ZingTruyen.Info

Quyen 6 Am Son Co Lau

Edit: Nam

Beta: Thanh Du

*****

Tôi từng cho rằng khối sắt dưới gầm giường của Muộn Du Bình sở dĩ có hình dạng khó coi như vậy là vì bị người ta xử lý bằng acid, bây giờ xem ra đúng là thế thật.

Hình dạng nguyên sơ của khối sắt hẳn là như thế này, chứ không phải y chang con cóc như của Muộn Du Bình. Nhìn từ những hoa văn cực kỳ tinh xảo bên trên, lại thấy nó cũng không phải một khối nguyên vẹn, mà có lẽ chỉ là mảnh vỡ của một hay một vài món đồ sắt lớn.

Tôi vừa bơi đứng, đầu óc vừa nhanh chóng vận động, cảm thấy mọi chuyện căn bản đã xâu chuỗi lại với nhau. Bây giờ vấn đề bắt đầu trở nên rõ ràng, đại khái chỉ hướng về hai điểm chính.

Suy đoán của chúng tôi là đúng hay sai? Nơi này liệu có xảy ra sự kiện đội khảo cổ bị đánh tráo? Chúng tôi phải tiếp tục lần theo dấu vết những thiết bị mà họ đã ném xuống hồ.

Những thi thể ấy rất có khả năng cũng ở quanh đây, việc này xem ra không còn là chuyện khó nữa.

Vấn đề nằm ở cổ trại dưới đáy hồ. Dưới đáy hồ nước nơi rừng xanh núi thẳm sao lại ẩn giấu một khu trại cơ chứ? Khối sắt cũng đến từ khu trại này, nó vốn là vật gì, được dùng làm gì nhỉ? Tại sao đội khảo cổ lại biết chuyện này, còn vớt nó lên nữa chứ? Mẹ kiếp, những chuyện mờ ám đằng sau có thể còn nhiều hơn! Hiện giờ tôi hoàn toàn không biết phải suy luận từ đâu, chỉ có thể nghe ngóng qua loa từ A Quý, nhưng tôi có cảm giác anh ta cũng không biết nhiều tin tức.

Đáp án cho nghi ngờ của tôi, đều nằm dưới đáy nước.

Tôi thở dài, bước tiếp theo cần làm gì đã quá rõ ràng – phải quan sát đáy hồ thật cẩn thận, còn phải vớt hết mọi thứ có thể tìm được lên bờ xem xét, xem tình hình này chắc chúng đã ngâm trong nước rất lâu rồi.

Chỉ tiếc là dây thừng tết bằng cỏ trên người đã nhũn ra không dùng được, mà tôi cũng không đủ sức lặn xuống lần nữa, bằng không chỉ muốn lặn xuống xem xét lại ngay.

Chúng tôi dùng sợi thừng nilon làm một ký hiệu qua loa, ba người leo lên bờ nghỉ ngơi trước. Vân Thái nhìn bộ dạng của tôi mà phát sợ, vội vàng giúp tôi xử lý.

Tôi nhét hai mảnh vải vào lỗ mũi, ngồi trong bụi cây thay quần áo xong xuôi, cảm thấy đầu mình dường như muốn nứt ra từ bên trong, đau đến nỗi toàn thân không còn chút sức lực nào.

Bàn Tử và Muộn Du Bình kéo cái bè trên đặt túi da bò mục nát từ dưới nước lên bờ, nâng nó lên như khiêng cáng, khiêng một mạch đến khoảnh đất khô trên bờ.

Vân Thái hết sức tò mò về vật chúng tôi vớt lên từ dưới nước, thực ra bên trong chẳng có gì đặc biệt, Bàn Tử cũng mặc cho cô xem. Vừa nhìn rõ, cô đương nhiên cảm thấy ghê tởm.

