ZingTruyen.Info

[Hài, Xuyên Không] Quỷ Tóc Đỏ

Chương 37

Vanessaoith

Nguyên một tuần trời, tôi chỉ biết đóng cửa trong phòng ngồi khóc. Tôi biết là mình yếu đuối, nhưng sự tuyệt vọng cứ xâm chiếm lấy tâm hồn tôi, giày vò dai dẳng khôn nguôi. Ngày một, tôi khóc vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ cả con ranh con hay mách lẻo và giãy đành đạch ăn vạ. Ngày thứ hai, tôi bắt đầu nhớ sang đám bạn thuở cởi truồng tắm mưa, những người anh em chí cốt từng cùng nhau cạn chén nước lọc thề, giành nhau từ gói bim bim cho đến quả trứng cút trong hộp bánh tráng. Đến ngày thứ ba, tôi bắt đầu nhớ thầy cô, nhớ người từng ghi tôi trong sổ đầu bài, cho tôi đứng góc lớp, từng ngày ngày gọi điện tâm sự với phụ huynh về tội xấu của tôi. Ngày thứ tư sang, tôi nhớ cả đến hàm logarit, nhớ từ drama tranh chấp tài sản của anh M chị N cho đến ba trăm sáu lăm động từ bất quy tắc; nhớ bài Đất Nước, Vội Vàng, nhớ cả đến cơn ác mộng mang tên Ai đã đặt tên cho dòng sông. Mỗi lần nhớ một thứ, tôi lại càng thấy ruột đau thêm một phần. Tôi cứ ngồi ngẩn ngơ hồi tưởng về quá khứ, hết ngày đến đêm, hết mặt trời ló dạng qua kẽ lá cho đến trăng treo đầu cành, qua ngày thứ bảy, tôi thậm chí còn nhớ được cả tiếng meo meo của con Bo nhà mình. Không rõ giờ nó ra sao rồi, có chịu ăn uống và đi tiêm đầy đủ không? Bố mẹ tôi sau chuyện ấy giờ vẫn sống ổn chứ? Tôi đi rồi, nhà chỉ còn con nhãi với con mèo, mỗi lần đi qua phòng tôi các cụ còn có thấy trống vắng hay không?

Cứ nghĩ đến chuyện ấy là lòng quặn lại, tôi lôi chiếc điện thoại đã hết pin từ lâu ra ngắm nó như một món đồ kỷ niệm, rồi gió hiu hiu, đêm thanh mát, nước mắt tôi lại rơi lúc nào chẳng hay. Kể cả khi đi vào giấc mơ tôi cũng thấy mình đang ngồi trong phòng thi, bên cạnh là một bạn cặm cụi làm bài, đằng dưới là một đứa lén lút giở phao sao để không bị thầy cô bắt. Không khí phòng thi im lặng như tờ, tôi còn nghe được cả tiếng giấy loạt xoạt và ngòi bút ma sát liên tục. Chưa bao giờ tôi lại khao khát được thi đại học đến thế này. Tôi ước được quay lại làm đề, được tô chi chít vào ô trắc nghiệm, được múa bút ra những câu văn hoa mỹ sến rện dài đến ba bốn tờ. Tôi thèm lắm một lần nữa được cùng bạn phi xe trên triền đê lộng gió, buông những câu chán đời về tương lai vô định, rồi cùng nhau ngắm hoàng hôn đỏ rực trên mặt sông. Tôi khao khát một cốc trà đào full thạch và macchiato béo ngậy, một bát phở gà trộn đầy ú nu trên phố cổ, rồi sau đó nhâm nhi ly cafe vỉa hè hoặc một bát tào phớ đầy hạt trôi và thạch sương sáo. Lòng tôi cồn cào một nỗi nhớ Hà Nội. Cả tuần trời chỉ khóa mình trong phòng, tôi chẳng biết làm gì ngoài viết, và vẽ vu vơ những gánh hoa rong trên phố vào mỗi buổi sớm mai.

Cho đến tận lúc này, tôi không nghĩ mình lại yêu thế giới đó đến vậy. Những điều nhỏ nhặt nhất từng bị bỏ quên đều được tôi nhặt nhạnh rồi khắc lại trong tim. Đúng là khi mất đi rồi, con người ta mới biết quý trọng mọi thứ quanh mình. Nhưng có nuối tiếc thì cũng đã là quá muộn. Giờ bị kẹt ở đây, một mình chống chọi với cả thế giới, không còn ai quen thuộc ở bên, tôi biết phải sống làm sao bây giờ?

