ZingTruyen.Info

Đạo Mộ Bút Ký - Quyển 7

Chương 40: Ký sinh

XiaoYing0820

Cái bản mặt tên này vô tội cực kỳ, thậm chí còn có vẻ như đang cười trên nỗi đau của người khác ấy, tôi hoàn toàn ngẩn ra, nhất thời không phản ứng được gì, đúng một giây sau mới nghĩ đến việc rụt chân lại xem rốt cuộc hắn ta đã làm cái trò mèo gì.

Nhưng khi nhìn lại thì chỉ thấy vết thương của tôi, máu đương nhiên là có, nhưng hoàn toàn không thấy cảnh tượng thê thảm khi mạch máu bị khoét ra, tôi cử động một chút, ngoại trừ cảm giác đau đau từ vết thương ra thì không có bất kỳ khó chịu nào.

Tôi liếc nhìn tên này đầy vẻ ngờ vực, hắn ta chỉ lẳng lặng nhìn tôi, nhưng tôi vẫn chẳng hiểu ra làm sao cả, rốt cuộc là mạch máu nào đứt?

Nhìn nhau một hồi, đột nhiên tên đó phì cười, nụ cười rất hàm súc, rất kỳ cục, tôi lại càng ngơ ngác, hắn mới nói: “Tôi chỉ đùa thôi mà.”

“Đùa?”

Hắn phì cười, vỗ vỗ tôi, thảy bình nước cho tôi để tôi tự rửa sạch vết thương, rồi nói: “Cuộc đời cậu chắc buồn tẻ lắm nhỉ.”

Tôi mới từ từ hiểu ý hắn, cũng không tức giận gì, chẳng qua chỉ thấy buồn cười, nghĩ bụng cái thằng ranh nhà mi có tư cách gì đòi dạy dỗ ta? Cũng chẳng thấy cuộc đời mi có nhiều vui vẻ gì hơn đâu.

Có điều, lần này lại khiến tôi phải thay đổi cái nhìn về tên này. Ban đầu tôi cũng không thấy hắn ta có vấn đề gì, nhưng vì hai đứa bọn tôi có hoàn cảnh gia đình quá giống nhau, tuy tôi xác định được tính cách của mình là như thế này, nhưng tôi cũng hiểu rõ, sống trong hoàn cảnh của hắn ta, rất có thể hắn ta sẽ biến thành dạng người nào hoặc bị ép trở thành dạng người như thế nào.

Đây cũng là điểm chung của tất cả những người trong cái nghề đổ đấu này mà tôi từng gặp gỡ tiếp xúc, dù là Bàn Tử, Muộn Du Bình hay Phan Tử, chú Ba, những người có năng lực rất cao siêu đó, phong cách làm việc của họ đều trọng tính hiệu quả và lợi ích là trên hết. Cũng không phải bảo họ là những người hoàn toàn vụ lợi, chỉ là bọn họ không có những suy nghĩ kiểu “làm những việc hoàn toàn không liên quan đến thực tế cuộc sống, hoàn toàn không có ai lý giải nổi” của những người có tâm hồn nghệ sĩ.

Nhưng trò đùa này của Tiểu Hoa, tuy là ngớ ngẩn vô nghĩa, đây cũng là nguyên nhân khiến tôi phải đần ra một lúc, vì những kẻ đi đổ đấu thường có gì nói đấy, chứ không như thế này. Trò đùa này khiến tôi chợt nhận ra, hắn không giống những người khác.

Chắc là vì tên này vốn là nghệ sĩ tuồng. Điều này làm tôi không khỏi nghĩ đến những mẩu chuyện thú vị về Nhị gia Lão Cửu Môn năm xưa, nhân vật vừa tuyệt đỉnh anh hùng lại vừa như một đứa trẻ đó có lẽ là một người đáng yêu nhất trong Lão Cửu Môn.

Xử lý xong vết thương, tôi bèn dán lên đó cả đống băng cá nhân, khiến cả cái chân nom cứ như một tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại, rồi mới đi tất vào. Thấy Tiểu Hoa chui vào sâu bên trong một chút, rồi gọi tôi lại xem, tôi vừa nhìn, mới thấy đám tóc kia ngày càng tràn về phía cửa hang, hiển nhiên là bị mùi máu của Tiểu Hoa thu hút.

Tôi mới hỏi làm thế nào bây giờ, với cái bộ dạng này của hắn, ngay cả di chuyển còn bất tiện nữa kia. Nếu không phải tôi vẫn không biết bọn tôi chết dí ở chỗ này làm gì, thì tôi đã tự ý quyết định tống hắn xuống khỏi vách đá rồi.

