ZingTruyen.Info

Nu Tuong Quan

Mở đầu.

Năm xưa, ta dắt bọn trẻ lên chơi chợ xuân, nhìn thấy một cây trâm gỗ đào khắc hình hoa mộc lan.

Mùi gỗ nhè nhẹ. Dường như còn rất mới.

Ta không nghĩ nhiều, bỏ ra mười hai đồng mua lấy.

Sau đó thằng nhãi Khanh ở bên cạnh liền ngay lập tức càu nhàu với ta: "Lão lại dở chứng gì đấy? Con đẽo gỗ làm mấy cái trâm cho lão còn đẹp hơn thế này. Nếu lão muốn tiêu hoang sao không đưa tiền cho con đi. Mười hai đồng mua được tận sáu cái bánh bao nhân rau."

Ta cau mày. Từ lúc nào cái Khanh lại trở nên lắm chuyện thế nhỉ.

Ta nhớ lúc nó tầm 9 tuổi, mở mồm ra nếu không phải kêu đau, nhớ nhà, gọi cha khóc mẹ thì cũng là đòi ăn. Bây giờ thế mà còn biết mắng cấp trên.

Nhưng nó mắng cũng đúng. Ở cái chốn biên cương quạnh quẽ quanh năm đói nghèo, rét lạnh, mục rũa này, cũng chỉ có ta mới bỏ tiền ra mua trang sức.

Nếu không phải vì đạo thánh chỉ năm đó, có lẽ nơi này đến người cũng chẳng có được mấy người.

Năm ấy, giặc Thát lục đục chuẩn bị quân đội ý đồ xâm chiếm hừng hực, khiến cả triều trên dưới rúng động kinh hãi. Từ ngày Tiên đế đăng cơ đến lúc Tân đế hiện thời kế nhiệm đã hơn năm mươi năm trôi qua. Cũng là hơn năm mươi năm trọng văn khinh võ đến cực điểm. Bởi thế, đào nát cả cái nước Lương này lên cũng chẳng có mấy mống biết đánh giặc.

Hoàng đế vội vàng hạ xuống một đạo thánh chỉ, kêu gọi trai tráng khỏe mạnh trên dưới 12 tuổi lập tức tòng quân, mạnh mẽ đứng lên bảo vệ quốc gia khỏi giặc thù.

Thánh chỉ tòng quân trước kia vốn vẫn luôn là lệnh cho trai tráng khỏe mạnh trên dưới 15 tuổi, bây giờ lại hạ thấp đến mực đó, có lẽ đây chính là sự tuyệt vọng cuối cùng của đất nước này.

Vì thế, mùa thu năm ấy, ta vừa tỉnh dậy liền thấy một đám nhãi ranh loắt choắt, cao chưa đến lưng ngựa, thò lò nước mũi vì lạnh, mặc thứ áo giáp rách rưới chắp vá đứng ở bên ngoài sân tập.

Ta hỏi lão Bình Phó tướng, triều đình rốt cuộc coi quân doanh Tây Bắc là quân ngũ hay trại trông trẻ. Lão Bình chỉ thở dài.

Gắn bó cả đời của nghề làm tướng chúng ta ngoài việc đánh giết có lẽ chính là tiếng thở dài này.

Từng ngụm, từng ngụm thở khó nhọc.

Vì cát bụi sa trường. Vì rét lạnh đêm đông. Vì máu ứ tim phổi.

Rã rời cả thân xác.

Tan tác cả thần trí.

Nhưng vì còn thở, còn sống nên vẫn phải giãy giụa mà sống.

Đến lúc nhìn lại thì cũng đã là nửa năm sau, chiến trận đã rất gần.

Sau cuộc họp với tướng sĩ, ta không ngủ được, bèn ra ngoài hít thở, muốn khí lạnh của màn đêm Tây Bắc gột rửa đầu óc. 

Vào chính lúc ấy ta đã nhìn thấy một thằng nhóc. Người gầy mà tay chân thì dài ngoằng. Mặt mũi lấm lem bụi bẩn. Cổ quấn vải trắng băng bó. Mắt trái thì u lên một cục bầm tím. Đang ngồi bên đống lửa duy nhất còn phập phồng, dùng kim chỉ vá quần áo.

Khỏi phải nói đó là một cảnh tượng đáng sợ đến mức nào.

Cái chỗ khỉ chẳng thèm ho cò không muốn gáy Tây Bắc này thế mà lại đào ra được kim với chỉ.

Thằng nhóc ấy vá áo xong tiếp tục chuyển sang khâu giày. Thành thục đến bất ngờ.

Ta thuận tay ngắt lấy nhành cỏ đuôi chó ở bên chân, để lên miệng nhai nhai mấy cái, tiến gần đến chỗ thằng nhóc, xem nó làm cái gì.

