ZingTruyen.Info

MẠN THIÊN HOA VŨ [Cảm hứng lịch sử Việt Nam]

Q2 - Chương 55: Trăng treo khói toả

maccham

Đoá hoa trắng đậu trên vai Trần Thuyên từ từ trượt dần xuống, khẽ chạm vào tay tôi rồi bung thành những cánh hoa nhỏ xinh, lả tả bay theo gió.

Tôi vùi mặt vào cổ Trần Thuyên, hương trà thanh nhã cứ thế vỗ về, lại cảm tưởng như không chỉ với anh, mà chính bản thân tôi cũng phải trải qua ba năm xa cách.

Một lát sau, Trần Thuyên khẽ khàng lên tiếng: "Thật may..."

"Sao cơ?" Tôi ngẩn người.

Anh thở dài, một tay vẫn siết nhẹ, tay kia dịu dàng vuốt tóc tôi, đáp: "Vì lần du ngoạn này của nàng chỉ mất có ba năm, ta không phải chịu đựng mỏi mòn gần một thập niên như khi xưa nữa..."

Nghe những lời thở than nhẹ nhàng nhưng lại quá đỗi đau xót, tôi không biết phải làm gì hơn ngoài việc ôm thật chặt Trần Thuyên.

Lại giống khi xưa, Trần Thuyên chỉ đơn giản cho đây là một chuyến đi xa, không hề ép hỏi chuyện gì đã xảy ra với tôi.

"Khoan đã." Tôi đẩy anh ra. "Vì sao chàng lại đến đây nhanh như vậy nhỉ?"

Ngoái đầu lại nhìn Đỗ Quân mặt mày méo mó đang nở một nụ cười không thể gượng gạo hơn, tôi lại càng thấy tò mò.

Trần Thuyên biến thành con gà mắc tóc, ậm à ậm ừ chẳng thốt lên lời.

Tôi híp mắt phân tích: "Đông Ly nói rằng từ kinh thành tới nơi này phải mất tới hai, ba ngày. Dù con bé đã báo tin ngay khi em tỉnh dậy thì ít nhất phải sau bốn tới năm ngày mới được gặp chàng, đúng không?"

Tự dưng đổi cách xưng hô, đúng là hơi ngượng mồm một chút.

Tính từ khi linh hồn tôi quay lại với Đại Việt cho đến giờ còn chưa tròn ba ngày trời. Cớ sao Trần Thuyên lại có thể xuất hiện ở Quy Hoá sớm như vậy?

Đỗ Quân buộc hai con ngựa vào gốc cây, chậm rãi bước đến gần chúng tôi, thay mặt Trần Thuyên giải thích:

"Hai ngày trước, khi đang cùng ta bàn chuyện thì Quan gia bỗng thấy có hiện tượng lạ: Một quầng sáng mờ ảo bao quanh mặt trời. Cho rằng điềm này có liên quan tới tiểu thư nên Quan gia vội vã quay về cấm cung sắp xếp công việc rồi xuất phát ngay trong đêm. Chỉ có điều..."

Tôi tò mò: "Có điều sao?"

Y ho một tiếng mất tự nhiên: "Quan gia là người duy nhất trông thấy quầng sáng kỳ lạ kia..."

"Đỗ Quân! Dạo này ngươi có vẻ hơi nhiều lời rồi đấy." Trần Thuyên trầm giọng cảnh cáo, tuy nhiên trong câu nói không mang chút giận dữ nào.

Đỗ Quân vội cúi đầu, chắp tay: "Quan gia thứ tội!"

Nhớ khi xưa Trần Thuyên còn mang tên giả, thoải mái ta ta anh anh như bạn bè với Đỗ Quân, nay đã trở về với vị trí của mỗi người, xưng hô cũng lộ rõ khoảng cách quân - thần hơn.

Quay lại với chuyện kia, dù quầng sáng mặt trời là thật hay giả, Trần Thuyên đã thực sự trông thấy nó hay chỉ là bị quáng gà thì tôi cũng quay trở lại Đại Việt rồi. Cách thức không khác gì năm năm trước, khi Đoàn Niệm Tâm dứt hơi thở cuối cùng.

Tôi tủm tỉm cười nhìn Trần Thuyên, trêu đùa: "Vậy ư? Quầng sáng trông như thế nào vậy Quan gia? Có giống với lúc tôi ngã xuống hồ Nhật Thịnh không?"

Biểu cảm trên mặt anh có chút thay đổi không rõ ràng, tôi giật mình, nhận ra mình đã lỡ lời. Dám nhắc lại khoảnh khắc đáng sợ ấy với Trần Thuyên, chắc cũng chỉ có mình tôi mà thôi.

Ai mà biết được khi vớt tôi lên, thấy hai mắt nhắm nghiền lại không có tí phản ứng nào... liệu Trần Thuyên có nghĩ rằng tôi đã chết ngắc rồi hay không.