“Trong khoảng thời gian này, tạm thời chúng ta không vào đó nữa.” Tiểu Hoa xoa xoa vết thương nói, “Chắc chẳng bao lâu nữa phía bà bà sẽ có tin tức, chúng ta không cần phải vào lúc này làm gì. Bây giờ thì tụi mình ngồi chờ tin tức thôi.”

Cuối hang động này là một cái mâm sắt, không nhìn ra được nó thuộc niên đại nào, cũng không biết là có tác dụng gì, lại càng không biết “thứ khó nhằn” trong lời Tiểu Hoa là cái gì, nhưng mà, tình hình bên trong hang động liếc cái là thấy rõ hết ngay, quả thực không cần thiết phải chui vào trong.

Tôi nhớ đến lời lão thái bà, hai đội ngũ này cần phải phối hợp lẫn nhau, cũng không biết cách phối hợp là như thế nào nữa, trong lòng tôi cứ thấy bất an.

Hai tiếng đồng hồ nữa, đám thủ hạ bên dưới mới trèo lên tới nơi, gần như không còn hình người nữa, bọn họ thấy dưới đất đầy máu mà sợ hết cả hồn, chúng tôi bèn kể lại sự việc, sau đó, nhờ bọn họ giúp treo Tiểu Hoa lên đỉnh vách đá. Sau đó, bọn họ lại trèo xuống để chuẩn bị thêm thuốc men và đồ ăn thức uống.

Mấy ngày sau đó, cuộc sống của bọn tôi cứ như là người chim vậy, làm tổ trong cái ổ chỉ rộng có vài tấc vuông treo lơ lửng trên vách đá, bốn phía là vực sâu vạn trượng, nếu không hoạt động gì thì thôi, nhưng một khi đã cử động thì có thể nói đó là cả một hoạt động tiêu tốn thể lực nhất thế giới này.

Định lực của Tiểu Hoa rất tốt, tên đó cả ngày chỉ cắm mặt vào chơi game trên di động, hoặc là ngẩn người nhìn núi tuyết phía xa xa, ngồi lơ lửng trên đỉnh vách đá cao tít tắp vừa ngóng ra xa ngắm cảnh sắc tuyệt đẹp như tiên cảnh vừa cầm máy chơi Tetris, quả thực cứ cảm thấy sai sai, làm tôi thấy không chân thật chút nào.

Mà tôi cũng không chịu kém cạnh, tựa mình trên vách đá, nơi gió trên cao thổi tạt qua, ngút cả tầm mắt là màu xanh biếc của vô số tán cây rậm rì lay động bên dưới, thi thoảng lại trò chuyện với Tiểu Hoa về chuyện ngày xưa, rồi lại ngồi ngẩn người, cảm giác cứ như hai tên ngốc trong vở “Chờ đợi Godot”*. Điều đau khổ duy nhất là việc “giải quyết nỗi buồn”. Sự dữ dội của màn vệ sinh cá nhân này đã phá hoại hết toàn bộ những cảm giác mơ mộng nhất, hơn nữa, lại còn nguy hiểm đến tính mạng.

* Chờ đợi Godot hay Waiting for Godot là một vở kịch tiểu biểu cho trường phái kịch phi lý, ở đây là một vở bi kịch trào phúng, cả vở kịch chỉ là sự chờ đợi vô nghĩa và mù quáng của hai tên thất nghiệp về một nhân vật mà chẳng biết là có thực hay không.

Trong lúc này, các anh em ở dưới mỗi ngày đến đến thôn làng gần đó một chuyến, dùng điện thoại ở đó để xác nhận tin tức, suốt mấy ngày đầu đều không có bất kỳ tin tức gì, nhưng đến ngày thứ ba, từ dưới vách đá chuyển lên một phong bì to tướng.

Bọn tôi mở ra, thấy trong phong bì toàn là giấy tờ và ảnh chụp. Tấm thứ nhất, là ảnh chụp chung của Bàn Tử, Vân Thải và cả Muộn Du Bình nữa. Ảnh chụp ở bên dòng suối quen thuộc, Bàn Tử mặc quần đùi, tạo dáng pose Hoàng Kim Vinh, Muộn Du Bình ngồi trên một tảng đá bên cạnh, Vân Thải phối hợp với Bàn Tử tạo pose Hoàng Kim Vinh, cô bé mặc bộ đồ hiệu ELAND mà Bàn Tử mua tặng, trông vừa ngây thơ đáng yêu lại có chút quyến rũ mơ hồ, rất phù hợp với cái khẩu vị quái ác của Bàn Tử.