Kim lấy từ xương cá. Chỉ lấy từ bờm ngựa. Thì ra là vậy.

Một lúc sau, thằng nhóc cuối cùng cũng phát hiện ra sự hiện diện của ta.

Thằng lỏi hét lên, giọng như vịt đực: "Lão tướng quân!"

Tí thì quăng trúng cả đôi giày vào mặt ta.

Ta nhăn mày, ngẫm nghĩ xem có nên thịt con gà trống duy nhất dùng để đánh thức quân sĩ buổi sáng rồi cho thằng lỏi này làm thay không. Người nhỏ mà âm lượng thì to kinh.

Ta hỏi nó, biết khâu đế giày không?

Nó chần chừ gật đầu.

Ta cởi giày, ném cho nó, thế khâu lại đi.

Nó há hốc mồm nhìn ta, sau đó bắt đầu rưng rưng muốn khóc, rặt một vẻ ấm ức tội nghiệp. Ta ghét nhất là nhìn nam nhi trai tráng đụng tí rơi nước mắt, bèn gõ vào đầu nó mấy cái bắt nó nín ngay.

Tiếp đó ta mặc kệ, huýt sáo đi chân trần trở về lều.

Hôm sau ấy vậy mà nó ngoan ngoãn đem giày đến chỗ ta thật. Đế giày được khâu rất chắc. Cưỡi ngựa, chạy bộ, leo núi, vật lộn cả mấy ngày mà vẫn không sờn chỉ.

Về sau ta mới biết thì ra thằng nhóc này thường phụ việc ở ban hậu cần, không những giỏi khâu đế giày vá quần áo, mà giặt giũ, nấu cơm, rửa chén, chẻ củi, gánh nước, quét nhà, chăm gà, nuôi lợn, không gì không rành.

Ta và đám tướng sĩ bên dưới đều có cùng một suy nghĩ, tự nhiên nhặt được nàng tiên ốc? [1] Không cần cưới gả cũng có một cô vợ nhỏ? Đến lão Bình phó tướng cũng phải thốt lên rằng thằng nhãi này còn công dung ngôn hạnh hơn cả bà vợ nhà lão.

Trớ trêu thay thứ duy nhất thằng lỏi không rành lại là thứ nó cần phải rành rọt nhất - đánh đấm.

Một ngày ba lần thằng quỷ cứ ra sân là chảy máu vỡ đầu khóc mếu. Cả sân tập chủ yếu toàn nghe tiếng nó sụt sịt nước mắt, gọi cha kêu mẹ, than đất trách trời.

Sau một khoảng thời gian, ta và đám tướng sĩ đều đồng thời nhất trí không muốn phí hoài cũng như sơ sẩy lỡ tay đập chết thanh niên tài tuấn trăm năm mới xuất hiện một lần của ban hậu cần, đem thằng nhóc này chuyển hẳn về phía sau, không cần nó làm quân sĩ đánh giặc nữa. Đằng nào nó đánh đấm cũng như mèo cào, nhìn chẳng ra làm sao, luyện nữa cũng chỉ tổ tốn thời gian.

Quyết định coi như đã xong xuôi, ai ngờ thằng nhóc này thế mà lại kiên quyết từ chối.

Ta hơi hơi ngạc nhiên. Trong quân doanh, có kẻ nào mà không thích ở ban hậu cần. Ăn mặc không lo, nguy hiểm không tới, chẳng phải phơi thây mục xác trên lưng ngựa, chẳng phải tiên phong tắm máu của kẻ thù.

Thế mà thằng nhóc một ngày đụng cái khóc ba lần này lại từ chối?

Được rồi, ta có hơi hơi cảm động. Cứ nghĩ thanh niên thời nay ngu dốt, vô năng, ai ngờ chí khí cũng kiên cường lắm, coi như tạm xứng làm quân sĩ Tây Bắc ta.

Về sau ta mới biết, thì ra thằng lỏi không chịu đến ban hậu cần đơn giản vì nó nghĩ, cái quân doanh rách nát này không sớm thì muộn cũng sẽ bị giặc đì chết, học tí võ phòng thân về sau nếu giặc đánh tới, khả năng chạy trốn với thoát chết sẽ cao hơn.

Thằng nghiệt súc!

Ấy thế mà mấy lời tuyên truyền bậy bạ của nó so ra lại còn hữu hiệu hơn cả văn tế tiết liệt của lão Bình phó tướng. Lão Bình mở miệng trung quân ái quốc, ngậm miệng vì nước vì dân cũng chẳng đốc thúc được lũ quỷ con này đi tập võ. Thế mà chỉ mấy lời ba hoa của thằng lỏi trời đánh kia lại khiến cả bọn hào hứng tập võ ngất trời. Chưa bao giờ sân tập đông người như vậy.