Đương nhiên Trần Thuyên không nổi giận với tôi, anh chỉ đưa tay lên day day ấn đường mấy cái rồi thở dài: "Dạo này phải thức khuya đọc tấu chương, e là đôi mắt này cũng chịu áp lực ít nhiều..."

Ngay sau đó anh nắm lấy cổ tay tôi kéo lên, giọng nhẹ như gió thoảng, mang ý trách móc dịu dàng: "Vừa rồi nàng gọi ta là gì?"

Tôi vội lè lưỡi: "Không có gì, là em nhầm lẫn thôi ạ."

Bàn tay anh dịu dàng trượt dần xuống, cuối cùng phủ trọn lên tay tôi.

Trần Thuyên chợt tỏ ra nghiêm túc: "Gọi Đông Ly ra dọn dẹp một chút, xẩm tối chúng ta lên đường quay lại Thăng Long. Nàng ở nơi này vốn không có quá nhiều đồ đạc, chắc cũng nhanh thôi."

Rồi anh quay sang Đỗ Quân: "Ngươi lập tức đi tìm một chiếc xe, Niệm Tâm mới ốm dậy, không chịu nổi việc rong ruổi trên lưng ngựa."

Đỗ Quân còn chưa kịp ôm quyền vâng dạ thì từ sau lưng tôi đã có tiếng nói cắt ngang: "Không nhanh thế đâu."

Là Dương Gia và Đông Ly vừa đi chợ phiên về, trên lưng mỗi người là một giỏ đồ đầy ắp.

Dương Gia trông thấy Trần Thuyên, không hành lễ giống Đông Ly mà chỉ hừ một tiếng vô cùng bực bội.

Mọi người đều ở đây, tôi bỗng nhớ ra Triêu Lộ, từ lúc hai người kia xuất hiện thì cô nàng đã mất dạng rồi.

Biểu cảm trên gương mặt Đông Ly như một đoá hoa, vừa nở bung đã héo tàn. Có lẽ con bé thấy buồn vì người đi theo Trần Thuyên là Đỗ Quân chứ không phải Thành An.

"Ý ông là sao?" Trần Thuyên nhíu mày, thoáng chốc giọng đã lạnh băng.

Dương Gia nghênh ngang đáp lại: "Xin bẩm với Quan gia, cơ thể con nhãi này hư nhược nghiêm trọng. Giờ bắt nó vượt trăm dặm đường, coi chừng nó lăn ra chết trên xe đấy."

Không khí xung quanh như tụt xuống âm độ, chỉ thấy mặt Trần Thuyên tối sầm.

Sự ngoa ngoắt của Dương Gia không hề suy giảm khi phải đối mặt với hoàng đế, ông ta chịu gọi Trần Thuyên là Quan gia cũng đã là lễ độ lắm rồi.

"Ông ơi, không nghiêm trọng đến thế chứ ạ?" Miệng Đông Ly méo xệch sang một bên.

Dương Gia không thèm để ý tới con bé, chỉ giơ ba ngón tay lên với Trần Thuyên: "Ba tháng nữa."

Anh lập tức tỏ thái độ như bị sét đánh: "Những ba tháng?"

Ngược lại, tôi thấy ba tháng không có gì quá đáng cả. Điều dưỡng cơ thể cũng mất thời gian, muốn khoẻ khoắn hoàn toàn thì không thể đòi nhanh nhanh chóng chóng được. Như người xưa vẫn nói: Dục tốc bất đạt, muốn nhanh thì phải từ từ.

Vị thần y kỳ quặc kia ngúng nguẩy đi vào trong nhà, không quên ném lại một câu: "Đấy, thích thì cứ đưa nó về. Đây không giữ."

Trần Thuyên không còn cách nào khác, đành phải đồng ý với quyết định của Dương Gia. Anh nói rằng mình không có ý mạo hiểm tính mạng của tôi chỉ vì muốn rút ngắn thời gian ở gần nhau.

Mười năm đã vậy, ba năm cũng mới trôi qua, cớ gì lại không chịu được ba tháng?

...
Tối đó Trần Thuyên và Đỗ Quân ở lại, dù sao hai người cũng đã di chuyển suốt mấy ngày trời, không có mấy thời gian nghỉ ngơi.

Bởi lý do này mà Dương Gia khó chịu ra mặt, không thèm vứt lại một câu nào mà đeo lên lưng giỏ đồ rồi đi một mạch ra ngoài.

Đông Ly cười nói như không, bảo rằng tháng nào Dương Gia cũng phải lên núi ở tới vài ba đêm, chắc cũng liên quan tới mấy vị thuốc quý của ông ta.

Như vậy lại càng tốt, căn nhà vốn chẳng còn gian phòng thừa nào nữa, Dương Gia lên núi vừa hay lại để Trần Thuyên và Đỗ Quân có chốn nghỉ chân.

Cuộc sống ở nơi này đạm bạc, nay có thêm hai người nữa cũng không thay đổi được mấy, Đông Ly nấu nhiều hơn một chút, về cơ bản vẫn chỉ là hai món thịt một món rau.