Mấy lần Thu Dung nghe người hầu bẩm báo lại liền ghé qua hỏi thăm tôi, nhưng tôi vẫn một mực đóng cửa không gặp. Tôi không muốn họ nhìn thấy bọng mắt thâm quầng, đầu tóc rối bù, mặt mũi khóc đến trắng bệch ra của mình. Không cần soi gương tôi cũng biết giờ trông mình thê thảm đến tệ. Chưa kể nỗi nhớ như một cơn bệnh dễ lan truyền, thà một mình tôi phải chịu thôi đã là đủ rồi. Đám người Thu Dung đã quen với thế giới này, tôi không nỡ khơi lại nỗi nhớ nhà đã dần phai mờ trong lòng họ. Nếu không, một khi đã bị bùng phát rồi thì rất khó để thoát ra được như tôi.

Mặc dù ở yên trong phòng, nhưng thi thoảng tôi vẫn nghe ngóng được ngày cưới của Trịnh Công Sơn sắp đến rồi. Điều đó lại làm tôi rầu rĩ hơn nữa. Tên cứng nhắc đó vẫn quyết tâm hi sinh bản thân mình để cứu tôi và Nguyễn Linh. Hắn càng làm như thế, tôi lại càng thấy bứt rứt trong lòng. Thà rằng ngay từ đầu hắn không giúp tôi khi bị Trịnh Lục Diệp làm loạn, thà rằng hắn vẫn cứ kì thị tôi như ngày đầu mới đến, thà rằng tôi không vào cung, vô tình để cho Nguyễn Linh biết được anh trai mình vẫn đang tồn tại bên ngoài... Thà rằng cứ như thế, thì hắn cũng không đến mức rơi vào hoàn cảnh như này. Có thế nào tôi cũng không thoát khỏi suy nghĩ rằng chính mình làm hại hắn, chỉ vì sự ngu dốt và đen đủi của tôi, mà Trịnh Công Sơn phải gánh lấy mọi thiệt thòi cam chịu.

Những cảm xúc tiêu cực cứ nhấn chìm tôi trong nỗi sầu kiệt quệ. Đôi lúc tôi cảm nhận được mình đang tự nhét mình lại trong cái bao tối thui để lấy lại cảm giác an toàn. Hơn nửa năm trôi qua, tôi đã dần hoà nhập được với thế giới ngoài kia, nhưng giờ thì lại không muốn tiếp tục nữa. Tôi biết điều này là không nên, khi chính ký ức về quá khứ trong chiếc bao lại đang gặm nhấm tâm hồn mình, nhưng tôi không thể tháo nút được. Ánh sáng vô định ngoài bao làm tôi thấy sợ hãi, sợ rằng nó sẽ phá bỏ bức tường mộng tưởng của tôi, lôi xềnh xệch tôi ra ngoài đối mặt với hiện thực tàn khốc. Để rồi tôi buộc phải nhận ra cuộc đời vốn dĩ tệ hại như thế, chỉ có kẻ yếu đuối như tôi là mãi không thể chấp nhận được mà bao bọc mình trong lạc quan giả tạo mà thôi.

Cứ như vậy đến ngày thứ mười, có vẻ như không chịu được tình trạng tự cô lập này của tôi nữa, Anh Vũ trực tiếp đột nhập vào phòng tôi bằng cửa sổ.

"Lâu ngày không gặp, trông cô thảm hại quá đấy."

Tôi gạt vội đi những giọt nước mắt, luống cuống giấu đi bọng mắt còn sưng đỏ. "Tên khốn, cậu gõ cửa một tiếng thì chết ai à."

"Tôi đã gõ ba ngày nay rồi mà cô vẫn giả điếc đấy thôi." Hắn ta ngồi xổm xuống cạnh tôi, tay chống lên má. "Trông tệ quá rồi, ta nên ra ngoài đi thôi."

"Không đi." Tôi quay mặt sang bên kia, cứng giọng nói với hắn. Anh Vũ tiến đến kéo người tôi dậy.

"Trẻ con quá đấy. Nào, người lớn nói phải nghe chứ."

Chẳng hiểu sao cò cưa một hồi, tôi cũng chịu để hắn dựng mình dậy thật. "Cậu còn kém tôi hai tuổi kia, làm như mình lớn lắm ấy."

