ZingTruyen.Asia

Lich Su Trung Quoc 5000 Nam

A ĐẨU ĐỚN HÈN

Sau khi Đặng Ngải diệt Thục, Hậu chủ Lưu Thiền còn lưu lại Thành Đô. Tới khi Chung Hội và Khương Duy làm binh biến thất bại, Tư Mã Chiêu thấy để Hậu chủ ở Thành Đô sẽ dễ sinh nhiều bất trắc, liền phái Giả Sung vào Thành Đô dẫn Lưu Thiền về Lạc Dương. Lưu Thiền vốn là kẻ u mê bất tài. Khi Gia Cát Lượng còn sống, mọi công việc quốc gia đại sự đều giao cho Gia Cát Lượng giải quyết, Lưu Thiền không bao giờ đưa ra được chủ trương gì. Sau khi Gia Cát Lượng mất, tuy vẫn có các đại thần như Tưởng Uyển, Phi Vi, Khương Duy phò tá nhưng Lưu Thiền không còn kính trọng họ như đối với Gia Cát Lượng nữa. Sau khi Tưởng Uyển, Phí Vi mất, hoạn quan Hoàng Hạo đắc thế lộng hành, triều chính Thục Hán càng ngày càng thối nát. Tới khi Thục Hán diệt vong, Khương Duy bị giết, các đại thần người thì chết, người thì bỏ đi. Đi theo Hậu chủ về Lạc Dương chỉ có 2 viên quan cấp thấp là Khích Chính là Lưu Thông. Lưu Thiền hết sức ngốc nghếch, mỗi khi tiếp xúc, xưng hô đều phải nhờ Khích Chính chỉ dẫn. Lúc thường, Lưu Thiền không coi Khích Chính ra gì, đến nay mới thấy Khích Chính là người tận tụy trung thành.

Lưu Thiền đến Lạc Dương, Tư Mã Chiêu lấy danh nghĩa Ngụy Nguyên Đế, phong Lưu Thiền làm An Lạc công. Ngoài ra, còn phong con cháu Lưu Thiền và những đại thần cũ của Thục Hán, tất cả gồm hơn 50 người làm tước hầu, Làm như vậy, Tư Mã Chiêu chỉ nhằm lung lạc nhân tâm, để ổn định tình hình trong vùng đất mới chiếm được. Nhưng Lưu Thiền lại coi đó là ân huệ to lớn. Một hôm, Tư Mã Chiêu mở tiệc lớn, mời Lưu Thiền và các đại thần của Thục Hán cũ tham dự. Trong yến tiệc, Tư Mã Chiêu cố ý cho đoàn ca nữa biểu diễn các điệu ca múa của Thục. Các đại thần ngồi xem, nghĩ tới nhục mất nước, ai cũng xúc động rơi nước mắt. Chỉ có Lưu Thiền là há miệng nghe chăm chú say sưa như khi còn ngồi trong cung điện cũ của mình vậy. Tư Mã Chiêu quan sát thái độ của Lưu Thiền, sau bữa tiệc liền nói với Giả Sung: "Lưu Thiền hèn đớn tới mức này, thì dù Gia Cát Lượng còn sống, e cũng không thể giữ nổi Thục Hán, nói gì đến Khương Duy".

Mấy ngày sau, Tư Mã Chiêu lại gặp Lưu Thuyền hỏi: "An Lạc công có nhớ mong đất Thục không?".

Lưu Thiền hồn nhiên trả lời: "Ở đây rất vui. Thiền này chẳng nhớ gì đất Thục cả".

Khích Chính đứng bên, nghe Lưu Thiền nói năng không ra sao, khi về chúa phủ liền nói: "Chúa công không nên trả lời Tấn vương (tức Tư Mã Chiêu) như thế".

Lưu Thiền ngây ngô hỏi: "Thế theo ý ngươi thì phải trả lời thế nào?".

Khích Chính nói: "Lần sau, nếu Tấn vương có hỏi như thế nữa, chúa công cần phải sụt sùi rơi lệ mà nói: phần mộ tổ tiên của Thiền này đều ở đất Thục, trong lòng luôn luôn tưởng nhớ khôn nguôi. Nói như vậy, may ra Tấn vương có thể tha chúng ta về đất Thục".

Lưu Thiền gật đầu nói: "Ngươi nói rất đúng. Ta sẽ ghi nhớ để lần sau nói như vậy".

Lần sau, quả nhiên Tư Mã Chiêu lại hỏi: "Triều đình đối đãi tốt như thế, ông còn nhớ đất Thục không?".

