ZingTruyen.Info

Tài Liệu Văn Nghị Luận Xã Hội Và Lí Luận Văn Học

NLVH: Nhan đề tác phẩm văn chương

DPPhuongdinh

Trong cuốn Phẩm cách văn chương, tác giả Hàn Quốc Ki Ju Lee đã chia sẻ: "Có lẽ việc đặt tên cho một tác phẩm cũng cần sự chân thành không kém gì đặt tên cho một con người".

Trước hết, Ki Ju Lee đã đề cập tới việc đặt tên cho một con người để làm chuẩn mực so sánh với việc đặt tên cho một tác phẩm văn học. Con người sinh ra, cái tên được đặt vô cùng quan trọng vì nó là thứ minh chứng cho sự tồn tại của mỗi người, trường tồn cùng thời gian và đại diện cho chính bản thân người đó. Giả dụ khi nhắc tới bạn Hiền trong lớp em, người cũng như tên, vừa hiền lành, thông minh lại học giỏi. Hoặc nhắc tới bạn Minh, ta nghĩ ngay tới bạn đó học rất giỏi. Như vậy, cái tên có tính gợi nhắc cho bản chất, thành tựu con người, định danh họ giữa vô vàn con người khác trên thế giới này. Cha mẹ khi đặt tên cũng rất chú trọng để tên người mang hàm ý đẹp cũng gợi lên mong ước về phẩm chất mà con cái họ có được sau này.

Tương tự, một tác phẩm văn học, đó giống như đứa con tinh thần của chính tác giả, trăn trở suy nghĩ, viết xóa chỉnh sửa rất nhiều lần để cho ra đời. Do vậy, cái tên cũng như một chiếc giấy chứng nhận khai sinh cho tác phẩm ấy. Chẳng có tác phẩm nào hời hợt viết bừa lại khiến bạn đọc yêu mến. Chỉ những tác phẩm ra đời sau bao quãng thời gian uốn nắn, tích trữ kiến thức, mài giũa lối viết, , "tận tụy viết ra trang giấy trắng" mới có thể lay động trái tim bạn đọc, khiến người ta nhớ về nó. Ở đây, tôi không nói bao gồm các tác phẩm "ba xu", có người đọc, thậm chí rất nhiều, nhưng chỉ đọc một lần rồi lãng quên mất, chẳng để lại cho người ta nhớ gì về nó, hoặc cũng chẳng gửi gắm thông điệp gì với người đọc. Nắn nót, kì công để có một tác phẩm hay, tác giả nào lại không mong được bạn đọc yêu mến. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng viết :"Mỗi nhà văn đều tự nhiên có một nhà phê bình trong người. Chẳng hạn, tại sao anh chọn từ này mà không chọn từ kia, rồi anh xóa câu này thêm câu khác...Bởi nếu anh ta không biết thế nào là một câu thơ hay thì anh ta không thể viết một câu thơ hay được.." đã biểu đạt sự chăm chút tinh tế cho từng câu chữ - đứa con của mình - một cách cẩn thận.

Do vậy, cái tên của tác phẩm nhìn ngắn gọn, giản đơn nhưng cũng chứa đựng sự chân thành, gửi gắm lớn lao của tác giả tới bạn đọc

Trong các đề thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng và thi tốt nghiệp THPT cũng đã không ít lần đề cập ý nghĩa nhan đề tác phẩm. Ví dụ: "Giải thích ý nghĩa nhan đề "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành"; "Truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao đã mấy lần đổi tên? Ý nghĩa của những tên gọi ấy?", "Giải thích ý nghĩa nhan đề và lời đề từ bài thơ "Tiếng hát con tàu" của Chế Lan Viên...Có thể nói về chuyện nhan đề của tác phẩm văn học ở nhiều chi tiết hơn nữa. Thậm chí có khi còn phải coi nó là một câu hỏi lớn đối với các nhà văn. Thực tế của nhiều năm nay cho thấy, một bộ phận không nhỏ trong giới sáng tác văn chương ở Việt Nam tỏ ra khá lười nhác và cẩu thả trong việc đặt tên cho tác phẩm: Anh đẻ ra một đứa con, song anh nóng vội vơ váo một vài chữ nghĩa để định danh cho đứa con ấy, không cần biết cái tên có hay không, có ý nghĩa không, có "độc" không.