Tên này trông vậy, nhưng khi ở chung trên đảo, không biết bao lần hắn chính chắn và trưởng thành đến lạ. Chính vì thế mà tôi mới không bị hoảng loạn khi phải vô vọng sinh tồn trên đảo hoang. Tuy có hơi bỉ ổi lố lăng, nhưng đến lúc nguy cấp, hắn rất biết cách làm người khác cảm thấy yên lòng. "Anh Vũ, thực ra cậu đã bao nhiêu tuổi rồi?"

Hắn cười nhẹ tênh, bình thản đáp. "Tính cả ba năm ở đây, thì chắc là... đầu ba?"

Tôi lập tức rụt tay mình lại. "Cậu đùa tôi đấy à?"

"Chuyện tuổi tác có gì phải đùa? Tôi đã khai thật, cô không tin thì đành chịu vậy."

"Chẳng có ông chú nào ba mươi mà trẻ trâu như cậu cả!"

Anh Vũ ôm ngực tỏ ra đau lòng lắm. "Đấy gọi là níu giữ tuổi thanh xuân! Ôi, nghe cô nói kìa, khác gì lấy dao mà cứa đâu. Những chuyện như này đám trẻ các cô làm sao mà hiểu được chứ?"

"Không, tôi không tin. Cậu là minh chứng cho câu 'Trẻ không chơi già đổ đốn' đấy à? Hồi còn hay xem cậu tập bóng, tôi thấy cậu có đến nỗi nào đâu?"

"Cô mới chỉ gặp qua tôi thì chắc là hiểu nhau lắm? Thôi, không dùng dằng nữa nào, dậy ra ngoài đi thôi."

Nói rồi hắn không để tôi tiếp tục ôm giường nữa, trực tiếp xách người tôi dậy, mở tủ vớ đại một chiếc giao lĩnh rồi khoác lên cho tôi. "Trông bủng beo đến mức này, thiếu Vitamin D trầm trọng rồi. Hạ Vy, nếu không tự chăm sóc bản thân tử tế nữa, có ngày cô sẽ chết queo vì ốm yếu dặt dẹo đấy."

Hắn dẫn tôi đi xuống tầng trong con mắt trầm trồ của Thu Dung và cánh người hầu trong quán. Tôi mặc thêm một cái áo choàng, trùm kín mặt, không muốn lộ ra vẻ ngoài thảm hại của mình. Anh Vũ kéo tôi lên một chiếc xe bò đã chờ sẵn sau tiệm, thản nhiên đánh xe đi, mặc cho mặt tôi đang dần đen kịt lại.

"Sao lại là xe bò nữa?"

Ngày đầu mới gặp cũng thế, lần này cũng vậy. Người ta đưa gái đi chơi không xe ngựa thì cũng kiệu, đây hắn thì nhất quyết phải đi xe bò. Sở thích của tên này kì lạ thật đấy!

Anh Vũ ngoảnh lại. "Ngựa phóng nước đại, xe ngựa lại kín, muốn dạo chơi ngắm cảnh chẳng có tâm trạng tẹo nào. Bò đi chậm, trên xe lại được lót rơm mới, không khí thoáng đãng thế này, có thể nhìn trời ngắm đất, trông núi ngóng sông, không phải là thích thú hơn à?"

Dù vẫn thấy hơi kì cục, nhưng điều hắn nói đúng là không sai. Đi được một lát, chúng tôi đã ra khỏi cổng thành. Bò cứ chậm rãi kéo xe trên đường, hình như lần này bánh xe đã được hắn cải tiến lại, tôi không còn thấy xóc nữa. Xe đang đi tới một ngôi làng nhỏ rìa kinh thành. Lâu rồi tôi mới được ngắm cảnh trong bình yên thế này. Ruộng lúa đang gần tới vụ, bông lúa ngả vàng, trĩu xuống đỡ những hạt thóc đang dần thành hình. Hương gạo sữa lan vào không trung, quyện cùng mùi cỏ non được gió đưa đến từ bờ mương gần đấy, đọng lại ở đầu lưỡi tôi vị tươi mới ngọt ngào. Ở bên kia con đường là dòng sông xanh mát. Lá cây gần đó xum xuê, rủ bóng xuống mặt nước, theo nhịp của gió rung lên một khúc ca vô danh. Thỉnh thoảng có cá ngoi lên đớp động, mặt sông lại rung lên, sóng sau xô vào sóng trước, vẽ lên những đường vân sống động. Anh Vũ thấy tôi nhìn đến thất thần, khoé miệng vẽ lên một nụ cười tươi rói. "Sao, thấy thú vị hơn hẳn chứ?"

