ZingTruyen.Info

Sinh vật huyền bí Việt Nam

Chằn (Yeak)

PhuonggNam

Khi đến viếng thăm các ngôi chùa Khmer tại Sóc Trăng nói riêng và Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, chúng ta thường bắt gặp pho tượng thần với nét mặt hung dữ đứng trước cổng chùa hoặc xung quanh chánh điện. Đó chính là hình tượng Yeak hay thường được gọi quen thuộc là Chằn.

          Về nguồn gốc của Chằn có nhiều truyện kể, truyền thuyết khác nhau như: xuất phát từ kho tàng truyện cổ tích và trường ca Ramayana cho rằng Yeak là cây thần, thần bảo vệ buôn làng và các giếng nước. Về sau Bà La Môn giáo mới biến Yeak thành thần canh giữ kho báu, thuộc hạ của thần tài lộc Kubera. Còn theo Phật thoại Ấn Độ thì Yeak là thuộc hạ của thần Vaisravana, thần trấn trị phương Bắc trong tín ngưỡng Thập nhị thiên vương của đạo Phật. Song phật thoại Theravada ở Đông Nam Á lại có câu chuyện kể rằng Yeak là loài quỷ Dạ Xoa chuyên ăn thịt người rồi được Đức Phật thu phục nên xin làm thần bảo vệ cho các ngôi chùa.

Hình tượng Chằn trong các khía cạnh văn hóa Khmer mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. Trong văn học, truyện cổ tích Khmer, hình tượng Chằn thường xuất hiện tượng trưng cho cái xấu, cái ác, nhân vật phản diện, chuyên phá hoại, gây ra nghịch cảnh, đau khổ cho nhiều người. Nhưng trong các lễ nghi tín ngưỡng dân gian, cư dân Khmer với truyền thống nông nghiệp đã biết cách dung hòa tín ngưỡng liên quan đến chằn và Phật giáo, mượn hình ảnh Chằn để hể hiện ước muốn xua đuổi điều dữ, đón sự an lành, may mắn trong đời sống, Chằn xuất hiện với chức năng như vị thần bảo vệ người dân, bảo vệ chùa mang ý nghĩa cái thiện cái thiện chiến thắng cái ác, chính nghĩa thắng hung tàn.

         Trong nghệ thuật tạo hình, Chằn là mô tuýp khơi nguồn sáng tạo bất tận đối với các nghệ nhân Khmer. Hình tượng chằn Yeak được khắc họa ở một số vị trí trong chùa cho thấy Chằn đã được thu phục bởi Đức Phật Thích Ca, Chằn không còn là một tai họa đáng sợ, đáng loại trừ mà được "cải tạo" nhằm phục vụ cho cái đẹp, cái thiện, có ích để ngăn chặn tà ma xâm nhập vào chùa, bảo vệ an ninh cho Đức Phật với các tư thế đứng hoặc ngồi trong khuôn viên ngôi chùa. Đồng thời, qua đó đề cao tinh thần khoan dung và chính nghĩa của Phật giáo đã chiến thắng sự hung bạo. Ngoài ra, trong một số ngôi chùa hình tượng Chằn còn được chạm nổi trên cửa chính hoặc cửa sổ cửa chánh điện, đối xứng với Tiên ở cánh cửa đối diện bên kia, trong tư thế cưỡi voi hay ngựa, thường có nhiều tay, có tay cầm vòng lửa, tay cầm cung, tay cầm đinh ba hay giáo dài đang giao đấu với Tiên. Cũng như Tiên, hình tượng Chằn được nghệ nhân dân gian Khmer thể hiện một cách tỉ mỉ, tinh xảo từng chi tiết, đạt tới mức điêu luyện, lột tả được bản chất "thiện" của Chằn.

         Trong các loại hình sân khấu Rôbăm và Dùkê, hình tượng Chằn có một vị trí nổi bật, được người Khmer xem là linh hồn trong vỡ diễn. Chằn là vai phản diện, tiêu biểu cho phe ác, lầm lầm lỳ lỳ, rất ít nói, mà chỉ lấy múa và bộ điệu đi đứng nghênh ngang xấc lối làm ngôn ngữ diễn đạt bản chất của mình. Chằn rất hoạt bát lanh lợi bằng những động tác võ điệu dứt khoát mà mềm mại, uyển chuyển mà cương quyết, rất sinh động và lúc nào cũng tích cực tỏ rõ bản năng hiếu chiến, hiếu sát, áp đảo đối phương. Nhưng cuối cùng, cơ cấu của tuồng tích bao giờ Chằn cũng phải phục tùng lẽ phải. Nói chung, hình tượng Chằn trong nghệ thuật sân khấu thể hiện cho cái xấu, cái ác, biểu trưng của những khó khăn trở ngại tồn tại trong cuộc sống nhằm thử thách ý chí con người. Chằn còn thể hiện khát vọng hoàn thiện bản thân và là một biểu tượng nghi lễ trong đời sống tâm linh của cư dân Khmer Nam bộ.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info