ZingTruyen.Info

Lich Su Trung Quoc 5000 Nam

MỘT HOÀNG ĐẾ NGÂY NGÔ

Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm cũng giống như ông nội (Tư Mã Ý), bác (Tư Mã Sư) và cha (Tư Mã Siêu), đều là những người giỏi giang và nhiều thủ đoạn. Nhưng đến đời con kế vị Viêm là thái tử Tư Mã Trung thì lại là 1 kẻ ngu ngốc, ngây ngô, không có được đầu óc của 1 người bình thường. Vì vậy, từ triều đình tới các địa phương, ai cũng lo lắng sau khi Tấn Vũ Đế chết đi, đến lượt vị thái tử ngây ngô đó làm hoàng đế, thì đất nước khó tránh khỏi rối loạn. Một số đại thần muốn khuyên Tấn Vũ Đế lập người con khác làm thái tử, vì trong số con cái đông đúc (gần 20 người) của ông có khá nhiều người giỏi giang, tài trí hơn thái tử Tư Mã Trung, nhưng họ sợ, không dám dám nói rõ ý ấy ra. Một hôm, khi Tấn Vũ Đế mở tiệc, đại thần Vệ Quán giả vờ say rượu, ngã quay ra trước ngự tọa, sờ soạng vào ngai vàng của Tấn Vũ Đế, miệng lè nhè: "Đáng tiếc, chỗ ngồi này đáng tiếc quá".

Vốn là người thông minh, Tấn Vũ Đế hiểu ngay ý Vệ Quán muốn nói gì, nhưng giả vờ làm như hiểu ra nghĩa khác, nổi giận quát: "Ngươi nói bậy bạ gì thế! Say quá rồi phải không?". Rồi gọi thị vệ vực Vệ Quán dậy, lôi ra ngoài. Từ đó, không còn ai dám đề cập đến việc xin thay thái tử nữa.

Tuy vậy, bản thân Tấn Vũ Đế cũng có chút do dự, ông ta muốn thử xem con mình có thật là quá kém cỏi không, liền viết 1 đầu đề, nội dung có mấy vấn đề quốc sự, giao cho thái tử xem rồi nêu ý kiến giải quyết. Vợ của thái tử là Giả Phi, vốn là 1 người đàn bà lanh lợi, thấy đề tập đó, hiểu ngay rằng đây là 1 việc có tầm quan trọng ảnh hưởng tới ngôi hoàng đế của chồng và ngôi hoàng hậu của mình trong tương lai. Bà ta lại càng biết rằng chồng mình không thể làm được, liền mời thầy dạy thái tử tới, yêu cầu ông viết cho 1 đáp án. Thầy dạy thái tử là 1 người có học vấn cao, lập tức vung bút viết 1 bài văn, vận dụng mọi kinh điển nho gia và sử sách cổ kim, lập luận đanh thép, lời văn bay bướm, giải quyết xác đáng những vấn đề mà Tấn Vũ Đế đưa ra, nộp cho thái tử. Giả Phi xem thấy, rất vui mừng, nhưng 1 nội thị trong phủ biết chút chữ nghĩa, thường hầu hạ Giả Phi, vội nhắc nhở: "Kính thưa nương nương, quyển văn này hay thì hay thật, nhưng hoàng thượng rất sáng suốt, Người thừa biết rằng thái tử vốn không giỏi lắm, bây giờ lại viết được thế này thì Người nghi ngờ. Lỡ hoàng thượng sai truy cứu biết rõ sự việc, thì ta tránh sao khỏi tội khi quân. Xin nương nương cẩn trọng, minh xét".

Giả Phi cũng giật mình nói: "Đúng, may mà có ngươi nhắc ta. Quyển văn này hãy tạm cất đi, để thái tử dùng về sau. Bây giờ, thôi thì ngươi cũng là người biết chút chữ nghĩa, ngươi hãy viết cho thái tử một quyển văn khác, cố viết cho khá một chút. Sau này, ngươi sẽ cùng được chung hưởng phú quí".

