ZingTruyen.Info

LỊCH SỬ TRUNG QUỐC 5000 NĂM

11-12

riri_pipi

CHU CÔNG PHÒ TÁ THÀNH VƯƠNG

Xây dựng vương triều Chu mới được 2 năm, Chu Vũ Vương bị bệnh mất. Con là Cơ Tụng kế thừa vương vị, tức là Chu Thành Vương. Năm đó, Thành Vương mới mười ba tuổi, vương triều lại mới thành lập, mọi điển chương chế độ chưa kịp xây dựng. Vì vậy, em Chu Vũ Vương là Chu Công Đán, cũng tức là chú ruột của Thành Vương, đã phò tá Thành Vương quản lý công việc quốc gia, thực tế là làm thay quyền thiên tử. Lịch sử thường không gọi tên Chu Công Đán, mà chỉ gọi là Chu Công.

Đất phong của Chu Công ở nước Lỗ, nhưng vì ông phải lưu ở kinh thành để giải quyết chính sự, không thể về đất phong nên khi con ông là Bá Cầm trưởng thành, ông liền cử Bá Cầm thay ông về nước Lỗ làm quốc quân. Khi Bá Cầm lên đường, hỏi cha có gì dặn dò, Chu Công nói: "Ta là con của Văn Vương, là em của Vũ Vương và là chú của đương kim thiên tử, con nói xem địa vị của ta thế nào?".

Bá Cầm nói: "Tất nhiên là rất cao".

Chu Công nói: "Đúng như vậy, địa vị của ta rất cao. Nhưng khi ta đang gội đầu, gặp việc cần giải quyết gấp, thì vắt tóc lên tay mà đi làm việc, khi đang ăn cơm, nghe nói có người xin gặp, thì liền nhả cơm ra mà tiếp kiến. Ta làm như vậy, mà vẫn còn sợ nhân tài trong thiên hạ không chịu đến. Con tới nước Lỗ, chẳng qua chỉ là vua một nước chư hầu, nên chớ có kiêu ngạo". Bá Cầm liên tục gật đầu, hứa xin ghi nhớ lời dạy của cha. Chu Công toàn tâm toàn ý phò tá Thành Vương giải quyết việc nước, nhưng các em của ông là Quản Thúc, Thái Thúc ở ngoài lại phao tin, là ông có dã tâm muốn cướp ngôi vua.

Con của Trụ Vương là Vũ Canh, tuy được phong là Ân Hầu, nhưng bị triều Chu giám sát, cảm thấy rất oán giận, chỉ mong triều Chu có nội loạn để thừa cơ giành lại vương vị, liền tư thông với Quản Thúc, Thái Thúc, liên lạc với các quý tộc cũ, xúi giục mấy bộ lạc Đông Di nổi loạn.

Tin đồn đại do Vũ Canh, Quản Thúc... tung ra làm kinh đô Hạo Kinh xôn xao, ngay cả Chiêu Công Thích cũng nghi ngờ Chu Công. Thành Vương còn nhỏ chưa hiểu việc đời, không rõ tin trên là thật hay giả, cũng đâm ra nghi hoặc ông chú là đại thần phò tá của mình.

Chu Công rất buồn, trước hết tâm sự với Chiêu Công Thích, nói ông quyết không có ý khác, mong Chiêu Công Thích nghĩ tới lợi ích chung, chớ nhẹ dạ tin vào lời đồn đại. Chiêu Công Thích cảm động trước lời lẽ thành khẩn của Chu Công, nên xóa bỏ nghi ngờ và hợp tác trở lại với Chu Công. Sau khi làm yên tâm trong nội bộ, Chu Công kiên quyết điều quân đi đông chinh.

Lúc đó, ở phương đông có mấy bộ lạc như Hoài Di, Từ Nhung phối hợp với Vũ Canh chuẩn bị nổi dậy. Chu Công hạ lệnh cho Thái Công Vọng thay quyền mình, được phép đánh dẹp những bộ lạc không phục tòng triều Chu. Như vậy, Thái Công Vọng khống chế phương Đông còn Chu Công đem toàn lực đối phó với Vũ Canh.