Phía sau tấm ảnh, Bàn Tử viết ba chữ: 【Ghen tị chưa.】

Tôi chửi thề một tiếng, quay sang thoáng nhìn chiếc áo may-ô dính máu của Tiểu Hoa, nghĩ thầm mẹ kiếp chả nhẽ mình vào nhầm team rồi.

Những tấm ảnh còn lại đều được chụp khi bọn họ tiến vào trong núi. A Quý cũng ở đó, hình như vẫn là anh ta dẫn mọi người vào núi, tôi còn thấy lão thái bà ngồi trên loan giá, dáng vẻ đích thị là một Lão Phật Gia, không khỏi nhớ đến Trần Bì A Tứ, thầm nghĩ chẳng phải đã nói những kẻ đổ đấu về già đều bi thảm hay sao? Những người này nếu không nhiều rắc rối như vậy, thì nhất định chất lượng cuộc sống còn cao cấp hơn cả mấy nhà giàu bình thường nhiều.

Tôi lật xem một lượt, mới thấy bọn họ đến khe nứt mà lúc đó tôi đã kéo Muộn Du Bình và Bàn Tử ra ngoài. Nơi đó nằm dưới chân núi, khắp nơi toàn là bụi cây, thế mà bọn họ cũng tìm được, tất cả trang bị đều chồng chất ở gần khe nứt đó, Muộn Du Bình mặc trang phục thám hiểm hang động, hình như là chuẩn bị tiến vào bên trong.

Tất cả những bức ảnh về sau đều không chụp người nữa, hình như là cảnh tượng bên trong hang động, nếu có chụp phải người thì cũng chỉ là vô tình lọt vào ống kính mà thôi.

Tiểu Hoa sốt ruột, lật xem với tốc độ rất nhanh, cho đến khi lật đến một tấm ảnh có đánh dấu mực bút đỏ, mới lấy ra.

Chúng tôi nhìn thấy đó là một đoạn lối đi trong đá núi, chính là đoạn đường mà tôi lúc trước từng chui rúc ở trong, dưới ánh đèn loang loáng, màu sắc hai bên vách đá rất ảm đạm, nhưng có thể nhìn thấy Muộn Du Bình đi ngay đầu tiên, hắn ta đang cố gắng nhích người ra để người đi phía sau có thể chụp được vật phía trước. Đó là một tấm đá, bên trên có khắc hoa văn gì đó hình tròn, trông như là một bản đồ sao.

Ảnh chụp rất rõ nét, tôi liền phát hiện ra ngay, hoa văn đó chẳng phải chính là hoa văn mà chúng tôi từng bắt gặp trên cái mâm sắt ở cuối hang động kia hay sao? Khắp bốn góc mâm sắt đều được khắc những hoa văn rất nhỏ, rất tinh tế. Mấy bức ảnh đằng sau là hình chụp cận cảnh những chi tiết nhỏ của hoa văn đó.

Tiểu Hoa rùng mình một cái, như thể đã hiểu ra được điều gì. Tôi bảo tên đó lật tấm ảnh lại, xem phía sau, quả nhiên đằng sau tấm ảnh có một dòng chữ.

Khi vừa nhìn tấm hình ấy, tôi liền biết ngay hành động của đám người Muộn Du Bình có liên quan đến hành động của bọn tôi, mà ngay cả mục tiêu của bọn họ cũng liên quan đến mục tiêu của bọn tôi.

Dòng chữ phía sau tấm hình đã xác thực suy đoán của tôi, nhưng cũng không hề gợi ý gì nhiều hơn cho chúng tôi.

【Ở bên trong cách lối vào bảy trăm mét, gặp phải chướng ngại vật thứ nhất, manh mối then chốt để phá giải chướng ngại vật này nằm ở chỗ các cậu, không biết tình hình chỗ các cậu thế nào, xin hãy cố gắng phân tích.】

Viết rất rõ ràng như vậy.

Như vậy có thể suy đoán, bọn họ đã tiến vào trong khe nứt trong núi đá nơi tôi từng chui ra ở Ba Nãi, có lẽ dựa vào Dạng thức Lôi, bọn họ đã phát hiện được lối vào tòa cổ lâu trong lòng núi mà Hoắc lão thái đã nhận định, nhưng trên đường đi bọn họ lại gặp phải chướng ngại vật, mà chướng ngại vật này có lẽ chính là thứ được chụp trong ảnh đây.