Viên nội thị liền viết 1 quyển văn khác, tất nhiên là vụng về và thô thiển, rồi đưa cho thái tử chép lại đúng từng chữ, sau đó nộp lên Tấn Vũ Đế. Tấn Vũ Đế xem, thấy bài làm tuy chẳng lấy gì làm hay ho, nhưng cũng trả lời đúng vào được những câu hỏi nêu ra, chứng tỏ đầu óc thái tử không đến nỗi đần độn lắm. Thói đời ai chẳng xót xa, nương nhẹ với con mình, huống gì đây lại là con kế vị của hoàng đế. Vì vậy, Tấn Vũ Đế yên lòng cho qua. Năm 290, Tấn Vũ Đế bị bệnh nặng. Thái tử Tư Mã Trung đã ngoài 30 tuổi. Thông thường, đã 30 tuổi thì hoàn toàn có thể giải quyết được chính sự. Nhưng Tấn Vũ Đế vẫn không yên tâm, liền lập di chiếu, yêu cầu quốc trượng (cha của hoàng hậu) Dương Tuấn và chú mình là Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng cùng phụ chính. Khi Tấn Vũ Đế hấp hối, chỉ có Dương Tuấn có mặt cạnh long sàng.

Để độc chiếm quyền binh, Dương Tuấn liền thông đồng với con gái là Dương hoàng hậu, lập 1 tờ di chiếu giả, trao quyền phụ chính cho một mình Dương Tuấn. Tấn Vũ Đế mất, thái tử Tư Mã Trung lên kế vị, đó là Tấn Huệ Đế, Giả Phi trở thành hoàng hậu. Tấn Huệ Đế ngồi trên ngai vàng, nhưng chẳng biết giải quyết chính sự quốc gia thế nào, nên gây ra rất nhiều chuyện nực cười. Có lần, vị hoàng đế ngây ngô này đi cùng bọn thái giám dạo chơi trong vườn ngự uyển, lúc đó là đầu mùa hè, trong các bụi cỏ ven hồ vang lên tiếng cóc kêu ì ộp. Tấn Huệ Đế ngơ ngác hỏi các thái giám: "Con vật nào thế? Nó kêu cho quan nghe hay cho dân nghe?".

Bọn thái giám nhìn nhau, không biết nên trả lời sao cho phải. Một tên thái giám láu lỉnh liền trả lời: "Muôn tâu bệ hạ, đó là những con cóc, cóc của nhà quan thì kêu cho quan nghe; còn cóc của nhà dân thì kêu cho dân nghe". Tấn Huệ Đế gật đầu, như đã hiểu rõ.

Một năm, toàn quốc mất mùa, lâm vào nạn đói. Các địa phương tới tấp gửi sớ tấu lên triều đình, nói dân bị chết đói rất nhiều. Tấn Huệ Đế nghe tâu, liền hỏi các đại thần: "Những người đang khỏe mạnh, sao lại chết đói được?".

Các đại thần tâu: "Vì không có lương thực để ăn".

Tấn Huệ Đế bỗng nhanh nhẹn phán: "Tại sao chư khanh không bảo họ nấu cháo thịt mà ăn?".

Toàn bộ triều thần đều mím miệng nín cười.Triều Tấy Tấn mới truyền được tới đời thứ 2, đã nảy nòi ra 1 hoàng đế ngây ngô như vậy, nên 1 loạt các vương hầu có dã tâm đều nhăm nhe nổi lên giành chiếc ngai vàng. Và bà hoàng hậu gian xảo, nhiều tham vọng, đã có vai trò châm ngòi cho cuộc hỗn chiến sắp tới.


TÁM VƯƠNG HỖN CHIẾN

Tấn Vũ Đế cho rằng triều Ngụy diệt vong là vì đã không chia quyền lực cho các anh em trong hoàng tộc, khiến hoàng thất bị cô lập. Vì vậy, khi lên ngôi, ông ta đã phong vương cho 27 người, mỗi vương quốc đều có quân đội riêng; các quan văn võ trong vương quốc đều do vương chư hầu tự tuyển chọn. Tấn Vũ Đế tưởng rằng làm như vậy thì triều đình sẽ được nhiều anh em trong hoàng tộc giúp đỡ và nền thống trị của họ Tư Mã sẽ vững vàng. Nào ngờ, cách làm đó lại gieo sẵn mầm loạn. Năm 290, Tấn Huệ Đế lên ngôi, ngoại thích Dương Tuấn dùng âm mưu đoạt quyền, gạt Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng khỏi cương vị phụ chính, giành riêng cho mình. Một số vương chư hầu đương nhiên không cam chịu tình hình đó, nhưng nhất thời chưa có cơ hội ra tay chống lại.

