ZingTruyen.Info

(Hoàn)Xương Rồng - Hòm (Rương) - Vĩ Ngư

Lời dẫn

yuyu0206

Vân Nam là cái nôi của thành cổ.

Từ dạo Lệ Giang nổi tiếng, Đại Lý nức danh, các khu vực lân cận hễ nơi nào có tiềm năng là phăng phăng đi xây thành cổ. Ấy thế mà cũng nên tiếng nên tăm, các cụ gọi là "vững gót trên đỉnh cao", còn đài báo thời nay thì múa bút "chiếm lĩnh thị trường du lịch" ra sao, "lượng khách ổn định" thế nào.

Du lịch đã thúc đẩy sự phát triển của hai ngành nghề cơ bản là nhà hàng và khách sạn.

Khách sạn Mao Ca là địa chỉ hàng đầu trong vô vàn những khách sạn lớn nhỏ ở một thành cổ nào đó.

***

Tính ra Mao Ca kinh doanh khách sạn ở thành cổ cũng được đâu 5-6 năm.

Thoạt đầu Mao Ca mở một nhà nghỉ tập thể (hostel) ở Cam Nam, được một thời gian anh bắt đầu phàn nàn rằng trên đó mùa đông thì rét căm căm, mùa du lịch lại ngắn ngủn, thành ra cả năm chẳng kiếm được mấy đồng. Một ngày, anh đâm quạu, cuốn gói nhổ trại đến thành cổ làm ăn.

Mà kể ra thành cổ này cũng hợp mệnh anh đáo để, khách sạn vừa khai trương đã nườm nượp du khách đổ về, ba năm thu hồi vốn, rồi đồ thị cứ thế thẳng tắp một đường buôn may bán đắt...

Đến tận bây giờ vẫn khách khứa tấp nập, tương lai ngời ngời phía trước.

Khách sạn chia làm tiền viện và hậu viện, hậu viện cho khách nghỉ ngơi, nửa gian tiền viện tu sửa thành quán bar. Nếu quán bar chỉ để uống rượu thì há chẳng khác người thường, à nhầm, chẳng khác bar thường? Vì thế, Mao Ca phải vắt nát óc mới sáng tạo nên một màu sắc thật riêng cho quán của mình. Ấy là, cứ dăm ba hôm, anh lại tung ra một chủ đề như kể chuyện ma, nhập vai giết người, vân vân và mây mây, mời khách tham quan cùng chơi, cứ thế hi hi ha ha cả tối, chủ khách đều vui.

Chủ đề hôm nay là "Người bạn kỳ lạ của tôi".

Mọi người hào hứng lắm, cậu chưa nói xong tôi đã tiếp lời. Nhưng dần dà về sau, chủ đề huyền bí kia đã bị đánh tráo khái niệm thành "cực phẩm", buổi liên hoan thành đại hội "sân si".

Anh A cằn nhằn rằng bạn mình có thói quen bóc da chân nhưng không bao giờ lột ra hẳn mà để nó xòe quanh mép bàn chân, cứ bóc mãi bóc mãi như thế, nhìn chân như lót đóa hoa sen...

Hoa sen mà nghe thấy phép so sánh này, chắc chỉ muốn hoá kiếp thành bí đỏ.

Chị B thì than thở bạn mình thích sưu tầm "tế bào chết" bằng cách kì ghét trên người cho thành nhúm, rồi tỉ mẩn cất trong bình thủy tinh, đợi một ngày đủ đầy để nặn thành cậu ta phiên bản mini....

Ban đầu Mao Ca vẫn chêm vào mấy câu, về sau thì chỉ còn nước há hốc mồm, vừa nghe vừa nổi da gà, tặc lưỡi, già rồi, mình già thật rồi, giới trẻ thời nay khẩu vị nặng quá.

Mãi mới đến 11 giờ để giải tán, Mao Ca khấp khởi đứng dậy dọn bàn trong khi những đồng chí đã cống hiến vô số câu chuyện buồn nôn của mình vẫn chưa đã thèm, túm năm tụm ba, châu đầu rủ rỉ trò chuyện.

Mao ca đang kê bàn cho ngay ngắn thì một cô gái mặt trái xoan, mới độ 17-18 tuổi dò dẫm lại hỏi: "Chú ơi, Thần Côn mà chú kể ấy, có thật không hả chú?"

Mao ca khẳng định chắc nịch: "Thật chứ."