Ánh mặt trời gay gắt thế này, xem ra mấy cái quần đùi phơi trên đá chẳng mấy chốc mà khô. Chúng tôi ăn một ít quả dại để lấy chất đường,Bàn Tử vừa ăn vừa hỏi A Quý có biết gì về ngôi làng chìm dưới đáy nước không. A Quý ngơ ngác không hiểu gì, anh ta nói mình không hề biết dưới lòng hồ lại có cả một ngôi làng như thế.

Ban nãy lặn dưới lòng nước mờ đục, cảnh vật phần lớn không thể xem xét rõ ràng, nhưng dựa vào độ dày của lớp trầm tích bám trên vật này cũng có thể phán đoán ngôi làng đó đã chìm dưới đáy nước khá lâu năm. Tôi bảo A Quý hãy cố mà nhớ lại xem, trong phạm vi quanh đó có nghe nói gì về chuyện này không? Cho dù là những truyền thuyết rất xa xưa, chỉ cần có dính dáng là được.

Anh ta vẫn lắc đầu, thề thốt rằng không có chuyện đó đâu rồi nói: " Thật ra tôi cũng cảm thấy có gì đó kỳ lạ, mọi người chúng tôi đều biết ở đây có một cái hồ, nhưng đến bây giờ nó vẫn chưa có tên, những người già cả cũng không hay nhắc đến".

Tôi và Bàn Tử ngơ ngác nhìn nhau, tôi đoán anh ta cũng không biết nhiều, vì suy cho cùng dẫu có là truyền thuyết thì muốn lưu truyền cho đời sau cũng phải dựa vào may mắn, nhưng không ngờ anh ta lại phủ nhận tuyệt đối như thế.

Núi Sừng Dê từ xưa đã là ranh giới giữa bãi săn và rừng thẳm, có truyền thuyết là hết sức bình thường. Trong núi có một hồ nước lớn nhường này, lẽ ra cũng phải có truyền thuyết, thế mà lại không hề có, cứ như bị cách biệt với thế gian, khiến tôi cảm thấy hơi lạ.

Bàn Tử nói: "Liệu đây có phải là thôn trại cổ bị đám cháy rừng lan đến mà các anh từng kể không? Ngôi làng cổ kia thật ra là bị vùi dưới đáy hồ, nên trên mặt đất mới không tìm được một dấu vết nào."

A Quý lắc đầu: "Câu chuyện đó đã quá xưa rồi, truyền thuyết về ngôi làng cổ bị thiêu cháy có từ thời Minh kia, tôi không hiểu giữa hai chuyện có mối liên hệ gì."

Tôi nhìn sắc mặt A Quý, biết ngay anh ta không hề nói dối, đành nằm xuống hút điếu thuốc, lấy ngón tay day day thái dương đau nhức, tự nhủ quả nhiên phải dựa vào bản thân rồi.

Bàn Tử chỉ ra vào một chỗ mà tôi đoán là nơi sâu nhất dưới đáy hồ, nói: "Đáy hồ này từ đâ mà có nhỉ? Tôi thấy nó giống như được búa đẽo ra, cậu nói xem nó được hình thành như thế nào?"

Tôi đáp: "Đây không phải là hình thành, cái địa thế này thông thường chỉ sinh ra nơi khe hẹp giữa những ngọn núi thôi. Hồ này hẳn là một đập nước cũ, có thể đã hình thành từ mấy trăm năm trước."

"Vậy là do động đất sao ?" Vân Thái ngồi cạnh hiếu kỳ hỏi.

Tôi lắc đầu: "Ngôi làng dưới nước được giữ gìn khá nguyên vẹn, nếu là do động đất, chúng ta nhất định không thể nhìn thấy những hàng rào và đường lát đá chỉnh tề như vậy. Điều đó cho thấy thôn được nước bao phủ trong tình huống tương đối ôn hòa."

Tôi cũng chỉ vào nơi sâu nhất dưới hồ mà Bàn Tử vừa chỉ ban nãy, rồi nói ra suy luận của mình: "Có thể là do địa chấn hoặc do nguyên nhân khác, nên mấy trăm năm trước trong sơn thể trước mặt chúng ta bất ngờ xuất hiện một con sông ngầm nối thông với hệ thống nước ngầm ở gần đây. Thôn này vừa hay nằm đúng chỗ trũng, nên đã bị một trận lũ quét bất ngờ nhấn chìm tất cả."

