ZingTruyen.Info

Mười Hai Năm Kịch Cố Nhân

Chương 50: Bốn ơn nặng phù sinh 1

resteoptimiste

Từng để tang ba năm?

Lẽ nào trong nhà họ Phó có bậc trưởng bối nào không có con cái nên anh phải tận hiếu ư?

"Không nói chuyện này nữa." Anh đứng dậy, đánh trống lãng, "Đi dạo với anh ba đi."

Đương lúc mặt trời chói chang nhất, anh muốn đi đâu?

Cô thấy Phó Đồng Văn khá hào hứng nên không muốn làm ảnh hưởng đến tâm trạng vui vẻ của anh.

Lúc họ sắp đi, người lấy chai thuốc nước cũng về.

Chai thủy tinh nhỏ màu trắng, không dán nhãn mác màu trắng, là thuốc do khoa Nội của bệnh viện tự pha chế.

Thẩm Hề vặn mở nắp, uống cạn trong một hơi, Phó Đồng Văn nhìn kỹ lọ thuốc nhỏ: "Cơ thể không thoải mái thì phải nghỉ ngơi đàng hoàng, đừng vì muốn nhanh nhanh chóng chóng mà uống mấy loại thuốc mạnh." Anh cầm bình thủy tinh đi, "Lần đầu thấy em uống thuốc, giữ lại bình làm kỷ niệm."

Cô chưa thấy ai giữ lại chai thuốc làm kỷ niệm bao giờ: "Về phải rửa sạch đấy, dù sao cũng đựng thuốc mà."

"Việc này không cần em nhắc đâu, Vạn An là anh chàng ưa sạch sẽ, bất cứ món đồ nào anh mang về cậu ta đều cho vào nước sôi đun lên."

"Ừm... cũng nhìn ra."

Từ khi cô chuyển đến nhà anh, từ sáng đến tối Vạn An đều dọn dẹp phòng ốc, ngay cả khe hở giữa tường và cầu thang cũng dùng khăn ẩm lau chùi hằng ngày. Mới đầu Thẩm Hề còn tưởng Phó Đồng Văn nhiều bệnh, sau đó bị Vạn An chê quần áo cô giặt không sạch, cô mới phát hiện cậu chàng này bị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Phó Đồng Văn đưa cô đến một xưởng tơ tằm, một trong những sản nghiệp của anh ở Thượng Hải.

Nhà xưởng cao rộng, giữa cột cái quét vôi màu trắng xám là mấy chục chiếc máy ươm tơ được sắp xếp thẳng hàng từ Đông sang Tây. Nhóm đốc công nam mặc áo dài kiểu cũ màu trắng, đứng bên cạnh máy ươm tơ giám sát công nhân nữ làm việc.

Sau khi đưa họ tham quan ba căn nhà xưởng giống vậy xong, quản lý công xưởng cùng Phó Đồng Văn thống kê cụ thể số lượng tơ sống xuất khẩu trong tháng này và trao đổi tình hình kinh doanh với các xưởng bông. Thẩm Hề đứng trong tiếng vận hành của máy móc, nhớ lại lần cô và Phó Đồng Văn "chạy trốn" khỏi New York, hai người cùng dùng chiếc máy này trong căn nhà xưởng bỏ hoang.

Lòng nhiệt thành của anh với công thương nghiệp, từ cây bút máy trong túi áo âu phục, chiếc máy bay phế thải không được sử dụng đến xưởng tơ ngày hôm nay cô tham quan, chưa ngày nào suy giảm.

Lần đầu Phó Đồng Văn vào xưởng, mọi người chưa gặp ông chủ đứng đằng sau bao giờ, hôm nay thấy một vị thiếu gia mặc quần dài, áo sơ mi xắn lên khuỷu tay, cầm chiếc quạt giấy có đề chữ, dịu dàng quạt cho cô gái đứng bên cạnh.

Đàn ông trong xưởng đều coi con gái là bùn dưới chân, những cậu ấm nhà giàu, giáo sư đại học từng hưởng nền giáo dục nước ngoài càng có tiền càng nâng niu phụ nữ trong tay. Bình thường mọi người ở đây chưa từng thấy, cũng không có cơ hội tiếp xúc với những cậu ấm thiếu gia lưu luyến quên lối về trong nhà hàng Tây và nhà hát kịch, hiếm khi thấy một đôi bên nhau nên họ cứ nhìn mãi.