Tôi không biết đó là một cánh cửa, hay là một bức tường đá ngăn cách, hoặc thậm chí có thể là một mặt cắt của đá. Nhưng mà, không nghi ngờ gì nữa, hình vẽ khắc trên đá này chính là hình vẽ khắc trên mâm sắt kia, giữa bọn chúng có một mối liên kết nào đó.

Nếu quả thực như lời lão thái bà nói, những tầng còn lại của Trương gia lâu nằm trong lòng một quả núi đá, như vậy tức là, người đã xây dựng và giấu kín tòa cổ lâu đó, Dạng thức Lôi đã trùng tu tòa cổ lâu, và vị cao nhân đã bố trí cái mâm sắt trên một vách núi đá cao chót vót cách đó ngàn dặm, giữa ba nhân vật này có vô vàn những đường dây mối nhợ nào đó, có lẽ là phức tạp đến mức không thể tưởng tượng nổi.

Chúng tôi kẹp những tấm ảnh quan trọng vào khe hở giữa những thanh cốt sắt của cái “tổ”, cẩn thận xem xét kỹ lưỡng từng tấm ảnh một.

Tôi gần như có thể khẳng định, hình vẽ khắc trên vách đá kia chính là cái mâm sắt ở đây, đường nét hình tròn bao quanh các hoa văn đó chắc là thể hiện hình ảnh cái mâm đó.

Các hoa văn trên mâm sắt rất đáng để thưởng thức kỹ lưỡng. Thế nhưng, nhìn dưới góc độ kỹ thuật điêu khắc, toàn bộ nét chạm trổ trên vách đá này lại chẳng thể coi là một tuyệt tác gì cho cam, tức là nó hoàn toàn không có giá trị nghệ thuật gì mấy, thậm chí có nhiều đường cong còn không hoàn chỉnh, hoa văn khắc trên vách đá này chắc chỉ là một bán thành phẩm, chưa được đánh bóng kỹ lưỡng.

Xét về phong cách, hoa văn này có những đặc trưng rõ nét của thời Thanh, chắc chắn là có dính líu đến Dạng thức Lôi rồi. Nhưng nếu như là thiết kế do Dạng thức Lôi chủ trì, thì nó lại hơi bị qua loa quá mức, như vậy có thể thấy loại thiết kế này có mục đích chức năng hơn là mục đích trang trí, xem ra, chướng ngại vật tường đá này không đơn giản chút nào. Chúng tôi sắp xếp lại các bức ảnh theo thứ tự kim đồng hồ, bắt đầu xem xét từ vị trí mười hai giờ.

Hoa văn trên tấm hình đầu tiên là một loài động vật kỳ quái.

Tôi gần như có thể đọc thuộc làu làu các loại động vật thường được chạm khắc theo truyền thống Trung Hoa, nào là Tỳ Hưu, Xá Lỵ vân vân gì đó, nhưng con vật này, tuy rất hiếm gặp, nét chạm khắc lại trông vẫn khá trừu tượng, nhưng tôi vẫn nhận ra được ngay, đây là một con “Hống”.

Con “Hống” này, có hai cách giải thích khác nhau, một bên nói nó là ông nội của Kỳ Lân, Kỳ Lân được xem như là một loài thần thú thượng cổ, nhưng thường người ta cho rằng nó vẫn kém Rồng một bậc, “Hống” là tổ tông của Kỳ Lân, lấy Rồng làm thức ăn, trong chuỗi thức ăn, nó nằm ở trên đỉnh cao nhất. Có cách nói khác lại cho rằng nó là một loại của “Bạt”, cũng là một loại bánh tông vô cùng đặc biệt.

Con “Hống” trong điêu khắc bị một vật kỳ quái trói buộc, nối liền với phần bên dưới của hoa văn điêu khắc trên cái mâm sắt.

Hoa văn trên tấm hình thứ hai hình như nối liền cùng với con Hống trên tấm hình thứ nhất, toàn bộ hoa văn này dường như là một chỉnh thể, nhưng tôi nhìn ra được điểm mấu chốt trên các phần trang trí, đó là mấy hình người. Nhưng mà, có thể thấy, những hình người này đều không có tay phải.

Tổng cộng có chín hình người thiếu tay phải, có cái miêu tả ở xa có cái miêu tả ở gần, tất cả đều ở trần, mặc quần, trông như đang bỏ chạy, nhưng không hề hoảng loạn.

