ZingTruyen.Info

Quyen 8 Dai Ket Cuc

Edit: Earl Panda

...

*****

Thi thể trong cỗ quan tài gỗ đen này có lẽ là một người nào đó thuộc thế hệ thứ ba mươi tư của Trương gia. Dựa vào một số thông tin ghi trên mộ chí, tôi đoán, có lẽ ông ta ra đời vào khoảng giữa thời Thanh, tên là Trương Thắng Tinh.

Tôi sẽ không nói nhiều về cuộc đời người này, vấn đề quan trọng là tuổi thọ của ông ta. Theo mộ chí, người này sống đến một trăm bảy mươi tuổi.

Hình như, sống lâu là một đặc trưng khác của gia tộc này.

Người này chết trong một trận bắn giết, có lẽ đó là thời điểm xung đột biên giới lên đến hồi ác liệt nhất. Ông ta chết ở khu vực Triều Tiên, được người đồng tộc mang về an táng trong Trương gia cổ lâu.

Cống hiến của người này dành cho gia tộc được ghi lại ở phía sau đoạn tiểu sử cuộc đời, viết rất tràng giang đại hải, loại trừ mấy câu từ hoa mỹ ra, thì chỉ có hai điểm đáng nói nhất ở đây: thứ nhất là cha mẹ của người này, dường như cha mẹ ông ta là người có công lớn trong tộc, cho nên ông ta từ khi sinh ra đã được hưởng sự ưu tiên vượt trội; thứ hai là "quật vô số mộ, kiếm được rất nhiều, bình định giang san nhà Chu, hưởng lợi phong phú".

Với hai công này, được táng trong mộ lâu.

Như vậy, có thể suy đoán, nhà họ Trương có móc nối với hoàng tộc đương thời, thậm chí còn làm rất nhiều việc cho hoàng tộc. Điều này cũng có thể giải thích vì sao Trương gia có thể bình yên vượt qua mỗi thời loạn lạc binh đao, kéo dài thời gian tồn tại suốt bao nhiêu lâu đến vậy.

Nghe có vẻ khá giống những gia tộc bí ẩn trong tiểu thuyết, quanh năm chỉ ẩn cư trên núi, bảo vệ bí mật không thể lưu truyền ra ngoài của nhà mình, có thể là võ công hay binh pháp gì đó, hoặc thậm chí là pháp thuật. Sau đó lại có người quan sát thiên tượng mỗi đêm, phát hiện thiên hạ sắp sửa lâm vào đại loạn, bọn họ liền phát một vài người xuống núi nhập thế, khuynh đảo thiên hạ một phen, hòng kiếm chác một ít lợi ích riêng.

Cũng may người mang họ Trương quá đông, mỗi triều đại lại có một vài nhân vật ghê gớm mang họ Trương, chứ không chắc chắn tôi còn liên tưởng ra nhiều thứ hơn nữa.

"Tự dưng tôi nhớ đến Trương Thiên Sư, liệu Trương Thiên Sư có phải cũng là người Trương gia không nhỉ?" Bàn Tử nói.

"Biết đâu đấy, cũng là nhân vật lớn mà." Tôi nói. Thực ra tôi lại để ý đến nhiều chi tiết nhỏ lẻ trong cuộc đời người này hơn, bởi những chi tiết đó có thể đem lại rất nhiều thông tin.

Đầu tiên, tôi khẳng định, Trương gia vẫn luôn hoạt động ở miền Bắc Trung Quốc. Tất cả những địa điểm nơi sinh, nơi hoạt động của người này đều nằm ở miền Bắc, ngay cả vùng đất giáp biên giới Triều Tiên cũng nằm ở vùng núi Trường Bạch.

Thực ra, vùng đất đó thời cổ đại vốn không thuộc về đất Trung Nguyên, mà đa phần là nằm trong phạm vi quản lý của các dân tộc thiểu số. Hiển nhiên, nhà họ Trương là một đại gia tộc người Hán sinh sống lẫn lộn với các dân tộc khác. Có thể thấy, muốn sinh sống ở khu vực đó phải có thế lực khổng lồ đến mức nào.

