ZingTruyen.Info

Lich Su Trung Quoc 5000 Nam

Tin Sùng Trinh Đế treo cổ tự sát trên Môi Sơn truyền tới bồi đô (kinh đô dự bị) Nam Kinh. Các đại thần ở đó rất hoảng hốt. Họ liền tìm lập 1 người trong hoàng tộc chạy trốn xuống đó là Chu Do Tung làm hoàng đế, dựng 1 chính quyền ở Nam Kinh. Lịch sử gọi chính quyền này là Nam Minh và gọi Chu Do Tung là Hoằng Quang Đế. Hoằng Quang Đế Chu Do Tung là kẻ ham mê tửu sắc, cực kỳ đồi trụy. Tổng đốc Phượng Dương Mã Sĩ Anh và 1 số dư đảng của Ngụy Trung Hiền lợi dụng sự ngu tối của Hoằng Quang Đế, thao túng mọi việc trong triều. Hoằng Quang Đế và Mã Sĩ Anh không hề nghĩ tới việc chống lại quân Thanh mà chỉ lao vào cuộc sống hoang dâm xa xỉ. Bộ binh thượng thư của triều đình Nam Minh là Sử Khả Pháp vốn không tán thành để Chu Do Tương lên ngôi hoàng đế, nhưng sợ xảy ra mâu thuẫn nội bộ, mới miễn cưỡng đồng ý. Sau khi Hoằng Quang Đế lên ngôi, Sử Khả Pháp chủ động xin ra tiền tuyến thống soái quân đội.

Lúc đó, tại bờ bắc Trường Giang có 4 đạo quân Minh, gọi là tứ trấn. Các tướng lĩnh của tứ trấn đều hoành hành ngang ngược, cát cứ địa bàn, tranh đoạt lẫn nhau, mặc cho quân lính tàn sát nhân dân. Sử Khả Pháp có uy tín cao trong số tướng sĩ miền nam. Ông tới Dương Châu, các tướng lĩnh ở đó không thể không nghe theo mệnh lệnh. Sử Khả Pháp đích thân tìm gặp từng người, khuyên họ không nên xâu xé nhau nữa, rồi cử họ đóng giữ xung quanh Dương Châu, tự mình đóng tại Dương Châu chỉ huy chung. Mọi người đều gọi ông là Sử Đốc Sư. Đốc sư Sử Khả Pháp luôn gương mẫu, đồng cam cộng khổ với binh sĩ, được các tướng sĩ yêu mến. Trong đêm 30 tết năm đó, Sử Khả Pháp cho các tướng sĩ đi ngủ hết, 1 mình ngồi trong dinh phê duyệt công văn. Tới nửa đêm, cảm thấy tinh thần mỏi mệt, liền gọi đầu bếp mang rượu và thức nhắm tới. Đầu bếp vội thưa: Theo lệnh tướng quân, hôm nay nhà bếp đã chia hết số thịt cho tướng sĩ ăn tết. Trong bếp không còn gì để làm thức ăn nhắm. Sử Khả Pháp nói: "Vậy mang cho ít muối và nước chấm vậy!".

Nhà bếp mang rượu lên, ông liền ngồi dựa vào bàn uống rượu. Sử Khả Pháp vốn có tửu lượng cao, nhưng từ khi đến Dương Châu làm đốc sư, đã bỏ rượu. Hôm đó, vì để phấn chấn tinh thần nên mới phá lệ toan uống 1 ít. Nâng chén rượu, ông nghĩ tới nạn nước đang tới gần, lại nghĩ tới việc triều chính thối nát, vừa uống vừa rơi nước mắt, không còn biết đã uống bao nhiêu nữa. Cuối cùng, vừa mệt vừa say, gục xuống bàn ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, các quan văn võ ở Dương Châu theo thường lệ kéo nhau tới dinh đốc sư làm việc, thấy cửa vẫn đóng chặt. Mọi người lấy làm lạ, vì ngày thường đốc sư dậy sớm. Sau, 1 tên lính bước ra nói: "Đêm qua đốc sư có uống rượu, đến giờ vẫn chưa tỉnh".