Thẩm Hề còn tưởng do mấy ngày nay mình cực nhọc, sắc mặt rất tệ nên mới bị mọi người nhìn chằm chằm, cô xấu hổ nói: "Họ cứ nhìn hoài kìa, mình ra ngoài thì hơn, đừng làm lỡ dở công việc của người ta."

Phó Đồng Văn mỉm cười, thì thầm vào tai cô: "Xưởng do mình tự mở, có thể làm lỡ dở."

Giữa ban ngày ban mặt, hơi nóng thở ra vấn vít sau tai cô.

Thẩm Hề dùng khuỷu tay đẩy anh ra.

Người đàn ông trung niên mặc áo dài trắng đứng thẳng lưng, cất cao giọng: "Vị này chính là ông chủ của xưởng tơ chúng ta, mọi người phải gọi là cậu ba, mợ ba." Công nhân nữ và đốc công đều lập tức dừng công việc lại, lần lượt chào "cậu ba", "mợ ba".

Thẩm Hề lúng túng nhìn Phó Đồng Văn.

Phó Đồng Văn rất thích phản ứng này của cô, anh rộng rãi bảo quản lý phát tiền, một người ba đồng: "Thông báo là mợ ba thưởng."

"Vâng, thưa cậu ba." Quản lý đáp lại.

Nhà xưởng oi bức, ngồi chưa ấm chỗ họ đã ra ngoài.

Mấy đứa trẻ của nhóm đốc công đứng trước cửa nhà kho đang té nước chơi, đứa lớn bê chậu đồng, mấy đứa bé hơn dùng hai tay nhỏ xíu vốc nước trong chậu hắt vào người nhau, vừa nô đùa vừa giải nóng.

Phó Đồng Văn đang trao đổi công việc với quản lý, Thẩm Hề đứng cách họ mấy bước nhìn đám trẻ con vui đùa. Ưu điểm lớn nhất của cô là làm gì cũng chuyên tâm, ngay cả nhìn trẻ con chơi cũng không ngoại lệ.

Anh xua tay, quản lý lui xuống.

Anh đến sau lưng cô mà không hề báo trước, vòng tay qua eo cô.

"Nóng." Cô giãy ra.

Phó Đồng Văn dùng sức hơn, ôm cô đầy thoải mái.

Cánh tay đè lên cánh tay, làm cô không cục cực nổi. Mạch của anh đang đập trên mu bàn tay cô, Thẩm Hề dường như rất nhạy cảm với nhịp mạch ấy, lặng lẽ đo nhịp tim của anh.

"Đưa em đến xem nhà xưởng là tiện đường thôi." Anh mở miệng, "Lát nữa em cùng anh đi gặp một người."

"Ai vậy?"

Phó Đồng Văn nở nụ cười nhưng không nói.

Hôm nay anh rất thích úp úp mở mở.

Có thể vì lần trước đón cậu năm ở nhà ga nên cô đã có ám ảnh tâm lý gặp chuyện "gặp một người". Lòng cô thấp thỏm: "Là khách của nhà anh ư? Người lớn đến viếng cha anh sao?"

"Không phải."

"Vậy đến đâu để đón ạ? Nhà ga à?"

"Đến khách sạn Hối Trung."

Palace Hotel? Thật trùng hợp.

Cô kể: "Khi xưa lúc suýt đi du học Anh, em cũng ở khách sạn đấy. Chuyến tàu mãi không ấn định thời gian khởi hành, không ngờ Viên Thế Khải thoái vị... nên quyết định ở lại Thượng Hải."

"Lòng không nỡ rời xa anh ba nên mới ở lại." Anh cười vạch trần: "Liên quan gì đến Viên Thế Khải?"

Những đứa trẻ bên kia cũng cười, như đang hùa theo anh.

Thẩm Hề không nén được giận, đá viên đá vụn dưới chân, không thèm để ý đến anh.

