ZingTruyen.Asia

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

97-98

riri_pipi

QUAN VŨ DÌM BẢY ĐẠO QUÂN

Sau khi Lưu Bị chiếm được Ích Châu, Tôn Quyền cử người sang đòi lại Kinh Châu, Lưu Bị không đồng ý trả. Vì tranh chấp Kinh Châu, 2 bên suýt phá vỡ liên minh. Sau vì Tào Tháo chuẩn bị đánh Hán Trung, trực tiếp uy hiếp Ích Châu, Lưu Bị và Tôn Quyền đều thấy Tào Tháo mới là đối thủ đáng gờm nhất, nên dùng biện pháp dung hòa, chia Kinh Châu làm 2 phần, lấy sông Tương làm giới hạn, phía tây thuộc Lưu Bị, phía đông thuộc Tôn Quyền. Lưu Bị giải quyết xong vụ tranh chấp Kinh Châu, liền chuyên tâm đối phó với Tào Tháo, cử Gia Cát Lượng ở lại giữ Thành Đô, còn tự mình cùng Pháp Chính đem quân tiến vào Hán Trung, Pháp Chính làm mưu sĩ trong quân. Tào Tháo nghe tin, lập tức ra quân để tranh chấp với Lưu Bị. Tào Tháo đích thân đến đóng ở Trường An để chỉ huy chiến sự ở Hán Trung. Hai bên cầm cự suốt 1 năm. Đến năm thứ 2, trong trận đánh lớn ở Dương Bình quan, quân Thục thắng lớn, chủ tướng Ngụy là Hạ Hầu Uyên bị giết, Tào Tháo buộc phải rút khỏi Hán Trung, lui quân về Trường An.

Qua trận này, Ích Châu được củng cố. Năm 219, các tướng tá văn võ Ích Châu tôn Lưu Bị lên làm Hán Trung Vương. Theo chiến lược của Gia Cát Lượng, dự định tiến công Tào Tháo từ 2 cánh. Lần này, cánh phía tây đã thắng ở Hán Trung, thì nhân cơ hội, sẽ từ Kinh Châu ở phía đông, trực tiếp tiến đánh Trung nguyên. Trấn thủ Kinh Châu là đại tướng Quan Vũ, một người gồm đủ dũng và mưu, nhưng kiêu căng tự phụ. Khi Lưu Bị lên làm Hán Trung vương, liền phái người mang ấn phong Quan Vũ làm Tiền tướng quân. Quan Vũ vẫn chưa bằng lòng. Sau được nghe giải thích về tình nghĩa của Hán Trung vương, ông mới chịu nhận vui vẻ. Lần đó, sau khi nhận được lệnh tiến quân, Quan Vũ giao cho bộ tướng ở lại giữ Giang Lăng và Công An, còn tự mình dẫn đại quân tiến đánh Phàn Thành.

Tướng giữ Phàn Thành là Tào Nhân vội cầu cứu Tào Tháo. Tháo liền phái 2 đại tướng là Vu Cấm và Bàng Đức dẫn 7 đạo quân đi cứu viện. Tào Nhân vội cho họ đóng quân trên vùng đất bằng phía bắc Phàn Thành, liên hệ chặt với trong thành khiến Quan Vũ không có cách nào đánh vào thành. Trong khi 2 bên đang cầm cự chưa phân thắng bại thì vùng Phàn Thành có mưa lớn, nước sông Hán Thủy dâng cao, ngập vùng đất bằng sâu tới hơn 1 trượng (=3,3m). Trại quân Vu Cấm bị ngập lụt, 7 đạo quân ngoi ngóp trong nước. Vu Cấm phải dẫn quân tìm lên các gò cao xung quanh. Ngay từ đầu, Quan Vũ đã phát hiện thấy nhược điểm trong bố trí của đạo quân Vu Cấm là chọn vùng đất thấp, trong khi thời tiết đang là mùa mưa. vì vậy, ông đã cho chuẩn bị trước thuyền bè, và lúc đó dẫn thủy quân tiến công. Trước hết, ông cho vây chặt cánh quân của Vu Cấm, gọi hàng. Vu Cấm bị vây trên một chiếc gò nhỏ bên sông Hán Thủy, không còn đường thoát, đành cúi đầu chịu hàng.

