ZingTruyen.Info

Sinh vật huyền bí Việt Nam

Thạch Tướng Đại Vương

PhuonggNam

Nước Văn Lang thời Hùng Vương thứ XVI, nhà vua bỏ bê triều chính, khắp nơi trong cả nước, những thủ lĩnh địa phương nổi dậy đòi lật đổ nhà vua, ở biên giới, người láng giềng lâu năm lại nhăm nhe bờ cõi, muốn đưa nước Văn Lang thành một phần lãnh thổ của họ. Việc phòng bị vốn đã bị bỏ bê, thù trong, giặc ngoài, mệnh nước như ngàn cân treo sợi tóc, lúc này nhà vua lòng dạ rối bời, vận nước nguy nan, các lạc tướng đều không thể đủ tài năng và sức lực để có thể quét sạch đám giặc này.

Nhà vua lập đàn cầu đảo suốt 7 ngày 7 đêm mong có được một lời sấm từ thiên giới để cứu được vận nước, giữ được an nguy cho bách tính. Đêm cuối cùng, gió bão ập đến, cuồng phong tích tụ, vua và các lạc hầu lạc tướng phải tìm nơi trú ngụ, sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, đàn tế đã bị gió quật đổ, nhưng sừng sững giữa nơi mà sét đánh là một lá cờ thêu dòng chữb:

Tìm đến Bắc Hà, Yên Việt xứ

Chuyển Hùng Thạch Tướng đánh không thua !

Lại nói ở xứ Yên Việt kia, có một trang viên nọ, địa thế lạ lùng, núi đá sừng sững bủa vây, giữa trang viên là một bàn cờ đá khổng lồ trên một hồ nhỏ, xung quanh là vô số ngựa đá, voi đá chầu phục. Ngụ ở trang viên là hai vợ chồng trưởng giả nọ, cụ ông tên là Nguyễn Hoà, cụ bà là Cao Thị Huyền, tuổi đã cao mà chưa có con. Một hôm, cụ ông tản bộ ra ao thì thấy trên bàn đá là một con rắn to, mình dài hơn trượng, mang vảy ngũ sắc nhìn rất kỳ dị đang quấn quanh chiếc bàn. Thấy động, rắn quăng mình xuống ao và lặn mất. Đêm hôm đó mưa gió sấm sét, dưới ao rực sáng, tiếng ca hát, khánh nhạc nổi lên, trên mặt ao có mây ngũ sắc vờn. Ngày hôm sau, mưa dứt, cụ ông ra ao thì bàn đã đã vỡ thành 3 mảnh, ở giữa là một nam nhân, phong thái đường đường, oai phong lẫm liệt, ông cho là điều kỳ lạ, vợ chồng lại cô quạnh nên bế về nuôi. Cậu bé lớn nhanh, sức khoẻ gấp năm bảy lần người thường nhưng ngặt nỗi đã 7 tuổi nhưng chẳng bao giờ nói một câu gì. Lúc đó nhà vua đã nhận được lời sấm, liền cho quần thần về xứ Yên Việt tìm kiếm, cậu bé bỗng trở ra, nói với cụ ông: “Bây giờ mệnh nước đang suy, có sứ giả đến tìm mà không giúp nước, sao trả nghĩa ân tình?”, liền truyền gọi sứ giả vào và nói rằng: "Về tâu vua làm cho ta một con voi đá cao 10 trượng, kiếm đá, và trao cả cờ Thiên đế cho ta thì giặc Man sẽ bình". Sứ giả cho là điềm lạ, bèn liền cáo lui và gấp rút quay trở về đất Phong Châu, bẩm báo với nhà vua.

Vài ngày sau, vào ngày 13 tháng 8, sứ thần cùng vua đích than đến Tiên Lát, cứ Yên Việt để mời tướng quân ra trận. Trước mắt nhà vua đã là một vị tướng quân giáp trụ sáng ngời, oai phong lẫm liệt, khác xa với cậu bé cách đây ít lâu đã truyền sứ giả về cho nhà vua. Nhà vua lệnh cho các quan phải bái lậy nhưng tướng quân nói:”Tôi là thiên tướng, được Thượng Đế cử xuống giúp nhà vua giữ an vận nước, tiếp bước các tiên Đế, không xin bổng lộc, chỉ xin nhà vua giữ lại hòn đá Mẹ là vật cẩm kỵ và lập miếu thờ ta.” Nói xong, tướng quân tay nhận cờ lệnh, rút kiếm đá , vụt lớn lên lạ thường, chạm tay vào voi đá, đá hoá thành vật sống, con voi rú lên một tiếng long trời, ngoan ngoãn phủ phục cho tướng quân cưỡi lên. Nhà vua cảm phục, còn cho Mỵ Nương, tên huý là Thanh Bình đi theo tướng quân, lo việc binh thảo, quân nhu.

Thiên binh vạn tướng của Thạch Tướng đi tới đâu, giặc chết như ngả rạ tới đó. Thạch Tướng dũng mãnh khiến giặc khiếp sợ. Chỉ trong thời gian ngắn, Thạch Tướng đã thắng tới Cao Bằng, Tuyên Quang, Hương Hóa, một trận ra quân, sạch bóng quân thù,

Bình giặc xong, vào ngày 12 tháng 9 Thạch Tướng về lại trang Tiên Lát chào cha mẹ nuôi rồi lên đỉnh núi Phượng Hoàng (núi Bổ Đà, xã Tiên Sơn) hóa về trời. Vua bèn truyền trăm quân đến nơi Thạch Tướng hóa ở Tiên Lát để hành lễ, rồi sai lập đền ngay nơi Ngài hoá (gồm đền Trung nằm ở lưng chừng núi, Đền Thượng nằm trên đỉnh ngọn núi) để hương khói thờ phụng, lại cho cấp tự điền làm hương hỏa cúng tế và ban y mạo cùng bao phong mỹ tự: Chuyển Hùng Thạch Tướng Đại Vương. Vua cho triệu vợ chồng Nguyễn Hòa về Phong Châu thành, quốc triều phụng dưỡng được 3 năm tròn, hai vợ chồng đều hóa vào ngày mùng 10 tháng 11 được nhân dân xây nhà mẫu trên khu đất mà hai vợ chồng từng ở để thờ cúng.

Tương truyền ngài được rắn thần và đá Mẹ sinh ra, nhớ lời dặn, nhà vua đã lập đền thờ đá Mẹ gọi là đền Hạ còn nơi thờ tướng quân trên đỉnh núi gọi là đền Thượng. Mảnh đá to nhất vỡ ra từ đá mẹ được lập một miếu thờ nhỏ để thờ tướng quân, còn ao có đá mẹ được gọi là ao Thạch Long. Công chúa Thanh Bình sau khi mất cũng được dân làng lập đền thờ tại xứ Yên Việt kia (nay là Việt Yên, Bắc Giang), tục gọi là Bà Chúa Kho.

Nguồn bài viết : fanpage Truyện Thần Thoại

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info