Vì sao tôi lại nói là mạch nước ngầm? Vì tôi chưa từng nghe A Quý nói gần đây có một hồ nước lớn hơn, càng chưa từng nghe nói trong Thập Vạn Đại Sơn có hồ lớn. Nhưng nơi đây lại được biết đến với những mạch nước ngầm đá vôi, với khí hậu cận nhiệt, lượng mưa rất dồi dào, nhất định phải có chỗ thoát nước. Dòng nước chảy trên mặt đất, cuối cùng cũng nhập vào sông lớn chảy ngầm dưới đất thôi.

Thủy triều siphon xuất hiện tối qua, nhất định cũng do lỗ hổng này gây ra.

Bàn Tử bảo: "Xem ra tôi nói chẳng sai, thứ chúng ta muốn tìm nhất định đang nằm ở nơi sâu nhất, không thể tìm thấy đâu."

Tôi lắc đầu: "Cũng không hẳn ! Những căn nhà gỗ đó trông giống như được lọc qua lưới, những thứ bị thủy triều siphon hút vào đáy hồ phần lớn sẽ bị kẹt lại ở hàng rào và nhà gỗ nằm bên ngoài cổ trại. Chúng ta chỉ cần đi vòng quanh rà soát một lượt, căn bản sẽ có thu hoạch. Nếu không tìm thấy gì, vậy mới thật sự tính là thất bại."

Lặn một vòng quanh hồ nước cũng không quá sâu, ước chừng chỉ hơn hai mươi mét, chỉ cần có chút kiên nhẫn thì nhất định sẽ phát hiện ra thứ gì đó.

Bàn Tử nhìn mặt trời, bỗng dưng trở nên hăng hái: "Việc hôm nay chớ để ngày mai, chúng ta cùng xuống nước nào."

Tôi lập tức lắc đầu, chuyện này không thể được, vừa rồi lặn xuống nước mới biết không có đồ lặn thật sự hơi khó khăn, nếu muốn ung dung nghiên cứu cổ trại dưới đáy nước thì nhất định phải có đồ lặn chuyên nghiệp. Chúng tôi chưa thể tiến hành ngay lập tức, mà trước mắt phải quay lại huyện thành, rồi dùng quan hệ nhờ người chở trang bị tới đây.

Đây là một công trình cỡ lớn, thiết bị lặn rất nặng, có khi phải thuê mười mấy người dẫn la thồ vào núi mới xong, mà làm thế lại không phù hợp với mong muốn âm thầm hành động ban đầu.Vả lại kể cả có la thì vẫn không ổn, ngoài bình dưỡng khí còn phải chuẩn bị cả thiết bị bơm bổ sung dưỡng khí, mà món đồ ấy khá cồng kềnh, có khi la cũng không kéo nổi vào đây, lấy vào được rồi lại dỡ ra rồi vận chuyển tiếp, thời gian lại càng kéo dài.

Lòng tôi nóng như lửa đốt, bắt tôi đợi thêm một thời gian nữa chỉ e sẽ tự dày vò đến chết mất.

Bàn Tử cũng không muốn quay về, nhưng hắn lý trí hơn tôi, ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: "Khỏi cần nghĩ cũng biết muốn rà soát toàn bộ đáy hồ thì nhất định phải quay về lấy bình dưỡng khí. Có điều theo tình hình ban nãy, nếu chỉ lặn xuống nước xem xét qua loa thì cũng không cần đến bình dưỡng khí làm gì. Chi bằng chúng ta chia nhau ra mà làm, một người trở lại mua trang bị, hai người kia ở lại đây tiếp tục lặn xuống vớt đồ, hai việc tiến hành cùng một lúc."