Tôi đã có thể ăn uống bình thường, bây giờ không thể ngửi nổi mùi cháo hành nữa, nghĩ đến là rùng cả mình.

Giữa chốn đơn sơ, không phân biệt thân phận, bốn người cùng ngồi trên chiếc chõng lớn giữa sân.

Triêu Lộ cáo bệnh không ra mặt, Đông Ly lại nói riêng với tôi rằng nàng ta ngại đàn ông lạ nên đành giấu mình trong phòng. Nghe xong tôi càng cảm thán không thôi, Triêu Lộ này đích thực là một cô tiểu thư nhà quyền quý rồi.

"Vì sao Quan gia không ở lại đây với cô nhà con thêm vài ngày ạ?" Đông Ly dọn dẹp bát đũa trên chõng, bất ngờ đặt câu hỏi.

Trần Thuyên chưa kịp đáp, Đỗ Quân đã lên tiếng tỏ ý nhắc nhở: "Quan gia, chuyện kia..."

Anh đưa tay lên, Đỗ Quân theo đó mà im lặng không nói tiếp nữa.

"Chính sự bận rộn, lần này ta bất ngờ rời kinh đô, còn chưa kịp sắp xếp cho ổn thoả."

Tôi chỉ gật đầu: "Em hiểu mà."

Đông Ly kéo Đỗ Quân ra sân sau rửa bát, tôi và Trần Thuyên quyết định chuyển chỗ ngồi ra cái chõng nhỏ dưới gốc cây hoa trắng ngoài cổng.

Chúng tôi cùng sóng vai, Trần Thuyên vẫn không quên nắm thật chặt tay tôi.

"Nghe nói... mỗi lần đến nơi này, chàng đều ẵm em ra ngoài ngắm hoa?" Tôi tủm tỉm cười.

Trần Thuyên ngưng bước chân, cúi đầu nhìn tôi, đáp: "Phải. Lần nào cũng vậy. Nàng thì hay ho rồi, chỉ biết ngủ cho sướng con mắt, không thèm đáp lời ta."

Tôi chun mũi, không dám mở miệng nói thêm về chuyện này.

Anh thấy tôi im lặng liền sấn tới: "Sao nào? Muốn hỏi ta cái gì?"

"Không, không..." Tôi bất giác lùi lại phía sau, trong lòng khẽ gợn sóng.

Tên nhóc Trần Thuyên này khi xưa luôn rất biết chừng mực, hiện tại cả hai đều tỏ rõ lòng mình thì lại biến thành kẻ ranh mãnh như thế này đây.

"Mỗi lần ta bế nàng..." Trần Thuyên kéo dài giọng, vẻ mặt suy nghĩ.

Tôi lập tức cảm thấy tò mò, liền rướn người lên nhằm nghe cho rõ câu sau.

Chỉ thấy vút một cái, anh đã kịp hạ người, hai tay mạnh mẽ nhấc bổng tôi lên ôm vào lòng.

Trần Thuyên nhếch mép cười trông rất đáng ghét: "... thì đều là như thế này."

"Ối giời ơi!" Tôi thốt lên, vội quàng tay qua cổ anh.

Vừa bế tôi kiểu "công chúa", Trần Thuyên vừa sải từng bước vô cùng vững chãi.

Anh cảm thán: "Có khác biệt! Những lần trước nàng đều gục đầu sang một bên, hai tay buông thõng chứ nào đâu tình cảm thế này."

Tôi lí nhí đáp: "Thì giờ có ý thức rồi nên sợ ngã đấy."

Trần Thuyên cúi xuống nhìn tôi, trong mắt như loé lên tinh quang: "Làm sao ta có thể để nàng ngã được?"

Tình huống này hơi ngượng ngùng, tôi xin phép được giữ im lặng.

Tối nay gió to, trên chõng đã phủ đầy những cánh hoa trắng muốt.

Trần Thuyên nhẹ nhàng đỡ tôi hạ chân xuống đất, lại tự mình đi tới, một tay khua đống cánh hoa rơi khỏi chõng tre.

Từ vị trí này nhìn lên, vầng trăng như gần hơn với nhân gian bụi bặm.

Chỉ thấy trên cành cao còn sót lại vài ba đoá hoa, được rót lên thứ ánh sáng bàng bạc tinh tế, ngả nghiêng theo chiều gió thổi.

Trăng sáng tới nao lòng, mà Trần Thuyên lại kéo tay tôi sang phía anh, dùng hai bàn tay của mình bao trọn.

Anh chợt thở dài, sóng mắt gợn nhẹ: "Nghĩ thế nào cũng chẳng dám buông tay nàng quá lâu."

Tôi đành dùng tay còn lại mà vỗ về an ủi Trần Thuyên đôi chút.

"Phải rồi, hôm trước... à nhầm, ba năm trước bắt được Đặng Bá rồi có điều tra ra gì không ấy nhỉ?" Tôi tò mò lên tiếng.