Hẳn nhiều người sẽ bào chữa: cốt yếu là tác phẩm có hấp dẫn không, có giá trị không, có neo lại trong bộ nhớ của người đọc không; còn cái nhan đề ư, không quan trọng, vì đôi khi chúng ta nhớ rất rõ một cốt truyện, một chi tiết mà chịu không thể nào nhớ được tên tác phẩm là gì? Thật ra, đây là biểu hiện của thái độ chạy trốn lao động đặt tên.

"Tác phẩm văn học bắt đầu từ cái tên" - hình như Puskin đã nói câu này. Nhận định ấy cho thấy rất rõ một điều: nhan đề của tác phẩm, ấy chính là một bộ phận không thể tách rời khỏi chỉnh thể tác phẩm.

Do vậy mà tìm nhan đề cho tác phẩm cũng chính là một phần hữu cơ trong việc tác giả trình tác phẩm của mình ra với công chúng. Coi nhẹ hay trăn trở với việc đặt tên, ở một phương diện nào đó, là dấu hiệu cho biết về mức độ đậm nhạt trong tính chuyên nghiệp của một nhà văn

Như vậy, chỉ một nhan đề có vẻ bình thường đã gợi mở ra bao điều thú vị, sâu sắc.

Với tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" -Lê Minh Khuê có một nhan đề thật thơ mộng và ý nghĩa. Tác phẩm viết về những cô gái tuổi mới lớn làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường ở một cao điểm ác liệt của Trường Sơn. Cuộc sống chiến đấu gian lao nguy hiểm nhưng không làm tắt đi niềm yêu đời, yêu cuộc sống.

Ở mặt nghĩa tả thực: Những ngôi sao xa xôi trên bầu trời đêm sâu thẳm là hình ảnh thực mà các cô gái thường ngắm nhìn hằng đêm. Họ gửi vào đó những mộng mơ khao khát của thời thiếu nữ.

Về ý nghĩa biểu tượng : Có người cho rằng Những ngôi sao xa xôi chính là hình ảnh của Thảo, Nho, Phương Định, .... Họ là những ngôi sao sáng ở mặt trận Trường Sơn xa xôi. Nhưng tôi lại cho rằng, những ngôi sao trên cao đẹp đẽ ấy tượng trưng cho ước mơ, hi vọng của những cô gái trẻ. Hi vọng về tương lai đất nước hòa bình để họ được sống, được trở về bên gia đình, được yêu, được hạnh phúc. Hi vọng ấy luôn lấp lánh và soi đường cho họ trong những đêm tối, trong những tháng ngày khó khăn để họ vững tin bước tiếp.

Như vậy, nhan đề tác phẩm đã giúp người đọc cảm nhận được sự đồng cảm trong chiến đấu. Vẻ đẹp trong sáng, trẻ trung của những nữ thanh niên xung phong. Đây được gọi là một nhan đề đầy tính nhân văn.

Hay như nhan đề "Nói với con" của Y Phương, đây là một bài thơ mà ở đó không chỉ có tình quê mà còn nồng nàn tình cha, tình phụ tử, tình cảm người cha vĩ đại dành tặng cho đứa con bé bỏng của mình. Người cha muốn nhắn nhủ với con mình điều gì? muốn đứa con của mình biết đồng cảm, sẻ chia, yêu thương, gắn bó hơn với buôn làng. Những câu như "sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ sống trong thung không chê thung nghèo đói", "không chê" như một lời khẳng định, một lý mà người cha muốn nhắc nhở con về thái độ sống phóng khoáng, mạnh mẽ cho dù có phải "lên thác xuống ghềnh"- một thành ngữ chỉ những khó khăn, thử thách mà con người phải đối mặt trên cuộc đời. Trong hình ảnh ấy, con sẽ học được cách tự chủ bản thân, vững vàng trước sóng gió, cũng như những con người của quê hương chúng ta không bao giờ nhỏ bé, nghèo hèn mà luôn giàu nghị lực. Đó cũng được coi như là niềm hi vọng, mong mỏi lớn lao nhất trong cuộc đời người cha: Mong con khôn lớn nên người, luôn yêu quê hương, tự hào về dân tộc mình. Tác phẩm đã đem đến một định nghĩa mới lạ cho tình phụ tử của dân tộc Tày, mang lại một niềm xúc động vô bờ trong lòng độc giả.