"Vậy ai quay về?" Tôi hỏi

"Theo quan hệ mà nói thì cậu đương nhiên là người thích hợp nhất, vì cậu quen biết nhiều nhất, còn tôi và Tiểu Ca sẽ ở lại vớt đồ. Cậu xem cậu quen nhiều dân trong nghề như thế, cứ tìm vài người mua đồ giúp, dặn họ mua xong thì gặp nhau, cậu làm việc này tiện hơn chúng tôi nhiều."

Tôi quát hắn: "Về cái đầu anh! Như vậy khác nào bức tôi chết nghẹn?"

"Một người nghẹn chết vẫn còn hơn ba người cùng nghẹn chết. Với lại cậu nghĩ mà xem, để Tiểu Ca đi chắc chắn cậu ta chẳng làm ăn được gì, còn người quen của tôi đều ở Bắc Kinh, hành động khó khăn hơn cậu rất nhiều, để tôi đi mua chỉ tổ mất thời gian thôi. Ở lại đây ngắm cảnh cũng không tệ lắm, nhưng nếu ngồi chờ cả tháng thì buồn lắm đấy. Cứ nghe lời Bàn gia là chuẩn, cậu quay về mua đồ lựa chọn lý tưởng nhất." Bàn Tử đường đường chính chính nói.

Tôi nhìn bản mặt hắn in rành rành hai chữ "thiếu đánh", nhưng nghĩ kĩ thì lời hắn nói kể ra cũng có lý. Tôi chỉ cần gọi cho Phan Tử một cuộc điện thoại là mọi việc có thể xử lý xong xuôi chỉ trong vài ngày, còn có thể gọi Vương Minh và mấy người làm trong cửa tiệm của chú Ba đến giúp một tay. Huống hồ tay Bàn Tử này cũng không được việc cho lắm, để hắn ra ngoài làm việc chỉ tổ thêm lo lắng vào người, nên cũng đành gật đầu ưng thuận. Sau đó tôi tính toán mình không thể lề mề, sáng sớm ngày mai lập tức lên đường, cố mà tốc chiến tốc quyết.

Tôi lập tức bảo A Quý ngày mai nhờ anh ta đưa tôi về, còn Vân Thái sẽ ở lại với Bàn Tử và Muộn Du Bình.

Nghĩ lại thì chuyến này đi đi về về cũng vất vả cho A Quý, mà bây giờ lại không thể thiếu anh ta, phải biệt đãi anh ta một chút, bèn ra một cái giá thật hời.

Xong xuôi thì tôi tê liệt thật, gần như không đứng nổi nữa. Bàn Tử và Muộn Du Bình lại đi lặn thêm hai lần nữa, lại mang lên một số món đồ nhưng đều nát bét hết cả, toàn là rác rười chẳng có giá trị gì. Trong số đó có một khẩu súng Sten (*) đương thời đã nát như một que cời lò, Bàn Tử vốn rất thích súng nên tiếc ra mặt.

Bàn Tử cũng đã thấy khu trại chìm dưới nước, hắn không khỏi kinh ngạc trước quy mô của nó, lại bảo tiếc là không mang kính lặn, nếu mang thì còn nhìn rõ hơn nhiều, cũng không vơ nhầm đống rác này lên. Sau đó Bàn Tử mày mò khắp nơi tìm vật thay thế, lục tung hết mớ trang bị, cuối cùng cũng tìm được cái chao đèn pin. Nhưng món đồ này không thể bịt kín, Bàn Tử lại nổi hứng ra một quyết định cực kỳ trái khoáy: hắn gắn chao đèn pin lên mắt mình, chỗ nào hở ra thì bôi dầu trơn dán băng dính, sau đó dùng sức ép chặt, như thế có thể đảm bảo một con mắt có thể nhìn xa trong nước. Bàn Tử lặn xuống vùng nước nông để thử nghiệm, nhưng lập tức bị nước tràn vào chao đèn, hương án này coi như vứt. Không còn cách nào khác, hắn đành dặn dò tôi bao giờ trở về huyện thành với A Quý nhớ tìm đại một tiệm bán đồ thể thao nàođấy, mua trước vài món trang bị bình thường cho hắn xài.

————————–

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info