Nói gì thì nói, chuyện của gã mặt đen này cùng Tống Chí Khiêm khi xưa vẫn khiến lòng tôi có gì đó khúc mắc, rõ là một bài toán chưa có lời giải.

Liệu Đặng Bá có phải là kẻ phản diện chân chính, đứng sau giật dây vụ án Thần giữ của hay không?

Trần Thuyên hơi ngẩn người, trợn mắt lên nhìn tôi: "Nàng không thèm quan tâm ba năm qua ta sống ra sao... mà lại đi hỏi về một kẻ giết người?"

À ừ nhỉ! Quên bố mất!

Tôi đành giả bộ nũng nịu, cất lên thứ giọng nhừa nhựa: "Thế ba năm qua Quan gia sống thế nào ạ?"

Nói được một câu mà rợn cả tóc gáy. Tôi còn cảm nhận được cơ thể Trần Thuyên khẽ run lên, xem chừng buồn nôn không kém gì tôi cả.

Anh dịu dàng xoa đầu tôi, bảo: "Niệm Tâm à, sau này nếu muốn trừng phạt ta thì cứ nói như vừa rồi nhé."

Sau đó đưa tay lên che mặt, đồng thời bồi thêm câu: "Chắc đêm nay gặp ác mộng rồi."

Tôi là trò đùa của anh đấy à!

Tuy cằn nhằn là vậy nhưng Trần Thuyên vẫn chiều tôi, tóm tắt qua lời khai của Đặng Bá cho tôi nghe.

Theo những gì gã tiết lộ, cùng với sự phân tích của bộ ba Trần Thuyên - Đỗ Quân - Thành An thì có vẻ như Đặng Bá cũng chỉ là một kẻ thế thân.

Giữa tối mùa hạ mát rười rượi, không khí nơi vùng cao trong lành, tôi chỉ cảm nhận được một luồng khí lạnh toát chạy dọc thân mình.

Đặng Bá là kẻ thô tục, không hề lắm mưu nhiều kế. Để có khả năng thao túng được Tống Chí Khiêm hay dựa vào những bài đồng dao của Đại Việt mà giết người... thì gã cần nhiều hơn thế.

Tức là vẫn còn một người khác, có thể là "cấp cao" của Đặng Bá. Tên này mới là người có hiểu biết về Thần giữ của, cũng như đầy đủ kiến thức để lợi dụng từng câu chữ quen thuộc của mấy bài đồng dao mà chúng ta thường nghe để gây hoang mang lòng người.

"Vậy sau đó Đặng Bá bị xử thế nào?"

Trần Thuyên sầm mặt: "Chưa kịp giao cho phủ Kiểm pháp thì gã đã... chết rồi."

"Chết?"

"Ừ." Anh hít một hơi thật dài, đáp. "Trúng độc mà chết. Chỉ vài ngày sau khi nàng bất tỉnh."

Tôi nhìn Trần Thuyên không chớp mắt: "Là... Chúc Đông Phong?"

Anh khẽ gật đầu.

Vậy là gian tế trong Dạ Hành đã ra tay. Khi bắt được Đặng Bá, hẳn bọn họ đã phải lục soát kỹ lưỡng, hẳn không thể giấu độc trong người được.

"Gian tế làm việc vô cùng kín kẽ, tuy rằng ta đã thu hẹp đối tượng tình nghi nhưng cũng chẳng ích gì. Nàng biến mất, chúng cũng như ngủ đông, không gây ra bất kỳ sóng gió nào nữa. Suốt thời gian qua muốn tìm kiếm bọn chúng chẳng khác nào bắt chạch đằng đuôi." Giọng Trần Thuyên như có như không, lộ rõ sự mệt mỏi.

Cũng tức là ba năm tôi ngủ say thì mọi thứ tạm dừng lại, kinh thành yên ổn?

"Liệu... Bách Chu có còn là một trong những người bị nghi ngờ là gian tế kia không?" Tôi chẳng hề kiêng kỵ, thẳng thắn hỏi Trần Thuyên.

Anh không đáp, chỉ nhìn tôi thật sâu.

Bụng tôi khẽ quặn lại. "Chàng nghĩ xem, kẻ đứng sau gian xảo vô cùng, vậy mà manh mối nào cũng dẫn thẳng tới Bách Chu. Sao có thể đáng tin được!"

Trần Thuyên mỉm cười, phủi đi cánh hoa trên vai tôi: "Nàng yên tâm, ta tự có quyết định." Ngưng một chút, anh khẽ nhíu mày, làm bộ tức giận hỏi: "Nàng cũng gần gũi với người họ hàng kia quá nhỉ? Năm lần bảy lượt xin xỏ cho Bách Chu chỉ vì nó có diện mạo tương tự..."

Tôi nhẹ nhàng đáp: "Nếu so với Nhữ Hài nhà em thì... cũng thân thiết không kém."

Nghe vậy, anh cũng thôi không tỏ vẻ giận dỗi với tôi nữa.

Nhân tiện nhắc tới Đoàn Nhữ Hài, Trần Thuyên vui vẻ tóm tắt cho tôi nghe một số sự kiện nổi bật trong ba năm qua.