Tôi gật đầu, dần cởi bỏ tấm áo choàng, cũng như cái bao của chính mình. Tia nắng chạm vào bờ má khiến tôi thấy can đảm hơn. Cảm giác thân thuộc tràn về, tôi nhận ra, thế giới này cũng không khác thế giới mà tôi từng sống là bao. Dù có đáng sợ thế nào, nơi đây vẫn có mặt xinh đẹp và dịu dàng đến nhường vậy. Gió mơn man mái tóc tôi, có cánh hoa rụng xuống, nhẹ nhàng cuốn quanh như chào đón kẻ lạc thời.

Chúng tôi dừng chân tại một đình làng. Lúc này người dân đang tụ lại quanh đình để tổ chức lễ cúng thần cho mùa màng bội thu. Chúng tôi lại gần đấy, tham gia buổi lễ cùng dân làng. Trưởng làng cùng các thầy cúng lẩm nhẩm vài câu vái thần, cầu cho mưa thuận gió hoà, hoa màu tươi tốt, đời sống con dân được no đủ, ấm êm.

Trong lòng tôi lại xao xuyến nhớ về những ngày còn bé. Khi ấy mới chỉ học cấp một, ngày nào tôi cũng ngồi giở lịch, đếm ngược đến ngày nghỉ hè để được cho về quê nội. Tôi cùng đám trẻ con trong làng thích nhất là những dịp lễ cúng thế này, vì sau mỗi buổi lễ, đứa nào cũng được phát bao nhiêu là đồ ăn và bỏng gạo. Tôi thích mê cái món bỏng gạo trắng trắng được nổ thành gậy dài, cắn vào giòn rụm, vị gạo ngòn ngọt còn ngon hơn cả mấy gói bim bim hay mua trên phố. Nhưng từ khi lên cấp hai, việc học trở nên nặng hơn, tôi không còn được về quê thường xuyên nữa.

Sau phần lễ, chúng tôi được giữ lại để tham gia hội làng. Tôi và Anh Vũ được gọi vào ngồi cùng một chiếu với thanh niên trong làng, được chia ít thịt, rượu, hoa quả và cả cơm nắm muối vừng. Những bài ca dân dã vang lên trong tiếng cười nói rả rích. Dựa theo cách mà Anh Vũ nói chuyện, tôi nhận ra hắn là người quen ở đây. Họ hồ hởi chào hỏi hắn, thi thoảng lại có kẻ đến vỗ vai nói vài câu bông đùa. Anh Vũ ghé tai họ nói gì đấy, tôi không nghe rõ, chỉ thấy lát sau hắn đứng lên, dặn tôi cứ tự nhiên trò chuyện cùng mọi người.

Dân làng thân thiện đến mức chỉ sau vài phút e ngại ban đầu, tôi đã có thể thoải mái tiếp chuyện được với các chị, các cô. Họ vui đùa qua lại, đôi lúc lại thêm vào một hai câu tục ngữ, ca dao. Giọng họ hơi nặng và ngọng, tuy nhiên khi ngâm vài điệu dân ca thì lại trong trẻo lạ thường. Tôi dường như bị cuốn vào cái không khí vui tươi ấy, không nhận ra là Anh Vũ đã quay lại tự lúc nào.

Hắn ngồi xuống cạnh tôi, tay xoè ra mấy con tò he được nặn bằng bột gạo. Tôi sững người nhìn theo. Tò he thời này chỉ đơn giản là hình con gà, con trâu, màu sắc được nhuộm tự nhiên, nhàn nhạt chứ không được rực rỡ như phẩm màu hiện đại. Dù chỉ là món đồ rất bình thường, tuy nhiên tim tôi lại nhói lên một cái. Trong đầu tôi chạy vụt về những ngày còn được ông cõng trên vai, nhong nhong bồng đi khắp xóm. Chỉ những lúc như thế, tôi mới chịu ăn hết một bát cơm. Ông tôi có nụ cười hiền như Bụt, da nhăn nheo những đốm đồi mồi, bụng nhão nhoẹt toàn da với mỡ. Nhưng tôi lại cực thích chui vào lòng ông day day cái bụng ấy. Thậm chí là mỗi buổi đêm, phải day bụng mỡ của ông một lần thì tôi mới ngủ ngon được. Ông tôi có sở thích đặc biệt với tò he, đến nỗi lần nào về quê được dắt đi chơi, tôi cũng đều được ông mua cho một con. Có hôm là hình Tôn Ngộ Không, Na Tra, cũng có hôm lại là Trạng Quỷnh, Hằng Nga, thằng Bờm,... Trong cái đầu trẻ thơ của tôi lúc bấy giờ, chẳng có thứ gì đẹp và sống động bằng tò he của ông. Đẹp đến mức tôi cứ để dành ngắm mãi, không chịu để ai động vào cho đến khi nó hỏng mới thôi. Rồi đến khi ông mất, cũng chẳng ai mua tò he cho tôi nữa. Cái sở thích khi còn bé tí cứ thế trôi dần vào quên lãng, cuốn theo cả ký ức của tôi về ông...

