ZingTruyen.Info

THÁNH TÔNG DI THẢO

Chương 1: Mai Châu yêu nữ truyện

Hoa_Tra


Chương 1: Truyện yêu nữ Châu Mai

Cuối niên hiệu Nguyên Phong đời nhà Trần, ở Mai Châu có một nữ yêu tinh biến hiện nhiều hình quái gở. Khi nó hiện ra người đầu to bằng bánh xe, hoặc hai đầu sáu mình, ai trông thấy cũng chết khiếp. Khi nó biến thành gái đẹp, hoặc nhẹ như Phi Yến[1], hoặc béo tốt như Dương Phi[2], ai say mê tất phải thiệt mạng. Người địa phương bị khổ sở vì nó, đã dùng nhiều phép trừ yểm, nhưng đều vô hiệu. Những đêm trăng sáng, nó thường ở trên không ngâm rằng:

Muốn mặc văn bào chơi đế đô,

Lương nhân có biết cho?

Ngư ông khắp đất một sông hồ,

Mai thưa thớt, liễu gầy gò,

Lục giáp, lục giáp, gặp chồng xưa.

Tiếng hát trong như vàng ngọc, ai cũng nghe rõ, nhưng không hiểu ý tứ trong bài ra sao.

Khi còn ở tiềm để[3], ta biết việc ấy, bèn viết thư sai người đến đền Phù Đổng mượn gươm của Thiên Vương để trừ nó. Nữ yêu kinh sợ, ẩn trong cỏ rậm ven sông đầm, không dám tác quái như trước nữa.

Đến năm Hồng Đức thứ sáu (1475), nó lại hiện thành một người con gái đẹp tuyệt trần, trạc mười sáu tuổi, mắt long lanh như nước mùa thu, môi đỏ như son vẽ, tóc mây mặt hoa, cười nói duyên dáng, làm cho người ta phải động lòng. Nó vào một nhà hát, nói rằng:

- Tôi mồ côi từ tấm bé, phải nương tựa chị gái. Vì anh rể là kẻ khinh bạc, nên phải đem thân trốn đến đây.

Chủ nhà hát hỏi:

- Họ tên chị là gì? Quê quán ở đâu?

- Thưa, tôi họ Ngư, tên Nương, quê ở làng Văn Mộc[4].

- Những chữ đồng âm với "Ngư" và "Nương" cũng nhiều, chị hãy nói rõ chữ "Ngư" và chữ "Nương" nào?

- Thưa, chữ "Ngư" ở trong chữ "Ngư nhân", chữ "Nương" ở trong chữ "Nương tử".

- Chị có biết hát không?

- Thưa có.

Chủ nhà bảo nó vừa hát vừa đánh phách. Nó cất tiếng hát, giọng trong và hay tuyệt. Chủ nhà rất mừng, cho nó mặc gấm vóc, đeo nữ trang vàng ngọc, muốn làm cho bọn trai trẻ say mê để kiếm được nhiều tiền. Nhưng, hễ khách làng chơi vừa bước chân vào cửa thì gót sen đã quay ngoắt, chỉ để lại hương ngát sau lưng; phong lan vội trở vào, chỉ còn thấy phất phơ dải yếm. Chủ nhà hát ngán quá, thường ngon ngọt dỗ dành, hoặc xẵng lời dọa dẫm, hết ân lại uy, chung quy vô bổ. Muốn đuổi đi sợ mất công từ trước, muốn giữ lại, e không lợi về sau. Cuối cùng, chủ nhà hát đành chịu để tạm ít lâu nữa, họa may nó có đổi nết cũ đi chăng.

Thình lình một hôm, có một người áo quần mộc mạc, hình dung tiều tụy, đến nhà hát. Khách tự xưng là Lương Nhân. Các con hát trong nhà cự rằng:

- Hình thù thế ấy, ăn mặc thế kia, đến đây để làm gì?

Lại có kẻ nói đùa rằng:

- Anh chàng đến đây, chừng muốn làm nữ thi[5] cho chị Ngư Nương đó.

Lương Nhân nghiêm sắc mặt nói:

- Người xưa có câu: "Ăn bánh bột cũng say"[6]. Phàm ca nhi vũ nữ đều chỉ mong kiếm được nhiều tiền, chớ có cần chi hình dung bên ngoài?

Đoạn nghiễm nhiên ngồi lên chiếu cao, và lớn tiếng cho mọi người đều nghe:

- Ta không phải là ai lạ. Nhà ta ở giáp thứ sáu, bên tả được mạch tốt của sông Nhị, bên hữu được khí thiêng của Hồ Tây, tục gọi là Lục Giáp Ông, tức là người "một lúc hết trăm vạn, ngậm ngùi không nửa lời". Nhân đi tìm lối cũ của Thái Công[7] , thăm dấu thơm của Tử Lăng[8], ngẫu nhiên vui chân đến đây. Trong đám ca nhi, ả nào thanh sắc hơn người, hãy hát một khúc ta nghe, chuốc vài chén ta uống, ta sẽ thưởng cho nhiều tiền.