Ta... bất lực. Tre già măng mọc, vốn là lẽ đời. Nhưng chẳng nhẽ ta lại chỉ có thể ngồi yên nhìn lớp trẻ thối rữa mục nát đến bực này? Ta có thể chấp nhận sự vô dụng, yếu đuối, nhưng chẳng nhẽ còn phải dung thứ sự nhu nhược, đớn hèn của chúng? Mặc chúng làm nhơ nhuốc cái khí tiết của quân sĩ Tây Bắc?

Ta quyết định giết một dọa trăm. Lấy đó làm gương.

Ta cho gọi thằng nhóc đến trước sân tập, bắt nó quỳ xuống, để quân sĩ lũ lượt vây quanh. Ta hỏi nó năm nay bao nhiêu tuổi. 

Nó chần chừ đáp: "Dạ bẩm... Lão tướng quân, con... con 12 ạ."

Ta sống từng này tuổi mà lại còn không nhìn ra nó đang nói dối thì đúng là uổng phí một đời.

"Quân doanh ta có luật lệ, dối trên lừa dưới đem xuống cắt lưỡi!"

Nó run rẩy dập đầu liên tục, nước mắt phun ra như mưa: "Dạ thưa, con... con... con năm nay 9 tuổi ạ."

Ta nghiêm giọng: "Xưng tên!"

"Dạ thưa Lão tướng quân, con... tên... tên là Trường Khanh."

Ta giật giật gân xanh trên trán. "Khanh" là thần tử. "Khanh" là bề tôi. "Khanh" là trung quân ái quốc. Thằng trời đánh mang cái tên này trên người mà không biết thẹn!

Ta tức giận rống lên: "Ngươi có biết tên ngươi có nghĩa là gì không!"

Nó ngơ ngác nhìn ta: "Dạ bẩm, mẹ con nói tên con mang nghĩa là thân thương ạ." [2]

Ta bỗng chốc rơi vào im lặng. Nhìn đứa trẻ mới 9 tuổi trước mặt ta run rẩy quỳ trên đất. Nhìn đứa trẻ 9 tuổi quý giá, thân thương trong lòng cha mẹ nó gầy đến độ xương xẩu đều lồi lên, da thịt nứt nẻ dính đầy bùn đất, tay chân chằng chịt vết trầy rỉ máu, cả người chẳng có chỗ nào không bầm tím bị thương.

Thánh chỉ có lệnh trai tráng khỏe mạnh trong nhà trên dưới 12 tuổi đều phải tòng quân. Nếu không phải trong nhà chẳng còn nam đinh, sao một đứa bé 9 tuổi lại phải giấu giếm sự thật, rời xa cha mẹ, rời xa quê hương, rời xa mọi điều bình yên quen thuộc để xuất hiện ở cái chốn này.

Nếu không phải tại Hoàng đế, tại quần thần, tại tướng sĩ, và tại chính ta, bất lực vô dụng, sao một đứa bé 9 tuổi còn chưa kịp hiểu thế nào là trung quân ái quốc, thế nào là tự tôn dân tộc lại phải bị ép gánh vác trách nhiệm ngàn cân mà đến cái chốn này. Mỗi ngày chỉ cầu được ăn cơm có chút thịt muối, được ngủ trong lều có cỏ khô, ngày mai luyện tập trời không đổ mưa, ra chiến trường có thể sống sót trở về. Chỉ vậy thôi, mà dường như lại xa xỉ vô cùng.

Ta quay người rời đi.

Cảm giác một đời này ta đã đánh mất rất nhiều thứ.

Là người thân. Là đồng đội. Là tri kỉ. Là tình yêu.

Là can trường đã mòn. Là quyết liệt đã cạn. Là cố chấp đã tan. Là kiêu ngạo đã vỡ. 

Chỉ còn lại mái đầu bạc trắng. Và một trái tim già nua. Rất dễ mềm lòng.

Thôi, thôi vậy.

Ngày hôm sau ta lại gọi thằng nhóc ấy đến. Nó vừa nhìn thấy ta thì như trông thấy quỷ, vội vã co rúm lại. 

Ta ra lệnh cho nó mỗi ngày phải tập bụng một trăm cái, hít đất một trăm cái, chạy bộ mười vòng, leo núi hai vòng, tập kiếm hai canh giờ, tập võ hai canh giờ, không xong không được ngủ.

Nghe xong nó lập tức ngất xỉu. Ngất xong tỉnh dậy thì gào khóc. Khóc xong đương nhiên bị lôi ra sân tập.  Tập tành đương nhiên chẳng ra hồn.

