ZingTruyen.Info

Lich Su Trung Quoc 5000 Nam

TÀO THỰC BẢY BƯỚC THÀNH THƠ

Tôn Quyền chiếm được Kinh Châu, giết Quan Vũ, sợ Lưu Bị báo thù, liền phái sứ giả đem thư gửi Tào Tháo, tỏ ý sẵn lòng qui thuận và khuyên Tào Tháo nên thuận theo mệnh trời, lên ngôi xưng đế. Tào Tháo nhận thư, tiện tay đưa cho các thủ hạ xem, rồi cười nói: "Thằng nhãi Tôn Quyền muốn nướng ta trên lò lửa đây".

Từ khi Hán Hiến Đế về Hứa đô, việc triều chính và quyền chỉ huy quân đội hoàn toàn nằm trong tay Tào Tháo. Việc phế bỏ Hán Hiến Đế và tự mình xưng đế đối với Tháo là rất dễ dàng. Nhưng ông ta nghĩ rằng, nhà Hán tuy đã vô cùng suy yếu, nhưng vẫn còn có danh nghĩa chính thống. Nếu mình lên làm hoàng đế, mọi người chưa dễ phục tòng. Vì vậy, Tào Tháo cho rằng, việc Tôn Quyền xui mình phế bỏ Hiến Đế, tự xưng hoàng đế, là cố ý đẩy mình vào thế bị thiên hạ phản đối. Trầm ngâm một lát, Tào Tháo nói: "Nếu quả thật là mệnh trời, ta sẽ chỉ làm Chu Văn Vương thôi" (ý nói để tới đời con sẽ chiếm ngôi hoàng đế).

Sau đó ít lâu, bệnh cũ của Tào Tháo tái phát, thuốc thang điều trị đều không có hiệu quả. Cuối cùng mất tại Lạc Dương. Năm đó, Tào Tháo 66 tuổi. Tào Tháo mất, thế tử Tào Phi kế vị làm Ngụy vương và thừa tướng, tiếp quản mọi quyền hành của Tào Tháo. Sau khi Tào Phi nối ngôi Ngụy vương, có người tố giác là Tào Thực, em Tào Phi làm Lâm Trung hầu thường xuyên uống rượu mắng người, lại giam cả sứ giả do Tào Phi cử tới. Tào Phi lập tức cử người tới Lâm Trung bắt Tào Thực đem về Nghiệp Thành hỏi tội. Tào Phi và Tào Thực vốn là 2 anh em do vương hậu Biện thị sinh ra. Tào Tháo không những là nhà chính trị, nhà quân sự mà còn là nhà văn học nổi tiếng. Hai anh em Tào Phi, Tào Thực cũng giỏi thơ văn. Ba cha con đều là những người đứng đầu trường phái thơ, gọi là trường phái Kiến An (Kiến An là một trong những niên hiệu của Hán Hiến Đế). Lịch sử văn học gọi gộp 3 cha con Tào Tháo là "tam Tào". Tào Thực từ nhỏ đã rất thông minh, mới hơn 10 tuổi đã nổi tiếng học rộng và có tài văn chương mẫn tiệp. Có lần,Tào Tháo xem văn của Tào Thực, tỏ ý nghi ngờ, liền hỏi: "Có phải con ta nhờ người khác làm hộ không?".

Tào Thực quì xuống nói: "Con xuất khẩu thành văn, hạ bút thành thơ, sao lại phải nhờ người khác làm hộ? Nếu phụ vương không tin, xin cứ cho thử tại chỗ".

Tào Tháo thử mấy lần, quả thấy Tào Thực tài hoa xuất chúng, nên đặc biệt yêu quí. Nhiều lần, Tào Tháo muốn phong Tào Thực làm thế tử nối nghiệp, nhưng vì có nhiều đại thần khuyên can không nên bỏ trưởng lập thứ, nên mới không thực hiện việc đó. Tào Phi sợ địa vị thế tử của mình không vững nên tìm mọi cách làm vừa lòng Tào Tháo. Có lần, Tào Tháo chuẩn bị ra trận, Tào Phi, Tào Thực đều tiến đưa. Trước lúc chia tay, Tào Thực ứng khẩu đọc 1 đoạn văn ca ngợi ông đức Tào Tháo, mọi người nghe đều thán phục nức nở. Có người ghé tai mách nước cho Tào Phi: "Đại vương sắp xông pha chiến trận, thế tử không nên dùng lời lẽ hào nhoáng mà cần tỏ tình cảm quyến luyến, buồn lo. Như thế sẽ có hiệu quả hơn".

