ZingTruyen.Info

Sinh vật huyền bí Việt Nam

Thượng Đẳng Thiên Vương

PhuonggNam

Lý Ông Trọng tên thật là Lý Thân từng là một vị tướng tài, trải qua hai đời vua là Hùng Duệ Vương (Hùng Vương XVIII) và An Dương Vương Thục Phán. Hiện không rõ xuất thân, nhưng theo những thần tích ghi chép tại nơi thờ tự của ông, ông cao hai trượng ba thước (độ xấp xỉ 10m), tính tình cương trực thương dân. Trong một lần chứng kiến tên lính huyện đánh đập dân phu dã man, ông nổi giận, dùng đòn gánh quật chết ngay tên lính. Vì việc này ông đã bị giải về triều đình để chịu tội chết. Tuy nhiên, khi về đến triều đình, vì khâm phục sự cương trực của ông nên không nỡ giết và mời ông ở lại làm quan. Nhưng thời điểm đó, triều đình Hùng Vương đã quá rệu rã, hai chàng rể quý của nhà vua (Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử) đều đã về trời, nhà vua lại không quan tâm triều chính, nên Lý Ông Trọng quyết định từ chối và đi cầu học phương xa. Thời An Dương Vương, ông khâm phục nhà Vua nên đã ra làm tướng dưới trướng, lập nhiều chiến công và được vua ban thưởng chức tước.

Bấy giờ ở phương Bắc, Tần Vương đã thống nhất Trung Hoa và lên ngôi Hoàng Đế, tuy nhiên vẫn bị quân Hung Nô ở biên giới nhăm nhe xâm lược. Tần vương đã sắp xếp cho việc chinh phục đất Nam Việt (là nước Âu Lạc đó) để gia tăng sức mạnh lãnh thổ, lúc này Lý Ông Trọng xin tình nguyện sang nước Tần làm con tin, đồng thời sẽ giúp vua Tần dẹp hoạ Hung Nô.

Sau khi sang đất Tần, ông được phong là Vạn Tín Hầu, đóng quân tại đất Lâm Thao (Cam Túc hiện nay). Từ khi Vạn Tín Hầu đóng tại đây, đất Lâm Thao trở thành cối xay thịt của quân Hung Nô, bao nhiêu tướng sĩ đều đại bại dưới tay Lý Ông Trọng. Từ đó nhà Tần hết nạn Hung Nô.

Nước Tần được bình yên, Tần Vương ban chức tước, thưởng hậu cho ông và gả công chúa cho, hiệu là Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung. Lý Ông Trọng thấy việc đã xong, bèn xin về nước, mặc dù Tần Vương không muốn nên đành ưng thuận. Quân Hung Nô biết được, lại cho quân sang đánh, Lý Ông Trọng đã thoái thác bị bệnh nặng để không phải qua sứ Tần, Tần Vương phải đúc một tượng đồng cao như ông, cho quân vào trong la hét, điều khiển tay chân để quân Hung Nô tưởng rằng Ông Trọng vẫn còn đó. Vì thế nên sau này những bức tượng đồng to đều được người Trung Quốc gọi là “ông Trọng”.

Sau khi về nước ít lâu, Ông Trọng hoá về trời, nhà Tần thương tiếc, cho quân sĩ sang lập đền thờ tại làng Chèm (Hà Nội ngày nay). Đền thờ ông hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn và được xây bởi các thợ lành nghề của xứ Tần. Đền Lý Ông Trọng là một trong số ít các đền thờ thần không bị xâm phạm trong suốt giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc và cũng là một trong số các vị thần có quyền lực mạnh đến nỗi pháp sư Cao Biền của Trung Quốc không thể trấn yểm.

Nguồn bài viết : fanpage Truyện Thần Thoại

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info