Lưu Thiền nhớ tới lời Khích Chính dặn, liền cố gắng đáp lại đúng từng câu từng chữ, 1 mặt cố làm ra dáng bi thương, nhưng không sao rặn ra được nước mắt, đành nhắm tịt mắt lại. Tư Mã Chiêu thấy bộ dạng đó, đã đoán biết được, liền cười lớn hỏi: "Câu nói này sao có vẻ giống lời lẽ Khích Chính thế?".

Lưu Thiền giật mình mở mắt, ngây người nhìn Tư Mã Chiêu: "Dạ đúng! Đúng là Khích Chính dạy Thiền này nói như thế".

Tư Mã Chiêu cười vang, tùy tòng tả hữu cũng không ai nhịn được cười. Từ đó, Tư Mã Chiêu thấy rõ Lưu Thiền là kẻ đớn hèn vô dụng, chẳng có thể làm hại gì mình được, liền bỏ qua, không giết. Sự đớn hèn, ngu ngốc của Lưu Thiền trở thành nổi tiếng trong lịch sử. Cho tới ngày nay, người ta vẫn dùng câu "đớn hèn như A Đẩu" để nói về những kẻ ngu ngốc, vô dụng.


VƯƠNG TUẤN DÙNG LÂU THUYỀN ĐÁNH NGÔ

Sau khi diệt được Thục Hán, Tư Mã Chiêu chưa kịp đánh Đông Ngô thì đã bị bệnh mất. Con Tư Mã Chiêu là Tư Mã Viêm phế luôn hoàng đế bù nhìn là Ngụy Nguyên đế Tào Hoán, tự mình lên làm hoàng đế, lập ra triều Tấn. Đó là Tấn Vũ Đế. Từ năm 265 đến năm 316, triều Tấn đóng đô ở Lạc Dương, lịch sử gọi triều đại đó là Tây Tấn. Khi triều Tây Tấn được kiến lập, thì Đông Ngô, nước duy nhất còn lại của thời Tam quốc đã rất suy yếu. Tôn Hạo, hoàng đế cuối cùng của Đông Ngô là 1 bạo quân nổi tiếng, ngoài việc xây dựng cung thất, hưởng lạc xa xỉ, ông ta còn dùng những hình phạt tàn khốc vô nhân đạo như lột da móc mắt để trấn áp nhân dân, nên trên từ quan lại, dưới tới dân đen đều căm ghét.

Năm 279, một số đại thần triều Tấn cho rằng thời cơ đã chín muồi, đều khuyên Tấn Vũ Đế diệt Đông Ngô. Tấn Vũ Đế liền huy động hơn 20 vạn quân, chia làm mấy đường tiến công Kiến Nghiệp (nay là thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô). Trấn Nam đại tướng quân Đỗ Dự chỉ huy cánh quân đi giữa, tiến xuống Giang Lăng; An Đông tướng quân Vương Hồn chỉ huy cánh quân phía đông, tiến xuống Hoàng Giang (nay thuộc tỉnh An Huy); ngoài ra còn có 1 cánh thủy quân do thứ sử Ích Châu là Vương Tuấn, theo Trường Giang từ phía tây tiến xuống.

Vương Tuấn là 1 viên tướng có tài, ông đã sớm chuẩn bị việc đánh Ngô, cho chế tạo nhiều chiến thuyền ở Ích Châu. Loại chiến thuyền này rất lớn, có thể chở được 2000 người, trên có lầu cao, từ đó có thể quan sát được khá xa. Vì vậy ông gọi đó là lâu thuyền. Việc chế tạo lâu thuyền được tiến hành bí mật. Nhưng trong khi đóng thuyền, có 1 số mảnh gỗ vương vãi rơi xuống nước, thuận dòng trôi nổi tới tận Đông Ngô. Ngô Ngạn là 1 thái thú của Đông Ngô phát hiện thấy hiện tượng đó liền tâu lên hoàng đế Tôn Hạo: "Thần thấy những mảnh gỗ đó nhất định là do quân Tấn đang đóng thuyền để vương vãi xuống. Quân Tấn đóng thuyền, rõ ràng là nhằm tiến công Đông Ngô ta. Hạ thần khẩn thiết xin bệ hạ sớm cho phòng bị".

Nhưng Tôn Hạo thản nhiên trả lời: "Sợ cái gì! Ta không đánh chúng thì thôi, chúng làm sao dám xâm phạm đến ta".