Tào Phi nghe theo, nắm vạt áo Tào Tháo, sụt sùi cáo biệt, nhắc nhở phụ vương muôn ngàn lần nên bảo trọng thân thể. Tào Tháo cũng cảm động rơi nước mắt. Sự việc đó khiến Tào Tháo nghĩ rằng Tào Phi tuy tài năng không bằng Tào Thực, nhưng tâm địa trung hậu, thực thà hơn nên không nghĩ tới chuyện thay đổi địa vị thế tử nữa. Lại thêm Tào Phi nhờ rất nhiều người nói tốt cho mình và gièm pha Tào Thực khiến tình cảm mến yêu của Tào Tháo với Tào Thực dần giảm sút đi. Còn Tào Thực là người tính tình phóng khoáng, ít chú ý đến tiểu tiết. Có lần sai đánh xe ngựa, tự mở cửa vương cung đi ra ngoài. Việc đó vi phạm vào qui định của vương cung. Tào Tháo nghe biết, nổi giận, liền xử viên quan giữ cửa vương cung vào tội chết. Lại có lần, Tào Tháo cử Tào Thực đem quân xuất chính. Tào Phi nghe tin, sai chuẩn bị sẵn tiệc rượu tiễn, mới Tào Thực uống say túy lúy. Một lát sau, Tào Tháo sai người đến giục Tào Thực lên đường, nhưng giục giã mấy lần Tào Thực vẫn chưa tỉnh rượu. Tào Tháo đành bãi bỏ việc sai Tào Thực cầm quân. Tất cả những sự việc đó khiến địa vị thế tử của Tào Phi càng thêm vững chắc.

Sau khi Tào Phi lên làm Ngụy vương, thấy Tào Thực giao du rộng, trong lòng vẫn gờm sợ. Một lần, nhân một cớ nhỏ, Tào Phi liền sai bắt Tào Thực toan xử vào tội chết. Vương thái hậu Biện thị nghe tin, cuống quýt sợ hãi, vội chạy đến xin hộ Tào Thực, mong Tào Phi nghĩ đến tình anh em cùng mẹ mà khoan thứ. Tào Phi không thể không nghe lời mẹ. Vả lại, chỉ vì một chuyện nhỏ mà giết em ruột, cũng sợ mọi người chê cười, liền gọi Thực tới mắng: "Ta với ngươi tuy tình là anh em, nhưng nghĩa là vua tôi, nếu không kính nể Thái hậu thì ta quyết không tha mạng cho ngươi. Xưa nay ngươi vẫn cậy tài, vậy hôm nay để chuộc tội, ngươi hãy đứng trước ta bảy bước tiến về phía ta. Hết bảy bước chân, nếu không làm xong bài thơ thì ta sẽ chém. Trong lời thơ, ngươi không được nói gì tới hai chữ anh em và nhắc gì tới chuyện hôm nay. Ngươi có làm được không?".

Tào Thực sụp lạy nói: "Xin vâng mệnh". Sau đó lùi xa 7 bước và ung dung tiến lên. Biện thị và các thị thần xung quanh chăm chú nhìn Tào Thực, phập phồng lo sợ.

Tào Thực đi lên. Một bước, hai bước, ba bước...vẫn chưa đọc được gì. Mọi người, đặc biệt là Biện thị càng lo thắt ruột. Bỗng nhiên, Thực ngẩng cao đầu, sang chảnh đọc:

"Chử đậu nhiên đậu cơ

Đậu tại phủ trung khấp

Bản thị đồng căn sinh

Tương tiên hà thái cấp"

Dịch: 