Nước mắt tôi lại rơi xuống tự bao giờ, lã chã, ướt đẫm hai gò má. Tôi khóc trước cả khi mình kịp nhận ra. Ngay giữa hội, trước biết bao nhiêu người, tôi bật khóc như một đứa trẻ. Nỗi nhớ tích tụ cả tuần nay lại được thể bung ra, trào dâng như thuỷ triều dữ dội. Anh Vũ ở bên giật mình, bối rối không biết mình đã làm gì sai. Mọi người xung quanh bắt đầu ngó lại nhìn như thể hắn vừa trêu chọc tôi.

Không biết phải giải thích thế nào, hắn đành cười trừ với dân làng, tạm biệt họ rồi nhanh chóng kéo tôi dậy.

Nắng vàng ươm phủ lên mái đầu chúng tôi. Anh Vũ đi trước, tôi theo sau, tay hắn nắm lấy tay tôi, cả hai không nói với nhau một lời nào. Tôi vẫn chưa thể ngừng khóc. Hắn cũng không giỏi dỗ người, cho nên chỉ biết kéo tôi ra đến bờ sông bên cạnh bãi bồi. Chúng tôi ngồi bó gối tại bờ cỏ gần đó, trên tay tôi vẫn đang nắm chặt mấy con tò he.

Anh Vũ bứt vài ngọn cỏ, vu vơ kể lại. "Khi bé, tôi cũng hay níu ông bà đòi bằng được vào mấy quầy tò he. Ông bà chiều cháu, lần nào cũng chịu mua một hai con cho tôi. Lâu lắm rồi tôi cũng không còn nhớ nữa, cho đến hôm nghỉ nhờ tại làng này."

"Đây là một làng nghề làm tò he. Khi nhìn thấy những món đồ này, tự nhiên tôi lại nhớ đến những ngày xưa cũ. Tôi đã nghĩ là nếu thấy chúng, cô cũng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn."

Hắn nhìn tôi vẫn đang nước mắt lưng tròng, rồi thở dài thượt. "Nhưng có lẽ tôi đã nhầm rồi."

Ngón tay tôi vô thức chạm lên mu bàn tay hắn.

"Không đâu, cảm ơn cậu."

Tôi gạt nước mắt, cố nói từng từ trong cơn nấc nghẹn. "Món quà này rất ý nghĩa với tôi, thật đấy."

Nói rồi tôi quay sang bên hắn, đối diện với đôi mắt đen lay láy.

"Nhờ cậu mà tôi nhận ra được thế giới này chân thật đến thế nào. Tôi vẫn rất nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ bạn bè, người thân. Không bao giờ tôi có thể ngừng nhớ họ được. Nhưng, Anh Vũ à, giờ tôi không còn thấy sợ nữa."

Tay tôi mân mê mấy con tò he.

"Ông tôi từng là cán bộ cách mạng từ thời chống Mỹ. Các bạn ông kể, hồi đó có nhiều nhiệm vụ khó khăn đến thế nào, ông cũng có thể xoay sở để hoàn thành được. Vậy nên từ ngày bé tôi đã ước lớn lên sẽ được ngầu như ông."

"Có lẽ trên trời, dù tôi có ở nơi đâu, ông cũng sẽ tìm thấy được tôi. Nếu phải nhìn thấy tôi trong tình trạng như này, ông hẳn thấy buồn lắm. Vì tôi là cháu gái ông, cho nên dẫu có khó khăn ra sao, tôi cũng phải sống thật tốt mới được."

Mặt nước trong veo phản chiếu ánh sáng rực rỡ lên gò má hắn. Gió lay động thảm cỏ xanh rì, thổi vào hồn tôi một sức sống lạ kỳ.

"Anh Vũ, cảm ơn vì tất cả. Đã đến lúc tôi phải mạnh mẽ hơn rồi."

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info