ZingTruyen.Info

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

NGUYÊN HẠO XÂY DỰNG TÂY HẠ

riri_pipi

Tống Chân Tong dùng biện pháp thỏa hiệp, giữ yên được mặt bắc với Liêu, nhưng trong lúc đó, tộc Đảng Hạng (1 trong những dân tộc ít người ở miền tây bắc Trung Quốc) có 1 số quí tộc thừa dịp Tống mãi đối phó với Liêu, thường xuyên đem quân xâm phạm biên giới Tống. Tống Chân Tông đối phó quá mệt mỏi, đành lại áp dụng biện pháp thỏa hiệp, phong thủ lĩnh Đảng Hạng là Lý Kế Thiên làm thứ sử Hạ Châu, tiết độ sứ Đinh Nạn Quân. Năm 1004, Lý Kế Thiên chết, Tống phong con ông là Lý Đức Minh làm Tây Bình vương, hàng năm ban cho ông nhiều vải lụa tiền bạc mới giữ yên được tình hình trong hơn 13 năm. Con của Lý Đức Minh là Nguyên Hạo có nhiều hoài bão lớn, Hạo thông thạo Hán văn và Phật học, nhiều lần đem đánh các bộ lạc Thổ Phồn và Hồi Hột, mở rộng được bờ cõi. Ông khuyên cha không nên tiếp tục xưng thần với Tống, Đức Minh không muốn tách khỏi Tống, liền nói với con: "Suốt ba mươi năm nay, chúng ta có áo gấm để mặc, đều là do triều Tống ban thưởng, chúng ta không nên bội phản họ".

Nguyên Hạo nói: "Mặc quần áo da, chăn nuôi dê cừu, là phong tục của dân Đảng Hạng chúng ta. Người anh hùng hảo hán, nên tự mình tạo lập nên sự nghiệp chứ sao lại đi tham những lợi lộc nhỏ nhặt đó?".

Đức Minh hỏi: "Theo ý con thì nên làm thế nào?".

Nguyên Hạo nói: "Những thứ được ban thưởng chỉ để cho chúng ta hưởng thụ, nhưng dân trong bộ lạc vẫn rất nghèo khổ. Theo ý con, chi bằng ta cự tuyệt triều cống và huấn luyện quân đội, để tiến vào cướp và tước đoạt đất đai. Như vậy, từ trên xuống dưới sẽ đến giàu có, chẳng tốt hơn sao?".

Nhưng Lý Đức Minh vẫn không làm theo ý kiến đó. Tới khi Lý Đức Minh chết, Nguyên Hạo kế thừa tước vị Tây Bình vương, mới bắt đầu thực hiện ý đồ của mình Ông đặt ra quan chức, chỉnh đốn quân đội, chuẩn bị thoát ly khỏi sự khống chế của triều Tống và thành lập chế độ riêng. Chú Hạo là Sơn Ngộ khuyên ông không nên chống lại Tống, Hạo không nghe theo. Sơn Ngộ trốn chạy sang phía Tống. Các quan chức ở Diễn Châu thuộc Tống không muốn gây rắc rối với Nguyên Hạo, liền bắt Sơn Ngộ trao trả. Biết ý định của mình đã bại lộ, Nguyên Hạo liền chính thức xưng đế vào năm 1038, lấy quốc hiệu là Đại Hạ, lấy Hưng Khánh (nay là thành phố Ngân Xuyên thuộc khu tự trị Ninh Hạ) làm quốc đô. Vì quốc gia này ở phía tây bắc triều Tống nên lịch sử gọi là Tây Hạ.

Sau khi Nguyên Hạ lên ngôi, liền gửi biểu yêu cầu triều Tống công nhận. Lúc đó, Tống Chân Tông đã chết, con ông là Tống Nhân Tông Triệu Trinh đang tại vị. Vua tôi triều Tống sau 1 hồi bàn bạc, thấy đây là hành động chống Tống của Nguyên Hạo, liền hạ lệnh thu hồi tước vị Tây Bình vương, đoạn tuyệt việc buôn bán và công bố lệnh tróc nã Nguyên Hạo dán ngoài cửa quan Tống. Lúc đó, quân phòng thủ ở tây bắc có tới ba bốn mươi vạn, nhưng đều phân tán trong mấy trăm trại thuộc 24 châu do triều đình trực tiếp chỉ huy, không có sự phối hợp với nhau. Thêm nữa, quân Tống từ lâu không hề tác chiến, không được huấn luyện. Còn kỵ binh Tây Hạ đều được chỉ huy tập trung, rất cơ động linh hoạt. Vì vậy, quân Tống luôn thua trận. 1 năm sau, quân Tây Hạ tiến công Diên Châu, quân Tống lại bị đại bại. Tống Nhân Tông rất tức giận, lập tức cách chức tri châu Diên Châu là Phạm Ung rồi cử 2 đại thần là Hàn Kỳ và Phạm Trọng Yên tới Thiểm Tây để chỉ huy cuộc chiến tranh với Tây Hạ.