Lưu lạc giang hồ bấy lâu, bạn bè "lạ" thì đầy rẫy, nhưng "kì" nhất chắc chắn phải là Thần Côn chứ không ai. Bởi lão sống một cuộc đời khó tin nhưng có thật. Hai mươi tuổi, lão hùng hồn tuyên bố sẽ ngao du khắp chân trời góc bể để sưu tầm những truyện quái lạ, trong thế giới này lão là số hai thì không ai là số một, phấn đấu vì mục tiêu trở thành chàng trai vàng trong làng chuyện lạ. Ấy vậy mà lão làm được, ròng rã gần ba chục năm trời rong ruổi khắp các nẻo đường, hì hụi ghi chép biết bao truyền kì, chồng chất thành mấy bao tải nặng trĩu những giấy là giấy.

Thoạt đầu, Thần Côn không chê nặng, lúc nào cũng hừng hực khí thế vác bao tải vượt núi băng đèo. Cho tới mấy năm trước, bạn bè khuyên can mãi mới chịu chuyển dần kho tàng đồ sộ này sang lưu trữ điện tử.

Cô gái trẻ nghe mà líu cả lưỡi: "Giờ thì sao, ông ấy còn phiêu lưu khắp nơi không?"

Mao ca trả lời: "Không, nghỉ ngơi rồi, bảo là phải sắp xếp tài liệu nghiên cứu vấn đề gì gì đó."

Trước kia Thần Côn không có nơi ở cố định, sau nhờ bạn bè tương trợ mới có mái nhà che mưa. Giờ lão đang ở cùng một tên mặt âm dương lập dị trong tòa nhà cổ ở trấn Hữu Vụ, Vân Nam.

Cô gái tiếc rẻ: "Sao lại không đi nữa ạ?"

Mao ca thuận miệng trả lời: "Già rồi chứ sao."

Nào có chuyện theo đuổi đam mê cả cuộc đời? Có câu "Năm đến năm đi hoa chẳng đổi, năm qua năm lại người khác vời" là vậy, "năm qua tháng lại", người cũng đổi dời long đong.

Cô gái phản bác: "Có phải bây giờ ông ấy mới già đâu, già từ chục năm trước rồi mà."

Với cô gái trẻ mới mười mấy tuổi đầu, mặt còn búng ra sữa thì ba chục tuổi bắt đầu già, bốn mươi là đầu kề bên lỗ, qua năm mươi chắc phải ở một thế giới khác. Theo logic của cô thì đúng là Thần Côn đã già khọm từ chục năm về trước rồi.

***

Người nói vô tình, người nghe hữu ý.

Dọn dẹp xong đâu vào đấy thì đồng hồ cũng sắp điểm 12 giờ. Trong căn nhà vắng, Mao ca tựa quầy bar, vò võ rót rượu một mình. Sống mũi cay xè vì ừng ực tu Nhị Oa Đầu, anh ngẫm lại chuyện ban nãy vẫn canh cánh trong lòng.

Đúng là đã lâu Thần Côn không ra ngoài.

Quả khác thường.

Trước kia, Thần Côn hễ nghe phong thanh là phải đi đào tận gốc nhưng không biết tự khi nào, có lẽ từ lần đi ải Hàm Cốc chăng? Từ độ ấy, lão ta bắt đầu kén chọn, kể cho lão nghe chỗ này chỗ kia có chuyện lạ, mới được vài câu là lão đã gạt đi, lầu bầu cái gì mà "không thèm hóng mấy chuyện như vậy". Như thể lão đã bày trận đâu ra đấy, chỉ chờ một câu chuyện đặc biệt hấp dẫn, dành riêng cho lão không bằng.

Hoặc như năm ngoái, có người lặn lội từ Tây Bắc xuống nhờ, rằng ngoài ải Ngọc Môn có sự bất thường, e còn thế giới khác, lão cũng không buồn nhấc mông dời ổ, phải như xưa, lão chẳng chạy quắn đít như vớ được vàng ấy chứ.

Thế là thế nào nhỉ, trước kia Thần Côn có kén chọn thế đâu.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cái này không thích cái kia không ưng, rốt cuộc lão ta "thèm" cái gì mới được.

***

Lắm chuyện vốn đã không nên nghĩ nhiều, nay hơi men đã nồng, càng nghĩ càng rối như mớ bòng bong.

Mao Ca không dằn nổi nữa, bấm máy gọi ngay cho Thần Côn.

Không ai bắt máy.

Chẳng lạ, có mấy khi Thần Côn chịu nghe điện thoại. Nếu bạn dám cằn nhằn, thể nào lão cũng chống chế: "Thì sao nào, thời gian của tôi là vàng là bạc, chỉ dành cho những chuyện quan trọng nhất, đâu có rảnh mà ngồi canh điện thoại."

