ZingTruyen.Info

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

47-48

riri_pipi

CUỘC HÀNH THÍCH Ở BÁC LÃNG SA

Tần Thủy Hoàng biết rằng tuy đã diệt sáu nước nhưng những quí tộc cũ của sáu nước lúc nào cũng muốn nổi dậy để chống lại ông. Vì vậy ông hạ lệnh cho 12 vạn hộ giàu có trong cả nước phải tập trung về Hàm Dương để dễ dàng giám sát, lại hạ lệnh tập trung toàn bộ binh khí trong cả nước lại, trừ số cần dùng cho quân đội của nhà nước, số còn lại đem nấu chảy, đúc thành 12 chiếc tượng đồng, mỗi chiếc nặng 20 vạn cân và một loạt chuông lớn dùng làm nhạc cụ. Ông cho rằng đã thu hết binh khí rồi thì có muốn nổi loạn cũng không được nữa. Tần Thủy Hoàng còn thường xuyên đi tuần du khắp nước, để tế lễ ở các núi cao sông lớn, sai các đại thần làm văn ca tụng công đức mình khắc trên đá núi để lưu lại đời sau, đồng thời biểu dương uy vũ, làm cho quí tộc cũ của sáu nước phải sợ hãi.

Mùa xuân năm 218 TCN, ông lại mang đại quân đi tuần du. Một hôm đi đến Bác Lãng Sa (nay thuộc huyện Nguyên Dương, Hà Nam), khi quân đội đang từ từ hành tiến, thì đột nhiên từ trên núi ven đường, một quả chùy sắt nặng được vun vút ném xuống làm bẹp nát chiếc xe đi ngay sau xe của Tần Thủy Hoàng. Quân đội dừng lại, các võ sĩ tỏa ra khắp xung quanh lùng sục, nhưng thích khách đã trốn chạy mất. Tần Thủy Hoàng nổi giận, lập tức hạ lệnh tiến hành tra hỏi, bắt bớ trong toàn quốc, cho tới khi bắt được kẻ hành thích mới thôi. Nhưng tra xét trong nhiều ngày không có kết quả, ông ta đành bãi lệnh.

Người chủ trương cuộc hành thích đó là Trương Lương, có ông và cha đều làm tướng quốc nước Hàn. Khi nước Hàn bị diệt, Trương Lương còn trẻ tuổi, ông bán hết gia sản, rời quê hương, đi kết giao với các anh hùng hảo hán, quyết tâm tìm cách báo thù cho nước Hàn. Sau này, Trương Lương kết bạn được với một đại lực sĩ. Đại lực sĩ này chuyên sử dụng một quả chùy sắt nặng 120 cân (= 60kg). Hai người bàn nhau, tìm cách hành thích Tần Thủy Hoàng trên đường tuần du. Họ dò biết được Tần Thủy Hoàng sẽ đi qua Bác Lãng Sa, liền phục trong rừng cây ven đường, đợi khi xe Tần Thủy Hoàng đi tới, sẽ tung chùy đánh vào xe. Không ngờ đòn đánh không chuẩn, chỉ trúng vào xe sau.

Thất bại, Trương Lương ẩn tích mai danh, trốn đến Hạ Bì (nay ở tây bắc Tuy Ninh, Giang Tô), thoát được cuộc tra xét của triều Tần. Ở Hạ Bì, ông vừa nghiên cứu binh pháp, vừa chờ thời cơ báo thù. Trương Lương đã học binh pháp như thế nào? Có một truyện truyền kì nói rằng: một lần, Trương Lương đi dạo trên một chiếc cầu lớn, thấy một ông già chân đi giày vải thô đang ngồi bên cầu. Thấy Trương Lương, ông già cố ý co chân lại, một chiếc giày rơi xuống dưới cầu. Ông già quay lại, giọng hách dịch: "Này cậu, xuống nhặt cho ta chiếc giày". Trương Lương hơi bực, muốn cự lại, nhưng thấy ông ta đã già, liền nén giận, xuống dưới cầu nhặt chiếc giày lên đưa cho ông. Ai ngờ ông già không cầm giày, lại chìa chân ra: "Xỏ vào chân cho ta". Trương Lương nghĩ: thôi thì đã xuống nhặt rồi, thì xỏ giày vào cho ông ta cũng không sao. Tới lúc đó ông già mới mỉm cười, đứng dậy đi. Trương Lương ngây người, thấy ông già có vẻ kì quái, liền đứng nhìn theo, tới lúc ông già đi xa mới thôi. 