Tiếp theo, về cơ bản, tôi có thể xác định, trong gia tộc họ Trương có rất nhiều các phân chi khác nhau, ví dụ, phân chi của người này được gọi là "Trương Bàn Cờ". Mặc dù những gia tộc nhỏ này đều thuộc về dòng họ chính của đại gia tộc họ Trương này hết, nhưng vì nhân khẩu quá đông, nên mới tạo thành các phân chi nhỏ, giống như chế độ Bát Kỳ của người Mãn Châu vậy.

Chắc hẳn người này được hạ táng sau khi tòa lầu cổ được xây xong. Lúc này tôi lại nhớ đến mộ ngàn tay ở tầng dưới, mới nhận ra có lẽ những cánh tay đó vốn không phải như tôi nghĩ. Phải chăng trong quá trình di dời cổ lâu, thi thể ở tầng lầu trên quá nhiều, không thể vận chuyển hết quan tài gỗ đến tòa lầu mới xây được, nên mới chặt lấy tay của một số nhân vật không quá quan trọng trong tộc, nhập táng vào đó thay cho thi thể?

Hơn nữa, dựa vào câu chữ trong đây, tôi có thể thấy phân chi "Trương Bàn Cờ" này là một nhánh rất có địa vị trong Trương gia, bởi vì những người thuộc nhánh "Trương Bàn Cờ" này đều có hình xăm kỳ lân trên người. Bây giờ vẫn còn chưa biết rõ hình xăm này có nghĩa ẩn dụ gì, nhưng tôi có thể lờ mờ đoán được điểm mấu chốt.

Đọc xong mộ chí, Bàn Tử liền ra sức nháy mắt với tôi, rồi chỉ chỉ cỗ quan tài lớn màu đen bên cạnh, ý rằng, có muốn mở một cái cho sướng hay không?

Tôi nhìn cỗ quan tài bên cạnh. Cỗ quan tài này được đóng bằng chất gỗ cùng với chất liệu xây dựng tòa lầu cổ, lại quét thêm ba lớp sơn đen, trông đầy vẻ trang trọng. Bàn Tử lấy tay quẹt một ít bụi bám bên trên, vì đã để quá lâu rồi, nên nhiều vết nước sơn cũng đã rạn nứt, để lộ ra màu gỗ mộc cũ kỹ bên dưới.

Tôi lại mắc bệnh nghề nghiệp của dân kiến trúc: cuối cùng tôi cũng nhận ra một tác dụng khác của tầng cát lún bên dưới cùng.

Hệ thống nước ngầm ở nơi này quá phong phú, bên trong lòng núi lại quá ẩm ướt, có tác dụng ăn mòn rất ác liệt đối với cả tòa lầu kết cấu toàn bằng gỗ này. Tầng cát lún mà chúng tôi đã vượt qua lúc trước chính là một lớp chống ẩm, ngăn ngừa hơi nước từ dưới bốc lên. Chân chúng tôi có thể với tới đá phiến bên dưới đáy cát chảy, nhưng bên dưới lớp đá phiến đó, có thể vẫn còn có một lớp cát chảy nữa.

Tôi nhìn cỗ quan tài, cảm thấy nhất định phải mở nó ra thôi. Mặc dù đã trải qua chuyện này không biết bao nhiêu lần, nhưng tôi vẫn cứ sinh lòng sợ hãi đối với việc bật nắp quan tài này. Nhưng đã đến nước này rồi, chẳng lẽ vẫn cứ vờ như chưa từng thấy?

Trương gia truyền thừa Bắc phái, Bàn Tử nói phải làm theo đúng lễ nghi đối đãi của Bắc phái, tôi lại nghĩ thầm, thực ra có mà là lễ nghi trộm cắp của Bắc phái thì có.

Trộm mộ Bắc phái đã suy tàn được một thời gian rất lâu. Một là vì, giặc trộm mộ bây giờ càng ngày càng thực dụng, trang thiết bị cũng càng ngày càng tiên tiến, chẳng ai còn tâm tư mà đi tuân thủ những lễ nghi phiền phức này nữa. Hai là vì, quy củ khắt khe của Bắc phái khiến đời sau ngày càng ít, chẳng như Nam phái vốn không chia phe phái môn đệ gì cả, chỉ cần mày đi theo tao thì tao sẽ dạy mày thôi, tất cả đều vì lợi ích tiền tài cả. Cho nên, kỹ thuật của Nam phái không những không bị tuyệt tự, mà còn phát triển liên tục.

