, đuổi không đi, cái Thơ cũng nhẹ dạ, lại đi tiếp chuyện nó. Xong bọn con gặp cậu Cẩn. Con chào cậu ấy lễ phép lắm, hỏi lấy vì thôi là cậu đi đâu sớm vậy, ai ngờ cậu ấy nghiêm túc đứng lại trả lời là đi hội văn phả về, chuẩn bị cho hội thơ tết ngoài đình đấy, còn nhiệt tình giảng cho tụi con về bài phú của cậu ấy vừa làm, tâm đắc lắm. Xong con cũng chỉ tỏ vẻ nghe thôi, có hiểu ất giáp gì. Rồi bỗng cậu ấy lùi lại, lùi làm sao lọt cả xuống mương - Mầu dốt câu, giọng ủy khuất - Thầy bảo, trông trang trọng như cậu ý, lấm như trâu đầm, con cười có chút, đâu phải gì hệ trọng lắm.

- Thế sao chuyện tao nghe nó khác.

- Thầy nghe từ ai ạ?

- Lão Xã chứ ai - Phú Ông bực bội thốt. Thực ra ban đầu, ông cũng chẳng để tâm lời cái lão trí trá ấy đâu, mà tại cả chiếu nhậu cứ trêu đùa Mầu của ông kiểu này lấy sao được chồng, ông mới đem cái giận về nhà trút lên con. Nghĩ mình ngần tuổi này còn ham lấy vợ, trong khi con gái bước sang tuổi 19 vẫn chưa có mối nào thành, lòng dạ sốt như bị xát cả vốc ớt - Thôi tao biết rồi, con cái Hoa hay con Thơ nó vất sâu sang cậu Cẩn đổ vấy cho mày rồi.

- Sâu ấy ạ? - Mầu ngước mặt lên nóc nhà cố nhớ lại - Cái Thơ với con nào có bắt sâu nào đâu, mà con cũng không nhìn thấy con Hoa bắt sâu kia, hay nó thủ sẵn định trêu tụi con...Mà kệ đi thầy - Mầu không cho là hệ trọng lại che miệng cười - Mỗi cái con sâu mà sợ ngã cả xuống mương thì cũng vừa lắm ạ, đàn ông đàn ang gì mà...

- Cái con này - Phú Ông vạt tay Mầu nạt - Người ta sinh ra lễ nghĩa, thi thơ đầy bồ, mỗi cắm đầu học chứ có như người khác làm đồng, làm ruộng đâu mà lại chả không sợ sâu.

- Vậy thầy nghĩ, ví thử như con gả cho cậu ấy, mai này chuyện bé tý như con sâu, chuyện to như sự bất hoà, cậu ấy lại cứ trông là bỏ của chạy lấy người, thì con gái thầy phải làm sao? Có đáng là bóng thụ cho thầy đặt con đặng nương nhờ cả đời không ạ?

- Liên quan lắm ấy! - Phú Ông nói cứng - Cái con sâu đơn giản là thứ cậu ấy sợ, chứ cậu ấy học hành đến nơi đến chốn, tư cách lại tốt, thế nào chỉ vì con sâu nhép mà kêu cậu ấy không ra gì.

- Thế, thầy trông nhà cậu ấy chưa ạ? Con nghe đồn, cậu ấy ngủ dậy còn phải mẹ giúp rửa mặt, chải đầu, ăn uống thì kén chọn, cả ngày cầm quyển sách từ khuya đến tối. Con không chê cười vì cậu ấy sợ con sâu đâu ạ, mà con đồ rằng cái phản ứng với con sâu đã lộ rõ cái nhút nhát, cái bất lực với cuộc đời của cậu ấy. Thầy xem, thầy nuôi con ăn trắng mặc trơn, lớn từng này còn chưa chịu uỷ khuất gì, nay về nhà người ta phải chăm chồng như chăm con, còn chăm cả cha mẹ chồng, suốt ngày tay nâng khay ngang mày, có lời không được nói, gặp uất ức gì cũng phải nuốt vào bụng...Con nói thật cùng thầy chứ, sống như thế chẳng bằng con ở không!

- Thì đã ai bảo gả mày cho cậu ấy mà cứ xồn xồn lên - Phú Ông gắt nhẹ.

- Thầy cứ lại khí dối con - Mầu liếc cha, dẩu môi đào - Thầy lại chẳng ưng cậu ấy ra mặt. Khéo nhà người ta cũng hay đấy, gặp con có vẻ đinh ninh lắm cơ.

- Hừ - Phú Ông không biết nói sao, ừ thì rõ ràng là ông có từng sai Nô đi nghe ngóng chuyện nhà bên ấy, cũng có biết mấy cái vặt vãnh mà Mầu vừa bảo. Còn biết thêm cái điều Mầu chưa đả động tới, ấy là mẹ cậu Cẩn là một người đàn bà vô tận cuồng con, ghê gớm thuộc hàng nhất làng.

Nhưng mà cái chính là ông quý tâm địa cậu ấy trong sạch, thiện lương, lại chỉ biết dốc tâm học hành, không phải cái thứ đàn ông trăng hoa, vũ phu, thô tục, vốn đầy rẫy ở huyện này. Hơn nữa, cùng làng, con gái có sẩy chân, ông còn dễ dàng trợ được.

Song Mầu nói cũng không sai, cuộc sống hôn nhân, trước tiên phải hoà hợp, mà vốn xưa rày nào phải chỉ là chuyện hai người. Cậu ấy mà kém tay, con gái ông là người chịu tội đầu nước. Như mẹ Mầu, nếu không có ông cứng rắn đỡ, bà còn khổ nhục gấp vạn, thế mà cuối cùng thác đi, đến khu mộ họ cũng không được nhập, nằm bơ vơ một mình một cõi. Cơn nghẹn này nghĩ thế nào ông cũng không thể nuốt trôi.

Thôi, con gái đã sáng suốt vậy, cứ để thăm dò ý tứ xem nó ưng đối tượng như thế nào, để ông còn liều liệu thu xếp. Với lại có cô Hiền về nhà, có thêm người gần gụi, lại cùng giống, nó cũng dễ tâm sự hơn.

Nghĩ thế, Phú Ông lại quay qua hoà hoãn hỏi Mầu chuyện lễ chùa đầu năm.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info