"Vợ nhặt" cũng là một nhan đề độc đáo. "Vợ nhặt" nghĩa là gì? Sao tác giả không gọi là "Nhặt vợ"? Cái khác biệt là ở chỗ: "nhặt vợ" là một động từ, còn "vợ nhặt" là một danh từ, chỉ một "loại" vợ (bên cạnh các "loại" vợ khác như: vợ đẹp, vợ trẻ, vợ ở quê...chẳng hạn). Và đọc xong tác phẩm, người đọc mới thấy hết được tính chất vừa hài hước, vừa xót xa, bi thảm trong cái nhan đề ấy.

Ngay cả cách viết của tác giả đối với từng nhan đề cũng cần được lưu ý. Ví dụ Nguyễn Tuân đã viết hoa chữ "Sông" trong tác phẩm "Người lái đò Sông Đà", bởi vì theo cách nhìn của ông, sông Đà không chỉ là một con sông bình thường mà đã trở thành một "nhân vật" đặc biệt, có cá tính, phẩm cách riêng; và trong tác phẩm, nhà văn đã nhiều lần sử dụng thủ pháp nhân hóa để xây dựng hình tượng. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng đã viết hoa chữ "Đất Nước", thể hiện hàm ý tôn kính Tổ quốc thiêng liêng. Đối với những tác phẩm thơ có nhan đề là "Vô đề ("Không đề") cũng không có nghĩa là không có gì để nói. Thực ra đây là một thủ pháp dùng cái "không" để diễn tả cái "có", cái vô cùng, một thủ pháp gợi mở tâm tư...Mặt khác nhan đề kiểu này thể hiện tình huống sáng tạo ngẫu nhiên, tức cảnh sinh tình, cũng là một tín hiệu rất đáng lưu ý.

Nhan đề tác phẩm cũng phản ánh quan niệm văn hóa, tư tưởng của mỗi thời. Tác phẩm văn học trung đại thường có nhan đề thể hiện thể loại đặc điểm thể loại: "Hịch tướng sĩ văn" (Trần Quốc Tuấn), "Bình Ngô đại cáo" (Nguyễn Trãi), "Long thành cầm giả ca" (Nguyễn Du), "Tỳ bà hành" (Bạch Cư Dị)...Có nhiều tác phẩm có chung một nhan đề như "Cảm hoài", "Thuật hoài" (đều có nghĩa là "tỏ lòng''), thể hiện tính chất "phi ngã", "vô ngã" của thi pháp văn học trung đại. Đến thời Thơ mới lãng mạn, nhan đề tác phẩm thể hiện dấu ấn cái Tôi rất rõ nét. Nhiều người đã phân tích chữ "đây" trong các tác phẩm "Đây thôn Vĩ Giạ" của Hàn Mặc Tử và "Đây mùa thu tới" thể hiện cảm hứng mời gọi, dâng hiến, khát vọng giao cảm mãnh liệt...

Đối với trường hợp "Truyện Kiều" của Nguyễn Du cũng rất đáng chú ý về phương diện nhan đề. Tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân có nhan đề là "Kim Vân Kiều truyện" (truyện về Kim Trọng-Thúy Vân-Thúy Kiều, bị cụ Ngô Đức Kế cho là kém), Nguyễn Du lại đặt cho tác phẩm lục bát thuần Việt của mình một nhan đề Hán Việt là "Đoạn trường tân thanh" (Tiếng kêu mới về những nỗi đau đớn như đứt ruột) nghe rất văn chương, "mùi mẫn", thể hiện tập trung chủ đề của tác phẩm (Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều-Tố Hữu). Một số bản in vẫn lấy nhan đề của Thanh Tâm Tài Nhân. Thế nhưng người dân đã gọi tác phẩm theo một cách khác, rất giản dị là "Truyện Kiều", hay gọi theo kiểu tối giản là "Kiều" (ngâm Kiều, lẩy Kiều, mê Kiều...) nghĩa là câu chuyện về nàng Kiều, về cô Thúy Kiều, nhân vật trung tâm, sự thể hiện sinh động của một "kiếp đoạn trường". Hầu như mọi người Việt Nam đều biết đến "Truyện Kiều", thuộc một vài câu Kiều, nhưng những người biết tác phẩm còn có một cái tên "gốc" Hán Việt khác, rất "kêu" là "Đoạn trường tân thanh" thì không nhiều. Đây là một trường hợp "vi phạm bản quyền nghiêm trọng", song có lẽ mọi nhà văn đều muốn tác phẩm của mình bị "vi phạm" như vậy. Bởi với cách "thay bậc đổi ngôi" ấy, tác phẩm của Nguyễn Du đã bất tử trong lòng nhân dân.

————————————————————————
Phần làm bổ sung theo yêu cầu của 1 bạn ❤️

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info