Tấn Huệ Đế ngây ngô, nhưng hoàng hậu Giả Nam Phong (là con gái của Giả Sung, 1 người từ lâu đã là thân tín của Tấn Vũ Đế và trước đó đã thực hiện lệnh giết Tào Mao do Tư Mã Chiêu giao cho-xem chương 105) lại là người đàn bà gian xảo, quỉ quyệt. Bà không chịu để 2 cha con Dương thái hậu thao túng triều chính, liền bí mật sai người liên lạc với Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng và Sở vương Tư Mã Vĩ, yêu cầu họ đem quân về Lạc Dương thảo phạt Dương Tuấn. Năm 291, Sở vương Tư Mã Vĩ từ Kinh Châu đem quân về Lạc Dương. Dựa vào sự ủng hộ của Tư Mã Vĩ, Giả hoàng hậu lấy danh nghĩa Tấn Huệ Đế, hạ chiếu ghép Dương Tuấn vào tội mưu phản, sai Tư Mã Vĩ đem quân tới vây tư dinh của Dương Tuấn và giết chết cả 3 họ. Số người có liên quan bị giết có tới mấy ngàn.

Sau khi Dương Tuấn bị giết, Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng về Lạc Dương làm đại thần phụ chính. Nhưng binh quyền lúc đó đã nằm trong tay Tư Mã Vĩ (Vĩ là con thứ 5 của Tư Mã Viêm, tức là em Huệ Đế và là cháu gọi Tư Mã Lượng là ông ngành thứ). Giữa 2 vương ông cháu nảy sinh mâu thuẫn về quyền lực. Hoàng hậu Giả Nam Phong thấy đây là cơ hội tốt để trừ luôn cả 2 vương lúc này đã trở thành vật cản đối với tham vọng lũng đoạn triều chính của mình. Bà dùng quỉ kế: trước hết, giả truyền mệnh lệnh của Huệ Đế, sai Tư Mã Vĩ đem quân vây tư dinh của Tư Mã Lượng và bắt đem về trị tội vì có âm mưu phản nghịch, luôn tiện cũng làm tương tự đối với đại thần Vệ Quán là người đã từng khuyên Tư Mã Viêm lập thái tử khác. Cả 2 người và toàn gia đình lập tức bị chém, không được thanh minh biện bạch gì. Sự việc này gây bàng hoàng cho toàn thể triều đình vì Tư Mã Lượng là 1 nguyên lão trong hoàng tộc và quan Tư không Vệ Quán là 1 lão thần chính trực, có uy tín cao.

Bước tiếp theo, Giả hoàng hậu phủi tay, làm ra bộ không hay biết gì, xui Huệ Đế ra chiếu bắt và giết Tư Mã Vĩ vì tội giả mạo chiếu chỉ, tự tiện giết hại những trọng thần của triều đình, Sở vương Tư Mã Vĩ biết mình đã bị Giả hoàng hậu lừa, tưởng rằng đã lập được công vì chấp hành mau mắn "mặt chỉ" của hoàng đế, nào ngờ lại nhận được kết cục bi thảm. Ông ta ra sức kêu oan, nhưng Huệ Đế với sự giật dây của Giả hoàng hậu, không thèm nghe và sai hành hình tức khắc. Từ đó, triều đình không còn đại thần phụ chính. Huệ Đế là hoàng đế trên danh nghĩa. Nhưng trên thực tế, hoàng hậu Giả Nam Phong nắm toàn bộ quyền lực. Giả hoàng hậu nắm quyền liên tục bảy tám năm, gạt hoàng đế ngây ngô sang 1 bên, chuyên quyền độc đoán, làm đủ mọi chuyện bẩn thỉu, dân trong kinh thành Lạc Dương ai cũng biết những vụ bê bối, dâm loạn của bà, nhưng không ai dám nói ra.