Phó Đồng Văn nhoẻn miệng cười, hỏi mượn quản lý chiếc ô đi mưa màu đen, đưa cô ra ngoài xưởng.

Đường ở đây rất hẹp, xe hơi hoàn toàn không vào được, vì vậy ban nãy hai người đi bộ vào đây, gương mặt Thẩm Hề phơi ngoài nắng đến ửng đỏ. Lúc về đương nhiên Phó Đồng Văn đã rút kinh nghiệm, chuẩn bị trước đồ tránh nắng tránh nóng.

Đường hẹp gồ ghề, hai người đều đi rất chậm.

Chốc lát sau, Thẩm Hề nhìn xung quanh: "Em cảm thấy... chúng mình đừng dùng ô đi mưa để che nắng nữa, cứ kỳ cục sao ấy."

Trai gái đang yêu cầm ô đi trong cơn mưa bụi, thả chậm bước chân trên bờ sông, đó chính là sự lãng mạn của văn nhân.

Nhưng họ đang đi trên con đường đầy bùn đất bên cạnh nhà xưởng dưới cái nắng oi ả, một tay nhẹ nhàng phe phẩy quạt giấy, một tay cầm ô đi mưa... nhóm công nhân luôn miệng gọi "cậu ba, mợ ba" nhưng trong lòng họ chắc chắn đều thầm nhủ hai người này thật ngốc nghếch, khoe khoang tình cảm mà không cần biết đây là đâu.

Phó Đồng Văn cũng cảm thấy không ổn, bèn cụp ô lại đưa cho người phía sau: "Chẳng ra thể thống gì cả."

Không có ô, nhưng vẫn không nỡ để cô phơi nắng.

Anh đành phải lấy quạt giấy che trước trán cô, tạo thành một cái bóng nhỏ, nhàn nhã nói: "Con gái không thể phơi dưới nắng, điều này anh ba hiểu."

Người đàn ông này... không nói mấy câu ngả ngớn dí dỏm thì không phải là anh.

Trên đường đến khách sạn, cuối cùng Phó Đồng Văn cũng nói cho cô biết nguyên do anh đưa cô đến xưởng tơ.

"Xưởng tơ này ông chủ Hoàng đã dòm ngó từ lâu, sáng sớm nay mới ký hợp đồng, chuyển cổ phần trên tay anh sang cho ông ta."

Làm ăn ở Thượng Hải phải "cống" cổ phần cho vài ông chủ xã hội đen, giao ước này đã trở thành quy định bất thành văn từ lâu, lợi tức cổ phiếu hằng năm của hàng trăm xí nghiệp trong tay các ông chủ chính là khoản tiền hàng trăm vạn. Phó Đồng Văn từng giải thích với cô, nhưng không đề cập đến tiền lệ "tặng" thẳng công xưởng, xưởng tơ quy mô lớn kiểu này xây dựng cũng không dễ dàng, tơ sống được bán cho người nước ngoài, dù là nguồn hàng hay nguồn khách đều đã ổn định. Nói thẳng ra là tặng cho người ta một đống châu báu mà không cần tốn công tốn sức kinh doanh.

"Tiếc quá." Anh khẽ thở dài.

Không phải anh tiếc cho giá trị và lợi ích của xưởng tơ tằm, mà tiếc vì nó rơi vào tay người không cùng chí hướng để rồi một món đồ tốt bị bỏ phí.

"Anh cần nhờ cậy gì ông ta ư?" Cô hỏi.

"Anh cần ông ta giúp mình một việc, một việc vô cùng quan trọng." Anh trả lời, "Không phải xã hội đen thì không thể làm được."

Xảy ra chuyện gì rồi sao?

Không chờ cô hỏi, anh bèn giải thích: "Em sáu của anh về rồi, đang ở khách sạn Hối Trung, người anh đưa em đi gặp chính là con bé."

"Em sáu?" Cô nhớ lại cô gái ấy.

Từng gặp mặt mấy lần, là em gái ruột cùng mẹ với Phó Đồng Quyến.

Khi ép cha mình ký thỏa thuận phia chia tài sản, Phó Đồng Văn có nhắc đến em sáu, cô ấy phải làm bà bé thứ mười sáu của một vị tư lệnh.