Bàng Đức dẫn 1 cánh quân khác đóng trên 1 con đê, Quan Vũ đưa thuyền đến áp sát, bắn tên lên như mưa. Một bộ tướng của Bàng Đức sợ hãi, khuyên Bàng Đức nên đầu hàng. Bàng Đức nổi giận quát mắng rồi rút kiếm chém chết ngay tên viên tướng đó. Binh sĩ thấy Bàng Đức kiên quyết như vậy nên đều liều chết chống lại. Bàng Đức đứng trên đê, cũng dùng cung tên bắn lại thủy quân của Quan Vũ. Nhiều binh sĩ quân Thục bị chết vì tài bắn cung của Bàng Đức. Hai bên chiến đấu suốt từ sáng sớm đến quá trưa, quân Bàng Đức bắn hết tên, liền theo lệnh Bàng Đức, rút đoản dao ra đánh giáp lá cà với số quân Thục từ thuyền đổ bộ lên đê. Bàng Đức vừa chiến đấu vừa động viên tướng sĩ: "Người tướng giỏi không thể vì sợ chết mà trốn chạy, kẻ anh hùng không thể vì mạng sống mà để mất khí tiết. Hôm nay là ngày ta lấy cái chết để báo đáp lại thừa tướng đây" (chỉ Tào Tháo).

Lúc đó nước mỗi lúc một dâng cao thêm, phần đê không bị ngập mỗi lúc càng hẹp lại. Thủy quân của Quan Vũ đem thêm thuyền lớn tiến công mãnh liệt, quân Tào lũ lượt đầu hàng. Bàng Đức nhân lúc nhốn nháo, liền cùng 3 tướng sĩ khác nhảy lên chiếm 1 thuyền nhỏ, toan chạy về Phàn Thành. Không ngờ, 1 con sóng làm thuyền bị lật. Bàng Đức rơi xuống nước, bị thủy quân Quan Vũ bắt sống. Quân sĩ dẫn Bàng Đức về đại doanh của Quan Vũ. Quan Vũ dùng lời lẽ ngon ngọt khuyên Bàng Đức đầu hàng. Bàng Đức quát mắng lại: "Trong tay Ngụy vương có hàng trăm vạn quân mã, uy danh vang lừng thiên hạ; Lưu Bị nhà các người là một kẻ tầm thường, làm sao đối địch nổi với Ngụy vương. Ta thà làm quỷ của triều đình, còn hơn làm tướng của các ngươi".

Quan Vũ nổi giận, vẫy tay, sai đao phủ đem Bàng Đức ra chém. Sau khi tiêu diệt 7 đạo quân của Vu Cấm, Bàng Đức; Quan Vũ thừa thắng tiến công Phàn Thành. Phàn Thành trong ngoài đều có nước, tường thành đã bị nước ngấm lở 1 số đoạn. Các tướng sĩ dưới quyền Tào Nhân đều lo sợ. Có người khuyên Tào Nhân: "Trong tình hình này, chúng ta khó lòng giữ được. Nên nhân lúc thủy quân của Quan Vũ chưa kịp hợp vây, ta nên dùng thuyền nhỏ tháo chạy".

Tào Nhân cũng thấy khó lòng giữ được, liền bàn với Mãn Sủng. Mãn Sủng nói: "Nước lũ không thể kéo dài, chỉ mấy ngày nữa là sẽ phải rút. Nghe nói Quan Vũ đang tìm một con đường khác để tiến quân lên phía bắc, nhưng ông ta vẫn chưa dám thực hiện, chỉ vì sợ chúng ta ở đây chặn mất đường về. Nếu chúng ta bỏ Phàn Thành thì một dải đất từ Hoàng Hà về phía nam sẽ mất hết. Mong tướng quân cố gắng giữ gìn vững ít ngày nữa".

