ZingTruyen.Info

Sinh vật huyền bí Việt Nam

Báo Luông - Slao Cải

PhuonggNam

Cao Bằng thủa đó chỉ là một miền đất hoang vu, rừng núi um tùm, cây cỏ rậm rạp,dây dợ chằng chịt, hàng nghìn loài thú thả sức tung hoàng, hàng vạn loài chim đua nhau bay lượn. Lúc đó loài người mới sinh ra trên trái đất. Ở đất Cao Bằng lúc đó mới chỉ cóhai người: Gái là Slao Cải thân to bằng cây lai, tay dài như cành trám; Trai là Báo Luông cao to như cây đa cổ thụ ngàn năm, tay dài như cành cây gạo đỏ. Hai người đều ở trần truồng, lông lá đầy mình. Khi rét họ lấy vỏ cây che thân, không quần áo, không nhà cửa.Tối đâu họ ngủ đấy, khi gốc cây, khi hang đá. 

Một hôm Slao Cải từ Nặm Quét ra vùng đất Pác Măn đuổi nai thì gặp Báo Luông đang săn cáo ở đó. Tình cờ trời đổ mưa , hai người ba chân bốn cẳng chạy về hướng đông, đến động Ngườm Bốc (còn gọi là Ngườm Ngả) thì vào trú mưa trong đó. Trong động núi ấm áp kín đáo, họ chọn làm chỗ ở, sinh con đẻ cái, họ trở nên vợ chồng.

Con cái ngày càng lớn, Slao Cải dạy chúng đi kiếm ăn hàng ngày, nhưng vẫn chỉ là cuộc sống săn bắt.

Một hôm mưa to bão lớn làm lở từng triền núi đá, gây ra động rừng. Có một tiasáng loé lên, cây móc bị chẻ đôi, lửa cháy không ngớt khiến mưa phải tạnh. Họ thấy trong cây móc bị cháy có con tắc kè chết cong thơm lừng, họ chia nhau ăn mỗi người một miếng thấy ngon hơn là ăn sống nuốt tươi như mọi khi. Họ đã từng đi qua những khurừng nứa bạt ngàn gặp những ngày nắng to, thân nứa cọ vào nhau gây nên nạn cháy rừng, họ đi tìm kiếm thú rừng chết cháy để ăn. Từ đấy họ biết làm ra lửa và cuộc sống mới đã đến với họ.

Họ biết làm nhà để sống với nhau, biết bắt những muôn thú về nuôi, biết trồng cấy những giống cây nông nghiệp, biết lấy vỏ cây phơi khô để che thân. 

Tất cả những cái đó đều là công gây dựng lớn lao của Slao Cải. 

Dần dần con cái đông đúc, họ phải chia đi các nơi lập thành nhiều dòng họ khác nhau. Đất đai sông núi vùng non nước Cao Bằng đều ghi lại sự tích: nơi nuôi chó là Phja Ma, nơi chăn dê là Vò Bẻ, nơi thả bò là Lủng Mò, chỗ làm kho thóc là Khau Khấu, chỗ đánh bắt được nhiều cá như Nà Pja...

Do được Slao Cải dạy dỗ nên con cháu đều biết đạo lý ăn ở, các con là chỗ nhờ cậy lúc tuổi già của Báo Luông và Slao Cải. Khi 2 ông bà mất, họ đem chôn ở gò Bằng Hà. Để nhớ công ơn ông bà đã sinh ra loài người, dạy mọi người biếtkhai phá ruộng nương, lập nên mường bản người đời sau đã lập đền thờ ông bà ở ngoài Bản Sậy, đoạn chảy qua Bản Vạn (gần Nước Hai). Đến nay ta vẫn gọi đó là đền thờ Báo Luông - Slao Cải, hay còn gọi là đền Pú Lương Quân hoặc đền Thần nông.