Mất một thời gian ba năm, Chu Công mới dẹp yên cuộc nổi loạn của Vũ Canh, giết chết Vũ Canh. Thấy Vũ Canh thất bại, Quản Thúc không còn mặt mũi nào nhìn thấy em và cháu, liền treo cổ tự sát. Chu Công dẹp loạn xong, liền cách chức Hoắc Thúc và bắt Thái Thúc đi sung quân.

Trong quá trình Chu Công đông chinh, nhiều quý tộc triều Thương bị bắt làm tù binh. Vì chúng chống lại triều Chu, nên bị gọi là "ngoan dân" (dân bướng bỉnh). Chu Công không yên tâm khi thấy chúng ở đất cũ, lại thấy Hạo Kinh ở lệch về phía tây, không tiện khống chế miền đông, liền xây dựng thêm một đô thành ở phía đông, gọi là Lạc Ấp (nay là thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam), điều các "ngoan dân" ở triều Ân tới đó và phái quân đội đến giám sát. Từ đó về sau, triều Chu có hai đô thành, ở phía tây là Hạo Kinh, còn gọi là Tông Chu, ở phía đông là Lạc Ấp, còn gọi là Thành Chu.

Chu Công phò tá Thành Vương trong bảy năm, đã củng cố được nền thống trị của vương triều Chu. Ông còn định ra một hệ thống điển chương chế độ cho vương triều. Đến khi Thành vương tròn hai mươi tuổi, ông trao trả lại chính quyền cho Thành Vương.

Đời Thành Vương và đời con là Khang Vương, khoảng trong năm mươi năm, là thời kỳ cường thịnh, thống nhất của triều Chu. Lịch sử gọi đó là "Thành Khang chi trị" (thời thịnh trị Thành Vương và Khang Vương).


QUỐC NHÂN BẠO ĐỘNG

Thời Thành Vương và Khang Vương, tình hình chính trị triều Chu khá ổn định. Về sau, do quý tộc chủ nô bóc lột nặng nề, không ngừng phát động chiến tranh, nên tâm lý bất mãn trong dân chúng và nô lệ dần dần tăng lên. Để trấn áp nhân dân, giai cấp thống trị triều Chu áp dụng những hình phạt rất tàn khốc. Thời Chu Mục Vương, đã đặt ra ba ngàn điều hình luật, chia hình phạt thành năm loại, gọi là "ngũ hình", như khắc chữ lên trán, cắt mũi, chặt chân vv... Nhưng hình phạt dù nghiêm khắc thế nào cũng không ngăn được sự phản kháng của chúng dân.

Đến đời vị vua thứ mười thời Tây Chu là Chu Lệ Vương, việc bóc lột nhân dân càng nặng nề. Chu Lệ Vương tin yêu một đại thần là Vinh Di Công, cho thực hiện chế độ "độc quyền". Tầng lớp quý tộc chiếm cứ hết hồ ao, sông suối, không cho dân kiếm nguồn lợi thiên nhiên. Không những thế, chúng còn thu tài vật, ra sức ngược đãi nhân dân.

Lúc đó, những nông phu sống ngoài đồng ruộng được gọi là "dã nhân", những bình dân sống ở đô thành, được gọi là "quốc nhân". Quốc nhân ở Hạo Kinh bất mãn với các biện pháp bạo ngược của Chu Lệ Vương, đâu đâu cũng nghe thấy lời oán giận.

Đại thần Chiêu Công Hổ nghe thấy những lời bàn luận của quốc nhân ngày càng nhiều, liền vào cung tâu với Lệ Vương: "Trăm họ không chịu nổi, nếu Đại Vương không nhanh chóng thay đổi chính sách, thì rối loạn sẽ khó mà tránh khỏi".