Phạm Trọng Yên tới Diên Châu, tiến hành cải cách lại chế độ quân sự vùng biên giới. Ông chia 1 vạn 6000 người ngựa ở Diên Châu thành 6 đạo quân do 6 viên tướng giỏi chỉ huy, ngày đêm thao luyện, khiến quân Tống xưa nay vốn rời rạc, nay đã nâng cao được sức chiến đấu rất nhiều. Quân Tây Hạ thấy phía Tống đã phòng bị nghiêm chỉnh, không dám xâm phạm Diên Châu nữa. Họ đồn nhau: "Lão Phạm trẻ này (chỉ Phạm Trọng Yên) có nhiều mưu lược quân sự, không dễ bắt nạt như lão Phạm già (chỉ Phạm Ung) đâu!".

Phạm Trọng Yên phân tích lực lượng 2 bên, chủ trương tăng cường phòng phủ kiềm chế binh lực của Tây Hạ, nhưng Hàn Kỳ là võ tướng, rất hăng hái, lại chủ trương cần phải tiến công. Tháng 2 năm 1041, quân Tây Hạ do Nguyên Hạo đích thân chỉ huy, tiến đánh Vị Châu. Hàn Kỳ tập trung tất cả người ngựa và chọn ra 1 vạn 8000 dũng sĩ do Nhâm Phúc cầm đầu ra trận. Nhâm Phúc dẫn mấy ngàn kỵ binh xông sang địch, giao chiến với 1 toán quân Hạ. Quân Hạ bỏ cả lừa ngựa, tháo chạy. Nhâm Phúc phái quân trinh sát, thấy báo cáo là phía trước không có nhiều quân Hạ, liền thúc quân đuổi gấp. Đuổi suốt 3 ngày đêm, tới Hảo Thủy Xuyên (nay là phía tây Long Đức, Ninh Hạ) thì trời đã tối. Nhâm Phúc hạ lệnh cho quân lính dừng lại nghỉ, dự định tới 6 hôm sau sẽ hội họp với 1 cánh quân khác theo kế hoạch định trước, rồi sẽ đánh cho địch 1 trận tơi bời. Hôm sau, Nhâm Phúc dẫn 1 số quân ven theo Hảo Thủy Xuyên tiến về phía tây, tới chân Lục Bàn Sơn không thấy quân Hạ đâu cả. Sau khi lùng sục, phát hiện ven đường có mấy chiếc hộp dát bạc được bọc kín. Binh lính Tống xem xét, nghe thấy có tiếng động lao xao, liền báo cáo với Nhâm Phúc. Phúc sai quân lính mở hộp thì thấy 1 đàn hàng trăm chim bồ câu bay vù ra. Đàn chim bồ câu có đeo sáo dưới chân, bay lượn trên đầu quân Tống, phát ra tiếng sáo vang dậy.

Thì ra, quân Tây Hạ cố tình nhử thua để nhử quân Tống đuổi theo tới chân Lục Bàn Sơn. Tại đây Nguyên Hạo đã cho mai phục 10 vạn tinh binh, chỉ đợi khi đàn chim bồ câu bay lên, là tung quân ra đánh bao vây chặt quân Tống lại. Quân Tống ra sức phá vây, chiến đấu suốt từ sớm tới trưa, lại thấy bên trận Tây Hạ phất 1 lá cờ lớn, nhiều quân Tây Hạ lại từ 2 bên đánh ập tới. Quân Tống vừa đánh vừa lùi, rất nhiều người bị rơi xuống vực. Nhâm Phúc bị hơn 10 mũi tên bắn trúng. Có binh sĩ khuyên ông thừa cơ chạy khỏi chiến trường. Nhâm Phúc nói: "Ta mang danh là một đại tướng, nay bị đánh thua, chỉ còn một chết mà thôi".

Ông lại xông vào giáp chiến, bị quân Tây Hạ giết chết. Trong trận này, Nguyên Hạo thắng lớn, quân Tống tử thương nghiêm trọng. Hàn Kỳ được tin, vô cùng thương tâm, dâng thư lên triều đình xin chịu tội. Tống Nhân Tông cách chức Hàn Kỳ. Phạm Trọng Yên tuy không trực tiếp chỉ huy trận này, nhưng cũng bị gièm pha vu cáo, bị triều đình giáng chức. Từ đó về sau, giữa Tống và Tây Hạ nhiều lần xảy ra chiến tranh. Quân Tống luôn bị hao binh tổn tướng. Tống Nhân Tông không thể không sử dụng lại Hàn Kỳ và Phạm Trọng Yên vào việc giữ biên giới phía bắc. Hai người đồng tâm hiệp lực, phủ dụ sĩ tốt, giữ nghiêm kỷ luật. Quân Tây Hạ không dám tiến công nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info