Cành đậu đun hạt đậu

Hạt đậu trong nồi khóc

Cùng một gốc sinh ra

Đốt nhau sao quá gấp

Từ bước thứ 4 tới bước thứ 7, mỗi bước đọc xong 1 câu thơ, và hoàn thành đúng như qui định khắt khe của Tào Phi. Ý thơ khiến Tào Phi cũng phải trào lệ, ân hận. Ba mẹ con ôm nhau khóc. Mọi người vừa xúc động, vừa vui mừng cảm phục tài năng mẫn tiệp của Tào Thực. Dù vậy, Tào Phi vẫn triệt bỏ tước Lâm Truy hầu của Thực và giáng xuống 1 tước thấp hơn, bắt đi nhận chức xa kinh thành. Câu chuyện "thất bộ thi" (bài thơ làm trong 7 bước) của Tào Thực trở thành một giai thoại trong lịch sử văn học Trung Quốc và được truyền tụng mãi.

Lên làm Ngụy vương, Tào Phi không e ngại dư luận như Tào Tháo. Mùa thu năm đó, Tào Phi sai thân tín liên danh dâng thư lên Hán Hiến Đế, khuyên (thực chất là buộc) Hán Hiến Đế nhường ngôi cho Ngụy vương. Hán Hiến Đế đã ngồi trên ngai vàng, làm hoàng đế bù nhìn suốt hơn 30 năm. Nay nhận được biểu quyết của các đại thần, đành tuyên bố nhượng vị, đổi xưng là Sơn Dương công. các đại thần còn bày đặt ra 1 nghi thức nhường ngôi long trọng, để Hán Hiến Đế bưng ngọc tỉ dâng cho Ngụy vương Tào Phi, tỏ rằng hoàn toàn tự nguyện.

Năm 220 Tào Phi xưng đế, dựng nên triều Ngụy. Đó là Ngụy Văn Đế. Tào Phi truy xưng cha mình là Tào Tháo làm Ngụy Võ Đế. Vương triều Đông Hán do Lưu Tú dựng nên, tới lúc đó mới chính thức kết thúc.  


LỤC TỐN THIÊU CHÁY TRẠI QUÂN LƯU BỊ

Tin Tào Phi xưng đế truyền tới Thục Hán, kèm theo rất nhiều lời đồn rằng Hán Hiến Đế đã bị Tào Phi giết chết, Hán Trung vương Lưu Bị tin vào lời đồn đó, đã cho tổ chức tang lễ Hán Hiến Đế ở Thành Đô. Các đại thần cho rằng, Hán Hiến Đế đã chết, Tào Phi đã xưng đế thì Lưu Bị là dòng dõi nhà Hán, rất nên tiếp ngôi hoàng đế. Năm 221, Lưu Bị lên ngôi hoàng đế ở Thành Đô, đó là Hán Chiêu Liệt Đế. Vì vùng thống trị là đất Thục (nay là đại bộ phận Tứ Xuyên, Vân Nam, toàn bộ Quí Châu, một bộ phận của Thiểm Tây, Cam Túc) nên lịch sử gọi triều đại này là Thục Hán, gọi gọn lại là Thục.

Lưu Bị rất căm giận và đau lòng trước việc Đông Ngô chiếm mất Kinh Châu và giết Quan Vũ, nên sau khi lên ngôi, liền coi việc quan trọng trước hết là tiến đánh Đông Ngô để báo thù trả hận. Đại tướng Triệu Vân can rằng: "Kẻ cướp ngôi vua là Tào Phi chứ không phải Tôn Quyền. Nếu diệt được Tào Ngụy thì Đông Ngô tự nhiên phải khuất phục. Không nên bỏ qua Tào Ngụy mà đánh Đông Ngô".