Nhưng với Mao Ca, nó chưng hửng, hụt hẫng như đấm phải mớ bông, vồ phải không khí, vì vậy, do dự vài giây, anh bấm một số khác.

Trong nhà lắp điện thoại bàn, và chắc chắn có người nghe máy, bởi gã mặt âm dương kia, từ khi chuyển đến, gần như không bao giờ bước chân ra khỏi nhà, phạm vi hoạt động còn hẹp hơn cả khuê phòng của con gái thời xưa.

Quả nhiên, chuông đổ chưa được bao lâu đã có người nhấc máy, giọng khàn khàn.

"Alô?"

Mao Ca đâm hoảng, anh chưa có cơ hội "diện kiến" nhưng Thần Côn từng miêu tả như "Bổ đôi mặt hai người lạ rồi ghép tạm với nhau", "Bên trái là một người đàn ông bình thường nhưng bên phải thì khác. Nó cứng đơ đơ như tượng đất sét, rõ bặm trợn, ngang tàng, nhìn kĩ còn xen cả nét chua ngoa đanh đá gớm ghê", "Một gương mặt sẽ khiến cậu gặp ác mộng đấy Tiểu Mao Mao ạ".

Giọng nói ở đầu dây bên kia chính là của gã mang khuôn mặt âm dương trong truyền thuyết.

Nhưng giọng có vẻ khá bình thường.

Mao ca nuốt nước bọt cái ực: "Anh Thạch ạ?"

"Ừ."

"Thần Côn... Có ở nhà không ạ?"

"Không."

Không...

"Đi dạo ạ?"

Đêm đêm, Thần Côn thích thả dơi mắt bạc đi dạo, giống như người thường dắt chó tản bộ sau bữa ăn. Mà trấn Hữu Vụ ngay cạnh một ngọn núi kì lạ, đường đi gập ghềnh, khúc khuỷu, không cẩn thận là "dạo" hơi xa.

"Không, đi xa."

Đi xa?

Ấy thế mà Mao ca không hiểu ngay "đi xa" là gì, chắc tại Thần Côn nghỉ phép lâu quá. Cũng chính vì thế, chuyến "đi xa" bất ngờ này dậy mùi tái xuất giang hồ.

Sau khi "tiêu hoá" xong, dường như dòng máu chảy dọc huyết quản cũng sôi ùng ục theo tiếng đáp hân hoan của anh: "Sao lại đi xa ạ?"

Giọng mặt âm dương vẫn cứng nhắc như tảng đá : "Vì muốn đi."

Nhưng câu trả lời hời hợt này sao đuổi nổi Mao ca: "Chểnh mảng mấy năm nay, đùng cái bảo đi là đi không ỏ ê lấy một lời, chắc phải có nguyên nhân hay bị thứ gì đó kích động chứ? Trước khi lão đi có chuyện gì đặc biệt xảy ra không?"

Mặt âm dương ở đầu dây bên kia dừng lại mấy giây như đang gắng hồi tưởng.

Khi trả lời vẫn giọng điệu bình bình: "Mạng hết hạn nên phải lên văn phòng huyện nộp tiền."

Mao ca vểnh tai nghe...

"Đang thanh toán thì có người nói chuyện điện thoại, nghe lỏm được câu gì đó."

Khá lắm, câu chuyện bắt đầu, Mao ca rót một chén trợ hứng, vừa nghe vừa nhắm rượu.

Nào ngờ mặt âm dương chỉ nói đến đây.

Mao ca ghét nhất là thứ chuyện lập lờ, có phải truyện đọc thử để thu phí đâu mà lấp la lấp lửng cái gì không biết.

Anh hỏi dồn: "Sau đó thì?"

Mặt âm dương trả lời: "Không có sau đó, nghe xong lão ta quyết định đi theo người ấy luôn, không về nhà lấy hành lí, chỉ gọi điện dặn dò mấy câu."

Mao ca sững sờ: "Nghĩa là lão ta đi thẳng từ văn phòng huyện á?"

"Ừ."

"Vội vàng đi luôn không về lấy hành lí á?"

Mặt âm dương không trả lời, gã cảm thấy mình nói rõ ràng như thế, Mao Ca còn lặp lại lời trần thuật của mình, biến nó thành câu hỏi, khác nào vẽ rắn thêm chân.

"Thế... Người kia nói gì trong điện thoại?"

Mặt âm dương trả lời: "Không biết."

Mao ca tức điên: "Sao anh không hỏi?"