Tào Nhân thấy lời phân tích có lý, liền cổ vũ tướng sĩ kiên trì giữ thành. Lúc đó ở Lục Hồn (nay ở đông bắc huyện Tung, Hà Nam), Tôn Lang phát động dân chúng khởi nghĩa, giết quan lại để hưởng ứng Quan Vũ. Dân chúng từ Hứa đô về nam có nhiều người đi theo quân khởi nghĩa. Uy danh của Quan Vũ rung động cả Trung nguyên. Ngụy vương Tào Tháo đến Lạc Dương, nhận được tin tức các nơi báo về, có phần sợ hãi, liền họp các quan lại bàn, có ý kiến tạm thời bỏ Hứa đô để tránh mũi tiến công của Quan Vũ. Mưu sĩ Tư Mã Ý nói: "Đại vương bất tất phải lo lắng. Hạ thần thấy giữa Lưu Bị và Tôn Quyền tuy bề ngoài hòa hảo, nhưng bên trong vẫn ngờ vực lẫn nhau. Lần này Quan Vũ thắng trận, Tôn Quyền nhất định không vui, chúng ta nên cử người đưa du thuyết với Tôn Quyền, phong cho ông ta chính thức cai trị miền Giang Đông và hẹn với ông ta cùng đánh Quan Vũ. Như vậy Phàn Thành sẽ được giải vây".

Tào Tháo nghe theo, liền phái ngay sứ giả xuống Giang Đông thương lượng với Tôn Quyền. 


LÃ MÔNG ÁO TRẮNG QUA SÔNG

Lời Tư Mã Ý rất phù hợp với tình hình thực tế. Lưu Bị và Tôn Quyền tuy liên minh với nhau, nhưng vẫn chứa chất nhiều mâu thuẫn. Khi Lỗ Túc còn sống, luôn chủ trương hòa hảo để cùng nhau đối phó với Tào Tháo. Nhưng khi Lỗ Túc chết đi, người thay thế ông là Lã Mông lại chủ trương khác. Lã Mông là danh tướng Đông Ngô, thời trẻ võ nghệ cao cường, lập nhiều chiến công, được Tôn Quyền quí trọng. Một lần Tôn Quyền bảo Lã Mông: "Trách nhiệm của khanh hiện nay rất nặng, cần dành thời gian đọc sách để mở mang kiến thức".

Lã Mông nói: "Trong quân doanh có rất nhiều việc, bản tướng làm gì có thời gian đọc sách".

Tôn Quyền cười nói: "Ta đâu có yêu cầu khanh tinh thông binh sách như các quan bác sĩ (tên 1 chức quan văn), chỉ muốn khanh đọc thêm binh thư và hiểu thêm về lịch sử. Khanh nói mình bận nhiều việc, nhưng nhiều sao được bằng ta! Ta có kinh nghiệm là đọc một ít sách binh pháp và lịch sử, thấy rất có ích. Khanh cứ thử xem".

Lã Mông nghe theo lời khuyên của Tôn Quyền. Từ đó, hễ có thời gian là tranh thủ đọc sách. Khi Lỗ Túc mới thay Chu Du làm đại tướng quân, có đến thăm Lã Mông. Vốn cho rằng Lã Mông chẳng qua chỉ là 1 vũ tướng, không có hùng tài đại lược gì, nhưng sau 1 hồi Lỗ Túc thấy Lã Mông nghị luận hùng hồn, kiến giải sâu sắc, thì rất khâm phục, liền nói: "Tài năng và kiến thức của tướng quân hiện nay so với  chàng Lã Mông hồi còn ở Ngô Trung thật khác xa".