Ví dụ như Ai Lao lại đem quân sang phá Đà Giang nhưng không làm nên trò chống gì, bị Thân vệ Đại tướng quân Phạm Ngũ Lão đập cho một trận nên thân. Nhờ công này, ngài được Trần Thuyên ban cho một chiếc quy phù. (1)

Tôi trộm nghĩ liệu có vì chuyện này mà cô Văn Tĩnh Huệ phi kia được sủng ái thêm phần nào hay không?

Ôi chao, chưa gì ruột gan xoắn hết cả lên rồi.

Rồi là Thái thượng hoàng du ngoạn Chiêm Thành tới gần một năm mới trở về, hay Chiêu Văn vương đã được gia phong là Thái uý Quốc công. Sau này nếu tôi có tới thăm ông thì phải biết xưng hô cho đúng mực.

Trần Thuyên cũng hết lời khen ngợi em trai Đoàn Nhữ Hài của tôi, nói rằng mỗi lần được giao phó nhiệm vụ thì cậu ta cũng đều hoàn thành rất xuất sắc.

Càng kể, anh càng hào hứng.

Đoàn Nhữ Hài đã từng theo lệnh Trần Thuyên mà đi sứ Chiêm Thành, dù chỉ là một quan văn nhưng phong thái mạnh mẽ không kém gì người luyện võ, khiến đám người Chiêm phải nể phục.

Theo lệ đã thành quen, mỗi lần sứ thần của Đại Việt ta đi sứ Chiêm Thành đều phải lạy vua Chiêm trước rồi mới mở chiếu thư mà tuyên. Đến lượt em trai Nhữ Hài, khi cậu ta vào điện chính thì đi thẳng tới trước án (2) mà đặt chiếu thư lên, quay ra bảo với vua Chiêm rằng:

"Từ khi tôi vâng mệnh triều đình đem thiên chiếu sang đây, đã lâu không được chiêm vọng thanh quang. Nay mở chiếu thư ra, không khác gì đứng trước thiên nhan cả." (3)

Nói xong, mặc kệ vua Chiêm đứng ngay đó mà lạy thiên chiếu. Ý tứ vô cùng rõ ràng, dù chỉ là một tờ chiếu thì vẫn đại diện cho mặt mũi của vua Anh Hoàng, mà rộng hơn chính là nước Đại Việt.

Về sau, tất cả sứ thần nước ta sang Chiêm Thành đều không lạy vua Chiêm nữa mà chỉ lạy chiếu thư, cũng là từ hành động này của Đoàn Nhữ Hài mà ra.

Trần Thuyên dịu dàng xoa xoa tay tôi, nói: "Sắp tới ta dự định bổ Nhữ Hài làm Tham tri chính sự (4). Tài năng này của cậu ta mà chỉ là một Trung tán nhỏ nhoi thì quá phí phạm rồi."

Dù không biết chức Tham tri chính sự quyền lực bao nhiêu nhưng nghe giọng điệu tán thưởng của Trần Thuyên thì tôi đoán chức này rất to!

Năm xưa Đoàn Nhữ Hài nhậm chức Ngự sử Trung tán, tuy Trần Thuyên chê rằng "nhỏ nhoi" nhưng thật sự không phải vậy, em trai tôi còn bị đám quan lại trong triều làm thơ chế giễu vì tuổi còn nhỏ mà được nắm trọng quyền cơ mà.

Giờ đây cậu ta đã chứng tỏ được thực lực của bản thân, lại lên được chức cao như vậy, tôi thật lòng mừng cho Đoàn Nhữ Hài. Chắc chắn em trai tôi đã đủ khả năng để để cung cấp một cuộc sống đầy đủ tiện nghi cho mẹ, cho vợ và cả người chị gái hờ này rồi!

Tôi không phải lo bị ném ra đường nữa đâu nhỉ?

Trần Thuyên gần đây có ghé qua phủ họ Đoàn, gặp được cháu tôi là Lâm Vũ đang bi bô tập nói.

Lâm Vũ như đã được cha dạy bảo trước, thấy Trần Thuyên thì nhào tới đòi bế, còn gọi anh là "bác" rất bon miệng. Trần Thuyên nghe vậy thì sướng như điên, lập tức ban thưởng cho thằng nhóc này một một đống đồ.

Trần Thuyên lại kể rằng năm ngoái có mấy vị đạo sĩ thuộc Tông phái Đạo giáo ở phương Bắc theo thuyền buôn tới Đại Việt, anh cho phép họ ở lại phường An Hoa sinh sống. (5)

Anh đã từng có suy nghĩ muốn thử vời một vị phù thuỷ tới để làm phép cho tôi tỉnh dậy. (6) Cái này gọi là có bệnh thì vái tứ phương. Nhưng ý kiến này bị chính anh bác bỏ trong khoảnh khắc, dường như "căn bệnh" của tôi giống như một ý niệm đã vượt ra khỏi khả năng của người thường, tốt nhất là không nên lộ ra ngoài.