Giả hoàng hậu không có con trai, nhưng Huệ Đế lại có 1 con trai với 1 bà phi là Tạ phu nhân, đặt tên là Tư Mã Duật và được phong làm thái tử. Giả hoàng hậu sợ thái tử Duật trưởng thành thì ngôi hoàng hậu của mình khó mà giữ được, liền lập mưu diệt trừ thái tử. Bà sai 1 nội thị tâm phúc viết 1 bức thư nhân danh thái tử Duật gửi cho Huệ Đế, nội dung đại ý nói với giọng xấc xược, là Huệ Đế bất tài, nên sớm nhường ngôi lại cho thái tử và tự kết liễu đời mình đi, "nếu bệ hạ không dám tự kết liễu, thì thần tử này sẽ vào cung giúp kết liễu". Sau đó, Giả hoàng hậu cho gọi thái tử tới, chuốc rượu say sưa tới mức mất hết lý trí rồi đưa bức thư đó ra và nói: "Hoàng đế có một văn bản quan trọng, bảo ta đưa cho thái tử và để thái tử tự tay sao lại ngay một bản đưa lên ngự cung".

Đang trong trạng thái mê mụ, thái tử Duật không còn đủ tỉnh táo để hiểu được ý nghĩa văn bản, chỉ biết cắm đầu chép từng chữ theo bản mẫu có sẵn 1 cách máy móc. Hôm sau, Giả hoàng hậu bảo Tấn Huệ Đế triệu tập quần thần, đưa bức thư đó ra cho bọn họ xem và tuyên bố là thái tử mưu phản, là kẻ đại nghịch, bất trung bất hiếu, có chứng có bằng giấy trắng mực đen. Nhiều đại thần tỏ ý ngờ rằng bức thư đó là giả, Giả hoàng hậu liền bảo họ sao tự dạng. Kết quả, khi so với những văn bản do thái tử viết trước kia thì thấy đúng là bút tích của 1 người. Thường ngày, thái tử tỏ ra là người trung hậu, thành thực, được nhiều người yêu mến. Nhưng trước chứng cớ đó, không ai có cách gì bào chữa giúp được. Huệ Đế là người vừa ngây ngô, vừa rất sợ Giả hoàng hậu, mọi việc đều nghe theo vợ. Vì vậy, nghe Giả hoàng hậu nói là tội thái tử đáng chết, nhưng nghĩ tình ruột thịt, trước hết hãy phế bỏ và đem giam lỏng ở 1 nơi xa, Huệ Đế liền nghe theo ngay.

Tuyệt đa số đại thần từ lâu vốn đã rất bất bình trước sự lộng quyền và gian xảo, tàn bạo của Giả hoàng hậu. Lần này, trước việc phế bỏ thái tử, họ không dám công khai chống lại, nhưng sau buổi chầu nhiều người đã tụ tập, tỏ sự căm phẫn, bàn tán xôn xao. Triệu vương Tư Mã Luân (con thứ 9 của Tư Mã Ý, vào hàng ông của Huệ Đế) là người chỉ huy quân cấm vệ, từ lâu đã có mộng tưởng vươn lên nắm đại quyền, thấy đây là cơ hội lớn để ra tay. Vốn cũng rất nham hiểm, ông ta không muốn là theo ý kiến của đa số đại thần là tìm cách phế Giả hoàng hậu và phục hồi cho thái tử, mà muốn trừ cả 2 để dọn đường cho mình. Tư Mã Luân đi 1 nước cờ cao: trước tiên phao tin cho Giả hoàng hậu biết là các đại thần đang bí mật mưu toan phục hồi chức vị thái tử. Giả hoàng hậu nghe tin, rất lo sợ, liền vội phái người đến đầu độc thái tử. Bà ta đâu ngờ, làm như vậy là đổ thêm dầu vào ngọn lửa căm phẫn đang âm ỉ trong đại đa số triều thần. Nắm ngay sự kiện đó, Triệu vương Tư Mã Luân phái hiệu úy cấm quân là Tề vương Tư Mã Quýnh (em họ của Huệ Đế) đem quân vào cung bắt Giả hoàng hậu.