Thẩm Hề cảm thấy chuyện này là nỗi đau của Phó Đồng Văn nên chưa từng truy hỏi, nhưng cũng biết sơ sơ từ Đàm Khánh Hạng. Nghe nói tuổi tác của vị tư lệnh nọ đã lớn, lại sống ở vùng Tây Bắc cách kinh thành rất xa, nghe đâu còn nổi tiếng thích đánh đập vợ con... cuộc hôn nhân này không hề tốt đẹp. Từ lúc cô sáu lấy chồng chưa lại mặt được ngày nào, bị quản lý nghiêm ngặt, coi như cắt đứt liên lạc với nhà họ Phó.

Phó Đồng Văn luôn nghĩ cách gặp cô ấy nhưng đều không thành công.

"Ngày thứ hai sau khi cha qua đời, anh gửi điện báo để em sáu đến Thượng Hải." Phó Đồng Văn bùi ngùi, "Đêm qua em ấy đến Thượng Hải, không gặp bất cứ ai, chiều hôm nay phúng viếng xong sẽ về."

Giám sát quá khắt khe, đến cả người thân cũng không cho gặp, nghiêm trọng hơn những gì Đàm Khánh Hạng đã nói.

"Lần này có thể gặp được em ấy cũng do dùng tiền móc nối." Anh nói tiếp

"Bởi vậy chuyện anh muốn ông chủ Hoàng làm có liên quan đến em ấy ư?" cô nhẹ nhàng hỏi.

Phó Đồng Văn im lặng thừa nhận.

Xe đến cửa lớn khách sạn Hối Trung, cuộc nói chuyện giữa hai người cũng tạm thời dừng lại.

Trên bến Thượng Hải, khách sạn này mang kiến trúc bắt mắt nhất bởi bức tường bên ngoài dùng hai màu đỏ trắng đối lập. Tường quét sơn màu trắng sữa, khung cửa sổ được khảm bởi gạch đỏ, không chỉ ban ngày mà ngay cả buổi tối cũng có thể nhận ra chỉ trong một cái liếc mắt.

Từ cửa xoay đến tường ốp, cầu thang và lan can, cột nhà bên trong đều được làm bằng gỗ. Chùm đèn thủy tinh ngày đêm không tắt.

Lần đầu Thẩm Hề đến đây, nhân viên phục vụ đưa cô đến phòng tự hào nói rằng nhân vật khách sạn tiếp đãi đều là những người nổi tiếng, là khách sạn cao cấp nhất, ngay cả thang máy trong khách sạn cũng là thang máy đầu tiên được lắp đặt sử dụng ở Thượng Hải. Cô không hứng thú lắm với những điều này, cho đến khi nhân viên phục vụ nói cuộc họp Quốc tế chống thuốc phiện và lễ nhậm chức tổng thống lâm thời của Tôn Trung Sơn đều được tổ chức ở đây, cô mới chăm chú nghe mấy câu.

Lúc ấy cô chọn ở đây vì chi phí đắt đỏ, có thể tránh được nhiều phiền phức.

Sau đó cô quyết định ở lại Thượng Hải làm bác sĩ, không đến nơi này nữa cũng vì đắt.

Hai người vào khách sạn, gọi phục vụ dẫn đường đến vườn hoa trên sân thượng, đây là nơi tiếp đãi các vị khách trọ trong khách sạn.

Lúc này đương giờ trà chiều, một nửa chỗ ngồi trong vườn hoa đã đầy, vì không đủ ô che nắng trên bàn ghế ở nửa còn lại đều phơi dưới ánh mặt trời, đương nhiên không có ai ngồi.

Phó Thanh Hòa ngồi ở nơi xa nhất, dưới chiếc ô che nắng gần bên rìa, cô ăn mặc lộng lẫy, đôi hoa tai bằng ngọc bích trĩu nặng rủ xuống sườn mặt, mang đậm nét phú quý nhưng lại lạc loài so với nơi đây. Kiểu tóc búi lỗi thời làm khuôn mặt già đi mười tuổi.

Giây phút nhìn thấy Phó Đồng Văn, tách trà trên tay cô ấy hơi nghiêng đi, trong đôi mắt đong đầy niềm vui hiếm hoi: "Anh ba."