Lệ Vương thản nhiên đáp: "Ngươi chớ vội, ta đã có biện pháp đối phó".

Thế là Lệ Vương liền ra lệnh cấm chỉ quốc nhân bàn chuyện chính sự. Rồi tìm từ nước Vệ về một thày bói, chuyên dò xét những người hay phê phán: "Nếu thấy kẻ nào phỉ báng ta thì ngươi phải tâu lên lập tức".

Để nịnh nọt Lệ Vương, tên thày bói liền phái rất nhiều tay chân đi khắp kinh thành. Bọn này cậy thế hạch sách mọi người, ai không phục tòng là bị vu cáo hãm hại. Lệ Vương tin theo tên thầy bói, giết rất nhiều người. Quốc nhân không dám bình luận công khai nữa. Người đi đường gặp nhau, chỉ dùng mắt làm hiệu trao đổi rồi đi thẳng.

Lệ Vương nghe lời tâu, thấy những người ta thán ít đi thì rất phấn khởi. Một lần, Chiêu Công Hổ vào tiếp kiến, Lệ Vương dương dương tự đắc nói: "Ngươi xem, hiện nay chẳng phải là không còn kẻ nào dám phê bình triều chính rồi sao?".

Chiêu Công Hổ thở dài nói: "Ôi, làm như thế sao được. Nút chặt miệng người ta lại không cho nói, còn nguy hiểm hơn là chặn lấp mọi dòng sông lại, không cho chảy nữa! Trị thủy thì phải khơi thông dòng chảy, cho nước ra biển, trị nước cũng vậy, phải khêu gợi mọi người nêu ý kiến. Nếu chặn lấp dòng chảy thì sẽ vỡ đê đập, ngăn chặn ngôn luận thì sẽ sinh đại loạn".

Lệ Vương bĩu môi không thèm nghe, Chiêu Công Hổ đành phải lui ra ngoài.

Chính sách bạo ngược của Lệ Vương và Vinh Di Công càng ngày quá quắt, nên ba năm sau, tức là 841 trước Công nguyên, quốc nhân không nín nhịn được nữa, liền tổ chức một cuộc bạo động quy mô lớn. Quân khởi nghĩa bao vây vương cung, tìm giết Lệ Vương.

Được tin, Lệ Vương sợ hãi, liền cùng một số thân tín chạy trốn, vượt qua Hoàng Hà, đến đất Trệ (nay ở đông bắc huyện Hoắc, tỉnh Sơn Tây) và ẩn náu ở đó.

Quốc nhân tiến vào vương cung, không tìm thấy Lệ Vương, nhưng biết tin thái tử Tĩnh trốn vào nhà Chiêu Công Hổ, liền bao vây nhà Chiêu Công Hổ, đòi giao nộp thái tử. Chiêu Công Hổ phải đem con trai mình, mạo xưng là thái tử, nộp cho quân khởi nghĩa, mới bảo vệ được thái tử.

Sau khi Lệ Vương bỏ trốn, triều đình không vua, lấy ai giải quyết việc triều chính? Các đại thần thương nghị, cử ra hội đồng chấp chính quý tộc gồm Chiêu Công Hổ và Chu Công để tạm thời thay thế chức quyền của thiên tử. Lịch sử gọi sự kiện đó là "Cộng hòa hành chính". Từ năm đầu cộng hòa tức là năm 841 trước Công nguyên, lịch sử Trung Quốc mới bắt đầu được ghi chép chính xác theo năm tháng.

Nền cộng hòa hành chính duy trì được mười bốn năm, thì Chu Lệ Vương chết ở đất Trệ. Các đại thần lập Thái tử Cơ Tĩnh lên nối ngôi, tức là Chu Tuyên Vương. Về chính trị, Chu Tuyên Vương tương đối tiến bộ, được các chư hầu ủng hộ. Nhưng, qua các cuộc bạo động của quốc nhân, nền thống trị của triều Chu bắt đầu suy yếu, không còn hưng thịnh được nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info