Lã Mông tự hào nói: "Vốn một người ba ngày không gặp lại, đã phải nhìn bằng con mắt khác, đô đốc không nên đánh giá người theo cách nhìn cũ nữa".

Sau khi thay Lỗ Túc, Lã Mông đem quân đóng ở Lục Khẩu (nay ở tây nam Gia Ngư, Hồ Bắc). Ông thấy Quan Vũ có dã tâm kiêm tính Đông Ngô, liền dâng thư lên Tôn Quyền, xin đem quân đối phó. Thư viết: "Chúa tôi Lưu Bị và Quan Vũ, đều là những kẻ phản phúc không tin cậy được, xin chúa công đừng đối đãi như bạn bè liên minh chân chính".

Tôn Quyền cũng thấy Quan Vũ quá ngông cuồng, tự đại. Năm trước, để thắt chặt tình thân, Tôn Quyền đã cử người sang hỏi xin con gái Quan Vũ về làm vợ con trai mình, Qua Vũ không những không nhận, còn nói với sứ giả 1 cách hỗn xược: "Ông về bảo với Tôn Quyền: con gái một hổ tướng sao gả cho loài chó hèn hạ được!".

Vì việc đó, Tôn Quyền vô cùng uất giận. Lần này nghe lời Lã Mông, Tôn Quyền quyết tâm diệt trừ Quan Vũ cho kì được. Đúng vào lúc đó thì sứ giả của Tào Tháo tới, đề nghị cùng đánh ép Quan Vũ. Tôn Quyền lập tức trả lời, đồng ý đem quân đánh vào hậu phương của Quan Vũ. Quan Vũ cũng biết Lã Mông là viên tướng lợi hại của Đông Ngô, nên tuy đem đại quân đi đánh Phàn Thành, vẫn bố trí phòng vệ nghiêm mật vùng giáp giới Thục-Ngô. Lã Mông vốn hay đau ốm, lần này ông ta giả vờ tái phát bệnh cũ và tình hình nặng hơn trước. Tôn Quyền cũng chính thức hạ lệnh điều Lã Mông về phía sau chữa bệnh, cử 1 tướng trẻ là Lục Tốn lên thay. Tin tức đó được báo tới Phàn Thành. Quan Vũ nghe tin Lã Mông ốm nặng, lại được thay thế bằng anh thư sinh Lục Tốn thì tỏ ra mừng thầm. 

Mấy hôm sau, Lục Tốn từ Lục Khẩu cử người tới bái yết Quan Vũ, mang theo thư và lễ vật, thư viết: "Nghe tin tướng quân dìm chết bảy đạo quân Tào ở Phàn Thành, bắt sống Vu Cấm, khắp gần xa không ai không ca ngợi thần uy của tướng quân. Lần này quân Tào thất bại, Đông Ngô chúng tôi cũng rất vui mừng. Kẻ thư sinh này mới được cử lên nhận chức, muôn phần lo lắng vì gánh nặng trên vai. Xin được tướng quân chiếu cố giúp đỡ cho".

Quan Vũ xem thư, thấy anh chàng thư sinh này khiêm tốn, thật thà, cảm thấy rất yên tâm, liền điều bớt binh mã phòng bị phía Đông Ngô lên tăng cường cho quân đánh Phàn Thành. Lục Tốn lập tức báo cáo tình hình điều quân của Quan Vũ lên cho Lã Mông và Tôn Quyền. Lúc đó, ở Phàn Thành, Quan Vũ tiếp nhận thêm mấy vạn hàng binh của Vu Cấm, nên tình hình lương thực có khó khăn, liền sai người đến cướp kho lương thực dự trữ của Đông Ngô ở Tương Quan. Tôn Quyền được tin, càng nổi giận, lập tức cử Lã Mông làm đại đô đốc, đem quân nhanh chóng tập kích vào hậu phương của Quan Vũ. Lã Mông đến Tầm Dương (nay ở tây nam Hoàng Mai, Hồ Bắc), ngụy trang toàn bộ chiến thuyền thành thuyền buôn, chọn các binh sĩ tinh nhuệ nhất giấu trong khoang thuyền. Lính chèo thuyền đến mặc quần áo trắng, giả làm thương nhân, lũ lượt đưa thuyền tiến sang bờ bắc.