Đại khái, chỉ có thể kiên nhẫn chờ đợi mà thôi.

Do suốt ba năm qua, công việc duy nhất của tôi chỉ là nằm ngủ một chỗ nên hiện tại tôi cũng không có gì phải nói cả, phần lớn thời gian đều là Trần Thuyên kể chuyện còn tôi chăm chú lắng nghe và cảm thán khi cần.

Ngoại trừ việc trông anh có vẻ gầy đi đôi chút thì Trần Thuyên của tôi dường như chưa hề thay đổi bất cứ điều gì.

Chúng tôi trò chuyện rất lâu, tựa như bóng nguyệt xế mành mà vẫn không chịu rời nhau để trở về phòng. (7)

Tôi trông rõ vẻ mệt mỏi trong mắt anh, biết rằng sớm mai anh cùng Đỗ Quân sẽ phải rời nơi này để trở về kinh thành. Vài ba ngày liên tục rong ruổi bụi đường, giờ cố đấm ăn xôi nói thêm vài câu cũng không để làm gì, chi bằng tranh thủ nghỉ ngơi thêm chút nào hay chút ấy.

Thuyết phục mãi Trần Thuyên mới đồng ý, anh bảo: "Nàng ở lại nơi này nhớ ăn uống đầy đủ, vài ngày nữa ta lại tới thăm."

Tôi liền lắc đầu, cười đáp: "Không cần đâu. Đúng ba tháng nữa chàng tới đón em, chúng ta cùng quay trở lại Thăng Long là được. Công việc hoàng đế bận rộn như thế còn chạy đông chạy tây làm gì?"

Tuy rằng có chút không nỡ nhưng Trần Thuyên cũng cho lời tôi nói là phải.

"Công việc hoàng đế ấy à?" Anh cười phá lên, xem chừng rất thích thú. "Hay ho thật. Vậy ta nghe lời nàng, trở về chăm chỉ làm hoàng đế, ba tháng nữa chúng ta gặp lại."

Tôi gật gật đầu, có vậy mới là Trần Thuyên của tôi chứ.

Đối với một vị hoàng đế, đương nhiên phải đặt việc nước lên hàng đầu, đâu thể cứ chạy theo một đứa con gái được.

Và tôi biết, Trần Thuyên hoàn toàn hiểu rõ điều này.

...

Đêm càng sâu, tôi lại càng tỉnh táo.

Ban ngày Đông Ly phải luôn chân luôn tay làm hết việc này đến việc khác, đến khi được ngả lưng liền đánh một giấc say tới sấm rền bên tai cũng không tỉnh.

Tôi nghe tiếng thở đều ở góc phòng, lại nhìn ra ánh sáng mờ mịt chiếu vào khe cửa khép hờ, quyết định khoác thêm áo rồi rón rén đi ra ngoài.

Theo tiểu thuyết tình cảm thì lúc này tôi chắc chắn sẽ bắt gặp Trần Thuyên đang đứng một mình dưới ánh trăng, suy tư về một vấn đề nghiêm trọng nào đó.

Thế là lại có thêm vài khoảnh khắc tình chàng ý ta, vô cùng lãng mạn.

Tôi nhón chân từng bước, nhận ra đúng là đang có một bóng người cao lớn giữa sân, thân thẳng như tùng, tay chắp sau lưng mà ngẩng lên ngắm trăng.

Chỉ có điều, người ấy lại là Đỗ Quân.

Tôi khẽ gọi: "Anh Quân!" 

Đỗ Quân nhanh chóng xoay người lại, gật đầu chào tôi.

Y mỉm cười: "Cô cũng không ngủ được sao?"

"Tôi ngủ suốt ba năm rồi còn gì." Tôi cố tỏ ra hài hước. "Còn anh, sao không ngủ thêm đi?"

Đỗ Quân nhàn nhạt đáp: "Cõ lẽ là bình thường đã quen với việc ngủ ít rồi."

Là một cánh tay của Trần Thuyên nên Đỗ Quân không thể nào nhàn rỗi được, việc này là chuyện đương nhiên.

Chợt nghĩ ra một điều, tôi tủm tỉm cười hỏi: "Bây giờ chắc anh không còn là Ngũ đô Chỉ huy sứ nữa phải không?"

Đến Đoàn Nhữ Hài còn được lên chức thì lý nào Đỗ Quân lại không.

Y tỏ ra hơi ngạc nhiên: "Là Quan gia nói với cô à?"

Có gì mà phải ngỡ ngàng như vậy nhỉ?

"Đúng là như vậy, hiện tại ta đang nắm chức Nhất đẳng Ngân bài Thị vệ bên cạnh Quan gia." Đỗ Quân nói tiếp, giọng không chút cảm xúc.

Quả là những lời mà không ai có thể ngờ tới.

"Đó... đó không phải là vị trí của Thành An sao?" Tôi trợn tròn mắt. "Thành An xảy ra chuyện gì rồi?"

