ZingTruyen.Info

Sinh vật huyền bí Việt Nam

Đông Hải Đại Vương

PhuonggNam

Trong các đình, đền ở nước ta, lúc nào cũng có một ban Tam Bảo hoặc chí ít là một ban thờ Phật, cùng với đó là câu nói "Tiền Phật hậu Thánh". Tuy chưa hẳn có một tài liệu hay công bố đích xác nào cho nguồn gốc của câu nói cũng như phong tục đó, nhưng có lẽ, trong thần tích sau về tướng quân Đoàn Thượng, nguồn gốc và ý nghĩa của câu nói đó cũng phần nào được làm rõ. 

Đoàn Thượng tướng quân, sinh ra tại lộ Hồng Châu thuộc sứ quân họ Đoàn. Vào thế kỉ thứ XII, lúc bấy giờ là triều Lý, khí số nhà Lý đã tận, lúc ấy là đời vua Cao Tông, vua không có khí chất hay tài năng như các bậc tiên đế, triều đình thì chia bè kết cánh, nịnh thần lộng hành, biết bao trung thần, người bị tru di, người thì cáo quan ở ẩn. Trong nước lòng dân không an, loạn nổi lên khắp nơi, các sứ quân chia nhau cát cứ.

Lúc ấy ở lộ Hồng Châu có sứ quân họ Đoàn, có tổ 5 đời từng là quan thượng thư đời vua Nhân Tông. Thời điểm đó, chỉ cần có một lượng quân và có tiếng nói nhất định thì có thể cát cứ một vùng. Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn là hai sứ quân mạnh nhất lúc bấy giờ. Cao Tông cho tướng Đàm Dĩ Mông và Phạm Bỉnh Di đi dẹp. Tuy rằng có quân và thành cao, nhưng tài năng của Đoàn Thượng lúc đó không thể địch lại những vị tướng tài kia, ông bèn cho người đến đút lót cho quan Thượng phẩm là Phạm Du, thành lập một liên minh, sau đó ông được tiến cử vào triều làm quan theo trướng Phạm Du.

Đoàn tướng quân là người tài giỏi, trung thành nên hết sức được trọng dụng, tuy nhiên ông lại tham gia triều đình vào thời điểm có quá nhiều sự biến, xáo trộn, vua thì bỏ bê triều chính còn lòng dân đã sớm không quy thuận triều Lý nữa.

Nói về tướng quân Nguyễn Nộn, Nguyễn Nộn lúc đó được Trần Tự Khánh (em Trần Thừa) thu nhận, đến đời Lý Huệ Tông, khi mà triều đình hoàn toàn xuống cấp, sứ quân của họ Trần nổi dậy thì chỉ còn duy nhất Đoàn Thượng là vật cản cuối. Trong trận đánh cuối cùng với Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng bị giáo cắt qua cổ, chỉ còn dính một chút da, ông lấy thắt lương, quấn quanh rồi thúc ngựa chạy đi ngay trong đêm tối, đến làng An Nhân, ngựa mệt, sùi bọt mép lăn ra chết, nhân đó lại có một cụ già râu tóc bạc phơ đứng ngay trước mặt tướng quân, chắp tay mà nói:" Tướng quân là bậc trung thần, thượng Đế đã thấu lòng trung, nay mai sẽ được cất dùng", đoạn chỉ tay vào một gò nhỏ "Đây là nơi huyết thực của đại vương, xin nằm đó mà nghỉ." Nói xong cụ liền biến mất. Tướng quân nghe lời, cởi mũ trụ, gối giáo mà nằm lên cái gò ấy, tức thì đất lún xuống, xung quanh đùn lên như mối đùn, ngựa liền hoá thành đá.

Dân quanh khu ấy cho là linh dị nên tạc tượng và lập miếu thờ. Có năm đê vỡ, nước sông tràn vào miếu, tượng Vương dạt về ngã ba, nhìn ra con sông lớn, dân cho lập đền thờ, uy linh hiển hách, ai qua đường cũng cúi mặt, chỉ cần sơ ý liếc trộm liền bị vật chết ngay.

Một hôm nọ, mọi người đang làm lễ ở đền, có một người tự dung râu tóc dựng ngược, mắt trợn tròn, gọi những bô lão của làng lại, nói: "Ngày mai sẽ có đức vua đến thăm cảnh, chỉnh tề mũ áo, tuyệt nhiên không được thiếu ai, quét dọn sạch sẽ sân miếu, hễ có người mặc áo đen và đi chân đất thì chính là nhà vua, phải chờ đón", nói đoạn ngã lăn ra chết giấc.

Ngày hôm sau, mọi người chỉnh tề chờ trước sân đền, tận giờ ngọ mà cũng chưa thấy, nhưng không ai dám về. Đến tận tối, có một nhà sư đi qua, mọi người nghi ngờ nhưng đúng dáng vẻ như thần miêu tả nên cung kính đón tiếp. Lúc ấy vua Trần Nhân Tông đã lui về làm thái thượng và xuống tóc đi tu ở chùa Yên Tử, vua hay đi khắp nơi khất thực nên cũng ít ai biết. Nhân được mọi người đón tiếp, vua hỏi mọi người về vương trong đền. Đêm đó, vua thắp đèn cả đêm, ngồi nói cho thần về thuyết nhân quả, lấy chữ tâm làm gốc, thể theo đức hiếu sinh, không nên làm tai vạ cho những người qua lại. Sớm hôm sau ngài về kinh, tối đó, cuồng phong xoay chuyển, vương quay lại toạ về phía khác, không nhìn ra đường lớn nữa, từ đó mọi người đi qua không còn bị tai hoạ. Lịch triều phong tặng là thượng đẳng thần, Đông Hải Đại Vương.

Thánh thần ban thưởng dựa trên chữ lí, nhân và quả, uy nghi mà nghiêm khắc. Cũng có những vị trung thần, hoá khi chưa thành nghiệp lớn mà giữ lại sự lẫm liệt ấy, người đi qua mà phúc mỏng mệnh yếu tất sẽ bị tai vạ; nhà vua giảng theo triết lý nhà Phật, từ bi hỷ xả, lấy hiếu sinh làm gốc, nên phần nào vương cũng không còn cứng nhắc nữa. Các ban Tam Bảo, đại diện cho sự từ bi của nhà Phật mà khuyên can các thánh, thần làm theo cả chữ tình, lấy phổ độ làm gốc mà không quá khắt khe nữa.

Nguồn bài viết : fanpage Truyện Thần Thoại

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info