Phó Đồng Văn đưa mắt ra hiệu cho người đi theo mình.

Ngưòi đi đầu lấy một xấp tiền giấy trong ngực áo đưa cho hai sĩ quan bảo vệ Phó Thanh Hòa. Hai sĩ quan là người trông chừng bà bé thứ mười sáu, nhưng cũng biết người hôm nay bà bé gặp là nhân vật lớn, tiền thì đã lấy rồi, hơn nữa còn đang trên đất Thượng Hải, trên địa bàn nhà người ta nên thức thời tạm biến mất khỏi tầm mắt của Phó Đồng Văn.

Cô sáu nhận ra Thẩm Hề, hoảng hốt nhìn cô, rồi lại nhìn Phó Đồng Văn: "Lần này phải gọi là chị dâu thật rồi."

"Nên đổi xưng hô từ lâu rồi." Anh cười kéo ghế ra cho Thẩm Hề, đợi cô ngồi xuống anh mới lên tiếng: "Em năm đang ở trong viện, anh tới thăm chú ấy trước rồi mới đến gặp em."

"Anh năm sao vậy?" Phó Thanh Hòa lo lắng, giọng nói bỗng nhiên nghẹn lại, "Bị bệnh ư? Anh ấy cũng vội chạy từ miền Nam về viếng cha sao?"

"Bị thương trên chiến trường, chị dâu em đã phẫu thuật cho chú ấy rồi, giữ được tính mạng, chân phải không còn."

Nước mắt cô sáu đột nhiên lã chã tuôn rơi: "Là lỗi do em... Nếu anh ấy không phản đối hôn sự của em trước mặt mọi người thì sẽ không bị cha đưa đến chiến trường..."

Năm đó cô ấy bị ép kết hôn, ăn Tết xong,mẹ vừa mới qua đời vị bệnh tật, người thường bảo vệ cô ấy là Phó Đồng Văn cũng bệnh nặng liên miên, sống chết không thể liệu trước, các dì và anh chị em phòng khác đều lạnh lùng bàng quan, chỉ thiếu điều tiễn cô ấy đi càng sớm càng tốt, bớt một người tranh giành gia sản, chỉ có cậu năm đứng lên đấu tranh, còn ra tay đánh sĩ quan đưa sính lễ tới.

Bởi vậy cha giận cá chém thớt, đưa cậu năm dự định làm ở Bắc Kinh đến chiến trường miền Nam.

Cô ấy vốn tưởng dựa vào sự gan góc và bản lĩnh của mình, anh năm chắc chắn sẽ xông pha đất trời phương Nam, nào ngờ hôm nay lại nhậm được tin này. Nỗi tủi nhục hai năm qua phải nương nhờ một lão già, nỗi nhớ nhà không khi nào nguôi ngoai, tất cả đều trào dâng khi ngồi trước Phó Đồng Văn.

Thẩm Hề đưa cho cô ấy chiếc khăn tay, cô ấy nhận lấy trong hàng lệ, lặng lẽ lau nước mắt.

Cô ấy không dám khóc nức nở, sợ sẽ mang lại phiền phức cho Phó Đồng Văn.

Vườn hoa trên sân thượng được xây theo kiểu không gian mở, gần sông, gió lướt nhẹ qua mặt, còn mang theo hơi ẩm.

Dấu hiệu mưa sắp đến.

Phó Đồng Văn nhìn chằm chằm cô sáu trước mặt mình, hạ thấp giọng: "Em đã có con chưa?"

Cô sáu lắc đầu, cười trong nước mắt: "Anh ba lo chuyện hôn nhân của mình đi, muốn làm cậu cũng đừng hy vọng vào em..."

"Như vậy là tốt nhất." Phó Đồng Văn cầm ấm trà bằng sứ trắng trên bàn lên, thong thả rót trà vào tách cô ấy, "Nói thật với anh ba, em có muốn về không?"

Bình tĩnh như đang tán gẫu, nhưng đất bằng đang nổi sóng.

...

Tay cô sáu cứng đờ, nắm chặt chiếc khăn Thẩm Hề đưa.

Trên chiếc khăn nhăn nhúm có những nếp gấp đậm nhạt khác nhau.