Tới bờ bắc, quân canh giữ của Thục đều tưởng là thuyền buôn, nên cho phép họ kéo thuyền vào bờ. Không ngờ đến đêm, quân ẩn náu trong khoang thuyền bí mật tiến lên chiếm hết các lầu canh, bắt giữ toàn bộ quân của Quan Vũ. Quân đội Lã Mông như quỷ binh thần tướng bất ngờ xuất hiện chiếm hết bờ bắc rồi tiến đánh Công An. Quân Thục giữ Công An và Giang Lăng vốn không ưa Quan Vũ, thấy quân Lã Mông bất ngờ xuất hiện, bao vây gọi hàng, liền nhất loạt đầu hàng. Lã Mông vào thành, sai người phủ dụ gia đình các tướng sĩ quân Thục, nhắc nhở quân Ngô giữ nghiêm kỉ luật, không xâm phạm tính mệnh tài sản dân chúng trong thành. Có 1 tên lính Đông Ngô là người đồng hương của Lã Mông, vì trời mưa nên lấy tạm chiếc nón của nhà dân để che cho khỏi ướt khôi giáp. Lã Mông phát hiện thấy, cho rằng tên lính đó vi phạm quân lệnh, tuy là đồng hương nhưng không thể không tôn trọng quân pháp, liền sai đem chém. Do đó, toàn quân đều chấn động, không ai còn dám phạm vào lệnh quân nữa.

Lúc đó Tào Tháo đã phái Từ Hoảng mang viện binh đến tiền tuyến Phàn Thành. Từ Hoảng cho sao chép thư của Tôn Quyền gửi Tào Tháo, hẹn cùng đánh kẹp vào quân Quan Vũ thành nhiều bản rồi buộc vào tên, cho bắn vào trại quân Quan Vũ. Quan Vũ được tin Lã Mông đã tập kích chiếm hậu phương của mình, đang bối rối, thì Từ Hoảng đem quân đánh mạnh, buộc Quan Vũ phải bỏ vây Phàn Thành. Quan Vũ phái sứ giả về Giang Lăng tìm hiểu tình hình. Sứ giả được Lã Mông tiếp đãi ân cần và dẫn đi thăm các gia đình tướng sĩ. Người nhà tướng sĩ đều nói là được quân Đông Ngô đối đãi rất tử tế. Sứ giả trở về, đem tình hình đó nói với tướng sĩ. Họ đều thấy Đông Ngô là tốt, không muốn đánh nhau với Đông Ngô nữa. Một số binh sĩ thậm chí còn lẻn trốn về Giang Lăng. Tới lúc đó, Quan Vũ mới thấy việc phòng bị với Đông Ngô là sơ suất, nhưng đã muộn mất rồi. Tiến thoái lưỡng nan, Quan Vũ cuối cùng phải dẫn quân chạy về Mạch Thành (nay ở đông nam Đương Dương, Hồ Bắc).

Tôn Quyền tiến quân tới Mạch Thành, sai người kêu gọi Quan Vũ đầu hàng. Quan Vũ không thể chịu nhục như vậy, liền đem theo hơn 10 kỵ binh chạy về phía tây. Tôn Quyền đã cử quân mai phục sẵn trên đường nhỏ, chặn đường chạy và bắt sống được Quan Vũ. Biết Quan Vũ không chịu đầu hàng, Tôn Quyền hạ lệnh đưa Quan Vũ ra chém. Tào Tháo cho rằng Tôn Quyền có công lớn, liền phong làm Nam Xương hầu. Tới khi Tào Phi kế vị và xưng đế, lại phong Tôn Quyền là Ngô vương.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Asia