Tôi hỏi Bàn Tử, thế phải làm thế nào. Bàn Tử gom quần áo làm cái chổi, quét hết bụi bặm trong gian phòng vào một chỗ, khiến bụi tung lên mù mịt. Anh ta vừa ho khù khụ vừa bốc một nắm bụi đến góc Đông Nam, cắm mấy điếu thuốc lá lên đó. Vừa châm lửa, lại thấy không ổn, mới hỏi tôi: "Thiên Chân, thuốc lá của cậu hiệu gì đấy?"

"Hoàng Hạc Lâu đó." Tôi nói.

"Nào, nào, đổi đi đổi đi." Bàn Tử chìa tay đòi thuốc lá của tôi, "Không thể để cho tổ tông của Tiểu Ca phải hút loại thuốc tám đồng một cây của tôi được. Đây là lần đầu tiên chúng ta đến thăm, không thể làm Tiểu Ca mất mặt."

Nói đoạn, Bàn Tử châm thuốc, rồi lạy mấy lạy về phía góc tường. "Cái này... chúng con với Trương Khởi Linh nhà các ngài vốn là chỗ bạn bè, lần này đến đây thực sự không phải là để đổ đấu. Chúng con... ờm... chúng con đại khái là... đến chơi nhà một chuyến. Thăm hỏi các vị trưởng bối xong, tiện thể... dạy phụ đạo cho Tiểu Trương nhà ta một buổi. Ngài cũng biết, con trai nhà ta trí nhớ không được tốt cho lắm. Cái đó, bây giờ không biết Tiểu Trương đi đâu rồi, cho nên chúng con muốn hỏi đường các ngài một chút, nếu ngài biết, thì đừng làm gì cả, cũng đừng nói gì cả, nếu ngài không biết, thì cứ giữ nguyên tình trạng đó là được rồi. Vậy xin kính lễ, A Di Đà Phật, con lừa trọc dám tranh sư thái với ta."

Tôi nghĩ thầm, anh nói vớ va vớ vẩn cái quái gì vậy, rồi vỗ vai anh ta một chút, kéo anh ta đứng dậy. Hai người cầm chông sắt, mỗi người đứng một bên quan tài, trước tiên cạy đinh sắt phong quan lên một chút, rồi chèn chông sắt vào khe hở nắp quan tài, sau đó hít sâu một hơi, bẩy nắp quan tài nặng nề lên rồi gạt sang một bên.

Khi nắp quan tài rơi đánh rầm xuống đất, cả sàn gác cũng phải chấn động. Chúng tôi bịt mũi miệng, quạt hết bụi bặm đi, liền thấy bên trong quan tài có một lớp gì đó nom như sợi bông. Tôi cầm chông sắt khoắng thử một chút, phát hiện đó là một loại nấm mốc kỳ quái, trông như thể mạng nhện bị dính đầy vụn bông phía trên vậy.

Bàn Tử cầm chông sắt gạt hết lớp xơ bông này đi, lộ ra thi thể bên dưới. Thi thể đã hoàn toàn thối rữa, chỉ còn lại bộ xương trắng ơn ởn, xung quanh có một số đồ bồi táng, số lượng rất ít, đều bị bọc kín bởi đám "xơ bông" quái đản kia. Bàn Tử dùng chông sắt khều một món lên xem thử, đó là một con dao găm nhỏ.

Con dao găm đã nát như một miếng bánh hoa quế bát bảo, bên trên có gắn mấy viên đá quý nom như quả anh đào đỏ và trái nho khô xanh. Tôi rút con dao ra, mới thấy thì ra đây là một thanh đoản đao bằng hắc kim, hơi ngắn so với thanh đao của Muộn Du Bình, hình dáng cũng khác biệt. Dưới ánh đèn pin, lưỡi đao ánh lên màu đen bóng, có vẻ rất sắc bén.

