ZingTruyen.Info

Sinh vật huyền bí Việt Nam

Lê Phụng Hiểu

PhuonggNam

Vào thời nhà Lý có một nhân vật lịch sử mang dấu ấn thần thoại là Lê Phụng Hiểu, con của một trong những vị thần khổng lồ cổ đại đã cai quản thế giới từ xa xưa. Giống như Thánh Gióng, Phụng Hiểu cũng được sinh ra từ người mẹ khi ướm chân mình vào dấu chân thần tích của các vị thần để rồi sinh ra ngài. Quê ông ở hương Băng Sơn, tổng Dương Sơn, huyện Cổ Đằng, lộ Thanh Hoá. Nhà ông Hiểu ở gần một hòn núi nhỏ nhô lên ở giữa cánh đồng gọi là núi Bưng hay đọc theo âm địa phương là Bơng tên chữ là Băng-sơn. Vì thế nên người ta cũng gọi ông Hiểu là ông Bưng hay ông Bơng. Sinh thời, ông khỏe mạnh, vạm vỡ, có năng khiếu võ thuật từ nhỏ, ông được xem là thần đồng võ học xứ Thanh, mọi loại binh khí ông đều tinh thông khi chưa tới 13. 12 tuổi, cả làng võ đã không ai dám tỷ thí với ngài, một đấm đã tịt ngòi được một con trâu.

Bấy giờ, hai làng Cổ Bi và Đàm Xá nổ ra việc giành đất. Làng Đàm Xá cậy đông người đã chém hẳn doi đất màu mỡ mà lẽ ra phải thuộc về làng Cổ Bi. Lê Phụng Hiểu lúc đó chưa làm quan, đứng ra giúp làng Cổ Bi. Với thông thạo của mình, ông nói: "Một mình tôi có thể cân được bọn họ". Dân làng Cổ Bi rất mừng, liền bày cỗ to để thiết đãi. Ông đủng đỉnh ăn hết rồi ngủ một giấc no say. Chờ đến khi dân làng Đàm Xá đến tranh đất, Phụng Hiểu tỉnh dậy rồi cứ đứng thế xông ra giữa đám trai tráng làng Đàm Xá mà đập mà vã. Ông xắn tay áo, nhổ những cây bên đường làm vũ khí. Sức khỏe của ông khiến cả làng Đàm Xá khiếp sợ, đành phải trả lại ruộng cho làng Cổ Bi. Từ đó, Đàm Xá không dám ỷ thế cậy đông mà chèn ép làng Cổ Bi nữa.

Nổi tiếng khắp chốn phương Nam, được ứng tuyển vào đội quân cẩm vệ của triều đình với không một chút khó khăn. Sau này, với tài nghệ của mình, Phụng Hiểu lập nhiều chiến công, từ một anh lính "Tứ sương quân" đã lên được tước Võ Vệ Tướng Quân, sau sự kiện "Dẹp loạn Tam Vương"- bảo vệ trật tự triều đình sau cái chết của Lý Thái Tổ, đưa Lý Thái Tông lên ngôi, ông Bưng được thăng lên Đô Thống Thượng Tướng Quân, tước hầu.

Năm 1044, quân Chiêm Thành sang xâm lược nước ta, Đô thống Lê Phụng Hiểu hộ giá nhà vua đi đánh giặc. Ông làm tướng tiên phong, lập công lớn, danh tiếng lừng lẫy. Khi chiến thắng trở về, nhà vua định công, phong thưởng. Sau thắng lợi trở về được phong thưởng nhưng ông không nhận, chỉ xin vua cho được đứng trên núi Băng Sơn quê hương mình ném đao, ông ném xa đến đâu thì ông xin vua ban cho đến đó để mở đất lập nghiệp (người đời sau gọi đó là tục ruộng thác đao điền) Vua nghe theo. Lê Phụng Hiểu lên núi, ném dao xa đến hơn mười dặm, rơi xuống thôn Đa Mi. Vua lấy số ruộng ấy ban cho, tha thóc thuế cho ruộng ném dao ấy.

Đứng trên núi Băng Sơn, con dao trong tay ông ném ra có thể bay qua cả kinh thành Thăng Long, nếu ông ném hết sức thì đất đai nhà vua sẽ là của ông cả. Từ đó, người vùng Thanh Hóa gọi ruộng thưởng công là "ruộng thác đao". Tài ném dao xuất chúng đó của ông hàng trăm năm sau còn được dân gian lưu truyền trong câu hát:
"Quăng dao, múa kiếm lừng danh
Sáu trăm năm lẻ sử xanh còn truyền"

Ông phụng sự dưới ba đời nhà Lý là là Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông. Suốt cuộc đời tận trung báo quốc của ông, được vua, dân rất mực tin tưởng. Khi qua đời ông được dân chúng tôn thờ như một vị thần. Tại Kinh Bắc - Bắc Ninh, nơi ông từng lưu lạc thuở nhỏ và đóng quân đánh giặc, đã thờ ông làm Thành hoàng, tiêu biểu là đền Hòa Đình. Hằng năm cứ đến mùng 6 tháng 2 (âm lịch) đền lại mở hội với nhiều trò vui và các môn thể thao dân tộc: chèo chải (hát múa, bơi thuyền tượng trưng), đánh đu, đánh vật....để tưởng nhớ công lao của ông.

Nguồn bài viết: fanpage Truyện Thần Thoại

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info