Ngô Ngạn vẫn không yên tâm, liền cho đóng nhiều cọc gỗ xuống lòng sông ở những nơi hiểm yếu, dùng xích sắt chằng ngang sông; lại cho đóng những cọc sắt dài hơn 1 trượng chìm dưới mặt nước như đá ngầm để cản thủy quân Tấn. Qua 1 năm, cánh trung quân của Đỗ Dự và cánh phía đông của Vương Hồn liên tiếp thắng trận, chỉ có thủy quân của Vương Tuấn bị xích sắt và cọc sắt ngăn lại ở Ti Qui, không tiến lên được. Vương Tuấn liền nghĩ ra biện pháp đối phó: ông cho quân Tấn đóng nhiều bè gỗ lớn, trên có dựng bù nhìn rơm mặc áo giáp, đội mũ, mang binh khí; cho 1 số thủy binh linh lợi điều khiển bè xuôi dòng. Những cọc sắt chôn ngầm bị vướng vào đáy bè gỗ, đều bị cuốn đổ. Để đối phó với xích sắt, Vương Tuấn cho đặt nhiều bể lò rèn lớn trên bè, nung đỏ và chặt đứt hết xích ngang sông. Sau khi khắc phục được hết cọc sắt và xích sắt, thủy quân của Vương Tuấn xuôi dòng thuận lợi và nhanh chóng hội họp được với cánh trung quân của Đỗ Dự.

Đại quân Đỗ Dự đi theo đường bộ hạ được Giang Lăng, giành thắng lợi lớn. Có người đề nghị hãy tạm dừng lại nghỉ để chỉnh đốn quân đội rồi sẽ tiếp tục đánh. Nhưng Đỗ Dự nói: "Hiện nay, quân uy của ta đang vang dội, thế như chẻ tre, cần phát huy thanh thế tiến đánh đến cùng. Bây giờ không phải là lúc nghỉ ngơi". Ông hết sức cổ vũ Vương Tuấn dẫn thủy quân đánh thẳng tới Kiến Nghiệp.

Lúc đó, cánh quân phía đông của Vương Hồn cũng đã gần tới Kiến Nghiệp. Tôn Hạo phái thừa tướng Trương Đễ dẫn 3 vạn quân Ngô vượt sông nghênh chiến, bị quân Tấn tiêu diệt toàn bộ. Vừa lúc, đoàn thủy quân hùng mạnh của Vương Tuấn đã tiến gần, Tôn Hạo hoảng hốt cử Trương Tượng đem 1 vạn thủy quân chống lại. Quân của Trương Tượng vừa kéo ra, đã thấy thuyền đội của Vương Tuấn đứng kín mặt sông, những lá cờ phấp phới bay rợp trời. Thủy quân Đông Ngô từ lâu đã không tập luyện, thấy thanh thế quân Tán như thế thì sợ mất vía, chưa giao chiến đã vội đầu hàng. Một tướng Đông Ngô là Đào Tuấn đến tìm Tôn Hạo. Tuấn là kẻ hồ đồ nhưng lại muốn lập công, liền tâu với Tôn Hạo: "Hạ thần thấy thủy quân Ích Châu đều là thuyền nhỏ, xin bệ hạ cấp cho thần 2 vạn thủy binh, dùng chiến thuyền lớn, thần nhất định sẽ đánh bại quân Tấn".

Tôn Hạo lập tức phong Tuấn làm đại tướng, trao cho cờ tiết để chỉ huy toàn bộ thủy quân chống Tấn. Đào Tuấn liền hạ lệnh cho tướng sĩ: hôm sau sẽ ra quân đánh Tấn. Nhưng tướng sĩ dưới quyền thấy rõ tình thế, không muốn theo Tuấn vào chỗ chết, nên ngay đêm đó đã bỏ trốn sạch. Thủy quân của Vương Tuấn hầu như không gặp sự kháng cự nào, xuôi dòng tới thẳng Kiến Nghiệp. Suốt gần 100 dặm trên mặt sông, dày đặc chiến thuyền của Tấn. Vương Tuấn dẫn 8 vạn quân đổ bộ, tiến vào thành Kiến Nghiệp trong tiếng hò reo như sấm dậy. Tôn Hạo đã đến bước sơn cùng thủy tận, đành cởi áo, gọi người trói quặt tay lại, dẫn các đại thần Đông Ngô đến quân doanh của Vương Tuấn xin hàng.

Như vậy thời kì 3 nước phân lập tính từ khi Tào Phi xưng đế (năm 220) cho tới lúc đó là kết thúc. Triều Tấn đã thống nhất toàn Trung Quốc. Thời kì Tam quốc có rất nhiều chuyện sinh động, trong dân gian cũng lưu truyền không ít truyền thuyết. Đến đầu triều Minh, nhà văn La Quán Trung đã căn cứ vào những tư liệu lịch sử và các thoại bản dân gian, viết thành bộ tiểu thuyết lịch sử trường thiên "Tam quốc diễn nghĩa", đã dùng hình tượng nghệ thuật tái hiện các nhân vật lịch sử như Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Quan Vũ...Đó là 1 tác phẩm văn học lớn mang tính sử thi hùng tráng trong văn học Trung Quốc.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Asia