Các đại thần khác cũng đều khuyên can, nhưng Lưu Bị nhất định không nghe. Ông ta giao cho Gia Cát Lượng ở lại Thành Đô phò tá thái tử Lưu Thiền, còn tự mình dẫn quân đi đánh Đông Ngô. Lưu Bị 1 mặt chuẩn bị xuất quân, 1 mặt gọi Trương Phi đem quân đến Giang Châu (nay là Trùng Khánh, Tứ Xuyên) hội hợp. Nhưng Lưu Bị chưa kịp xuất quân, thì bộ tướng của Trương Phi đã làm phản, giết Trương Phi và sang hàng Đông Ngô. Lưu Bị mất liền 2 viên đại tướng, lực lượng yếu đi nhiều. Nhưng do tâm lý nôn nóng báo thù, không còn cân nhắc tỉnh táo được nữa. Tin cấp báo về tới Đông Ngô, Tôn Quyền thấy Lưu Bị ra quân lần này thanh thế lừng lẫy, có phần lo sợ, liền cử người sang gặp Lưu Bị xin hòa. Nhưng trong tâm trạng kiên quyết báo thù, Lưu Bị thẳng thừng cự tuyệt. Chỉ mấy ngày sau, quân Thục Hán đã đánh chiếm huyện Vu (nay là phía bắc huyện Vu Sơn, Tứ Xuyên) và tiến tới Tỉ Qui (nay ở phía tây tỉnh Hồ Bắc). Tôn Quyền biết không còn hi vọng giảng hòa, liền cử Lục Tốn làm đại đô đốc, đem 5 vạn quân chống lại.

Chỉ sau mấy tháng ra trận, Lưu Bị đã chiếm được năm, sáu trăm dặm đất đai Đông Ngô. RỒi từ Tỉ Qui tiếp tục đánh gấp về hướng đông. Hoàng Quyền, làm chức tùy quân mưu sĩ, vội can Lưu Bị: "Quân Đông Ngô xưa nay chiến đấu rất dũng mãnh. Xin hoàng thượng chớ coi thường chúng. Quân ta thuận dòng sông đi xuống, tiến lên thì dễ nhưng lui quân rất khó. Vậy xin để tiểu tướng đi trước mở đường, bệ hạ ở phía sau tiếp ứng. Như vậy tiến quân sẽ thuận lợi và đảm bảo hơn".

Nhưng Lưu Bị lòng như lửa đốt, nhất định không chịu nghe theo Hoàng Quyền. Liền sai Hoàng Quyền đóng lại giữ Giang Bắc, đề phòng quân Ngụy. Còn mình dẫn quân xuôi theo bờ nam vượt núi trèo non tiến tới Hào Đình (nay ở tây bắc Nghi Đô, Hồ Bắc). Các tướng sĩ Đông Ngô thấy quân thục cứ tiến sâu mãi, đều tức tôi, hăng hái muốn đem quân quyết chiến, nhưng đại đô đốc Lục Tốn kiên quyết không cho. Lục Tốn phân tích: "Lần này Lưu Bị mang đại quân đông chinh, sĩ khí đang hăng, có sức chiến đấu mạnh. Vả lại chúng chiếm thượng du, có địa hình hiểm yếu, không dễ đánh phá. Nếu liều lĩnh quyết chiến, vạn nhất gặp thất bại thì ảnh hưởng đến sự mất còn của cả Đông Ngô. Chúng ta hãy giữ gìn lực lượng, suy xét chiến lược kéo dài thời gian đợi đến khi quân địch mỏi mệt, sẽ tìm cơ hội phản công".

Tướng lĩnh dưới quyền Lục Tốn, có người là lão tướng có công từ thời Tôn Sách, có người là quí tộc họ Tôn, vốn đã không phục khi Tôn Quyền cử 1 thư sinh làm đại đô đốc. Nay lại thấy Lục Tốn không chịu cho xuất kích, thì đều cho Lục Tốn là kẻ nhát gan, sợ địch nên bực bội, nói xấu sau lưng. từ huyện Vu đến Di Lăng (nay ở phía đông huyện Nghi Xương, Hồ Bắc), dọc đường tiến quân, quân Thục dựng mấy chục trại quân lớn, dựng cây làm hàng rào, nối liền các trại quân, trước sau dài tới 700 dặm. lưu Bị cho rằng như thế khác gì thiên la địa võng, chỉ chờ quân Đông Ngô đến đánh là xuất quân tiêu diệt. Nhưng Lục Tốn vốn án binh bất động suốt từ tháng giêng đến tháng 6 năm đó (năm 222), hai bên kìm giữ nhau trong nửa năm. Lưu Bị quá nóng lòng, liền sai Ngô Ban dẫn mấy ngàn quân từ trên núi kéo xuống đất bằng hạ trại để khiêu khích quân Đông Ngô. Tướng sĩ Đông Ngô nhịn không nổi, xin ra đánh.