Ngư Nương ở trong phòng nghe tiếng, vội trang sức chỉnh tề rồi bước ra, xịu mặt khóc:

- Thiếp ẩn náu ở đây đã hơn một năm, người Kim Cốc[9] tới, khách chu môn[10] vào, tính đốt ngón tay không biết bao nhiêu mà kể. Thiếp thường ở trong vách tối dòm ra, chỉ thấy rặt những phường ngoài mặt thì như ngọc vàng mà trong lòng thì như bông nát[11], không được ai vừa ý cả.

Lang quân hỡi lang quân!

Cách biệt ba mươi xuân,

Mây Vu Sơn, mưa Vu Sơn,

Hôm hôm, sớm sớm ai tri âm?

Lang quân hỡi lang quân,

Lâm Cùng[12] từ đi, ai người thân?

Khí gươm Thiên Vương, hầu không lánh thân.

Lang quân hỡi Lang quân!

Khóc xong, cởi dây lưng lụa lấy ra một đôi ngọc bích và mười lạng vàng đưa cho chủ nhà hát mà rằng:

- Chút quà nhỏ mọn, gọi là đền ơn Phiếu Mẫu.

Rồi hai người cùng thở than, dắt tay nhau lên xe cùng đi.

LỜI BÀN CỦA SƠN NAM THÚC:

Ngẫm nghĩ hai bài ca: bài trước có nói "chồng xưa", bài sau có nói "cách biệt", ngờ rằng Ngư Nương và Lương Nhân nguyên cùng nhau có duyên Chu Trần, khi chết hồn vẫn không tan, lâu ngày thành yêu, đến bây giờ lại làm vợ chồng. Còn cái tên gọi là Lục Giáp Ông, chỉ là nói thác ra mà thôi.

Xét nay ở động Mai Châu có đền Ngư Nhân rất thiêng, thường làm hại dân, có lẽ là hai con ma Ngư Nương và Lương Nhân đó chăng? Người đọc truyện nên lấy ý mà lĩnh hội.

Ghi chú:

[1] Phi Yến: Triệu Phi Yến là vợ Hán Thành Đế, người rất nhẹ, có thể đứng múa ở trên bàn tay.

[2] Dương Phi: tức là Dương Quý Phi, vợ Đường Minh Hoàng, rất đẹp nhưng đẫy người.

[3] Tiềm để: nhà riêng dành cho con vua ở khi chưa lên ngôi vua.

[4] Văn Mộc: chữ Văn (文) và chữ Mộc (木) ghép lại thành chữ Mai (枚).

[5] Đời cổ, khi tế lễ thì cử người ngồi trên bàn thờ gọi là "thần thi", ta gọi là "thần vị". Người ta cho rằng những cử động của người này lúc bấy giờ đều là do thần sai khiến. Chữ "nữ thi" ở đây ý nói là người để cho Ngư Nương sai khiến.

[6] Loại thư toản yếu: Tô Ngũ Nô có vợ đẹp, người ta thường cho y uống say để trêu vợ y. Một hôm, có nhiều người mời y uống rượu, y nói: "Cứ cho ta nhiều tiền, thì bánh bột ăn cũng say, không cần phải rượu". Về sau, câu "Ăn bánh bột cũng say" dùng để xỉ vả người tham tiền.

[7] Thái Công: tức là Lã Thượng hay Khương Tử Nha đời nhà Chu, khi chưa giúp Văn Vương thì đi câu ở trên sông Vị Thủy.

[8] Tử Lăng: tức Nghiêm Quang, bạn của Quang Vũ đời Đông Hán. Khi Hán Quang Vũ lên ngôi, mời Tử Lăng ra làm quan, nhưng ông từ chối, trở về đi câu ở bến sông Đồng Giang.

[9] Kim Cốc: chỗ ở của Thạch Sùng (một nhà giàu địch quốc ở đời Tấn). Ở đây ý nói những người nhà giàu.

[10] Chu môn: cửa son, ý nói người sang.

[11] Cổ văn, Truyện người bán cam: Lưu Cơ, tể tướng nhà Minh, mua được quả cam bên ngoài rất đẹp nhưng trong thì khô nát, gọi người bán cam trách rằng: "Cam nhà ngươi ngoài như vàng ngọc mà trong như bông nát". Người bán cam trả lời rằng: "Trong đời còn vô số người ngoài như vàng ngọc, trong như bông nát, sao ông không nói, mà chỉ nói đến cam tôi?"

[12] Lâm Cùng: chỗ ở của Trác Văn Quân, nhưng sau Trác Văn Quân bỏ nơi ấy, đi theo Tư Mã Tương Như

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info