Chuôi đao đã mục nát hết cả, tôi phải cầm phần lưỡi, gõ bôm bốp xuống mặt quan tài cho rụng hết cả chuôi đao luôn. Rụng xong thì chẳng còn lại bao nhiêu nữa, tôi vừa định quăng nó vào trong quan tài, thì Bàn Tử ngăn lại, nói: "Cái cậu này, sao lại như vậy chứ, vất vả lắm mới moi được tí đồ lên, lại còn bày đặt kén cá chọn canh. Cứ cầm lấy, mang ra ngoài làm lại cái chuôi mới, đem tặng cho Tiểu Ca làm quà sinh nhật cũng được."

"Đéo mẹ, anh biết hắn ta sinh ngày nào cơ à?" Tôi nói.

Bàn Tử chộp lấy thanh hắc kim đoản đao, gói kỹ lại rồi nhét vào ba lô sau lưng, nói: "Có khi ngay đến bản thân cậu ta cũng đếch biết sinh nhật của mình là ngày bao nhiêu ấy chứ. Cứ tìm bừa một ngày trời xanh mây trắng nắng vàng, bảo là đến sinh nhật cậu ta rồi đấy là được, với tính cách cậu ta, thể nào cũng chẳng buồn hỏi lại sinh nhật là cái gì đâu."

Cũng đúng, cách này hay, tôi nghĩ thầm. Không biết trên thế giới này có ngày lễ gì dành cho người câm điếc không nhỉ, một kẻ lúc nào cũng im thin thít như hắn, chọn sinh nhật vào ngày như thế mới là hợp lý.

Nghĩ đến cảnh tượng Muộn Du Bình thổi nến cắm trên bánh sinh nhật, tôi lạnh cả người, thật giống như là thấy ma thổi đèn vậy, sau đó tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều nữa.

Bàn Tử lại khều mấy thứ khác lên nghịch, phát hiện mấy thứ khác cũng đã rữa nát hết cả, chửi thề một tiếng: "Trương gia này thực chẳng giàu có gì, có mỗi một tí quà gặp mặt thế này, đúng là làm mất thể diện Tiểu Ca ra."

"Trương gia trọng thực lực, không sùng bái kim tiền." Tôi nói, "Từ mộ chí là có thể thấy, người Trương gia đã lợi dụng ưu thế đổ đấu của gia tộc mình để giành được quyền lực và sự bảo hộ. Trong dòng chảy lịch sử, chỉ có mỗi tiền thôi thì vô dụng."

Bàn Tử lấy lại ba điếu thuốc kia, dụi hết than cháy ở đầu thuốc, rồi rít mấy hơi thuốc cuối cùng. Tôi hỏi anh ta sao lại làm thế, anh ta nói, úi giời ơi nát bét ra như vậy rồi, chắc chắn cũng chẳng có gì hơn đâu, không thể biếu không cái đồ nghèo rớt mùng tơi này được.

Tôi nói: "Sao anh lại con buôn như thế chứ hả?" Bàn Tử liền cười khà khà.

Hút thuốc xong, anh ta cầm chông sắt khuấy tung bộ xương lên. Chúng tôi tìm được cánh tay trái của thi thể, trong đó có xương hai ngón tay rất dài. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy phần xương hoàn chỉnh của ngón tay được rèn luyện đặc biệt trong thời gian dài đó. Vị trí các khớp xương có nhiều vết thương, hiển nhiên, để luyện được ngón tay như vậy chắc hẳn đã phải đau đớn lắm, đồng thời, tôi cũng phát hiện rất nhiều khớp xương cỡ lớn của người này, ví dụ như khớp vai hoặc cổ tay, đều có hiện tượng tăng sản tế bào xương vô cùng kỳ lạ.

Bàn Tử nói, đây là hậu di chứng của súc cốt công. Sử dụng súc cốt công, rất nhiều khi cần phải tháo khớp, sử dụng súc cốt công quá nhiều lần sẽ dễ bị sai khớp hay tái phát, để khắc phục được vấn đề này, phải một mình rèn luyện rất nhiều cơ thịt đặc thù ở khu vực khớp xương. Rất khó để rèn luyện những cơ thịt này, luyện tập suốt vài năm cũng chưa chắc đã tiến triển được bao nhiêu. Có một số cơ thịt chỉ nhỏ bằng hình trăng khuyết trên trán Bao Công, muốn rèn luyện để nó nở nang thành cỡ quả chuối tiêu, thì đương nhiên là cực kỳ khốn khổ.