Ta sai người theo dõi nó, nhiều khi cũng đích thân theo dõi. Thấy nó rất kiên trì, mỗi ngày tập tành đều lẩm bẩm chửi như niệm chú trong miệng, niệm đi niệm lại đủ từng ấy bài không sót bao giờ. Hình như còn sợ ai đó nghe được nên dù nghiến răng nghiến lợi chửi, âm lượng cũng rất nhỏ. Nó nào ngờ được bọn ta là lính lâu năm, tai ai cũng đều luyện thành tai chó hết rồi, thính lắm, nghe thấy hết.

"Cái quân doanh rách nát này, có khi chưa bị giặc thọc một kiếm vào bụng mà chết đã bị lão quái thai này bắt tập bụng đến chết rồi! Ôi cao xanh hỡi sao mệnh con lại khổ như vậy!"

"Cái chỗ khỉ ho cò gáy này, cho ăn thì ít mà bắt hít đất thì nhiều, hít đầy một phổi toàn cát với bụi thế này không phải bệnh chết thì cũng sặc chết sao! Ôi cha mẹ hỡi sao số con lại khổ quá vậy!"

"Cái chốn rừng rú âm u này, chạy chạy chạy, lúc nào cũng chạy, chạy mười vòng không phải muốn gãy chân sao, trốn quách đi cho rồi! Ôi thần linh hỡi sao vận con lại khổ nhường vậy!"

Bây giờ nghĩ lại cái tật hay làu bàu than thở của nó chắc cũng từ lúc này mà ra.

Than thì than thế nhưng mặc kệ năm tháng gian khổ, ăn không đủ no, ngủ không đủ giấc, lạnh giá thì nhiều mà ấm áp lại ít, nó vẫn cứ ra sân tập. Chất lượng buổi tập chẳng ra sao nhưng số lượng thì tạm ổn, chưa thấy nó bỏ hay ăn bớt bao giờ.

Ta mấy lần đặng nghĩ chắc ngày mai nó trốn quách đi thật. Vậy mà lần nào tỉnh dậy cũng thấy nó đang than trời oán đất, trách số mệnh, gọi thầy u ở bên ngoài sân.

Ta nhẩm tính, nhiều năm như vậy mà nó vẫn cứ ở trên cái sân tập ấy.

Nhiều năm như vậy mà nó vẫn cứ theo ta.

Đến bây giờ cũng đã 15 tuổi rồi. Hình như con gái ở độ tuổi này sẽ làm lễ cài trâm.

Ta cầm cây trâm gỗ hoa mộc lan thuận tay cài vào tóc nó.

Nó nghiêng đầu nhìn ta: "Lão làm gì đấy?"

Ta lấy tẩu thuốc nhỏ, hít vào một hơi dài: "Trông hợp với mày, cài vào đi."

Nó thế mà dám mắng ta: "Lão lại lên cơn à? Đàn ông con trai dùng trâm cài hoa cỏ làm gì."

Mắng xong, nó tháo cây trâm xuống, mặt hình như hơi đỏ, lấy tay vuốt nhẹ lên hoa mộc lan.

Ta thở phào, đội ơn cao xanh, nhiều năm như vậy may là nó vẫn chưa quên mất bản thân là con gái.

__________________________

[1] Nàng tiên ốc là truyện cổ tích kể về một bà lão nhà nghèo không con không cháu, hằng ngày phải mò cua bắt ốc để đổi thành tiên đi mua rau gạo. Một ngày bà bắt được một con ốc có vỏ màu xanh ngọc bích rất đẹp, bà tiếc nên để nó vào chum nước góc nhà nuôi chứ không nỡ bán. Hôm sau bà như thường lệ ra đồng, lúc trở về thì thấy nhà cửa được quét dọn sạch sẽ, cơm nước được chuẩn bị tinh tươm, vườn tược được chăm sóc tỉ mẩn. Mấy lần bà đi ra đồng trở về nhà đều như vậy. Một ngày bà quyết định giả vờ đi ra đồng rồi rình núp ở cửa xem. Không ngờ từ trong chum nước bước ra một cô gái mặc áo xanh ngọc bích vô cùng xinh đẹp, nàng đảm đang thành thạo làm hết việc nhà. Bà cụ vội vàng đập vỡ vỏ sò rồi kéo tay cô gái muốn nhận làm con gái. Từ đó bà cụ và cô gái sống hạnh phúc bên nhau.

[2] Khanh là chỉ chức quan, phận bề tôi thần tử giúp vua, hoặc là xưng hô ngang hàng. Khanh cũng là tiếng gọi nhau thân thương, tựa từ mình, anh, em giữa vợ chồng hoặc bạn thân gọi nhau.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info