Tri phủ Dương Châu Dân Dục nói: "Hằng ngày đốc sư làm việc quá vất vả. Đêm qua được ngủ một giấc ngon, là việc ít có. Chúng ta không nên làm kinh động đến ngài, để ngài nghỉ ngơi thêm một chút". Ông ta còn gọi người đánh trống canh tới, yêu cầu anh ta đánh lại trống canh tư 1 lần nữa (trống canh tư là tỏ rằng trời chưa sáng). Sử Khả Pháp tỉnh dậy, thấy trời sáng từ lâu mà nghe tiếng trống canh, thấy đánh là canh tư thì đùng đùng nổi giận, cho gọi 1 người lính tới hỏi: "Kẻ nào dám đánh trống canh bậy bạ, vi phạm quân lệnh của ta?".

Người lính canh kể lại việc làm của tri phủ, Sử Khả Pháp không nói gì nữa, vội mời các quan chức vào làm việc. Từ hôm đó, Sử Khả Pháp quyết tâm không uống rượu nữa. Không lâu sau, quân Thanh do Đa Đạc soái mang quân tiến ào ạt xuống phía nam. Sử Khả Pháp chỉ huy tướng lĩnh tứ trấn chống lại, thắng 1 số trận. Nhưng nội bộ triều Nam Minh lại lục đục. Tướng Tả Lương Ngọc giữ Vũ Xương muốn tranh quyền với Mã Sĩ Anh, nên đem quân tiến đánh Nam Kinh. Mã Sĩ Anh sợ hãi, vội gọi quân tứ trấn từ Giang Bắc về để đối phó. Ông ta còn dùng danh nghĩa Hoằng Quang Đế triệu tập Sử Khả Pháp đem quân về Nam Kinh bảo vệ mình. Sử Khả Pháp hiểu rõ rằng quân Thanh đã áp sát, không nên rời Dương Châu. Nhưng để dẹp cuộc tranh chấp nội bộ, ông bất đắc dĩ phải dẫn quân về Nam Kinh. Vừa vượt qua Trường Giang, được tin Tả Lương Ngọc đã bị đánh thua, ông vội vã quay trở lại Giang Bắc, thì quân Thanh đã áp sát Dương Châu.

Sử Khả Pháp ban hịch khẩn cấp, kêu gọi tướng lĩnh các trấn tập trung về giữ Dương Châu. Nhưng mấy ngày trôi qua, vẫn không thấy 1 cứu binh nào. Sử Khả Pháp hiểu rằng trong tình thế này, chỉ còn có thể dựa vào lực lượng bản thân của quân dân Dương Châu mà thôi. Quân Thanh đến chân thành Dương Châu, Đa Đạc trước tiên cử người vào thành khuyên Sử Khả Pháp đầu hàng. Liên tiếp 5 lượt thuyết khách vào thành, đều bị Sử Khả Pháp cự tuyệt. Đa Đạc thẹn quá hóa khùng, hạ lệnh bao vây Dương Châu trùng trùng lớp lớp. Thành Dương Châu lâm vào tình thế vô cùng nguy cấp, 1 số tướng lĩnh nhát gan hết sức sợ hãi. Ngày hôm sau, đã có 1 tổng binh và 1 giám quân ngầm dẫn quân 2 bản ra ngoài thành đầu hàng quân Thanh. Hành động đó khiến lực lượng giữ thành càng thêm mỏng yếu. Sử Khả Pháp triệu tập các quan thành, khuyến khích họ đồng tâm hiệp lực chống lại quân Thanh; đồng thời cắt cử từng người đảm nhận từng việc vụ thể trong việc giữ thành. Ông phân tích tình hình, thấy cửa tây là nơi xung yếu nhất, liền đích thân dẫn quân tới giữ cửa tây. Các tướng sĩ thấy Sử Khả Pháp kiên định, trầm tĩnh, đều xúc động tỏ quyết tâm sát cánh cùng đốc sư, thề chết chống giặc.