Bàn Tử nói, trước kia anh ta cũng từng có cơ hội được luyện bộ môn công phu kia. Một vị cao nhân mà anh ta quen biết từng nói, xương cốt anh ta rất thích hợp để luyện súc cốt, thế là Bàn Tử đi luyện một ngày, sau đó đập cho tay sư phụ một trần rồi bỏ về.

Tôi nhìn thấy hai lỗ đạn trên hộp sọ thi thể này, rất lộn xộn, chắc là đạn hoa cải. Viên đạn bắn vào trong từ một vị trí, nhưng lại không xuyên ra ngoài, vì vậy, chắc hẳn đạn đã được bắn trong cự ly rất gần (nếu như cách xa một chút thì trên hộp sọ đã có nhiều lỗ thủng lỗ chỗ li ti như hạt mè rồi), tất cả số đạn hoa cải bắn vào đều nằm hết trong hộp sọ. Vị tiền bối này chắc hẳn đã chết một cách vô cùng đau đớn.

Dù người Trương gia lợi hại đến mấy, gặp phải súng ống thì cũng chịu chết.

Chúng tôi cảm thấy không có manh mối nào nữa, mới định đậy nắp quan tài trở lại. Đến khi nâng nắp quan tài lên, tôi mới nhìn thấy vách trong dưới tấm ván nắp quan tài có khắc chi chít toàn chữ là chữ.

Chúng tôi lật ngửa lại, mới phát hiện đó là một bản gia phả rất đơn giản, tên cha mẹ nằm ở trên dưới, tên con cái nằm ở các nhánh phân chia. Nhưng điều làm tôi thấy lạ, đó là cha mẹ người này cũng đều mang họ Trương, bản thân ông ta có hai đứa con trai, một người trong số đó đã lấy vợ, mà cô con dâu này cũng mang họ Trương. Lại có hai cô con gái, cũng đã gả chồng, nhà chồng cũng đều mang họ Trương.

"Anh có cảm thấy kỳ quặc không?" Tôi hỏi Bàn Tử.

"Cậu nói xem tay này chết năm bao nhiêu tuổi nhỉ?" Bàn Tử nói, "Đẻ được những bốn đứa con, kinh thật."

"Tôn ti trật tự dưới thời phong kiến ngày xưa, mục đích chủ yếu chính là để sinh con đẻ cái, mở rộng thế lực gia tộc. Có thể ông ta đã sinh con từ khi còn rất trẻ rồi." Tôi nói, "Hơn nữa, người Trương gia tuổi thọ rất cao, nếu mà người ta muốn đẻ, đẻ hết cả một đội bóng xong vẫn còn khỏe như vâm ấy chứ. Nhưng điểm kỳ quặc tôi nói không phải là cái này." Nói rồi, tôi chỉ tên họ của tất cả những người này cho anh ta xem.

"Có phải là đổi họ không nhỉ?"

Tôi lắc đầu: "Gần như có thể xác định là kết hôn đồng tộc rồi. Trương gia là một gia tộc rất khép kín, bọn họ không kết hôn với người bên ngoài đâu."

Chúng tôi lại đậy nắp quan tài lên, đóng lại đinh sắt. Tôi nói: "Tôi phải đi xem căn phòng tiếp theo, số mộ chí này khá là quan trọng đấy, tôi phải đọc kỹ xem, chắc chắn là có thể moi thêm được nhiều tin tức hơn nữa."

Đại khái đây một câu trích từ một cái joke, bao hàm 3 đại môn phái trong giang hồ và phải có nội dung ân oán tình thù vô cùng cẩu huyết, phá tan luân thường đạo lý. Nhưng trong trường hợp này Bàn Tử chỉ muốn vơ hết cả đống tôn giáo vào cầu một lúc cho linh mà thôi =]]

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info