Cô ấy không dám tin hàm ý trong câu nói của Phó Đồng Văn. Ở nơi cô ấy lấy chồng, vợ bé muốn chạy trốn chỉ có một kết cục, bị bắn chết chình là cái chết nhẹ nhàng nhất.

"...Họ sẽ không đồng ý đâu."

Phó Đồng Văn cười: "Họ không, nhưng anh ba có."

Như đang phụ họa cho anh, hai cô gái nước ngoài ngồi bên cạnh bật cười vì một quý ông trêu đùa.

Cách đó không xa, có người sai bảo phục vụ di chuyển ô che nắng, nắng đã ngả về phía Tây, cũng là lúc phong cảnh đẹp nhất. Một bàn yêu cầu, các vị khách ngồi gần đấy cũng yêu cầu theo. Ba nhân viên phục vụ trên sân thượng bận rộn với đề nghị của khách, tiếng ồn ào vang lên không ngớt.

Chỉ mình nơi đây yên tĩnh vô cùng.

Phó Thanh Hòa đang đấu tranh nội tâm, cô ấy muốn trốn thoát, nhưng cũng sợ sẽ mang tới tai họa cho Phó Đồng Văn.

Cô ấy chưa kịp mở miệng, hai sĩ quan giám sát cô quay về.

Theo lịch trình, Phó Thanh Hòa sẽ đến biệt thự trước để thắp cho cha nén hương, sau đó ngồi xe hơi rời khỏi Thượng Hải. Đêm qua mới đến, xế chiều hôm nay phải đi, sắp đặt rất sít sao, cả thời gian để Phó Thanh Hòa đến bệnh viện thăm cậu năm cũng không có. Lịch trình này người ta cũng đã rất nể mặt Phó Đồng Văn, anh phải lấy cớ vội về chịu tang mới có được.

Một trong hai vị sĩ quan nhận được chỉ thị của tư lệnh mình, sau khi hỏi han Phó Đồng Văn dăm ba câu thì thúc giục dì bé mười sáu lên đường.

Từ lúc họ xuất hiện, Phó Đồng Văn không nhắc thêm lời nào về chuyện vừa rồi. Trong lòng Phó Thanh Hòa lo âu, không rõ Phó Đồng Văn đã bỏ cuộc hay sẽ có sắp xếp gì, cô ấy uống cạn hồng trà trong tách của mình để che giấu nỗi băn khoăn.

Trước lúc chia tay, Phó Đồng Văn dang tay ra với cô, cô sáu do dự một giây, cuối cùng vẫn nhào vào lòng anh: "Anh ba..."

Anh dùng cái ôm để nói với cô ấy rằng, tất cả chưa từng thay đổi, mọi người vẫn luôn chờ em về nhà.

Còn anh ba thì còn nhà.

Đối với Thẩm Hề, đối với cậu năm nay hay đối với Phó Thanh Hòa giờ đây đang vùi trong lòng anh, đều như thế.

Đôi mắt Thẩm Hề ngấn lệ, cô dõi theo bóng lưng của Phó Thanh Hòa cho đến khi biến mất, thầm cầu nguyện mong sao xưởng tơ sẽ đổi lại kết quả viên mãn.

Phó Đồng Văn hệt như người vô sự, đút tay vào túi quần, cúi người, thấp giọng cười hỏi: "Chúng ta đến Từ Viên được không? Tối nay mời được diễn viên nổi tiếng đến, ông chủ Hoàng đã bao trọn cả rồi."

"Vâng." Thẩm Hề mỉm cười hiểu ý

Lần này ông chủ Hoàng đã lấy được món hời rất lớn, để Phó Đồng Văn yên tâm, ông ta muốn giải quyết xong tất cả mọi việc trong tối nay.

Vở kịch tối nay, trên sân khấu trung hiếu tiết nghĩa, dưới sân khấu anh em tình sâu, hơn nữa ý của túy ông không nằm trong rượu¹, lòng say mê kịch không nằm trong vai diễn.

¹Tức ý không ở trong lời nói, mà còn có dụng ý khác. Đây là một câu nổi tiếng của Âu Dương Tu (1007-1072) đời Tống.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info