Ông già đi khoảng một dặm, liền quay lại nói với Trương Lương: "Cậu này khá, ta muốn dạy cậu. Năm ngày nữa, lúc trời sáng, tới cầu này gặp ta". Nghe giọng nói, Trương Lương biết ông già không phải người thường, vội vàng quì xuống nhận lời. Ngày thứ năm, Trương Lương dậy sớm, vội vàng đi tới cầu. Ai ngờ vừa tới nơi, đã thấy ông già ở đó. Ông già nổi giận nói: "Cậu hẹn với người già, thì phải đến sớm một chút, chứ sao lại để ta phải đợi?". Trương Lương đành nhận lỗi. Ông già lại nói: "Thôi về đi, năm ngày nữa lại đến. Mà đến sớm một chút đấy!". Nói xong đứng dậy đi.

Năm ngày sau, Trương Lương vừa nghe tiếng gà gáy, liền vội vàng chạy tới cầu. Chưa lên cầu đã nhìn thấy ông già đứng đó. Ông già nhìn Trương Lương bảo: "Thôi, năm ngày sau lại đến". Trương Lương rút kinh nghiệm hai lần trước, đến nửa đêm ngày thứ tư, liền đi ra cầu, lặng lẽ ngồi đợi trời sáng. Một lát sau, ông già lững thững đi tới. Thấy Trương Lương, ông cười hiền từ: "Như thế mới đúng con ạ". Nói xong rút từ ống tay áo ra một cuốn sách, trao cho Trương Lương và nói: "Về nhà hãy chịu khó đọc, sau này sẽ có tác dụng lớn đấy". Trương Lương còn muốn hỏi thêm. Ông già không nói thêm gì nữa, quay đầu đi thẳng. Đợi tới lúc trời sáng, Trương Lương mở sách ra xem. Thì ra đó là cuốn "Thái Công binh pháp" do Thái Công Vọng đầu thời Chu soạn ra. Từ đó về sau, Trương Lương chuyên cần, khổ công nghiên cứu, trở thành một nhà mưu lược tiếng tăm.


ÂM MƯU Ở SA KHÂU

Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng đi tuần du ở dải Đông nam, đi cùng ông có thừa tướng Lý Tư và hoạn quan Triệu Cao. Con của Tần Thủy Hoàng là Hồ Hợi xin đi theo. Thường ngày, Tần Thủy Hoàng rất quí Hồ Hợi, nên đồng ý cho đi. Tần Thủy Hoàng vượt qua sông Tiền Đường, đến quận Cối Kê, rồi quay lên bắc đến Lang Nha (nay thuộc huyện Giao Nam, Sơn Đông). Ra đi từ mùa đông, tới mùa hạ mới trở về. Trên đường về, ông cảm thấy trong mình không được khỏe, đến Bình Nguyên Tân (nay ở phía nam huyện Bình Nguyên, Sơn Đông) thì ốm nặng. Quan ngự y xem bệnh cho thuốc, nhưng không công hiệu. Đến Sa Khâu (nay ở phía tây huyện Quảng Tông, Hà Bắc), bệnh ngày càng nặng. Ông ta biết không thể qua khỏi, liền dặn dò Triệu Cao: "Mau viết thư cho Phù Tô, gọi Phù Tô về ngay Hàm Dương, vạn nhất ta mất đi, để Phù Tô chủ trì tang lễ". Thư viết xong, chưa kịp gửi sứ giả mang đi, thì Tần Thủy Hoàng mất.

Thừa tướng Lý Tư và Triệu Cao bàn nhau: "Ở đây cách Hàm Dương rất xa, trong một hai ngày không thể về kịp, lỡ tin tức về việc hoàng đế mất tiết lộ ra thì trong ngoài có thể phát sinh biến loạn, không bằng tạm thời giữ bí mật, chưa phát tán, đến Hàm Dương sẽ hay". Bọn họ để thi thể Tần Thủy Hoàng trong xe, đóng cửa, buông rèm để người ngoài không nhìn thấy. Ngoài Hồ Hợi, Lý Tư, Triệu Cao và năm sáu thị vệ, các đại thần khác không ai biết Tần Thủy Hoàng đã chết. Xe vẫn theo thường lệ, đi về Hàm Dương. Đến mỗi địa phương, bá quan văn võ vẫn đứng ngoài xe tâu trình công việc.