Mặt âm dương đáp: "Không quan tâm."

Đợi một lát, thấy Mao Ca không hỏi thêm, chắc không còn gì để hỏi nên gã thẳng tay dập máy.

Đó là một chiếc điện thoại treo tường, trên tường có một ô cửa sổ bằng gỗ, giấy dán kính đã rách tươm từ lâu nhưng không ai thay. Qua ô cửa vuông trần trụi sắp mục, gã có thể thấy chân núi đã mù sương, thấy làn sương bàng bạc từ bốn phương tám hướng lân la tràn về như vô vàn hồn ma chậm chạp lê lết tấm thân già nua, còm cõi đến đây tụ họp.

Gã không quan tâm thật, trên đời này vốn chẳng còn gì đáng để gã quan tâm nữa.

***

Tối nay muốn gặp lão khó như lên giời vậy, Mao ca hậm hực vào nhà rửa mặt. Nhưng đến khi yên vị trên giường, anh đã bình tĩnh hơn, thuyết phục bản thân rằng số trời đã định, tùy lão ta thôi.

Đâu phải lần đầu Thần Côn đi xa, dăm ba tháng lại về, lại có chuyện li kì để nghe. Huống hồ bây giờ mình đã có nhà có cửa, có nghề có nghiệp, đâu còn là Lão Mao Tử có thể bỏ tất cả sau lưng, bôn ba vạn dặm chỉ để đỡ bạn một tay.

Bên cạnh, chị nhà đã ngủ say, hơi thở đều đều lên xuống nhịp nhàng, trong âm thanh êm dịu ấy Mao ca bắt đầu buồn ngủ. Anh thở dài, gánh nặng gia đình ôi gánh nặng gia đình, nhọc nhằn thật đấy nhưng âu cũng là gánh nặng ngọt ngào.

Rồi anh mơ.

Mơ thấy Thần Côn đang hì hục vác bao tải ngay phía trước, lẩn trong sương mù. Mao ca hăm hở xông lên mà đuổi hoài đuổi mãi không kịp, đành hổn hển gọi: "Côn ơi! Côn ơi!"

Thần Côn quay lại thật, tóc tai xoăn tít bờm xờm, đeo kính khung đen, một bên gọng gãy phải quấn tạm lớp lớp băng trắng.

Mao ca hỏi gã: "Lúc nộp tiền mạng ở phòng giao dịch huyện, lão nghe thấy người ta nói gì thế?"

Thần Côn không đáp, lẳng lặng nhìn gã hồi lâu mới cất tiếng gọi: "Lão Mao Tử này."

Mao ca rùng mình, lập tức nghiêm túc. Thần Côn thường gọi gã là "Tiểu Mao Mao", ít khi gọi "Lão Mao Tử" lắm nhưng hễ gọi là ắt có chuyện quan trọng.

Thật vậy.

Thần Côn bảo: "Thực ra, tôi phải tìm một cái hòm."

Mao ca ngỡ ngàng: "Hòm gì cơ?"

Thần Côn khua tay miêu tả: "Một cái hòm dài chừng này, rộng chừng này, bị trộm mất."

p/s: Thực ra, Vĩ Ngư đã nói sẽ viết quyển này sao cho những ai chưa đọc các truyện trước đó vẫn hiểu được. Thế nên nếu chưa đọc, các cậu hoàn toàn có thể bỏ qua phần dưới đây. Tớ bổ sung để gợi lại cho những ai đã đọc rồi mà quên mất hoặc chưa đọc nhưng tò mò muốn hiểu kĩ hơn nha nha.

"Ải Ngọc Môn có thế giới khác" chính là ải Ngọc Môn trong "Tây xuất Ngọc Môn".

Mao ca và Thần Côn thì quen rồi nhỉ.

Trấn Hữu Vụ đã được nhắc tới trong "Bảy căn hung giản", dáng núi và đường đi như mê cung, người thường đi vào rất dễ bị lạc.

Mặt âm dương là Thạch Gia Tín trong Oán khí đụng chuông, Quý Đường Đường dẫn oán khí của Thịnh Ảnh lên người hắn để cả hai dùng chung một xác. (Tóm tắt cho ai lười đọc lại: Thạch Gia Tín muốn người yêu quá cố của mình được siêu thoát nên phải hóa giải oán khí của Thịnh Ảnh (trước đó đã bị Thạch Gia Tín mưu sát), nguyện vọng của Thịnh Ảnh là cùng tồn tại, Thạch Gia Tín đồng ý nên oán khí trút vào người hắn tồn tại song song > hình thành mặt âm dương).

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info