Lúc này tôi lo lắng cho Đông Ly nhiều hơn cả.

Đỗ Quân vội giải thích: "Là ta hiểu nhầm ý của cô chăng? Anh Thành An nhận lệnh Quan gia rời Thăng Long điều tra mối liên quan của vụ bắn tên khi xưa và gã Đặng Bá. Do thời gian xuất thành sẽ phải kéo dài nên ta mới được điều chuyển, nắm chức Ngân bài thị vệ, cũng tiện ở cạnh bảo vệ Quan gia hơn. Vị trí Chỉ huy sứ kia đã lấy người của Tướng quân Ngũ Lão vào thay rồi. Quân dưới trướng Tướng quân đều được huấn luyện nghiêm khắc, việc này vừa là một cách thể hiện sự trọng dụng của Quan gia, cũng là để kẻ có tài được phát huy năng lực."

Y nói liền một mạch không nghỉ, khi dứt câu tôi còn thấy y kín đáo thở phào một hơi.

"Tôi chỉ tiện miệng hỏi vậy thôi, anh đâu cần thiết phải tiết lộ hết với tôi thế chứ."

Đỗ Quân nghiêm túc đáp: "Quan gia đã có lệnh không được giấu diếm chuyện gì với cô. Hơn nữa những việc trên ai ai cũng biết, ta tiện miệng nói với cô mà thôi."

Tôi gật gù cho là phải.

Đỗ Quân không quên cập nhật cho tôi tin tức về vợ chồng Phạm Bân - Đỗ Chi, chủ yếu là về đứa con gái của họ - Phạm Huệ.

Đại khái ai ai cũng đều an ổn khoẻ mạnh, chỉ là tôi đã bỏ lỡ những ba năm trời được sống cạnh họ mà thôi.

Sau một thoáng trầm ngâm, Đỗ Quân lên tiếng: "Thực ra... ta đã suy nghĩ rất nhiều về lời khuyên của cô."

"Ồ? Lời khuyên nào ấy nhỉ?" Trong đầu tôi tuyệt đối không có một tí ti nào ký ức về chuyện này.

"Rằng ta cần mở lòng hơn." Vẻ mặt y tư lự, dường như việc tâm sự với tôi cũng không dễ dàng gì. "Nếu không được chứng kiến Quan gia một lòng một dạ với cô suốt nhiều năm, từng bước chậm rãi tiến lại gần, chỉ mong một ngày nắm tay giai nhân... thì có lẽ mãi mãi ta cũng không hiểu được."

Trăng treo trên lá, gió thổi nghiêng chao.

Đỗ Quân mà tôi biết vốn đâu giỏi nói năng như thế này?

"Ta cũng muốn có được một mối tình tạc lòng tạc dạ như Quan gia và cô." Y khẽ nói.

Anh em họ Đỗ vốn là trẻ mồ côi, từ nhỏ đã thiếu thốn sự yêu thương của cha mẹ. Sau này lớn lên, khi Đỗ Chi tìm được chân ái của đời mình thì anh trai cô - Đỗ Quân lại phải chịu nỗi đau mất đi thê tử.

Ẩn sâu trong niềm nhớ thương người vợ đã khuất, có lẽ tất cả những gì Đỗ Quân có thể cảm thấy chỉ là sự cô độc.

Và bởi vậy, y cố gắng chối bỏ rằng chính bản thân mình cũng khao khát tình yêu, được có một người kề bên, bầu bạn.

"Tôi đoán... nàng ấy đã xuất hiện rồi phải không?" Quả thật, niềm vui có thể lan toả từ người này sang người khác. Tôi như thấy được ánh mắt Đỗ Quân tràn ngập mật ngọt óng ánh.

Y cười: "Đúng vậy. Cô còn nhớ Diệu Loan mà chúng ta đã gặp ở lộ Bắc Giang chứ?"

Còn đang suy ngẫm về một khoá học dành riêng cho Đỗ Quân nhằm cải thiện nụ cười kiết lị này, câu hỏi của y khiến tôi sửng sốt.

Diệu... Diệu Loan cho gà ngày ấy?

Y thấy phản ứng đầy khiếp sợ của tôi, khựng lại vài giây rồi phá lên cười: "Là chị gái của Diệu Loan, không phải cô bé ấy!"

Đó, có phải nghe hợp lý hơn không nào?

Tôi nhớ mang máng Trần Thuyên từng nói Đỗ Quân đã hớp hồn cả hai chị em. Không ngờ cuối cùng, sau vài năm lại nên duyên với người chị.

Đỗ Quân vốn luôn coi tôi là người nhà, không ngại kể cho tôi nghe đại khái về chị gái của Diệu Loan, nàng mang tên Diệu Hân, kém tôi hai, ba tuổi gì đấy.

Tính tình Diệu Hân ngược lại với tôi và Đỗ Chi, là một cô gái dịu dàng như nước, đi nhẹ nói khẽ cười duyên.