Người đàn bà xưa nay vốn nhiều mưu mô xảo quyệt, lần này bị sa bẫy của Tư Mã Luân. Vừa thấy Tư Mã Quýnh dẫn quân xông vào, Giả hoàng hậu giật nảy mình, nhưng vẫn làm mặt cứng cỏi, quát: "Các ngươi dám tự tiện vào đây làm gì?".

Tề Vương Quýnh đáp: "Ta phụng chiếu của hoàng thượng, đến bắt nhà ngươi".

Giả hoàng hậu đáp: "Chiếu thư của hoàng thượng đều do ta phát ra, Làm gì còn có chiếu thứ nào nữa?". Nói rồi la thét ầm ĩ, sai cung nữ đi gọi Huệ Đế tới. Tư Mã Quýnh không nói không rằng, sai quân cấm vệ xông vào trói Giả hoàng hậu lại cho dẫn đi, đồng thời cho lùng bắt, giết hết tay chân thân tín của bà. Trong chốc lát, trong hoàng cung vang dậy tiếng hô giết của quân lính và tiếng kêu khóc của hoạn quan, nội thị. Trong nhà, ngoài đường ngổn ngang xác chết, tràn ngập máu me (sự kiện này đã xảy ra vào năm 300 công nguyên).

Diệt xong Giả hoàng hậu, Triệu vương Tư Mã Luân tự lên làm tướng quốc, nắm toàn bộ triều chính. Ông ta còn chuyên quyền hơn cả Giả hoàng hậu. Trong mọi việc, không thèm để ý đến hoàng đế bù nhìn Tấn Huệ Đế nữa. Một năm sau đó, vẫn chưa thỏa mãn tham vọng, Tư Mã Luân liền phế luôn Huệ Đế, tự mình lên ngôi hoàng đế (năm 301). Sau khi lên ngôi, để xây dựng vây cánh, Tư Mã Luân phong quan chức rộng rãi cho đồng đảng, kể từ tên lính trong đội quân cũ của ông ta cũng trở thành quan. Trên mũ của các quan từ lớn đến nhỏ đều cắm đuôi điêu (1 loại chồn phương bắc) để trang trí. Vì quá nhiều quan, nên số đuôi điêu có trong kho hoàng cung không đủ dùng, phải dùng thêm đuôi chó cho đủ. Dân gian liền đặt ca dao để châm biếm: "đuôi điêu chẳng đủ để dùng, đành thay đuôi chó lộn sòng cho qua".

Các vương chư hầu khác thấy Triệu vương Tư Mã Luân bỗng chốc nhảy tót lên ngôi hoàng đế, chiếm mất ngai vàng mà từ lâu họ từng dòm ngó, thì đâu chịu ngồi yên. Tất cả đều lấy cớ thảo phạt tội thoán nghịch, rùng rùng đem binh mã về kinh đô Lạc Dương. Cuộc đại hỗn chiến bắt đầu. Diễn biến đại lược như sau: Ngay trong năm đó (năm 301) Tề vương Tư Mã Quýnh liên hợp với Thành Đô vương Tư Mã Dĩnh (con thứ 16 của Tư Mã Viêm, em cùng cha của Huệ Đế) cùng đánh Tư Mã Luân. Sau hơn 60 ngày kịch chiến, số Lính chết trận của 2 bên lên tới gần 10 vạn. Cuối cùng, Tư Mã Luân thua trận, bị giết. Huệ Đế được trở lại làm hoàng đế bù nhìn, do Tư Mã Quýnh làm đại thần phụ chính, nắm toàn bộ thực quyền.