Lại có một truyền thuyết khác liên quan đến Báo Luông - Slao Cải, và truyền thuyết này được xem như dị bản của truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ:

Một đôi vợ chồng khổng lồ gọi là Báo Luông - Slao Cải, đã có công khai sinh lập địa gây dựng nên non nước Cao Bằng. Ở vùng đất mới, ban đầu là hai anh em, khi còn trẻ đã cao lớn nên người anh gọi là Báo Luông (trai to), người em gái gọi là Slao Cải (gái lớn). Một hôm trời đất sầm tối lại, đen như mực, mưa đổ không ngớt, nước lũ dâng ào ào, mọi thứ đều chìm ngập và thiên hạ không ai chạy thoát. Hai anh em chui vào quả bầu khổng lồ trôi nổi nên đã được sống sót. Khi trời quang mây tạnh, nước rút, quả bầu mắc cạn, chạm vào quả đồi rộng lớn, tiếng Tày gọi là Vạn (đồi Vạn), Luông dìu Cải từ cuống bầu chui ra. Họ ngỡ ngàng nhìn về hướng Tây có một dãy núi cao mà nước không ngập tới. Luông dắt Cải đi tới đó, men đến chân núi thì họ phát hiện có một hang đá to, hang cạn, nước không ngập tới nên được gọi là Ngườm Bốc (nay thuộc xã Hồng Việt, Hòa An). Phía dưới hang Ngườm Bốc còn có một hang đá có dòng nước nguồn chảy ra ào ào trong vắt, gọi là Pác Ngườm, có rất nhiều cá, tôm, cua, ốc rất dễ bắt lấy về ăn ở trong hang để bảo đảm sự sống. Một đêm, bất chợt giông tố sấm sét đùng đùng đánh vào một thân cây to bốc cháy đen thui, lửa phát ra, có con ốc, con tắc kè ở trong cây chín, mùi thơm lừng nên hai anh em Báo Luông - Slao Cải thấy vậy mới biết dùng lửa và giữ lửa để sưởi ấm, để nướng các con vật ăn chín hằng ngày. Lâu ngày vỏ ốc trong hang Ngườm Bốc đã chất thành đống; nơi phát ra lửa gọi là Lũng Phầy (xã Hồng Việt, Hòa An).

Từ đó, cuộc sống mới đã đến với họ, thế rồi Slao Cải tự nhiên thấy trong người khác lạ, cái thai trong bụng đến ngày sinh nở, từ một bọc thai đẻ ra 100 con, trong đó, 50 trai, 50 gái. Báo Luông - Slao Cải trở thành bố mẹ, nuôi các con bằng nghề săn bắt và hái lượm. Đến khi biết bắt các con thú rừng về chăn nuôi thành gia súc, gia cầm và biết trồng trọt, biết phát hiện ra cây lúa (co khẩu) về trồng thành ruộng lúa, biết dùng hạt thóc chế thành hạt gạo, biết đổ thóc vào cối đá gọi là "dộc" và dùng cây giã gạo gọi là "dộc săm" (cối chày), biết hấp gạo trong lá chuối xuống hố đất rồi đun lửa nấu chín, gọi là "cươm khẩu" (nấu cơm)... Họ chăm sóc các con trưởng thành. Tên đặt của các con sau này trở thành các họ, như: Mã, Lê, Lương, Lâm, Tô, Vũ, Trương, Hoàng, Hà, Nông, Bế, Đoạn, Đàm, Đinh, Đào, Lý... Các con họ tỏa đi sinh sống ở khắp nơi, tên tuổi của họ còn gắn với địa danh từ xưa đến nay ở vùng đất Cao Bằng. Báo Luông - Slao Cải (thời trẻ) đến Pú Luông - Giả Cải (thời về già) ở cùng người con họ Bế ở Bản Vạn, xã Bế Triều hiện nay (người dân ở Bản Vạn mang họ Bế từ đó). Sau khi hai ông bà qua đời, để tưởng nhớ công đức sinh thành, các con lập đền thờ trên gò đất bên suối Sẩy (gọi là Tả Slẩy) giữa cánh đồng Bản Vạn. Đến nay, nhân dân địa phương (người Tày) vẫn gọi đó là đền thờ Pú Luông - Giả Cải, hay đền Pú Lương Quân, đền Thần Nông.

Nguồn bài viết :

- https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/256/1/Duong%20Sach.pdf

- http://baocaobang.vn/Ho-so-Tu-lieu/Den-tho-Pu-Luong-Quan/50236.bcb

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info