Đa Đạc hạ lệnh cho quân Thanh đánh thành liên tục suốt ngày đêm. Quân dân Dương Châu anh đũng đánh lui hết đợt tiến công này tới đợt tiến công khác. Quân Thanh chết lớp này, lại đưa lớp khác lên thay thế, tình hình càng ngày càng nguy ngập. Đa Đạc quyết tâm dùng phương pháp quyết liệt nhất, đưa pháo lớn bắn vào thành. Ông ta biết cửa tây được phòng thủ nghiêm ngặt nhất, lại do đích thân Sử Khả Pháp chỉ huy, liền hạ lệnh cho bắn mạnh vào góc tây bắc. Từng trái pháo rơi xuống cửa tây, mỗi lúc 1 dày đặc. Tường thành dần dần sụp đổ, cuối cùng vỡ ra 1 khoảng lớn. Sử Khả Pháp đang chỉ huy quân lính bịt cửa thì quân Thanh đã xông vào đông như kiến. sử Khả Pháp không thể giữ thành được nữa, liền rút bội đao toan tự đâm vào cổ. Tướng lĩnh tùy tùng vội giữ chặt tay ông, giằng lại đao. Sử Khả Pháp còn muốn đứng tại chỗ tiếp tục chiến đấu tới cùng thì mọi người vừa khuyên vừa kéo ông về phía cửa đông. Lúc đó, 1 toán quân Thanh xông tới, thấy Sử Khả Pháp mặc quan phục triều Minh, liền thét hỏi tên họ. Sử Khả Pháp sợ liên lụy tới người khác, liền lớn tiếng đáp: "Ta là Sử đốc sư, các ngươi mau giết ta đi!".

Tháng 4 năm 1645, thành Dương Châu bị hạ, Sử Khả Pháp hy sinh. Đa Đạc thấy quân Thanh bị thương vong quá lớn trong khi đánh chiếm Dương Châu, lòng đầy căm hận, liền ra 1 mệnh lệnh vô nhân đạo là giết hết dân chúng trong thành. Cuộc đại tàn sát kéo dài suốt 10 ngày. Lịch sử gọi cuộc thảm sát đó là "Dương Châu thập nhật". Sau cuộc đại thảm sát, con nuôi của Sử Khả Pháp là Sử Đức Uy vào thành tìm kiếm di thể cha. Nhưng vì xác chết quá nhiều, lại gặp thời tiết nóng nực nên đều thối rữa, không sao nhận ra được. Mọi người đành đem chiếc áo bào và hốt ngà mà ông thường dùng hằng ngày, đặt trong áo quan mai táng trên Mai Hoa Lĩnh ngoài thành Dương Châu. Đó là ngôi "Y quan mộ" (mộ áo cũ) của Sử Khả Pháp còn tồn tại đến ngày nay.

Sau khi Dương Châu thất thủ mấy ngày, quân Thanh tiến đánh Nam Kinh. Các triều thần ở Nam Kinh, kẻ thì đầu hàng, kẻ thì chạy trốn. Chính quyền Hoằng Quang Đế bị tiêu diệt. Quân Thanh tiếp tục tiến xuống phía nam và hẹn trong 10 ngày, toàn thể dân chúng phải theo phong tục Thanh, nhất loạt cắt hết phần tóc phía trước, để 1 bím tóc phía sau gáy. Mệnh lệnh qui định: ai trái lệnh sẽ bị chém, thực hiện khẩu hiệu "muốn giữ đầu phải cắt tóc, muốn giữ tóc phải chặt đầu". Mệnh lệnh đó làm bùng lên tinh thần phản kháng của nhân dân Giang Nam. Dưới sự dẫn đầu của điển sứ (1 viên chức nhỏ trong nha môn huyện) Diêm Ứng Nguyên, quân dân Giang Nam đã chống lại cuộc bao vây của hơn 20 vạn quân Thanh, giữ vùng huyện thành trong hơn 80 ngày. Toàn bộ già trẻ trai gái trong thành không 1 ai đầu hàng. Quân Thanh tử thương nặng nề. Quân dân Gia Định của kiên trì chống lại quân Thanh trong 3 tháng, bị quân Thanh tàn sát 3 lần, hy sinh hơn 2 vạn người. Lịch sử gọi cuộc thảm sát này là "Gia Định tam đồ" (3 lần sát hại ở Gia Định).

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info