Đụng trúng ngành tôi am hiểu, lại thấy thứ tốt, không kìm được mà muốn khoe khoang một chút, tôi chỉ vào mấy hình người kia nói: “Không trau chuốt, cũng không có dấu vết mài góc cạnh nhiều lần, mấy hình người này gần như là khắc liền tù tì một mạch mà ra. Tuy vậy, nhưng động tác và thân hình của các nhân vật trên tường vẫn sinh động tự nhiên, có trước có sau, chứng tỏ người cầm dao khắc là một thợ thủ công tay nghề đỉnh cao. Mặc dù anh ta không hề coi trọng việc này, nhưng kỹ thuật điêu luyện qua nhiều năm trong nghề khiến anh ta chỉ cần vài nét dao cũng có thể điêu khắc ra được cái thần cho nhân vật.”

Sự chú ý của Tiểu Hoa lại không nằm ở điểm này, hỏi: “Vì sao lại không coi trọng?”

Tôi nói: “Thợ thủ công thời cổ chia làm hai loại, một loại vừa khéo tay lại vừa tinh thông các loại kỹ thuật công trình, được gọi là ‘chưởng án’, loại thợ này thường chế tác ra những món đồ nhỏ cực kỳ tinh xảo, cái kiểu chạm trổ điêu khắc đá sơ sài như này chắc hẳn không phải do họ làm. Loại còn lại chính là thợ thủ công thuần túy mà chúng ta vẫn hay gọi là ‘thợ lành nghề’, những người này kỹ thuật tinh diệu, nhưng vốn là người làm lụng chân tay, phải dựa vào sức lực và tay nghề để kiếm sống, loại này là thợ thủ công chứ không phải là nghệ sĩ, cho nên, bọn họ không yêu cầu khắt khe với bản thân, chỗ nào lười biếng được là lười biếng luôn.”

Ban nãy tôi đoán rằng, hoa văn chạm trổ trên vách đá kia chủ yếu chỉ mang tính chức năng nào đó cũng là dựa vào điều này. Để khiến các thợ thủ công dốc toàn bộ tâm trí và sức lực vào công việc chỉ có một, đó là ông chủ của họ thực sự quá khó chiều.

Tiểu Hoa gật đầu, tỏ ý bảo tôi xem tiếp bức bên dưới.

Bức bên dưới, ở vị trí sáu giờ, chụp một hoa văn trông có vẻ khó hiểu, đó là một đám người, nhưng không phải nhóm người đang tháo chạy ban nãy, bởi vì nhóm người này vẫn còn đủ hai tay, hơn nữa, phục sức của họ rất đặc biệt. Khi vừa nhìn qua, tôi liền cho rằng nhóm người này chắc chắn không phải người Hán.

Nhóm người này, ai nấy tay đều cầm đao dài, đội một loại mũ rất kỳ lạ. Số lượng rất đông, người thợ sử dụng kết cấu chồng lên nhau để miêu tả, không thể đếm rõ được cụ thể là bao nhiêu người, hơn nữa, xem tư thế của bọn họ, thì dường như là đang mai phục.

Tôi cảm thấy hết sức khó hiểu, dựa theo thông lệ bình thường, thì tổng thể bố cục toàn bộ bức chạm trổ này có vẻ rất rời rạc, mỗi bức tranh đều thể hiện một ý nghĩa riêng biệt, thế nhưng, hễ cứ nối liền ba bức tranh nhỏ vào nhau là lại ra một bức tranh lớn có nội dung rất rõ ràng. Không thể nói rõ được liệu có phải là chúng mang hai lớp nghĩa hay không.

Nếu vậy thì, bức tranh chạm trổ cuối cùng sẽ rất quan trọng đây. Tôi lập tức nhìn xuống tấm hình cuối cùng.

Hoa văn được chụp trong tấm hình cuối cùng lại ngoài dự đoán của tôi, ở đó không điêu khắc thứ gì siêu việt lạ thường, mà ngược lại, ở đó, căn bản chẳng hề chạm trổ cái quái gì, mà chỉ có ba cái lỗ sâu hoắm xếp thành hình ba bông mai.

Bốn bức chạm trổ quan trọng nhất được nối liền với nhau bằng nhiều đường cong trang trí dày đặc kín mít, hợp nhất với nét điêu khắc, nhìn tổng thể, trông giống như một chiếc đồng hồ quái đản.

Tiểu Hoa nhìn đến đó, nhướn lông mày với tôi một cái, không biết là tên đó nghĩ đến cái gì, hay là định ý kiến ý cò cái gì. Rồi hỏi tôi: “Cậu có ý kiến gì?”

Tôi chậc một tiếng, trong lòng vẫn còn nhằng nhịt lắm, những hình chạm trổ này rốt cuộc là độc lập, hay là có liên quan đến nhau? Nếu như có liên quan, vậy thì tôi có một ít kiến giải về việc này.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Info