Lục Tốn cười nói: "Ta quan sát địa hình rồi, số quân Thục trước mắt tuy ít, nhưng ở các hẻm núi xung quanh nhất định có phục binh. Chúng hò hét, nhử chúng ta ra để tiêu diệt. Đừng để bị mắc lừa chúng".

Các tướng vẫn không tin. Nhưng mấy ngày sau, Lưu Bị thấy Đông Ngô không chịu giao chiến, biết Lục Tốn đã hiểu rõ kế của mình, liền điều 8000 quân mai phục từ trong núi rút ra. tướng sĩ Đông Ngô lúc đó mới tin sự phán đoán của Lục Tốn là chính xác. Một hôm, Lục Tốn bất ngờ triệu tập các tướng đến, tuyên bố chuẩn bị xuất kích. Nhiều người nói: "Muốn đánh Lưu Bị, thì đánh ngay từ đầu. Bây giờ để chúng tiến vào năm sáu trăm dặm, chiếm hết các đường hiểm yếu, mới nói chuyện đánh, thì đánh làm sao?".

Lục Tốn giải thích: "Khi Lưu Bị mới đến sĩ khí đang hăng, chúng ta không dễ thắng được. Nay chúng đã đóng quân suốt nửa năm, không tiến lên được nữa, binh sĩ đã mỏi mệt. Đây chính là thời cơ ta đánh thắng chúng".

Sau đó, Lục Tốn phái một toán quân nhỏ tiến đánh 1 trại quân Hán Thục. Vừa tiếp cận hàng rào thì quân Thục đã từ 2 bên đổ ra chém giết. Quân lính ở mấy trại gần đó cũng ùa ra tăng viện. Quân Đông Ngô chống cự không nổi, vội vã rút lui thì đã thiệt hại mất nhiều binh mã. Các tướng đều oán Lục Tốn. Lục Tốn nói: "Đó là ta chỉ thăm dò hư thực của chúng thôi. Nay ta đã có kế đánh tan quân Thục rồi".

Đêm đó, Lục Tốn lệnh cho tướng sĩ, mỗi người mang 1 bó lau tẩm dầu và dụng cụ đánh lửa, mai phục sẵn trong rừng phía nam. Đợi tới canh 3, thì nhất loạt áp sát các trại quân Thục và phóng hỏa đốt trại. Canh 3, bốn đại tướng Đông Ngô dẫn mấy vạn quân, xông tới trại quân Thục, nhất tề phóng lửa. Vì trại Thục liền sát nhau, trị này bốc lửa liền lan sang trại khác, lại vì đêm đó gió nổi rất to, nên trong chốc lát, hơn 40 đại doanh của Lưu Bị đã trở thành biển lửa. Tới khi Lưu Bị phát hiện thì đã không còn cách gì cứu vãn, chỉ vội nhảy lên ngựa do các tướng sĩ hộ tống, xông ra khỏi đám lửa, chạy lên núi Mã Yên.

Lục Tốn ra lệnh các cánh quân Đông Ngô vây chặt núi Mã Yên và xông lên tiến công mãnh liệt. Hơn 1 vạn quân Thục trên núi Mã Yên tan vỡ, chết và bị thương nhiều không kể xiết. Chiến đấu suốt 1 ngày, tới chập tối, Lưu Bị dẫn tàn binh bại tướng phá vây chạy về phía tây. Quân Đông Ngô đuổi riết phía sau. May nhờ các kho trạm dọc đường của quân Thục, đem hết xe cộ khôi giáp ra lấp các đường hẻm, cản đường truy kích của Đông Ngô, nên Lưu Bị mới chạy thoát về thành Bạch Đế (nay là núi Bạch Đế, huyện Phụng Tiết, Tứ Xuyên). Trận đại chiến này, quân Thục hầu như bị tiêu diệt hết toàn quân. Toàn bộ thuyền bè, vũ khí, vật tư quân dụng đều bị quân Đông Ngô chiếm hết. Lịch sử gọi trận đánh này là "Hào Đình chi chiến".

Lưu Bị thua trận, vừa buồn vừa uất nói: "Ta bị Lục Tốn đánh thua, chẳng phải là ý trời sao?"

Một năm sau, Lưu Bị ốm chết ở Vĩnh An (nay là Phụng Tiết, Tứ Xuyên).

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info