Lý Tư bảo Triệu Cao mau cử người mang thư đi, gọi công tử Phù Tô về Hàm Dương. Triệu Cao là tâm phúc của Hồ Hợi, lại có thù với Mông Điềm. Y liền ngầm bàn với Hồ Hợi, chuẩn bị làm giả di chúc của Tần Thủy Hoàng, hạ lệnh giết Phù Tô, truyền đế vị cho Hồ Hợi. Hồ Hợi tất nhiên sung sướng đồng ý. Triệu Cao biết muốn làm việc đó thì nhất định phải được sự tán thành của Lý Tư, liền trao đổi với Lý Tư: "Hiện nay di chiếu và ngọc tỉ của Hoàng thượng đều ở trong tay Hồ Hợi. Việc quyết định ai là người tiếp thu đế vị hoàn toàn phụ thuộc vào hai người chúng ta. Ông thấy thế nào?"

Lý Tư giật mình nói: "Sao ông dám nói lời đại nghịch đó? Đó không phải là việc mà các bày tôi chúng ta có thể làm".

Triệu Cao nói: "Ông chớ vội. Tôi hỏi ông, tài năng của ông có bằng Mông Điềm không? Công lao của ông có bằng Mông Điềm không? Quan hệ giữa ông và Phù Tô có bằng được Mông Điềm không?"

Lý Tư lặng người một lát, rồi nói: "Tôi không thể bằng ông ta".

Triệu Cao nói: "Nếu Phù Tô lên ngôi hoàng đế, thì nhất định ông ta sẽ cử Mông Điềm làm thừa tướng. Tới lúc đó, ông chỉ có một con đường là từ chức về quê. Đó là một việc rất rõ ràng. Công tử Hồ Hợi là người có tâm địa tốt, đối đãi với mọi người chu đáo. Nếu Hồ Hợi làm hoàng đế thì ông và tôi sẽ vinh hoa phú quý suốt đời. Ông thử nghĩ xem".

Nghe Triệu Cao vừa đe dọa vừa dụ dỗ, Lý Tư cũng thấy nếu để Phù Tô làm hoàng đế thì mình khó giữ được chức vị thừa tướng, liền đồng mưu với Hồ Hợi và Triệu Cao, làm giả chiếu thư gửi Phù Tô, nói Phù Tô đã không có công lao gì, lại oán giận phụ hoàng, còn tướng Mông Điềm đồng mưu với Phù Tô, phải cùng tự sát với Phù Tô, trao lại binh quyền cho Vương Ly.

Phù Tô nhận được chiếu thư giả, khóc lóc toan tự sát. Mông Điềm nghi ngờ đó là chiếu thư giả, đề nghị Phù Tô về minh oan với Tần Thủy Hoàng. Phù Tô là người thực thà, nói: "Cha đã bắt con chết, có gì mà minh oan nữa". Liền đâm cổ tự sát, Mông Điềm không biết làm thế nào, đành tự sát theo. Triệu Cao và Lý Tư vội vàng thúc xe đi gấp về Hàm Dương. Lúc đó đang giữa mùa hè, thời tiết nóng nực, qua mấy ngày, thi thể Tần Thủy Hoàng rửa nát, bốc mùi hôi thối. Triệu Cao cử người đi mua rất nhiều các muối, xếp lên các xe, làm mùi cá muối át đi mùi hôi thối của thi thể Tần Thủy Hoàng.

Đến Hàm Dương, bọn chúng mới công bố tin tức về cái chết của Tần Thủy Hoàng, tổ chức tang lễ và công bố di chiếu giả, cử Hồ Hợi lên nối ngôi hoàng đế. Đó là Tần Nhị Thế. Nhị Thế và Triệu Cao sau khi chôn cất Tần Thủy Hoàng, rất lo sợ mưu gian bại lộ. Theo lời xúi giục của Triệu Cao, Nhị Thế liền ghép tội chết cho 12 công tử và 10 công chúa. Những đại thần có liên quan nhiều không tính xuể. Một năm sau, Triệu Cao lại dùng quỉ kế xui Nhị Thế bắt giam và giết kẻ đồng mưu là Lý Tư. Triệu Cao lên làm thừa tướng, một mình nắm trọn đại quyền.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info