Đến tuổi này thì đáng lẽ cả hai chị em đều đã lấy chồng cả. Chỉ là trong khi Diệu Loan yên bề gia thất thì Diệu Hân lại gặp chuyện không may, một tháng trước lễ Nghênh Thân thì chồng sắp cưới của cô đột tử. Sau đó có kẻ dựng chuyện, nói Diệu Hân sát chồng, thậm chí còn khắc cả nhà chồng nữa. Phía bên kia lập tức rũ bỏ mối quan hệ, đám cưới bị huỷ bỏ.

Hôn phu đột nhiên lăn ra chết, tất nhiên là chẳng có ai dám nhắc gì tới cưới xin nữa rồi.

Chỉ có điều tiếng xấu đồn xa, lại tam sao thất bản thành đủ kiểu, không còn ai dám lấy Diệu Hân nữa.

Nếu như tôi là gái ế vì tôi thích thế, thì Diệu Hân phải chịu điều tiếng, áp lực vô cùng.

Qua một thời gian, Diệu Hân rời lộ Bắc Giang lên kinh thành thăm họ hàng, tình cờ gặp lại Đỗ Quân. Hai người cũng coi như là đã có duyên từ trước, dần dần phát triển tình cảm, bắt đầu tính đến chung thân đại sự.

Đỗ Quân cười bảo tôi: "Một người khắc chồng, một kẻ khắc vợ. E là số phận phải dành cho nhau rồi."

Tôi lườm y: "Thôi anh đừng có mà nói linh tinh. Tới lễ Nghênh Thân thì nhớ là phải mời tôi đấy."

Y gật đầu: "Nhất định rồi."

Hết chuyện để nói với nhau, tôi đành mặc kệ Đỗ Quân đứng hóng gió đêm một mình mà quay về phòng.

Sáng hôm sau tỉnh giấc, không còn thấy hai con ngựa buộc ở gốc cây trước nhà nữa.

Đông Ly bảo tôi rằng hai người Trần Thuyên và Đỗ Quân đã lên đường từ giữa giờ Dần (khoảng bốn giờ sáng), do thấy tôi ngủ say như chết nên mới không đánh thức mà rời đi trong yên lặng.

Tôi ngồi trên chõng tre nhìn theo con đường mòn, lại ngẩng lên ngắm những bông hoa trắng đang đung đưa theo gió.

Nháy mắt một cái, tháng năm theo mộng cũ mà trôi đi, bèo hợp mây tan có ngày.

Dường như đã nắm chắc hạnh phúc trong tay, nhưng lẩn khuất đâu đó vẫn là một nỗi sợ hãi không tên.

Tôi ngờ rằng, mọi biến cố chỉ mới bắt đầu, từ đây.

—-
(*) Trăng treo khói toả:
Lấy cảm hứng từ bài thơ Đề Động Hiên đàn việt giả sơn của Huyền Quang thiền sư

Lung yên trạo nguyệt, lạc hoa hàn.
Có nghĩa: Khói toả trăng lồng, hoa rơi lạnh lẽo.

(1) Quy phù: Binh phù hình con rùa. Có ý mong cho được phù thuỵ sống lâu.
Theo Cương mục, sau trận đánh này với Ai Lao thì Phạm Ngũ Lão mới được phong là Thân vệ Tướng quân. Tuy nhiên tác giả đã đề cập tới chức này từ chương 51 rồi nha.

(2) Án: Cái bàn dài

(3) Trích Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục
Cương mục có giải thích như sau:
- Thiên chiếu: Theo chế độ đẳng cấp thời phong kiến, vua nước lớn đối với vua nước nhỏ tự xưng là thiên tử (con trời), nên tờ chiếu của nước lớn đưa đến nước nhỏ cũng xưng là thiên chiếu (tờ chiếu của trời).
- Thanh quang: Bóng sáng trong trẻo mát mẻ, ví như nghi dung đức độ của vua mình.
- Thiên nhan: Mặt trời, tượng trưng dung nhan thiên tử.

(4) Tham tri chính sự: Theo giải thích của Từ điển chức quan Việt Nam thì chức Tham tri chính sự tương đương với Thứ tướng, có thể tham dự vào công việc của Tể tướng.

(5) Phường An Hoa: Nay thuộc huyện Tây Hồ, Hà Nội

(6) Phù thuỷ: Những đạo sĩ tự xưng là có pháp thuật sai sứ được quỷ thần, họ dùng mực và son viết thứ chữ riêng của đạo Lão theo lối chữ triện, chữ trựu, tục gọi là phù. Khi chữa bệnh thì họ cầm nén hương đã châm lửa viết thứ chữ ấy lên trên miệng cái bát có đựng nước, gọi là thư phù, rồi cho bệnh nhân uống nước ấy, gọi là phù thủy. (Theo Cương mục)

(7) Bóng nguyệt xế mành: Ý chỉ trời đã về khuya.

Theo mình tìm hiểu thì thành ngữ này xuất phát từ Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Câu thơ có chứa thành ngữ là:

Chênh chênh bóng nguyệt xế mành,
Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info