Năm 302, Tư Mã Ngung lại liên hợp với Trường Sa vương Tư Mã Nghệ (con thứ 6 của Tư Mã Viêm, em Huệ Đế) đánh vào thành Lạc Dương. Qua 3 ngày kịch chiến, Tư Mã Quýnh đại bại, bị Tư Mã Nghệ bêu đầu thị chúng. Quyền lực lại rơi vào tay Tư Mã Nghệ. Năm 308, Tư Mã Dĩnh lại cùng Tư Mã Ngung đem 27 vạn quân đánh vào Lạc Dương. Tư Mã Nghệ ít quân hơn, phải đem Huệ Đế chạy khỏi Lạc Dương. Quân Tư Mã Dĩnh vào kinh thành, thả sức chém giết cướp bóc, hàng vạn người dân vô tội bị giết. sau đó, quân Tư Mã Dĩnh rút ra ngoài thành. Huệ Đế được đưa về cung, còn Tư Mã Nghệ bị bắt và bị thiêu chết. Năm 304, Đông Hải vương Tư Mã Việt (chú họ Huệ Đế) dẫn Huệ Đế đem quân thảo phạt Tư Mã Dĩnh. Hai bên kịch chiến, Tư Mã Việt bị Tư Mã Dĩnh đánh bại, bỏ chạy về đất phong của mình ở Sơn Đông. Huệ Đế trúng 3 mũi tên, bị Tư Mã Dĩnh bắt đưa vào Nghiệp Thành. Trong lúc 2 vương kia đánh nhau, thì Tư Mã Ngung thừa cơ chiếm Lạc Dương. Tư Mã Dĩnh ở Nghiệp Thành bị 1 số lực lượng địa phương đánh đuổi, phải đem Huệ Đế chạy về Lạc Dương, phụ thuộc vào Tư Mã Ngung. Tư Mã Ngung thấy Lạc Dương đã tan hoang, liền buộc Huệ Đế và Tư Mã Dĩnh cùng vào Trường An, rồi phế Tư Mã Dĩnh, độc chiếm triều chính.

Năm 305, Tư Mã Việt lại từ Sơn Đông đem quân vào chiếm Trường An, ép Huệ Đế cùng Tư Mã Ngung, Tư Mã Dĩnh trở về Lạc Dương. Năm 306, Tư Mã Việt lần lượt giết Tư Mã Dĩnh, Tư Mã Ngung và Huệ Đế, rồi lập Tư Mã Sí (em Huệ Đế), đó là Tấn Hoài Đế. Đại quyền nằm hoàn toàn trong tay Tư Mã Việt. Chiến loạn kết thúc. Trong hơn 15 năm, kể từ khi Giả hoàng hậu giết Dương Tuấn (năm 291) đến khi Hoài Đế được lập (năm 306), kinh đô Lạc Dương và cố đô Trường An bị tàn phá, cướp bóc tan hoang. Ở Lạc Dương, nam giới từ 13 tuổi trở lên đều bị bắt đi lính. Lương thực hiếm hoi, 1 thạch lúa giá 1 vạn tiền. Vì vậy, người chết đói đầy đường. Quân lính các phe phái thiếu lương ăn, đã giải quyết bằng cách giết người, lấy thịt bù vào số thịt bò ngựa không đủ.

Tham gia vào cuộc hỗn chiến đó có Triệu vương Tư Mã Luân, Tề vương tư Mã Quýnh, Thành Đô vương Tư Mã Dĩnh, Hà Giang vương Tư Mã Ngung, Trường Sa vương Tư Mã Nghệ, Đông Hải vương Tư Mã Việt, cộng thêm Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng, Sở vương Tư Mã Vĩ bị giết ngay từ đầu cuộc, tất cả là 8 vương. Đến mà cuối, 7 vương bị giết, chỉ còn lại 1 vương là Tư Mã Việt. Lịch sử gọi sự kiện này là "bát vương chi loạn" (loạn 8 vương).

Triều Tây Tấn vừa lên được 26 năm (265-291) đã lâm vào cảnh hỗn chiến cốt nhục tương tàn này nên nhanh chóng suy yếu. Do đó, chỉ 11 năm sau đó, nó đã bị các dân tộc thiểu số phương bắc, lực lượng tàn dư phải chạy xuống phương nam, lập ra triều Đông Tấn.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info